Mút cùng thế giới - Lịch sử nói
MÚT CÙNG THẾ GIỚI
“Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật đáng kinh ngạc, thánh Luca hôm nay Giáo Hội mừng kính tuy chỉ là một tân tòng, đã trở nên một nhà truyền giáo lớn, một sử gia và là tác giả của hơn một phần tư sách Tân Ước. Như một công cụ của Thiên Chúa, Luca mang thông điệp cứu độ của Ngài đến ‘mút cùng thế giới’, đã tác động và thay đổi cuộc sống bao người thuộc mọi giới, mọi thời.
Là một thầy thuốc ngoại giáo, Luca say mê Phaolô; tại Troa, Luca xin trở lại. Trong thư Timôthê hôm nay, Phaolô nhắc đến Luca như một đồ đệ trung tín, “Chỉ một mình Luca ở với cha”. Đồ đệ này đã cống hiến hai công trình nền tảng là Tin Mừng thứ ba và Công Vụ Tông Đồ, ‘nhật ký’ của Giáo Hội sơ khai. Không thể hiện một sự am tường về niềm tin và phong tục, Luca chỉ chú tâm vào những gì cần thiết cho anh em lương dân: một Thiên Chúa xót thương, chữa lành. Chỉ Luca đề cập con số ‘72’; các Tin Mừng khác chỉ nói ‘nhóm 12’. Dẫu nhiều người trong số này đã đến các lãnh thổ Do Thái, nhưng hẳn một số đã đến những lãnh địa không Do Thái; vì thế, ‘nhóm 72’ này là biểu tượng cho sự chuẩn bị mọi lương dân ở ‘mút cùng thế giới’ đón nhận Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài.
Chỉ với Luca, chúng ta nợ ngài về những kiến thức của mầu nhiệm Nhập Thể. Khoản nợ rõ ràng như kinh Magnificat, Benedictus và Nunc dimittis mà Giáo Hội hát mỗi ngày. Với biến cố Truyền Tin, cứ như thể Luca thấp thỏm sau khuê phòng của một Maria trẻ trung xinh đẹp, nơi sứ thần Gabriel báo cho biết, cô sẽ là Mẹ Chúa Cứu Thế; bối cảnh nền tảng của kinh Kính Mừng. Và cũng chỉ với Luca, chúng ta nợ ngài về những gì đã xảy ra ở Lễ Ngũ Tuần và các hoạt động của Chúa Thánh Thần trong buổi thai nghén của Hội Thánh.
Luca được khoa khảo cổ và các học giả thế giới đánh giá cao. Nhà khảo cổ Sir William Ramsay gọi “Luca là một nhà sử học hạng nhất với những tuyên bố thực tế đáng tin cậy... Luca đáng được xếp với những nhà sử học vĩ đại nhất!”; E. M. Blaiklock, “Luca, một sử gia xuất sắc, ngang hàng với các nhà văn vĩ đại của Hy Lạp!”; N. L. Geisler cho biết, “Luca kể tên 32 miền, 54 thành phố và 9 hòn đảo mà không một sai sót!”. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, trong sự nghiệp cầm bút, Luca không viết với tư cách một sử gia mà là một nhà truyền giáo; công bố sứ điệp của Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài. Có truyền thống cho rằng, Luca còn là một hoạ sĩ; một tác phẩm nổi tiếng về Đức Maria được gán cho Luca. Vì thế, Luca được gọi là người bảo trợ các nghệ sĩ và các bác sĩ.
Anh Chị em,
“Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác!”. Chúng ta là những “môn đệ khác” được sai đến với những người cùng chung đức tin và những người chưa tin. Thánh Vịnh đáp ca báo trước, “Con cái Chúa làm cho loài người nhận biết vinh quang cao cả nước Chúa”. Bạn và tôi hãy làm cho người khác nhận biết vinh quang Nước Chúa! Hãy đặc biệt cầu nguyện cho một ai đó, cho một số người nào đó. Đừng ngần ngại trở thành một nhà truyền giáo như Luca với những phương tiện tuyệt vời ‘sẵn trên tay’ ngày nay! Khi làm vậy, chúng ta vẫn có thể tạo ‘một sự khác biệt vĩnh viễn’ trong cuộc sống của một ai đó, một nhóm nào đó, ở một góc trời nào đó. Như vậy, với Luca, bạn và tôi sẽ tiếp tục ra đi loan Tin Mừng cứu độ, lòng thương xót của Thiên Chúa cho đến ‘mút cùng thế giới’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, chớ để con lơi lỏng trong việc chuyển trao Lời Chúa đến ‘mút cùng thế giới’. Lạy quan thầy của các nghệ sĩ, đừng quên truyền cảm hứng cho con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
************
LỊCH SỬ NÓI
“Họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng!”.
“Chưa bao giờ có một gương sáng đạo đức nào đáng kể nơi một người không tin Chúa; bởi lẽ, lỗ hổng trong tim họ không được lấp đầy bằng chính Ngài!” - Will & Ariel Durant.
Kính thưa Anh Chị em,
Nhận xét của Will & Ariel Durant thật sâu sắc! Lời Chúa hôm nay đề cập lịch sử của một Israel không tin. Chúa Giêsu thẳng thừng nói với những kẻ chống đối Ngài, “Các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng!”. Ngài đã để ‘lịch sử nói’ đến những lỗ hổng của một dân tộc!
Chúa Giêsu tóm tắt và kết luận lịch sử của Israel là một lịch sử chối từ Thiên Chúa, giết các tiên tri. Và nay, đến lượt con cháu các tiền nhân, những kẻ chống đối Ngài, họ đang làm điều tương tự. Họ đang đi trên vết xe đổ của cha ông. Đó là lịch sử của một dân tộc không chung thuỷ, lạm dụng và vô ơn. Thế nhưng, tình yêu luôn lớn hơn sự bội bạc; Thiên Chúa luôn lớn hơn dân Ngài!
Lịch sử Israel là tấm gương phản chiếu lịch sử cuộc đời mỗi người chúng ta, đó là một ‘lịch sử nói’ ra những thất bại, bất trung của bạn và tôi như họ; và đáng khích lệ hơn, chúng ta được thôi thúc, cảm hứng để quay về với Thiên Chúa bằng việc thống hối ăn năn. Tuy nhiên, nếu không thừa nhận yếu đuối và thất bại của mình, chúng ta khác nào những người Pharisêu và luật sĩ, những kẻ sẽ chuốc lấy nợ máu vì sự cứng lòng!
Một thiếu nữ lững thững đi vào thánh đường, ngồi trong góc tối, chẳng để cầu nguyện, chẳng để chờ ai. Một bà nội trợ đi vào, tay xách giỏ rau; bà quỳ gối vài phút, sau đó, ra về. Cô gái sững sờ, cô đang đấu tranh với niềm tin. Và ngần ấy đủ cho cô! Bà ấy đã cho cô thấy niềm tin công giáo có cơ sở như thế nào trong đời sống. Cô đứng dậy, hớn hở ra về. Chúa quan phòng đã đổ ân sủng Ngài xuống để cứu linh hồn cô, một linh hồn đang nổi loạn. Chỉ một gương sáng của bà nội trợ, cô ấy đã là một vị thánh của nước Đức, một triết gia, một nhà thơ, một văn sĩ, một vị thánh bảo trợ Âu châu được Gioan Phaolô II tôn phong ngày 11/10/1998. Đó là chị Thérèse Bénédicte Edith Stein dòng Carmel.
Qua thư Rôma hôm nay, Phaolô nói đến lịch sử một nhân loại bất chính, nhưng đó cũng là lịch sử của xót thương, “Mọi người đã phạm tội, bị tước mất vinh quang Thiên Chúa!”; nhưng “Họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa… trong Đức Kitô”. Thánh Vịnh đáp ca thật ý tứ, “Chúa luôn luôn từ ái một niềm, ơn cứu độ nơi Người chan chứa!”.
Anh Chị em,
Lịch sử của Israel, một lịch sử được xót thương! Cũng thế, lịch sử của Edith Stein! Đó là một thiếu nữ mà trước đó, tâm hồn cô là một lỗ hổng. Và chỉ cần một gương sáng nhỏ của một người đầy Chúa, linh hồn cô đã được cứu, được biến đổi và cô đã trở thành một vị thánh. Blaise Pascal thật chí lý, “Bên trong mỗi người luôn tồn tại một lỗ hổng hình Chúa!”. Hãy để Chúa lấp đầy! Bạn và tôi với những mốc lịch sử riêng của mình, ngày thành hôn, ngày tuyên khấn, ngày chịu chức… chắc chắn có những khoảnh khắc lịch sử xót thương của mình! Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy nghe ‘lịch sử nói’ và đáp trả bằng một niềm tạ ơn liên lỉ, kèm theo một lòng thống hối để trở về với Chúa, Đấng xót thương!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, chớ gì lịch sử đời con, một lịch sử được xót thương, cũng là lịch sử của hoán cải và là một lịch sử thánh của ‘một người sắp nên thánh!’. Tại sao không?”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: