Tuy hai mà một
TUY HAI MÀ MỘT
Đâu đó bạn bè, những người không có đạo thường hỏi chúng ta rằng: cốt lõi của đạo Công Giáo là gì, hoặc điểm chính yếu nhất của đạo Công Giáo là gì? Đặt trường hợp, chúng ta được hỏi, liệu chúng ta có thể trả lời được chăng, hay chúng ta chỉ nhoẻn miệng cười trừ, rồi tạm biệt, hẹn ngày trở lại!!
Tin Mừng hôm nay, câu hỏi mà nhóm luật sĩ đặt ra cho Đức Giê-su cũng hóc búa chẳng kém. Tuy từ ngữ khác với câu chữ thời đại chúng ta, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy nội dung không khác gì mấy, “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?” (Mt 22, 36). Như chúng ta biết, toàn bộ lề luật Mô-sê và sách các Tiên tri (mà bây giờ chúng ta gọi là Kinh Thánh Cựu Ước) rất nhiều, đặc biệt lề luật của người Do Thái thời ấy thì vô vàn, tỉ mỉ đáng kinh ngạc. Cho nên những ai được gọi nhà thông luật hồi đó, quả thật cũng thuộc loại xuất chúng, không xem thường được!
Họ tưởng rằng, Đức Giê-su sẽ không trả lời được, nhưng ngờ đâu Ngài tóm tắt toàn bộ sách luật Do Thái chỉ bằng một câu ngắn gọn, đó là giới răn yêu thương: kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Tuy hai điều nhưng chỉ là một. Ngài trưng dẫn nguyên văn sách Cựu ước: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (x. Đnl 6, 5) và “ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi” (Lv 19, 18). Ngài quả quyết mạnh mẽ và rõ ràng: “Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy…Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó” (x. Mt 22, 38-40). Nói cách khác, Đức Giê-su đặt tầm quan trọng của điều răn mến yêu tha nhân như tính hệ trọng của điều răn yêu mến Thiên Chúa. Và hai giới răn này không được tách rời. Nếu tách biệt, hoặc trọng một điều mà không thực hiện điều kia, thì chúng ta đang rơi vào những lời biện hộ như thường được nghe, được thấy diễn ra trong thực tế của đời sống hằng ngày.
Cụ thể không ít người Công Giáo nghĩ và sống: kính mến Chúa, được thể hiện qua việc đọc kinh, tham dự Thánh lễ, tích cực hăng hái trong công việc nhà xứ, nhưng lại không dễ tha thứ, thương yêu anh chị em mình. Nhiều người vào nhà thờ đọc kinh sốt sắng, to rõ ràng, nhưng khi bước ra khỏi nhà thờ, hoặc về nhà thì lại không dễ thương, nhẹ nhàng, đón nhận yêu mến anh chị em, dễ cáu gắt, để bụng, giận hờn ghen ghét, ganh tị, nuôi hận thù…, hoặc đối xứ không tốt với hàng xóm láng giềng, và thường nhận lại lời chê bai: ‘người có đạo mà sống tệ vậy à?!!!!’ Lắm lúc, chúng ta trung thành, nhiệt tâm với nhà Chúa, năng nỗ đọc kinh hằng ngày, tham gia các hội đoàn giáo xứ, nhưng mối tương quan với anh chị em lại chẳng được tốt, hoặc không mến yêu tha nhân. Ngược lại, nhiều lúc được hỏi: tại sao không đi lễ, không đọc kinh nguyện hằng ngày, thì lời biện hộ hay lí do hay được nhắc tới, là: ‘đạo tại tâm mà, cho nên khỏi phải đi lễ, đọc kinh, chỉ cần yêu thương người, sống tốt với người khác là đủ!’, hay tiêu cực hơn với lối suy nghĩ ‘những người đi lễ, đọc kinh đấy, nhưng vẫn chửi bới người khác, chẳng muốn hy sinh gì của mình để giúp đỡ tha nhân, cho nên tôi chẳng cần làm vậy, biết giúp đỡ người khác, làm việc từ thiện là tốt đẹp rồi!’.
Chẳng cần bàn luận nhiều, hai xu thướng trên đã và đang hiện hữu ngày càng rõ rệt nơi chúng ta. Nếu chúng ta cứ sống như vậy, thì chắc hẳn giới răn yêu thương bị chia cắt; đúng hơn, chúng ta chưa sống đúng điều răn bác ái mà Chúa dạy. Thật ra, khi chúng ta thật lòng kính mến Chúa với toàn bộ con người chúng ta, thì nhờ điều này mà chúng ta mở lòng đón nhận và yêu thương anh chị em như chính bản thân ta. Và ngược lại, mỗi lúc chúng ta làm việc bái ái, giúp đỡ, tha thứ, yêu mến anh chị em thật tình, thì chúng ta cũng đang nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi họ và kính mến Chúa. Tuy nhiên, lắm lúc chúng ta yếu đuối, tội lỗi, sa ngã, không kiềm chế và xét mình mỗi ngày, thì bị rơi vào tình trạng như thể ‘lừa dối bản thân’ vì như lời của Thánh Gio-an viết: “nếu ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy…Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (x. 1Ga 4, 20-21).
Chính vì vậy, nếu chúng ta thật sự yêu mến hết con người mình thì lòng mến đó sẽ được bộc lộ một cách cụ thể qua những hành động, thói quen tốt lành như: tham dự Thánh lễ, nguyện gẫm, chuyện trò, tâm sự với Chúa trong các buổi tĩnh tâm, những giờ học hỏi Lời Chúa, học giáo lý; nhất là để Chúa biến đổi bản thân, đón nhận Lời và Mình Máu Thánh nuôi dưỡng chúng ta, Ngài mở lòng, thúc giục chúng ta biết chấp nhận yêu thương anh chị em như chính mình, dám hy sinh thời gian, sức lực, tiền của, trí lực, tài năng để giúp đỡ tha nhân. Những ai dám nói mình tích cực làm việc bác ái, mà không bắt nguồn từ lòng mến Chúa, từ mối tương quan thân tình với Chúa, từ việc thực hành Lời Chúa, thì có lẽ đó chưa được gọi là việc bái ái, đó chỉ có thể là việc từ thiện như biết bao nhiêu tổ chức ngoài xã hội hoặc kể cả những ai không phải Công Giáo cũng đang nỗ lực thực hiện thôi. Thoạt tiên, chữ ‘công việc bác ái’ và ‘công việc từ thiện’ dường như giống nhau và không ít người Công Giáo nghĩ có thể hoán chuyển cho nhau. Tuy nhiên, nếu xét thật gần và kỹ lưỡng về nền tảng, động lực của nó, chúng ta sẽ thấy khác xa. Công việc từ thiện thì ai cũng làm được, miễn họ có lòng thương cảm, trắc ẩn, bất luận họ là Công Giáo hay không. Trong khi ấy, việc bác ái thật sự được xuất phát từ tình mến Thiên Chúa. Đúng hơn là, Thiên Chúa yêu thương chúng ta tha thiết, vô bờ bến, và chúng ta được cảm nhận tình yêu ấy, rồi nó khiến chúng ta kính mến Người như ‘tình yêu đáp đền tình yêu’, ‘con tim đến với con tim’. Mặc khác, tình Chúa dành cho chúng ta quá lớn, nên chúng ta cảm nhận tình yêu ấy đến độ chúng ta dám ra khỏi những gì an toàn, thoải mái của bản thân mà đến với anh chị em bằng nụ cười tươi, bằng ánh mắt yêu thương, bằng đôi tay mở rộng, bằng tâm hồn trong sáng, vị tha, bằng đôi chân tiến bước giúp đỡ tha nhân, cách riêng những ai bị gán cho vùng ‘ngoại vi’, bị loại bỏ, bị xa lánh…Nói một cách chính xác, lúc ấy, chúng ta đang sống giới răn yêu thương thật sự.
Lạy Chúa, ngay giờ đây, ngay khoảnh khắc này, chúng con quỳ trước Chúa, không phải để nài nỉ cầu xin, cho bằng dâng lời cảm tạ vì Chúa đã yêu thương con vô hạn, mặc dù lòng mến của chúng con với Chúa hữu hạn, và đôi lúc tính toán, đầy những điều khoản hay lời hứa suông. Nhưng thật hạnh phúc, nhờ tình Chúa, mà mỗi ngày chúng con cảm nghiệm và được yêu mến Ngài nhiều hơn, thật hơn, cũng như biết mến yêu anh chị em khác nữa.
‘Mến Chúa yêu người’ giới răn yêu thương
Tuy hai mà một, tuy một mà hai
Không thể tách rời, trung thành thực thi
Tương giao chặt chẽ, hoà quyện vào nhau
Như sắc không màu, như màu đa sắc
Hằng ngày cảm nhận, khoảnh khắc yêu thương. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
- Loại bài viết:
- Chia sẻ Lời Chúa: