Chỗ thấp nhất - Chân dung không đáng có
CHỖ THẤP NHẤT
“Xin ông nhường chỗ cho người này!”.
“Khiêm nhường không có nghĩa là nghĩ về bản thân kém hơn người khác; là đánh giá thấp về những quà tặng riêng của mình. Khiêm nhường có nghĩa là tự do không nghĩ về bản thân cách này, cách khác. Ai khiêm nhường, người ấy tự do!” - William Temple.
Kính thưa Anh Chị em,
“Ai khiêm nhường, người ấy tự do!”, một cách tài tình, Chúa Giêsu và Phaolô sẽ khai triển câu nói của William Temple trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Từ đó, chúng ta có thể rút ra những bài học bổ ích khi biết chọn cho mình ‘chỗ thấp nhất’.
Được mời dùng bữa, Chúa Giêsu thấy nhiều người chọn những cỗ nhất, Ngài nói cho họ rằng, chúng ‘rất chông chênh’; bởi lẽ, chủ nhà có thể mời họ xuống cỗ dưới! Tuy nhiên, một người khiêm nhượng thực sự sẽ không cảm thấy xấu hổ khi nghe những lời này, thay vào đó, người ấy sẽ vui vẻ hồn nhiên nhường chỗ cho người khác; vinh dự thế gian chẳng nghĩa lý gì đối với họ. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu không nói với người khiêm nhượng, Ngài nói với những con người đang giành giật bằng được vinh dự phù hoa. Điều này, cách nào đó, cho thấy bên trong họ, đang rất bất an và thiếu tự trọng.
Thú vị ở đây là các biệt phái, những người đang cố chiếm những cỗ bàn ‘tròng trành’ đó. Chúa Giêsu tiết lộ cho họ một sự thật rằng, niềm vui và hạnh phúc thực sự chỉ được tìm thấy nơi những ai biết hạ mình và biết đề cao người khác. Xu hướng phổ biến của các biệt phái phát xuất từ việc cá nhân họ bất an và nặng sĩ diện. Trẻ em luôn cảm thấy tự do và an toàn vì không cần giữ sĩ diện! Yêu bản thân theo cách Thiên Chúa yêu chúng ta, bạn và tôi có thể hoàn toàn bình an; chúng ta trân trọng phẩm giá tha nhân, thậm chí vui mừng vì sự thành công của họ.
Cũng một chủ đề, qua thư Rôma hôm nay, Phaolô xác định “Chúa không ruồng rẫy dân Người!” như Thánh Vịnh đáp ca xác tín, dẫu xem ra thoạt đầu, Ngài quay sang ủng hộ dân ngoại. Bằng chứng là chính Phaolô, một người Do Thái thuần huyết đã nghe và khiêm tốn đáp lại ơn cứu độ. Sự không tin của người Do Thái chỉ là bước đầu Thiên Chúa cho xảy ra với mục đích khiến họ “ghen tị” với người ngoại mà ăn năn; vì làm sao Ngài có thể bỏ họ! Từ đó, những người Do Thái biết thống hối trở về, khiêm tốn đón nhận Chúa Kitô, họ sẽ được lại tự do của con cái Chúa!
Anh Chị em,
“Xin ông nhường chỗ cho người này!”. Chúa Giêsu không muốn ai trong chúng ta phải nghe những lời bất tiện này; Ngài muốn ngay từ đầu, chúng ta nhường ‘chỗ tốt’ cho người khác. Noi gương Ngài, chúng ta chiếm ‘chỗ thấp nhất’, tự do, an toàn; chỗ phục vụ, hạ mình, yêu thương! Trong thư Philipphê, Phaolô viết, “Phận là phận của một vì Thiên Chúa, Ngài đã trút bỏ hết mọi vinh quang”, chọn ‘chỗ thấp nhất’ trên thập giá; và “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài!”. Cũng thế, với bạn và tôi, khiêm tốn, đơn giản là chúng ta nhìn thấy chính mình dưới ánh sáng theo cách Thiên Chúa nhìn mình; không cần sự khen ngợi và quý trọng của thế gian; chỉ cần tình yêu Ngài dành cho chúng ta là đủ.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con chạy đôn chạy đáo vì những bã vinh hoa trần thế; để được tự do, bình an và sự tự trọng, cho con biết chọn ‘chỗ thấp nhất!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
CHÂN DUNG KHÔNG ĐÁNG CÓ
“Người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ!”.
Tang lễ của các vua Áo đã từng diễn ra tại nhà thờ St. Stephen, Vienna, với một nghi lễ rất lạ thường. Linh cữu đến, cửa nhà thờ khoá. Một viên quan lấy búa gõ. Có tiếng vọng ra, “Ai muốn vào?”; “Hoàng đế!”. Tiếng trả lời, “Tôi không biết người ấy!”. Gõ lần thứ hai, “Ai muốn vào?”; quan tuyên bố, “Hoàng đế tối cao!”; tiếng vọng ra, “Tôi không biết người ấy!”. Cuối cùng, lần gõ thứ ba, “Ai muốn vào?”; lần này câu trả lời là, “Một tội nhân đáng thương!”; “Hãy vào!”. Sau đó, cửa rộng mở và tang lễ hoàng gia bắt đầu.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nói đến những con người quên mất mình là “những tội nhân đáng thương!”. Đó là những lãnh đạo tôn giáo: các kinh sư, biệt phái; qua họ, Chúa Giêsu phác hoạ một ‘chân dung không đáng có’ cho người lãnh đạo mọi thời!
Chúa Giêsu không ngần ngại phơi trần, họ là những con người sống một cuộc sống hời hợt và nông cạn, “Họ làm mọi việc cốt cho thiên hạ thấy”; họ là những kẻ đạo đức giả, vì “Họ nói mà không làm”; họ trở thành nô lệ cho sự lừa dối của chính mình bằng cách chỉ tìm kiếm sự tán thành hoặc ngưỡng mộ của người khác. Tự bản thân họ chẳng là gì ngoài sự phù phiếm thảm hại, tự hào, lố bịch, trống rỗng và ngu ngốc. Đó là một ‘chân dung không đáng có’ nơi người môn đệ Giêsu dù họ ở đấng bậc nào, mọi nơi, mọi thời!
Từ tạo thiên lập địa, cám dỗ kiêu ngạo thường xuyên ấy vẫn tiếp tục diễn ra; con rắn xưa vẫn thì thầm bên tai chúng ta, “Khi các ngươi ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như thần, biết điều thiện, điều ác”. Và chúng ta tiếp tục hãnh tiến với nhiều danh hiệu khoa trương. Chúng ta thường xuyên chiếm giữ một nơi không phải của mình. Đó là thái độ của người Pharisêu, thái độ mà ngôn sứ Malakia trong bài đọc thứ nhất đã nói tiên tri, “Các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo!”.
Thay vì mặc lấy một ‘chân dung không đáng có’ như thế, tính cách người môn đệ Giêsu phải hoàn toàn ngược lại, “Người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ!”. Bài đọc thứ hai cho thấy Phaolô, một lãnh đạo mẫu mực, “Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ”; “Chúng tôi quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống mình nữa!”. Bấy giờ, bình an sẽ trào dâng, niềm vui sẽ ùa về. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Hồn con xin Chúa giữ gìn, nép mình bên Chúa an bình thảnh thơi!”.
Anh Chị em,
“Người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ!”. Augustinô nói, “Chúng ta là những người lãnh đạo và là những tôi tớ phục vụ. Chúng ta có thể chủ trì, nhưng chỉ khi chúng ta phục vụ!”. Đức Phanxicô thì nói, “Điều cần thiết là sẵn sàng đánh mất chính mình vì lợi ích người khác thay vì bóc lột họ; phục vụ họ thay vì đàn áp họ vì lợi ích của mình. ‘Người khác’ ở đây - dù là một con người, một dân tộc hay một quốc gia - phải được nhìn nhận, không chỉ như một loại công cụ… mà là ‘người anh em’, một ‘người cần trợ giúp!’”. Bạn và tôi cần trở thành những lãnh đạo phục vụ trong một cộng đồng phục vụ: Giáo Hội là một cộng đồng phục vụ. Vì “Thước đo của một Kitô hữu chân chính không phải là anh ta có bao nhiêu người phục vụ mà là anh ta phục vụ bao nhiêu người!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con khoe mẽ về bất cứ điều gì của riêng mình ngoài tội lỗi. Cho biết dõi theo Chúa, nên giống Chúa, một chân dung đáng mơ ước!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Chia sẻ Lời Chúa: