Đầu tư cho sự thánh thiện - Linh hồn của mọi Thánh Đường
ĐẦU TƯ CHO SỰ THÁNH THIỆN
“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được!”.
Tháng 10/2021, công chúa Mako, Nhật Bản, từ bỏ hoàng gia và 1,3 triệu Mỹ kim hồi môn để xe duyên với Komuro, một luật sư, con của một người mẹ đơn thân. Theo luật hoàng gia, kết hôn với một thường dân, các thành viên nữ phải từ bỏ tước vị và không có một nghi lễ cưới hỏi truyền thống. Mako chia sẻ, “Chúng tôi nghĩ, mình đã tìm được người bạn đời quý giá. Tôi muốn một cuộc sống yên ả trong môi trường mới của tôi!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu Mako đã hy sinh tất cả, đầu tư cho tiếng gọi của con tim, người môn đệ Kitô cũng phải bỏ vốn để ‘đầu tư cho sự thánh thiện’ của mình. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiết lộ, ‘vốn’ đó không chỉ là “hết những gì mình có”, mà cả “cha mẹ”; thậm chí “mạng sống!”.
Minh hoạ kế hoạch của một người xây tháp, Ngài nói đến các kế hoạch. Sẽ là gì? Hy sinh nhiều! Nhưng như cảm giác vui mừng khi cắt băng khánh thành toà tháp, mọi nỗ lực ‘đầu tư cho sự thánh thiện’ của bạn sẽ mang lại một sự hỷ hoan đến tận đời đời!
Chúa Giêsu còn đưa ra một ví dụ khác, một vị vua sắp đi giao chiến. Đâu là mục tiêu tiên kiến của một kế hoạch chiến đấu? Rất đơn giản: “Không gì thay được chiến thắng!”. Thế nhưng, chiến tranh luôn nghiệt ngã và nếu khả năng bị đánh bại là một điều có thể thấy trước; tốt hơn, nên tìm chiến thuật khác. Cũng thế, với sự thánh thiện, bạn sẽ dễ dàng thắng một số “trận”; đang khi có những “trận” phải tránh hoàn toàn. Vì thế, đừng ngu khờ đánh giá cao năng lực bản thân; điều này xảy ra, đặc biệt, khi chúng ta biết mình không thể không phạm tội, và nghĩ rằng, bản thân đủ mạnh để vượt qua. Ảo tưởng! Vì một đôi khi, chiến lược đối đầu tốt nhất không phải là chiến đấu, mà là chạy trốn!
Vậy đâu là nguồn vốn? Với Chúa Giêsu, ‘nguồn vốn’ Ngài đề nghị xem ra ‘khá cực đoan’ và cũng ‘khá cường điệu’ khi mỗi người phải từ bỏ “hết những gì mình có” kể cả “cha mẹ”, thậm chí “mạng sống!”. Những điều này dẫu quan trọng đến đâu cũng không thể chiếm vị trí hàng đầu trong trái tim người môn đệ, nơi ‘một Ai đó’ đã chiếm hữu! Chính Ngài đã để Chúa Cha chiếm trọn trái tim, con người, tâm trí khi triệt để chu toàn ý Cha, kể cả cái chết. Vì thế, Ngài đã trở nên khuôn mẫu cho chúng ta noi theo. Vậy mà tuyệt vời thay! Đi theo Chúa Giêsu trên con đường Ngài đi lại thực sự dẫn đến một tình yêu lớn hơn, phong nhiêu hơn và vĩnh cửu hơn khi Thiên Chúa sẽ trả lại cho chúng ta “gấp trăm ở đời này” và “sự sống miên viễn ở đời sau!”.
Anh Chị em,
‘Đầu tư cho sự thánh thiện’ quả không rẻ, cũng không dễ! Và không ai có thể làm điều này nếu không có sự trợ giúp của ân sủng. Chúng ta yếu đuối và luôn yếu đuối, nhưng tin rằng, ân sủng Chúa không bao giờ thiếu để mỗi người có thể đi vào những lối hẹp Tin Mừng. Hãy để Thiên Chúa chiếm trọn con người mình và cứ thực hành yêu thương, vâng phục. Trong thư Rôma hôm nay, Phaolô viết, “Yêu thương là chu toàn lề luật”; đồng thời, chúng ta rộng lượng với tha nhân như Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhủ, “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn!”. Được như thế, bạn đã đầu tư tốt!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, giúp con tháo cởi những ‘sợi tơ vàng’ còn vương víu; nhờ đó, con có thể chấp cánh bay cao trên ‘bầu trời nên thánh!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
*************
LINH HỒN CỦA MỌI THÁNH ĐƯỜNG
“Cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày, tôi sẽ dựng lại!”.
Một trong những triết gia ảnh hưởng đến việc trở lại của Augustinô là Victorinus. Ông nổi tiếng đến nỗi người ta dựng tượng ông ngay trong Toà Rôma. Về già, ông đọc Thánh Kinh và các tác phẩm Kitô giáo. Ngày kia, thăm Simplicianus, một người bạn, ông nói, “Tôi muốn ngài biết, tôi là một Kitô hữu”. Simplicianus trả lời, “Tôi sẽ không tin cho đến khi ông công khai đến nhà thờ!”. Victorinus cười, “Vậy những bức tường nhà thờ làm cho người ta thành Kitô hữu sao?”. Sau đó ông học đạo và công khai trở lại!
Kính thưa Anh Chị em,
Đúng như nhận định của Victorinus, “Những bức tường nhà thờ không làm cho người ta thành Kitô hữu!”. Hôm nay, lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, biểu tượng Hội Thánh, chúng ta không chỉ tôn vinh một thánh đường với các bức tường, nhưng tôn vinh Đấng ngự trong thánh đường, Chúa Kitô, ‘linh hồn của mọi thánh đường!’.
Dẫu không có toà nhà nào trên thế giới đủ lớn để chứa đựng sự bao la của Thiên Chúa, nhưng trong lịch sử, con người đã cảm thấy cần dành một số địa điểm nhất định cho các cuộc gặp gỡ cá nhân và cộng đồng với Thiên Chúa. Lúc đầu, nơi tụ họp của Kitô hữu là nhà riêng của họ, nơi các nhóm họp nhau để cầu nguyện và Bẻ Bánh. Các cộng đoàn đã quy tụ ở đó cho đến ngày nay. Thời gian trôi qua, những cộng đoàn này đã xây dựng những ngôi nhà dành riêng cho việc cử hành phụng vụ, đọc Lời Chúa và cầu nguyện. Và đây là cách Kitô giáo - từ những cuộc đàn áp đầu tiên cho đến ngày có tự do tôn giáo trong đế chế La Mã - bắt đầu xây dựng nhà thờ và những vương cung thánh đường; trong đó, quan trọng nhất là đại giáo đường thánh Gioan Latêranô ở Rôma.
“Latêranô” biểu tượng cho sự hiệp nhất của tất cả các Giáo Hội trên thế giới với Giáo Hội Rôma, và đây là lý do tại sao giáo đường này tự hào trưng bày trên hiên chính của mình danh hiệu “Mẹ và Đầu của tất cả các nhà thờ trong thành phố và trên thế giới”. Thậm chí nó còn quan trọng hơn Vương Cung Thánh Đường Phêrô, một đền thờ được xây trên mộ Phêrô và là nơi ở hiện tại của Giáo Hoàng với tư cách Giám Mục Rôma; tuy nhiên, “Latêranô” vẫn là nhà thờ chánh toà của ngài. Đức Phanxicô nói, “Hôm nay, lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, chúng ta hãy nhớ, Chúa Kitô muốn ngự trong mọi tâm hồn. Ngay cả khi chúng ta rời xa Ngài, Ngài vẫn tìm kiếm chúng ta; và dù chỉ ba ngày, cũng đủ cho Ngài xây dựng lại đền thờ Thiên Chúa trong linh hồn mỗi người!”.
Anh Chị em,
“Những bức tường nhà thờ không làm cho con người thành Kitô hữu!”. Đúng thế, chúng ta đừng bao giờ quên sự thật rằng, điểm gặp gỡ thực sự giữa con người và Thiên Chúa chính là Chúa Kitô Phục Sinh; Ngài là ‘linh hồn của mọi thánh đường’. Đó là lý do tại sao Ngài được trao quyền dọn dẹp nhà cửa của Cha Ngài và nói những lời này, “Cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày, tôi sẽ dựng lại”. Nhờ hy sinh mạng sống, hy tế của Ngài, Chúa Kitô đã làm nên những đền thờ sống động của Chúa Cha từ các tín hữu, bạn và tôi. Đây là lý do tại sao Phaolô nhắc chúng ta trong bài đọc hai rằng, “Đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy”. Đền thờ tâm hồn của chúng ta là một thực thể thiêng liêng, nơi Thiên Chúa ngự trị; nó không thể bị xúc phạm, báng bổ và phải được quét tước, thanh tẩy thường xuyên sạch mọi tội lỗi, bụi bẩn!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, chớ gì đừng có một ‘bụt thần’, ‘ngẫu tượng’ nào thấp thoáng trong bốn bức tường của linh hồn con ngoài Ngài!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: