Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lời Chúa và suy niệm lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Tác giả: 
Lm Nguyễn Ngọc Nga

LỜI CHÚA (Lc 9,23-26) VÀ SUY NIỆM LỄ CN33TN 2023, CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

 

Lời Chúa, Tin Mừng đức Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 9, 23-26): “…Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần…” Ðó là Lời Chúa

tn33a.jpg

 

Suy Niệm Lời Chúa:

https://thuongvietngheo.blogspot.com/?zx=cc4cf91ebee1c20b

+/ Lửa rất mềm mà cũng rất mạnh. Một đốm lửa có thể dập tắt bằng một hơi thổi nhẹ hoặc làn gió nhẹ, nhưng ngọn lửa lớn thì rất khó dập tắt. Lửa càng chia sẻ càng tăng thêm nhiều. Và “lửa yêu” cũng vậy.

 

- Ngạn ngữ cũng nói: Nhất thủy nhì hỏa, nghĩa là mạnh nhất là nước, thứ hai là lửa.

+/ Theo trang google.com.vn tìm kiếm cho thấy thì lịch sử truyền giáo tại việt nam, Công giáo có mặt tại Việt Nam từ thế kỷ 16 và được thiết lập vững chắc bởi các thừa sai Dòng Tên Bồ Đào Nha và Ý vào đầu thế kỷ 17. Theo bách khoa toàn thư cho biết thì Công giáo Việt Nam là một bộ phận của Giáo Hội Công Giáo, với số tỉ lệ 7,21% và số giáo dân trên 7,2 triệu người.

Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người Công Giáo trong tổng dân số xếp thứ năm ở châu Á (sau Đông TimorPhilippinesLiban và Hàn Quốc).

 

+/ Lời Chúa và Tin Mừng vừa cho chúng ta biết phải bước trên con đường thập giá mà đạt đến Thiên Đàng, được ơn cứu độ, bằng việc: Từ bỏ và vác thập giá theo chân Chúa Giêsu. Đó là đời sống nhân chứng đức tin của các thánh Tử Đạo nói chung và Việt Nam ta nói riêng. Đời sống và cuộc tử đạo của các ngài như hạt giống sinh ra các tín hữu, như một giáo phụ đã khẳng định.

 

- Việt Nam ta là quốc gia có hằng trăm ngàn nhân chứng đức tin, vì lửa yêu là lòng mến Chúa, đã xả thân vì đức tin Kitô giáo. Thánh Anrê Phú Yên (1625-1644) mới rửa tội được 4 năm, thế nhưng đức tin của ngài đã trưởng thành nên mới có thể thí mạng vì Đức Kitô khi mới 19 tuổi đời. Thánh Anê Lê Thị Thành (1781-1841), thường gọi bà Đê, là một bà mẹ Công Giáo bình thường, nhưng lại có một đời sống đức tin khác thường, để rồi dám chết vì Đức Kitô. Biết tin vua Thiệu Trị ra lệnh xử trảm, Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm (1813-1847) vẫn thản nhiên nói: Tôi có ăn trộm ăn cướp gì đâu mà sợ, mà buồn. Được chết vì đạo là điều tốt lắm.

 

+/ Trên trang mạng Simonhoadalat có đăng bài SỬ LƯỢC GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM (1533 - 2000) của Linh mục Trần Anh Dũng, Paris Pháp Quốc, xin tóm lược như sau: Trong Khâm Ðịnh Sử Việt Thông Giám Cương Mục ghi nhận sự kiện: Năm Nguyên Hoà nguyên niên (1533), tháng ba, ngày đời vua Lê Trang Tôn, có người Tây Dương tên I-nê-xu (khu) lén vào xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân, và xã Trà Lũ huyện Giao Thuỷ, âm thầm truyền bá Da Tô tả đạo (đạo Công Giáo). Và lịch sử truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, có thể phân chia làm ba giai đoạn: 1: Khai sinh trong đau khổ ở thế kỷ 16, 17 và 18 ; 2: Trưởng thành trong máu đào ở thế kỷ 19 ; 3: Phát triển trong phục vụ ở thế kỷ 20.

 

- Hạt giống Tin Mừng đã được gieo vào lòng dân Việt trải qua nhiều giông tố kinh hoàng, bắt bớ, giam cầm, tra tấn, thảm sát và phân sáp các tín hữu vì niềm tin vào đức Kitô, qua những thăng trầm lịch sử của các triều đại vua chúa phong kiến: 30.000 anh hùng Việt Nam tử đạo dưới thời Chúa Trịnh Ðàng Ngoài, Chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn ở Ðàng Trong. 40.000 chiến sĩ Đức Tin đã anh dũng tuyên xưng Đức Tin dưới ba triều đại: Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Ðức (1848-1883). 60.000 tín hữu kiêu hùng chết vì tin vào Chúa Kitô do việc bắt bớ, thảm sát, phân sáp của phong trào Văn Thân (1862-1885). Tổng  cộng khoảng 130.000 (một trăm ba mươi ngàn người).

 

- Trong số 130.000 tiền nhân anh dũng hi sinh mạng sống để bảo vệ Đức Tin có: 64 vị được tôn phong chân phước do đức thánh cha Lêô 13 ngày 07-05-1900, 8 vị được nâng lên hàng chân phước do đức thánh cha Piô 10 ngày 15-04-1906 và thêm 20 vị vào ngày 11-04-1909. 25 vị được tuyên xưng chân phước do đức thánh cha Piô 12 ngày 29-04-1951. 117 vị chân phước tử đạo Việt Nam gồm có 96 vị Việt Nam, 10 vị thuộc hội thừa sai Balê và 11 vị thuộc dòng Ða Minh Tây Ban Nha. Các ngài bao gồm mọi thành phần dân Chúa: 8 Giám mục (6 dòng Ða Minh, 2 hội thừa sai Balê ). 50 linh mục (37 linh mục Việt nam, 5 giáo sĩ dòng Ða Minh Tây Ban Nha và 8 thừa sai Pháp ). 16 thầy giảng và 1 chủng sinh ( Tôma Trần Văn Thiện ). 42 giáo dân ( 1 phụ nữ: Annê Lê thị Thành ).

 

- Ngày 19-06-1988, đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã long trọng tôn phong 117 chân phước lên bậc hiển thánh tử đạo Việt Nam tại công trường thánh Phêrô ở Rôma, với sự tham dự của hàng ngàn giáo hữu Việt Nam. Theo giòng thời gian, giữa 117 anh hùng Đức Tin có: 2 Vị tử đạo thời Chúa Trịnh Doanh (1740 -1767). 2 vị đổ máu đào dưới đời Chúa Trịnh Sâm (1767 - 1782). 2 vị đời Vua Cảnh Thịnh (1782 – 1802). 57 vị đời Vua Minh Mạng (1820 - 1841). 3 Vị đời Vua Thiệu Trị (1841 - 1847). 51 Vị dưới đời Vua Tự Ðức (1847 - 1883).

 

+/ Ta thử hỏi: Đâu là những lý do khiến các vua quan Việt Nam ra lệnh cấm đạo Công Giáo? Thưa rằng: Lý do thứ nhất đó là vì óc thủ cựu và hẹp hòi. Họ luôn cho rằng chỉ mình mới tốt và đúng, còn người khác thì xấu và sai. Hơn nữa do ảnh hưởng của Nho Giáo, phàm những gì thánh hiền đã nói hay đã viết, đều là khuôn vàng thước ngọc cần phải tuân theo. Lý do thứ hai đó là vì thái độ giận cá chém thớt. Thuở ban đầu các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức đều không cấm đạo, nhưng sau đó, vì không ngăn chặn được sự tấn công của người Pháp, nên vua quan quay ra thù ghét những người mà họ cho rằng đã theo đạo của Tây và khép vào tội phản động, nối giáo cho giặc. Lý do thứ ba, đó là vì cho rằng những người theo đạo không còn tôn trọng truyền thống cha ông để lại, chẳng hạn trong việc thờ cúng ông bà tổ tiên, hiếu kính đối với cha mẹ. Đây cũng chỉ vì óc thiển cận, không tìm hiểu cho thấu đáo, nên đã gây ra những ngộ nhận, những hiểu lầm đáng tiếc.

 

- Được mừng kính lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta không chỉ tự hào về Đức Tin kiên cường của Cha ông, không chỉ tự hào sống trong đất nước của các Thánh Tử Đạo, không chỉ hãnh diện vì được là con cháu của các Thánh Tử Đạo, không chỉ tri ân những giọt máu trổ sinh mầm sống mới Đức Tin nơi chúng ta, mà thiết thực hơn, chúng ta cần noi gương sáng của các ngài trong thời đại hôm nay để: Sống Đức Tin là Tử Đạo hằng ngày.

 

+/ Phải coi chừng những tên lý hình thời đại ở Ngoài Bản Thân Ta. Tư tưởng “Tôn giáo là liều thuốc phiện” vẫn đã thấm trong máu thịt của một số người Việt Nam, đến nỗi khi con người gần đất xa trời, chờ phút “qui tiên”, họ cũng chẳng chấp nhận một cõi nào linh thánh. Hay một số chỉ tin được cái hiện hữu của thân xác mà không tin có linh hồn bất tử. Các em học sinh ở nhà trường phải tử đạo khi không chấp nhận bài học nguồn gốc con người bởi khỉ, hay bài học không có thần linh Thiên Chúa nào. Các thanh niên nam nữ vào đời phải tử đạo khi không theo cách sống thử tự nhiên được xã hội mặc nhiên cổ xúy, để giữ vững đức khiết tịnh. Các gia đình Công Giáo phải tử đạo khi lao vào cuộc sống kinh tế. và để ổn định phát triển kinh tế, phải giảm sinh, nhưng cương quyết không giảm sinh theo kế hoạch không tự nhiên, hay tự tẩy chay nhân phẩm quí giá của mình. Vì bảo vệ Đức Tin Công Giáo, các gia đình phải tử đạo khi dứt khoát không bị cuốn vào trào lưu tục hóa giá trị hôn nhân. Hay người Công Giáo đã tử đạo khi vẫn một lòng yêu mến Chúa Giêsu, khao khát kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể qua việc tham dự Thánh lễ và việc rước lễ Chúa nhật và hằng ngày.

 

+/ Tên lý hình thời đại Trong Bản Thân Ta. Chiến đấu với những tên lý hình thời đại ngoài ta, không khó khăn lắm, nhưng chiến đấu và chiến thắng với tên lý hình trong ta, có vẻ không dễ dàng tí nào. Có những người tín hữu đã chối bỏ Đức Giêsu Kitô và khổ đau thập giá của Ngài một cách không thương tiếc, và có khi cũng không hay biết. Cái tôi mà đức giáo hoàng Phan-xi-cô cảnh giác trong tông huấn Nên Thánh Trong Thời Đại Này Là: SỰ QUY NGÃ. Nghĩa là cho cái tôi của riêng mình là trung tâm thế giới, và là trung tâm vũ trụ, như tôi là nhất là số một.

 

- Giữa nhiều băng hoại suy đồi của thời đại, đang làm phai mờ Đức Tin Công Giáo, các tín hữu chúng ta hãy cố gắng sống thực sự như đang ôm lấy Thánh Giá Chúa Giêsu với lòng kính mến thiết tha nhất, như thế là đang tử đạo trên đất nước của các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay.

 

Sau hết, chúng ta cũng phải ghi nhớ rằng, nhờ máu của các thánh tử đạo Việt Nam đã đổ ra để minh chứng Đức Tin, nên mới có Giáo Hội Công Giáo Việt Nam như ngày hôm nay. Trang bách khoa toàn thư viết rằng: Công Giáo Việt Nam là một bộ phận của Giáo Hội Công Giáo, dưới sự lãnh đạo tinh thần của các giám mục tại Việt Nam, hiệp thông với giáo hoàng. Theo điều tra dân số chính thức của nhà nước năm 2019, Công Giáo là tôn giáo lớn nhất tại Việt Nam, với hơn 5,86 triệu tín đồ. Hiện nay Việt Nam có khoảng 46 giám mục, gần 6000 linh mục; khoảng 200 dòng tu, với hơn 31.000 nam nữ tu sĩ, trên 7 triệu tín hữu Công giáo, hơn 10.000 nhà thờ thuộc về ba giáo tỉnh là Hà NộiHuế, và Sài Gòn.Amen

 

Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga