Sống sao để sống - chết đều… win-win
SỐNG SAO ĐỂ SỐNG - CHẾT ĐỀU… WIN-WIN
(Lc 23,33.39-46)
Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe là bài Tin mừng được chọn trong Thánh lễ An táng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, hôm 05.01.2023 (Đức Thánh Cha được Chúa gọi về vào chính ngày cuối cùng năm 2022 (31.12).
Khi Công bố đoạn Tin mừng trên trong đại Thánh lễ An táng của vị Cha chung Hội Thánh nhiều người thắc mắc… Đương nhiên sau khi nghe bài giảng hay- chất lượng- đầy ý nghĩa của Đức Thánh Cha Phanxico, ngài nhấn mạnh và khai triển câu cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thánh giá: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha’, để thấy rõ cả đời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong tin yêu phó thác vào Chúa… thì người ta hiểu lý do chọn bài Tin mừng mà trong đó có có kể hai tên trộm cướp chung án tử thập hình[1].
Cũng có ý kiến tán thành ở góc độ khác: Đấy là bản Tuyên Phong Hiển Thánh đầu tiên trong Hội Thánh, do chính Chúa Giêsu tuyên bố cho người trộm cướp, mà ta gọi anh trộm lành; ngầm ý hy vọng tương lai Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đáng kính sớm được tuyên Thánh.
(Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong tương lai rất đáng được suy tôn lên hàng vinh Thánh không phải vì tài trí vượt trội của ngài đóng góp cho Hội Thánh, mà ở mặt Đạo đức, ngài trung kiên theo Chúa đến cùng, dẫu sống trong giai đoạn (thế kỷ 20) đầy những biến động thời thế thuộc loại ác nghiệt nhất trong dòng lịch sử nhân loại về mặt xã hội cũng như Giáo hội.
Trong Chúc thư Tinh Thần, ngài nói: ‘60 năm nay, tôi đã đồng hành trên con đường thần học, đặc biệt là nghiên cứu Kinh Thánh, và đã chứng kiến những luận điểm dường như không thể lay chuyển được đã sụp đổ cùng với sự thay đổi của các thế hệ, những điều hóa ra chỉ là những giả thuyết: thế hệ chủ nghĩa tự do (Harnack, Jülicher, v.v.), thế hệ chủ nghĩa hiện sinh (Bultmann, v.v.), thế hệ chủ nghĩa Mác-xít. Tôi đã thấy, và thấy, từ mớ giả thuyết rối rắm, tính hợp lý của đức tin đã xuất hiện và đang xuất hiện trở lại như thế nào. Chúa Giêsu Kitô thực sự là Đường, Sự Thật và Sự Sống - và Giáo Hội, trong mọi khuyết điểm của mình, thực sự là Thân Thể của Người’[2]
Trong bài chia sẻ Thánh Lễ cuối Tháng 11- Tháng Mùa Xuân của Hội Thánh Thanh luyện hôm nay, tôi muốn chia sẻ ý tưởng khác: Sống sao để chết là Hồng Phúc.
Tích cực trọn vẹn hơn: Sống sao để được đời này và được cả đời sau.
Hai tên trộm cướp, nếu nói trân trọng- hai người trộm cướp.
Có người khi thấy Người trộm cướp đáng sa hỏa ngục ấy, những giây phút cuối cuộc đời tin nhận ra Đấng Cứu Thế, xin ơn tha thứ… được Chúa Giêsu một phát ban đặc ơn Toàn xá, lên trời ngay… không ít người trong chúng ta có ý so bì: ‘Anh trộm đó ngon thật, vừa được đời này vừa được đời sau. Còn mình thì…’
Tôi xin bỏ lửng, phần ‘con mình thì…’ để mỗi người tiếp tục suy tư, và tôi nghĩ cũng không khó suy luận ra ý bỏ lửng.
Vấn đề ta ta muốn nói: Liệu tên trộm có thật được đời này không ?
Một người chuyên trộm cướp, hay phạm tội ác, đi đâu người ta cũng khinh ghét, phải sống chui lủi, sợ hãi, hồi hộp … không biết bị chánh pháp tóm cổ minh lúc nào… Sống như thế thì có thể gọi được được đời này không !
Và tôi nghĩ, bậc cha mẹ có những người con như thế, chắc chắn khổ đau lắm, thà đừng sinh ra nó còn hơn.
Mình sống thành hiểm họa, gây ra cho người khác bao đau khổ, bất hạnh ngay chính cha mẹ- ân nhân lớn nhất đời mình thì sống như thế làm sao gọi được đời này cho được, thành công đời nay sao được!
Và ngay cả người, có quyền, giàu có nhờ gian tham, mưu mô phe cánh, có khả năng ngồi trên pháp luật, hạ cánh an toàn… tức luật pháp nhà nước không thể chạm đến liệu người đó có bằng an không ?.
(Thời hót: Trong bối cảnh đốt Lò tham nhũng hiện đang, lắm đồng chí dẫu ngồi trên ghế cao, thậm chí hạ cánh xem ra an toàn, nhưng thật ra rất lo lắng, bất an, bởi không biết chính ‘đồng chí’ dí dao đâm lén sau lưng lúc này không biết.
Trong báo cáo tổng kết 10 năm (2012-2022) đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết ‘đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị…’ [3]. Tính trung bình mỗi năm hơn 16.700 đồng chí bị kỷ luật; mỗi tháng hơn 1.390 đồng chí bị sờ gáy; mỗi ngày có hơn 46 đồng chí bị lên thớt. Nghe con số xử lý đồng chí gian tham dính chàm xem ra hơi khủng, nhưng đấy mới chỉ mặt nổi của tảng băng…)
Giả như, mình có thể lạm quyền, che đậy chánh pháp nhân loại, còn bia miệng thế gian thì sao? Giả như lừa được cả thế gian, không có bia miện thế nhân nhưng còn Lương Tâm thì sao? Liệu Lương tâm có bình an không ? Đặc biệt, trong Lương tâm- Lương tri ấy, cho biết sẽ có Tòa án công thẳng trước Đấng Chí Công đời sau thì sao ?
Người có Lương tâm, hưởng thụ bởi gian tham, lừa đảo chắc chắn không thể yên; dẫu ta hưởng thụ không bất chính, nhưng ích kỷ trước nỗi đau người khác, chắc chắn Lương tâm cũng cắn rứt lắm, làm sao có Tâm An được (!)
như Lương tâm đó chai đá, rụng hết răng- có cắn cũng không xi nhê, lại ngụy biện biến điều xấu thành điều tốt, tra tay làm điều ác, yên lặng trước sự dữ lộng hành bất công… mà Lương tâm vẫn ngủ yên thì thật khốn nạn, khốn nạn hơn người còn Lương tâm, dù còn chút Lương tâm cắn rứt, bởi còn hy vọng ơn Cứu độ đời sau.
Thói quen sống trong tội, ở lì trong tội có thể bào mòn lương tâm, làm lương tâm chai đá. Lương tâm sỏi đá thế, không còn khả năng phục thiện, để còn‘ráng làm người tử tế’, để sám hối đổi mới cuộc sống… ở góc độ nào đó bước vào tội phạm Chúa Thánh Thần.
Chúa Giêsu cảnh cáo: Mọi Tội có thể tha, nhưng phạm tội Chúa Thánh Thần thì không thể tha. Không phải Chúa không tha, mà là ta cứng lòng không đón nhận ơn tha thứ của Chúa, từ chối ơn Chúa. Mình quen sống với bóng tối, quen bắt tay làm ‘đồng chí’ với sự dữ thì liệu khi Chúa đến ta còn khả năng chọn Chúa… ‘Sự cứng lòng như vậy có thể đưa tới chỗ không thống hối trong giờ sau hết và bị án phạt muôn đời’ (x.Giáo lý số.1864) [4]
Kinh nghiệm sống động: Cây nghiêng chiều nào thì sẽ đổ theo chiều ấy!
Hai tên trộm bài Tin mừng phản ảnh rõ vấn đề lương tâm có thể chai đá. Họ làm điều ác như nhau, nhưng hơn nhau ở những giây phút cuối đời, hệ tại còn biết sợ Chúa và biết ngước mặt xin đúng Đấng là Tin mừng Cứu độ, có quyền tha, phạt…
Người trộm lành được cái ‘hơn nhau’ trong những giây phút quan trọng đó, nghĩa là Anh còn chút Lương tâm- còn biết sợ Chúa, còn cảm thức tội lỗi, tức Anh biết việc làm của mình là tội lỗi, bị xử án tử cũng xứng đáng… Quả thế, Người trộm lành sau khi thấy ‘đồng chí’ mà ta gọi trộm dữ thách thức ‘ông Giêsu’, anh khiển trách ngay: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp: "Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".
Biết mình, biết đón nhận ‘quả báo’ tội lỗi của mình chưa đủ, quan trọng hơn biết hướng đến Lòng Chúa thương xót, biết đặt đúng nơi là Đấng Cứu độ, ‘Đấng gánh tội trần gian’, có quyền Tha thứ….
Nói cách khác, ăn năn Sám hối của người trộm Thánh và là cách thức của chính người tin theo Chúa Giêsu: Sám hối và tin vào Tin mừng. Tin mừng- Nước Trời ở đây chính là Chúa Giêsu. Sám hối mà thiếu Tin mừng- thiếu Chúa Giêsu thì sám hối ấy còn chơi vơi lắm, thêm lo lắng, có chăng chỉ có ân hận- bi quan yếm thế, và như thê… thêm khổ, thêm bất an.
Và để thấy rõ tầm quan trọng thiết yếu của việc Sám hối và Tin vào Tin mừng, nên nhớ đây là Lời mời gọi đầu tiên trong sứ vụ Cứu Thế công khai của chính Chúa Giêsu: ‘Nước Trời đã gần đến, ăn em hãy Sám hối và tin vào Tin mừng’ (Mc 1,15).
Trở lại vấn đề sống sao để win- win, được đời này và được đời sau…
Như hai Tên trộm, ngay cả người trộm lành, sống trong tội lỗi, tiếp tay ma quỷ gây tội ác, tăng thêm đau khổ cho chúng sinh… sống thế kể như đã đánh mất đời này, đã hỏng đời nay. Đời này là- làm người không có ý nghĩa- giá trị kể như thất bại….
Tất cả những ai gian tham chỉ cho lo tích lũy đời này, chỉ mong tìm đạt vinh hoa đời này, bất chấp lương tri để đạt được ước mong đó, thậm chí gạt Chúa qua bên để dễ đạt được vinh danh trần thế… Dưới lăng kinh tôn giáo đấy là lối sống Duy Vật- Vô thần thực tiễn… thì kể như mất đời này, hỏng đời này và có nguy cơ mất đời sau.
Nói cách khác, nhờ Tình Chúa, mình có và hưởng Nguồn Suối mát- Đồng Cỏ xanh tức Tin mừng Cứu độ ngay từ bé. Trong Hội Thánh hiệp thông và sứ vụ, ta không ngừng có Lời Chúa hướng dẫn, được nuôi no đầy ơn Chúa qua các Bí tích Cứu độ… So với những người sống trong tội lỗi, đang mất đời này vì không có Chúa, mãi đến những giây phút cuối cuộc đời họ mới gặp được nguồn ơn Cứu độ ví như Con Chiên lạc tìm được Đồng cỏ xanh tươi, Nguồn Suối mát mà ta được hưởng ngay tử nhỏ, thế thì ai Hồng Phúc hơn ai; ai đáng thương hơn ai.
Giả như anh trộm lành gặp được Chúa sớm hơn, thì anh sẽ sống khác và nhờ sống khác do theo Chúa thì anh không bỏ phí đời này vì làm bất lương, trái lại Anh sẽ biết tận dụng đời này và như thế anh có thêm đời tại thế đầy ý nghĩa, đầy an vui…
Trở về với câu nói bỏ lửng, dễ thường ta nghĩ khi tên trộm lành phút cuối được hưởng Thiên đàng; hoặc tương tự, trong cuộc sống, ông này bà nọ sống tội lỗi lắm, công khai, nhờ Tình Chúa phút cuối đón nhận Tin mừng, được Rửa Tội hoặc được lãnh nhận những Bí tích Cứu độ, rồi so sánh: ‘Họ ngon thật, được đời này và được đời sau. Còn mình vất vả giữ đạo bao lâu nay…’, xem ra mình thua thiệt…
Còn quan niệm như thế, chứng tỏ ta đang khát- đang đói khổ ngay bên nguồn Suối Trong mát, bên Đồng Có xanh tươi. Có vở kịch nào đó, khi diễn cảnh Giuđa tự tử, một môn đệ thốt lên: Ôi anh Giuda, thương anh quá, anh chết đói chết khát ngay bên Nguồn suối mát, đồng cỏ xanh bất tận…
Còn quan niệm thế, thì theo Chúa nặng nề lắm, đáng thương lắm và ta quên mất cái phúc hơn người mãi sau này, như Anh Trộm Lành, đến cận những giây phút cuối cuộc đời mới phúc nhận ra…. Nói thế để thấy việc so bì của ta với Anh trộm lành còn …vô duyên nữa.
Trong việc ăn năn sám hối, có hai cách: Cách trọn và cách chẳng trọn. Sống Đạo cũng thế…
Ăn năn cách không trọn, sống Đạo sợ hỏa ngục nên không dám phạm tội, phải gò ép giữ luật. Được thế cũng tốt nhưng còn tiêu cực, chưa phản ánh đầy đủ sung mãn sống Tin mừng Cứu độ. Giữ Luật Chúa thành gánh nặng, thiếu niềm vui Tin mừng dẫu tự chất Luật Chúa là Tin yêu- Hy vọng- Vui Mừng.
Còn ăn năn cách trọn là khám phá Tình yêu Chúa dành cho mình, mình không phạm tội vì thấy Chúa yêu mình quá… Đấy là cách sống Tin mừng chứ không phải tin buồn, ta cần đạt được.
Trở về với thực tại…
Chúng ta đang bên cạnh những Ngôi Mộ, nói chuẩn Chung cư- nơi ở cuối cùng của người thân yêu, và họ đang sống động trong ký ức của mỗi người chúng ta. Đáng nói hơn, trong Đức Tin hiệp thông với Hội Thánh, họ đang hiện diện sống động với chúng ta …
Ta phải cảm ơn họ, bởi bên những nấm mộ đầy hương khói, dẫu rất lặng thầm nhưng lại phát sáng hơn chân lý phận người mong manh- chết là chân lý chắc chắn nhất, không trừ một ai; trần gian dù có vinh hoa phú quý, quyền lực thế nào, cũng chỉ là tạm bợ, mau qua dù có trường thọ trăm năm vẫn ngắn ngủi… Cái chết làm ta buông bỏ tất cả.
Và ta thấy sống động lời Chúa Giêsu: Được lời lãi cả thế gian mà mất phần linh hồn thì được ích gì,
Và lời xác tín của Thánh Phaolô: ‘Vì đối với tôi, sống chính là Ðức Kitô, và chết là một mối lợi’ (Pl 1,21)
Khi sống là Chúa Giêsu, là Kitô hữu, có Chúa hiện diện trong cuộc đời mình, thì ngay đời này ta đã có Tin mừng, nếm hưởng phúc thật Tin mừng cứu độ; và nắm chắc được phúc thật hưởng trường sinh trên quê Trời, theo thánh Phaolô đấy mới là Quê hương đích thực mà tất cả chúng ta đang ngóng trông vươn tới…
Như thế, nhờ mạc khải của Lời Chúa, giá trị được mất cuộc đời hệ tại có Chúa hay không. Nếu mất Chúa thì mất tất cả, mất đời này và có nguy cơ mất đời sau. Ngược lại có Chúa, được đời này an vui đầy ý nghĩa và được cả đời sau vĩnh phúc đời đời.
Các Thánh Tử đạo cho thấy rõ điều đó nhất, du tù ngục khổ sai, trước cái chết dã man… Họ vẫn an vui, vẫn dễ dàng tha thứ kẻ gây hại cho mình….
Và chúng ta tiếp nếm hưởng phúc Tử đạo ấy qua nỗ lực sống Lời Chúa trong Công bằng- yêu thương... sống sao để cho Chúa hiện diện trong cuộc đời mình, khởi đi từ gia đình mình.
‘Ta không nên thánh theo kiểu Phù Đổng Thiên vương; Gia đình ta xây dựng thành tổ ấm cũng không phải kiểu Phù Đổng thiên vương.
Ta nên thánh, vun chăm xây dựng gia đình hạnh phúc từ những cái nhỏ nhỏ, nói đúng như lời Chúa Giêsu: ‘Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn’.
Đức Đáng kính Hồng y F.S Nguyễn Văn Thuận đặt cái cố gắng tí chút ấy vào thời hiện tại, tức Sống giây phút hiện tại. Trong tập sách “Đường Hy vọng” cũng viết kiểu tí chút góp nhặt ấy trong Nhà tù, liên quan đến Sống phút giây Hiện tại, ngài nói: “Chấm này này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành con đường dài. Phút này nối tiếp phút kia muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp, sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng; đời hy vọng do mỗi phút hy vong’ (số 978)’[5].
Để sáng rõ thêm lăng kính Sống sao để win-win, thắng đời và đời sau thắng, xin kết thúc bằng ‘Canh bạc của Pascal’.
‘Pascal, nhà Toán học, nhà Vật lý, Triết gia… người Công giáo sống ở thế kỷ 17. Đại khái ông lý luận với các bạn vô thần, việc hiện hữu của Thiên Chúa có hay không có là vấn đề kể như không biết chắc… Và chúng ta thử chơi một canh bạc. Người tin có Thiên Chúa đồng thời cũng tin có thiên đàng, hỏa ngục. Nếu đặt cửa vô thần không tin có Thiên Chúa, nhưng đời sau có Thiên Chúa thật thì bạn sẽ mất cả đời đời, thua toàn tập; trái lại Bạn đặt cửa có Thiên Chúa đời sau, đời sau nếu không có Chúa thì hy sinh một tí ở đời tạm bợ ngắn ngủi này chằng là gì, mất mát chẳng bao nhiêu…
Pascal đề nghị: "Chúng ta hãy cân nhắc sự thiệt thòi và lợi lộc khi đánh cá về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nếu bạn thắng, bạn thắng mọi sự. Nếu bạn thua, bạn chẳng mất gì cả. Vậy đừng do dự: hãy đánh cá là Thiên Chúa hiện hữu."
Tớ… bổ sung ‘canh bạc’ của Pascal một tí: Khi đã tin chọn Chúa ở đời này rồi, ta không có chuyện ‘nếu thua’, mà phải nói cho chính xác ‘thắng ngay’ ở đời này. Nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu gian nan, bệnh tật, hy sinh mất mát, đau khổ… tất cả đều có giá trị Tin Mừng. Giữa cuộc đời được coi như bể thảm thế mà nhờ ‘đặt cược’ vào Chúa giờ thành biển hồng ân, rõ ràng ta thắng ngay ở đời này, Tin theo Chúa Giêsu - Đấng là Đường là Sự thật và là Sự sống, ta được luôn cả đời này và cầm chắc được luôn đời sau. Thế là chỉ có thắng và thắng[6]’…
Các Linh hồn nơi Hội Thánh Thanh luyện là những người đã chiến thắng đời này và đời sau. Họ có vé chắc chắn lên Thiên đàng để chung hưởng cuộc chiến thắng Khải hoàng với Chư Thánh cùng và nhờ Chiên Con là Chúa Giêsu Kitô. Và chúng ta, những Dân Thánh trong Hội Thánh Lữ hành, trong Hiệp thông và Sứ vụ, có thể giúp họ bớt thời gian thanh luyện, sớm được vinh thắng trong Hội Thánh Khải hoàng trên Nước Trời.
Sống để thắng đời này và đời sau, ta không thể Quên Ông Bà Anh Chị Em nơi Hội Thánh Thanh Luyện bằng đời sống tích cực, trở nên Chứng tá Tin mừng.
(Lưu ý: Bài viết có sửa chữa, bổ sung so với bài Chia sẻ trong Thánh lễ ngoài Đất Thánh…)
Linh mục Đaminh Hương Quất.
- Tổng Hơp: