Đi bệnh viện
ĐI BỆNH VIỆN ...
Mới sáng sớm, nhận tin nhắn : “Mấy hôm nay con ở bệnh viện chăm mẹ chồng, ở bệnh viện mới cảm được bệnh nhân họ tội nghiệp lắm !”
Dòng tin nhắn xem chừng ra cũng chả lạ lùng gì lắm vì cũng đã có những lúc len lỏi ở các bệnh viện để lo cho người này người kia và lo cho chính bản thân mình.
Thật ! Chả ai là không bước tới cái nơi không muốn tới ấy. Có những người xem chừng ra khỏe mạnh nhiều tháng nhiều năm trong cuộc đời nhưng khi đến là đi luôn. Có những người cứ rề rề nhưng lại không đi.
Cũng mới hôm qua thôi, bỉ nhân đến cái nơi không ai muốn đến đó. May mà còn tự đi đứng được nhưng tâm lý bị ám ảnh : “Có khi nào khăn gói vào đây ở không ta ?”. Nghĩ lung tung lang tang nào là phải vào đó cùng với những hệ lụy khó khăn khi vào đó. Nào là ăn uống, vệ sinh, kinh hạt và Thánh Lễ ... Thôi thì bạn hãy ký thác đường đời cho Chúa và Chúa chính Chúa Ngài sẽ ra tay.
Về, cả nhà mừng vì được “xuất viện”. Thế là vui với cái mừng đó.
Cùng trong dòng người chờ khám đó, có những trường hợp xem chừng ra thương quá ! 2 đứa con đẩy mẹ đi các nơi cần đi để tầm soát theo yêu cầu của bác sĩ. Da mặt tái mét cùng với sức khỏe tiều tụy thật bi thương.
Trong thời gian chờ kết quả, đảo một vòng khu điều trị. Ai ai cũng biết mà ! Chả phải người bệnh phải mệt mỏi mà kèm theo đó là người nuôi. Bất tiện nhất mà ai ai cũng biết là ăn ngủ và quan trọng không kém đó là vệ sinh. Đã là nơi tập thể thì vấn đề vệ sinh cực kỳ nhạy cảm. Cái chuyện vệ sinh này thì ngay cả trường học nhiều người ta thán và bệnh viện cũng không tránh khỏi.
Và, có lẽ chuyện quan trọng nhất khi đến bệnh viện đó chính là ... là ... tiền.
Chỉ một vòng thôi mất mấy triệu bạc chứ chưa nói đến chuyện nằm lại.
Vừa rồi, một người bạn nhờ nhân viên quen canh ai xuất viện cho ba của người đó được chuyển qua phòng 4 hay 2 người chứ 1 người thì mỗi ngày hơn 3 triệu còn nằm phòng 8 thì bất tiện quá !
Chả phải đùa, bao nhiêu tiền cũng đội nón ra đi khi vào bệnh viện chứ đâu là chuyện đơn giản.
Ta thấy đi mua cái gì cũng có thể trả giá ngay cả hột xoàn hay vàng miếng SJC. Một trong những thứ mà không ai trả giá được đó là tiền thuốc và tiền viện phí. Bệnh viện phán bao nhiêu là nạp bấy nhiêu chứ không có cái chuyện kỳ kèo. Đố ai có thể đứng trước hiệu thuốc để cò kè bớt 1 thêm 2. Và cũng có điều lạ là không ai nghe thấy chuyện mua thuốc được khuyến mãi mua 1 tặng 2 như bánh Trung Thu hay các loại cần mua khác.
Cuộc đời con người là vậy đó, ky cóp dành dụm bao nhiêu nhưng khi vào cổng bệnh viện hay đứng trước Nhà Thuốc thì coi như bao nhiêu tiền đang có bỗng bay hết.
Cái chuyện mua hàng không được trả giá phải chăng đó là chiếc quan tài. Người mua biết, người dùng không biết và cũng không ai đi trả giá món hàng mình mua đó là chiếc quan tài.
Người giàu thì tha hồ vung vít cho người thân sau khi người thân quá cố. Chả phải quan tài, tiền hoa trang trí của một đám tang lớn có khi cả trăm triệu. Ngược lại, người nghèo (như người vừa quá cố ở giáo xứ) thì lại chạy đầu này vạy đầu kia để lo cho được chiếc áo sơ mi gỗ cho người thân.
Phận con người là như vậy đó. Khỏe mạnh thì không sao nhưng khi gần kề đến cái chết hay phải ra vô bệnh viện thì thật sự phải nói là mệt mỏi.
Con người mà ! Chả ai tránh khỏi được cái định luật của con người sinh lão bệnh tử.
Và, giá như khi bệnh mà gia đình có khả năng chi trả thì chả sao nhưng thương lắm những người phải vay đầu này mượn đầu kia để trả tiền viện phí.
Trên vài trang mạng, ta không khó để nhìn thấy hình ảnh của những suất cơm từ thiện ở các cổng bệnh viện. Đặc biệt trước cổng bệnh viện Chợ Rẩy, nhiều video chiếu cảnh người nhà của bệnh nhân phải chờ để nhận những phần cơm từ thiện thật đáng thương. Và những lần đi ngang đó, hình ảnh của những người khoác chiếc áo đồng phục chăm bệnh màu vàng của bệnh viện thì lại cứ thấy thương thương những người đó và bao nhiêu bệnh nhân đang chữa trị.
Biết làm sao bây giờ khi cõi nhân sinh con người phải vất vưởng như thế. Thương và tiếc cho cả bản thân vì bị sinh nhầm thế kỷ. Giá như ở một đất nước nào đó văn minh và phát triển thì có lẽ chuyện bệnh viện hay chữa trị cũng đỡ phần lo.
Thôi thì đón nhận những yếu đuối của phận người cùng với những lao đao khó nhọc của cuộc sống kèm theo khuyến mãi của sức khỏe kém để đồng thân đồng phận với người nghèo hơn. Có tiền và có điều kiện người ta sẽ đến FV hay những phòng khám quốc tế. Khi mình cùng với những người nghèo xếp hàng trong bệnh viện chờ gọi số mình mới thấy được và cảm được cái cảnh nghèo.
Sáng sớm hôm nay nhận được dòng tin nhắn của một người quen chuyển mà nhói lòng : Chị ơi, 04:30 chiều 29.11.2023 công ty họp team khiếm thị, thông báo dự án PVA sẽ kết thúc vào ngày 20.12.2023 nên Adecco cũng sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với cả team khiếm thị vào ngày này. ???? Em lại tìm công việc mới, chị ạ. ???? Chị thêm lời cầu nguyện giúp em nha. Em cảm ơn chị nhiều. ????
Câu chuyện là chủ nhân tin nhắn này là người khiếm thị. Năm hết Tết đến mà rơi vào cảnh chấm dứt hợp đồng lao động thì quả là thương tâm.
Khi nhận được tin nhắn như vậy, kẻ mọn này có hứa với chị đó là kẻ mọn sẽ chia sẻ cho chị khiếm thị ấy cho đến khi chị đó kiếm được việc làm.
Bi đát thật ! Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn với người khuyết tật mà công ty đóng cửa thì kế sinh nhai lại rơi vào nơi bế tắt. Thương thật là thương cho chị khiếm thị mất việc này.
Tạ ơn Chúa dẫu sao đi chăng nữa thì mình vẫn may mắn hơn nhiều người bởi lẽ mình không phải lo toan cho gia đình, cho vợ con hay cho người thân nào khác. Đúng là nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống mình vẫn may mắn hơn những người đang phải lao đao vất vả trong cuộc sống. Hồng ân Chúa cứ tuôn đổ xuống trên cái phận nghèo này để cái phận nghèo này càng yêu mến người nghèo hơn.
- Tổng Hơp: