Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Trở nên cao cả

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

TRỞ NÊN CAO CẢ

 

“Tôi không đáng cởi quai dép cho Người”.

 

“Điều hấp dẫn đối với tôi là cảm thấy mình tự làm chủ số phận. Nhưng cảm giác đó là sự thiếu trung thực căn bản, lừa dối bản thân nghiêm trọng. Niềm tự hào của tôi là sự tôn thờ thần tượng của chính mình. Đó chính là quốc giáo của địa ngục!” - Howard Butt.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Tin Mừng hôm nay cho thấy Gioan Tẩy Giả không theo “quốc giáo của địa ngục” nhưng theo ‘quốc giáo của thiên đàng’, khiêm nhượng! Việc Gioan thừa nhận mình không xứng đáng cởi quai dép cho Chúa Giêsu là bằng chứng. Nhưng trớ trêu thay, chính sự thừa nhận này lại làm cho Gioan ‘trở nên cao cả!’.

 

Bạn có muốn ‘trở nên cao cả’ không? Trong sâu thẳm, tất cả chúng ta đều muốn như vậy. Ước muốn này đi đôi với khát khao hạnh phúc bẩm sinh của mỗi người. Chúng ta muốn cuộc sống mình có ý nghĩa, có mục đích và tạo ra một sự khác biệt. Vấn đề là “Làm thế nào?”. Làm thế nào để bạn và tôi có thể ‘trở nên cao cả’, cao cả thực sự!

 

Từ góc độ trần thế, sự cao cả, vĩ đại hay tuyệt vời thường đồng nghĩa với thành công, giàu có, quyền lực và sự ngưỡng mộ từ người khác, v.v. Nhưng từ góc độ thiêng liêng, sự cao cả đạt được bằng việc khiêm nhường dâng cho Thiên Chúa vinh quang lớn nhất mà chúng ta có thể có trong cuộc đời mình. Dâng Chúa mọi vinh quang có tác dụng ‘luỹ thừa’ đối với cuộc sống mỗi người.

 

Trước hết, dâng Chúa mọi vinh quang cho phép chúng ta sống phù hợp với sự thật. Sự thật là Chúa và chỉ một mình Ngài xứng với mọi lời khen ngợi và vinh quang. Tất cả điều tốt lành đều đến từ Ngài và chỉ một mình Ngài. Thứ đến, khiêm nhường dâng mọi vinh quang cho Chúa và chỉ ra sự thật rằng, chúng ta không xứng đáng với Ngài sẽ có tác dụng hỗ tương là Thiên Chúa sẽ hạ cố và nâng chúng ta lên để chia sẻ sự sống và vinh quang của Ngài. Sự bỏ mình, cảm thấy bất xứng trước mặt Thiên Chúa tự nó không phải là mục đích, nhưng là một phương tiện để đạt được một điều gì đó cao cả hơn; đó là Vương Quốc, sự hiệp thông với Thiên Chúa và sống tình bạn với Ngài.

 

Andrew Murray thật thâm thuý, “Khiêm tốn là sự yên tĩnh hoàn hảo của trái tim. Đó là sự bình yên khi không được ai khen ngợi, khi bị chê trách hay khinh thường. Đó là ngôi nhà hạnh phúc, nơi tôi có thể vào, đóng cửa lại và quỳ lạy Cha tôi cách bí mật; và tôi bình an như trong biển sâu yên tĩnh, khi mọi thứ xung quanh và bên trên đều ‘hỗn trọc!’”.

 

Anh Chị em,

 

“Tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Hôm nay, hãy suy gẫm về ơn gọi của bạn để noi gương khiêm nhường của Gioan. Đừng bao giờ né tránh việc hạ mình trước sự vĩ đại và vinh quang của Thiên Chúa. Làm như vậy chúng ta không hạ thấp chính mình hoặc cản trở sự cao cả của bản thân. Đúng hơn, chỉ trong khiêm nhường sâu sắc nhất trước vinh quang Chúa, bạn và tôi mới có thể để Chúa Giêsu lôi kéo vào sự cao cả của chính cuộc đời và sứ mệnh của Ngài; vì khi làm vậy, mỗi chúng ta mới ‘trở nên cao cả’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, đừng để con theo ‘quốc giáo của địa ngục’. Cho con biết hạ mình trước Chúa, trước anh em, để được Ngài hạ cố nâng lên!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)