Từng người tình bỏ ta đi, như nhưng dòng sông nhỏ
TỪNG NGƯỜI TÌNH BỎ TA ĐI NHƯ NHỮNG DÒNG SÔNG NHỎ
10 ngày đầu của tháng 1 năm 2024, Dòng Chúa Cứu Thế thương tiếc chia tay với 2 người anh em trong Dòng về nhà Cha. Nhà Dòng, gia đình, thân hữu và những ai có những mối liên quan ắt hẳn đều thương nhớ sự ra đi của Cha Giuse Ngô Tấn Lực và hôm nay Cha Giuse Phạm Kim Điệp.
Cùng khoản thời gian này, 2 Cha thuộc 2 Giáo Phận cùng với gia đình trẻ ở giáo xứ Mỹ Dụ (Gp Vinh) cũng ra đi. Những sự ra đi này để lại nhiều nước mắt và sự nhớ thương
Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến Thầy Phó tế Phaxico Xavie Maria, CRM cũng vừa về nhà Cha trong hoàn cảnh bi thương. Ngày 22 tới đây Thầy Phó tế sẽ lãnh sứ vụ linh mục tại Nhà Thờ Minh Hòa (Dầu Tiếng). Thầy đi xa để lại bao nỗi xót xa của người thân quen.
Cuộc đời mà ! Trong cái thân phận con người, ai ai rồi cũng phải ra đi, kết thúc một phận người.
Già, bệnh mà ra đi xem chừng ra không xót bằng những sự ra đi khi công việc, sứ vụ còn dở dang hay ở tuổi đời còn khá trẻ. Thân phận con người không ai tránh khỏi.
Mới đây, khi đăng tải chia sẻ về tuổi già ở nhà Hưu Dưỡng, một linh mục thân quen (đang xây Nhà Thờ và chuẩn bị thánh hiến) thốt lên : 10 năm nữa mình cũng vậy thôi !
Vâng ! Chả ai thoát khỏi cái già, cái lão và cái tử.
Nhìn vào các Nhà Hưu Dưỡng, ai nào đó cũng chạnh lòng. Bởi lẽ nơi đây là nơi ở của những người đã một đời cống hiến cho sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Vào Nhà Hưu các cha còn đỡ. Vào Nhà Hưu của các nữ tu nhìn các ngoại còn thương hơn. Các cha thì dù sao cũng có người này người kia hay có tương quan này nọ. Những ngoại lớn tuổi sau một thời gian phục vụ ở nhiều giáo xứ khi về già thì những người già hay cũng thời cũng qua hết. Còn lại giới trẻ thì ít ai biết đến các ngoại để rồi phần thăm viếng sẻ chia cũng không thể nào bì với các cha.
Ở đâu đó nơi những tu sĩ không chức linh mục cũng như các ngoại vậy. Con người mà, dù sao khi có thánh chức linh mục thì khi về già vẫn đỡ tủi thân hơn. Nhìn những người tu không chức linh mục già hay những người trẻ bước theo con đường trợ sĩ lòng tôi cảm phục họ lắm. Họ can đảm bước đi trên con đường khó, con đường của sự cô đơn và có khi bị người đời không coi trọng. Các thầy trợ sĩ vẫn hăng hái phục vụ Nhà Chúa trong và với khả năng của mình.
Nhìn vào Nhà Hưu, có thể đâu đó với cái nhìn của con người thì đượm buồn nhưng trong chiều kích khác, ta nhìn thấy nơi đó là thời gian ân sủng vì thời gian đó các Ngài được “tiếp cận” với Chúa một cách mật thiết hơn.
Tôi rất thích câu cáo phó của Dòng Tên. Dòng Tên khi nào đó có vị cao niên hay nghỉ dưỡng thì trong phần cáo phó ghi rất hay về khoản thời gian đó. Khoản thời gian đó trong cáo phó ghi là Cầu nguyện cho Giáo Hội và Dòng.
Hay quá đi chứ !
Với cái nhìn của con người thì không còn làm gì được vì sức tàn người yếu nhưng trong chính khoảng thời gian ấy lại là thời gian cầu nguyện cho Giáo Hội, cho Dòng và cho chính bản thân nữa.
Anh em vẫn trêu nhau chia phiên giảng Lễ an táng hay ai cầm hình, ai cầm bát nhang nếu như nhà này có tang Lễ. Thật ra thì khó đoán và chả đoán được vì đâu ai biết được chương trình của Thiên Chúa. Có điều, có anh cả hay gọi từ thân thương là Cha già trong mái nhà thân yêu này là một bằng chứng về tinh yêu mà Chúa dành cho Cha và cho anh em.
Những ngày cuối đời, xem chừng ra vui vẻ và dễ tính cũng như dễ sống với anh em hơn.
Có lẽ Cha nghiệm ra được cuộc đời để rồi nhẹ nhàng với anh em hơn.
Đa phần, già thay đổi tính nết bởi lẽ cũng nghiệm ra được điều gì đó trong cuộc đời. Có thể ai nào đó vì sức khỏe, vì đau yếu nên chưa dễ thương khi về già âu cũng là điều dễ hiểu.
Những người thân quen dù già dù trẻ ra đi như những người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ vậy. Từng người tình ra đi và đến một ngày nào đó mình cũng ra đi thôi. Chả ai trong cái cuộc đời này lột da sống mãi.
Cần ý thức hơn về chuyện sinh tử, chuyện ra đi của đời con người để mình sống nhẹ nhàng và thanh thoát hơn với nhau.
Ở nhà này, nếu không hiểu chắc có lẽ sốc vì lẽ hai anh em vẫn dùng từ “kẻ thù” cho nhau. Dùng từ cho vui chứ ai cũng có tuổi và cũng đủ hiểu và nghĩ về cái phận người rồi. Và anh em vẫn thường nói với nhau “giết người ta ở với ai ?”
Câu nói đó cũng phần nào đó nhắc nhở mỗi chúng ta hãy sống làm sao cho có cái tình để khi nằm xuống người ta còn nhớ còn thương.
Hai bậc đàn anh trong Dòng vừa ra đi ít nhiều gì để lại trong lòng anh em những mẫu gương, những cung cách sống.
Cha Giuse Ngô Tấn Lực : Mẫu gương của sự hiền từ và nhẫn nại. Sức khỏe không cho phép để Cha càng khiêm tốn ý thức thân phận của mình và Cha đã dệt đời của Cha bằng sự khiêm nhường thẳm sâu.
Cha Giuse Phạm Kim Điệp : Mẫu gương của sự kiên trì bền bỉ và lòng yêu thương người nghèo, cách riêng qua những mảnh đời khuyết tật. Cứ bước qua khỏi mảnh đất Nhà Bè để qua Bình Khánh bằng cái phà Bình Khánh hỏi đến tên Cha Điệp chắc có lẽ không ai là không biết. Đơn giản là Cha yêu thương và ôm những phận nghèo ở Cần Giờ vào trong lòng Cha, trong trái tim Cha.
Những người tình đó để lại những mẫu gương, những cung cách sống để ta học hỏi và sống theo.
Ngày nào đó ta cũng trở về với bụi tro như các ngài mà thôi. Hơi đâu mà giận với hờn, hơn với thua và ganh với ghét.
Lm. Anmai, CSsR
- Tổng Hơp: