Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Câu chuyện bán con, tôi có can dự gì không ?

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

CÂU CHUYỆN BÁN CON : TÔI CÓ CAN DỰ GÌ KHÔNG ?

 

            Khi suy nghĩ về câu chuyện đau lòng về việc bán con vừa xảy ra ở Trà Vinh tôi tự hỏi mình có can dự gì không ? Tôi tự trả lời ngay và luôn : Có !

 

            Nếu trả lời không có thì tôi là người vô cảm.Tiếc thay, họ cũng là con người, họ cũng là người máu đỏ da vàng như tôi để rồi nỗi đau của họ cũng là nỗi đau của chính tôi.

 

            Bần cùng sinh đạo tặc ! Câu nói mà không ai không biết khi nói về những mảnh đời, những phận người khi rơi vào cảnh cùng của cuộc sống. Chả ai muốn mình rơi vào tình cảnh bi đát của cuộc đời nhưng họ rơi vào bước đường cùng nên làm liều.

 

            Đôi vợ chồng ở Trà Vinh không cướp của, không giết người. Họ rơi vào khung của bộ Luật đó là bán con và họ đã lãnh án :

 

13 năm tù cho người Cha!

 

10 năm tù cho người Mẹ!

 

Không còn tiền để sinh sống, họ đành phải rao bán con trên mạng với giá 20 triệu đồng.

 

Có lẽ vì chưa đọc được câu chuyện này, hay có lẽ cứ luật mà xử và không có chút tình người nên bản án nó ra như vậy.

 

Lâu lắm rồi, đọc được câu chuyện vừa bi và vừa hài, đến giờ tôi cũng không thể nào quên :

 

Một bà lão nghèo bị xét xử với tội danh ăn cắp. Bà lỡ lấy một ổ bánh mì, nhưng lí do bà lão đưa ra cùng diễn biến phiên toàn khiến nhiều người chứng kiến ngỡ ngàng...

 

Chuyện không tưởng: Bà lão ăn cắp, cả tòa nộp tiền phạt

 

"Mùa đông năm ấy là khoảng thời gian mà nền kinh tế của nước phương Tây nọ tiêu điều nhất. Không khí ảm đạm bao trùm toàn bộ thành phố, nơi cư ngụ của những đứa trẻ lang thang, những mảnh đời vất vưởng, và những gia đình túng thiếu không có bữa ăn no…

 

Vào một đêm lạnh giá, một phiên tòa được tổ chức trong khu phố nghèo nhất thành phố. Đứng ở vị trí thẩm phán là ngài thị trưởng đáng kính của thành phố, và bên dưới bục là một bà lão đã gần 60 tuổi, áo quần cũ rách cùng với dáng vẻ sầu não.

 

Ngài thị trưởng, cũng đồng thời là quan tòa, hỏi: "Bị cáo, bà bị tố là đã lấy trộm bánh mì, có đúng vậy không?"

 

Bà lão cúi mặt xuống, ấp úng đáp:

 

-        "Vâng thưa quan tòa, tôi thật sự đã lấy trộm".

 

-        "Vì sao bà lại lấy trộm? Có phải vì bà đói bụng không?" – quan tòa lại hỏi.

 

"Thưa quan tòa, tôi đã rất đói. Nhưng nếu chỉ vì đói thì tôi đã không làm như vậy", bà lão trả lời. "Đứa con rể của tôi đã bỏ ra đi, còn con gái tôi thì ốm liệt giường. Tôi cần chiếc bánh mì này để nuôi hai đứa trẻ đang chết đói…Chúng thực sự rất đói…" - Nói đến đây bà bật khóc.

 

Ngài thị trưởng thở dài. Ông nhìn khắp gian phòng một lượt, rồi quay sang bà lão và nói: "Bị cáo, tôi sẽ phải xử phạt bà, luật pháp luôn công bằng và không có ngoại lệ đối với bất kỳ cá nhân nào. Bà phải nộp phạt 10 đô-la hoặc bị giam 10 ngày trong tù. Bà chọn cái nào?"

 

Trong sự bế tắc tột cùng, bà lão đáp: "Thưa quan tòa, tôi xin bằng lòng chịu phạt. Nếu tôi có 10 đô-la thì đã không lấy cắp bánh mì. Vậy tôi xin được giam 10 ngày. Nhưng còn đứa con gái và hai đứa trẻ, ai sẽ chăm sóc chúng đây?"

 

Ngài thị trưởng khẽ mỉm cười. Ông rút trong túi ra 10 đô-la và bỏ vào chiếc mũ nổi tiếng của mình.

 

-        "Đây là 10 đô-la tiền phạt, bà đã được tự do!"

 

Rồi ông lại hướng cặp mắt về phía những người tham dự phiên tòa: "Và bây giờ, mong các vị hãy nộp 50 xu tiền phạt.

 

Tiền phạt để trừng phạt cho sự hờ hững của chúng ta, vì đã để một bà lão khốn khổ phải đi ăn cắp bánh mì nuôi những đứa trẻ đang chết đói. Hãy nộp tiền và đưa tất cả cho bị cáo".

 

Tất cả mọi người có mặt tại phiên tòa khi ấy đều không khỏi kinh ngạc. Không khí im lặng đến nỗi một cây kim rơi xuống đất cũng có thể nghe thấy.

 

Trong phút chốc, tất cả mọi người lặng lẽ đứng dậy, lấy ra 50 xu và bỏ vào chiếc mũ của ngài thị trưởng"

 

            Tòa cứ không theo cáo trạng mà xét xử nhưng Tòa lại đòi hỏi tất cả các thành viên của Hội Đồng Xét Xử cũng như của những ai có mặt tại phiên tòa xét xử chính bản thân của mỗi người. Mỗi người có liên đới và trách nhiệm trong vụ án này.

 

Nếu là tôi, nếu tôi có mặt tại phiên tòa ấy tôi cũng đấm ngực lãnh phần trách nhiệm của mình.

 

Trước khi kết tội, nên chăng phải tìm hiểu tiến trình cấu thành để nên tội.

 

Có ai nào đó đặt mình vào vị trí của người cha, người mẹ như thế không ? Với tôi, họ bán con xem chừng ra có tội nhưng tội không ác bằng những người giết con từ trong trứng nước. Ấy vậy mà chuyện giết người từ trong trứng nước ấy chả có tòa nào xét xử cả và những sát nhân vẫn sống phây phây trên cõi đời này. Và vì như thế, sát nhân giết con của mình ngày càng nhiều và càng tăng.

 

Điều tôi suy nghĩ là sau khi vào tù với bản án như thế thì 4 đứa trẻ nó sẽ đi về đâu ? Cuộc đời, tương lai của nó sẽ như thế nào ? Chúng lại rơi vào cuộc sống thiếu cha và thiếu mẹ dù cha mẹ vẫn còn sống. Chúng chỉ có một cái tội như cha mẹ chúng là nghèo.

 

            Cái nghèo này đang ập đến không chỉ gia đình này mà nhiều gia đình khác nữa bởi biết bao nhiêu điều khó nói. Những người tham nhũng tham ô ngàn ngàn tỷ thì vẫn nhởn nhơ và sống thanh thản. Trong khi đó người nghèo thì nghèo quá họ vào thế cùng thì họ phải làm vậy thôi. Có người sẽ chê trách họ thế này thế kia nhưng có khi nào mình đặt mình là người nghèo vô thế bí để đi bán con chưa ?

 

            Hàng ngàn hàng hàng tỷ cứ rơi vào tay ai đó và để đó ai sống chết mặc ai.

 

            Tôi cũng như nhiều người mòn mỏi tìm công lý trong cuộc đời nhưng xem chừng công lý chỉ bằng ký lông. Buồn, đắng, cay, đau và có cả hờn nữa. Tình cảnh như thế này thì nhiều và nhiều người rơi vào cảnh túng cực lắm.

 

            Sống trong cảnh nghèo nên tôi thừa hiểu được khi rơi vào cảnh nghèo để rồi từ đó những ai tìm đến mình, tôi không nỡ để họ phải về tay không. Chả giàu có gì, đi tu mà, có đồng nào xào đồng đó (nghĩa là sang tay cho người nghèo ngay khi nhận được). Cứ đứa trẻ nào không có điều kiện đi học, cứ gia đình nào rơi vào cảnh thiếu và trong khả năng cho phép là tôi chia sẻ ngay không  tính toán.

 

            Nếu như tôi biết được câu chuyện bán con với giá 20 triệu chắc có lẽ tôi cũng xoay để có ngần ấy gửi cho họ để họ không phải rơi vào vòng lao lý.

 

            Nghĩ mãi nghĩ không ra ! Tôi vẫn liên đới, tôi vẫn can dự đến cái gia đình bán con này. Tôi cũng có một phần trách nhiệm trong cuộc sống, nhất là với những người nghèo.

 

Lm. Anmai, CSsR