Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đắng quá cafe ơi !

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

ĐẮNG QUÁ CÀ PHÊ ƠI !

 

            Đã là cà phê thì phải đắng nó mới ngon và nếu không đắng thì không gọi là cà phê. Để giảm được vị đắng, có người cho thêm sữa hay cho thêm đường tùy theo sở thích.

 

            Sở dĩ tôi ghi cái tựa đề đắng quá cà phê ơi là có chuyện của nó.

 

            Câu chuyện là sống ở cái vùng trồng cà phê thì ít nhiều tâm trạng cũng theo dòng chảy của những người trồng cà phê. Có thể nói dù không trồng, không kinh doanh nó nhưng rồi trong cuộc sống hít thở “mùi” cà phê. Đơn giản là khói, bụi của sấy, xay cà phê nó bay vào tận phòng. Ngày nào cũng lau chùi nhưng bụi của cà phê nó cứ như muốn ám vào cuộc đời như nó ám vào đời của những người làm nghề cà.

 

            Ai nào đó dính dự đến cà phê cũng sẽ nghe giá của cà phê.

 

            Đầu mùa hay chốt cà phê non thì cà phê nằm ở cái giá rất thấp. Rộ mùa thì cà phê được lên cao một chút. Chả hiểu sao vài ngày nay thì cà phê lại lên ở cái giá mà nhiều người không tưởng.

 

            Tưởng chừng giá cà phê cao làm cho người dân đỡ khổ nhưng nó lại làm cho dân khổ thêm. Tại sao lại lạ như vậy nếu như không hiểu câu chuyện của giá cả.

 

            Nghèo ! Cũng từ cái nghèo mà ra, người nghèo phải bán cà phê non hay cà phê đầu vụ. Vì ăn trước trả sau nên rồi cứ phải vay để mà sống trong những ngày tháng làm cà. Đến mùa vụ, con buôn hay đúng hơn là chủ nợ đã đến canh sẵn cà phê ở nhà. Sở dĩ canh sẵn vì sợ không đòi được nợ nên họ phải làm như thế thì con nợ không thể nào chạy thoát.

 

            Giá lên cao nhưng người nghèo còn cà phê đâu mà bán ? Họa chăng là những người khá giả họ không vướng nợ nần thì còn cà để bán với cái giá cao. Người nghèo vẫn khổ dù giá cà phê có cao mấy đi chăng nữa.

 

            Và, câu chuyện đắng của cà phê dành cho những người nông dân đó là chuyện tăng giá sinh hoạt.

 

            Cơ bản là thấy giá cà phê tăng để rội gạo mắm muối thịt thà tăng theo. Người bán cứ vịn vào giá cà phê để tăng bất chấp không quan tâm đến nông dân nghèo.

 

            Thường thì gạo 15, 16 có thể ăn được nhưng nay không còn ở giá đó nữa mà nó nhảy dù đến 20. Chả phải gạo mà nhiều thứ khác như thực phẩm tiêu dùng cũng đồng loạt tăng giá.

 

            Vì là vùng xa và hẻo nên rồi tất cả các thực phẩm tiêu dùng hay những thứ tiêu dùng tất yếu lúc nào cũng đội giá cao hơn những nơi phố thị. Càng xa thành phố xem chừng giá cả lại đắt đỏ hơn nhiều cho nơi vùng hẻo lánh.

 

            Cái Tết đã cận kề, đảo một vòng thì dường như không khí của Tết dường như đìu hiu và lạnh lẽo như khí trời vậy.

 

            Cân con cá chỉ có giá 75 ngàn nhưng nghe người bán nói không khỏi chạnh lòng : Em mua có 2 con về bán thôi anh. Mua về không bán được cho ai hết. Qua mùa cà phê rồi người ta đâu có tiền để mà ăn nữa anh. Không dám mua nhiều để bán. Chỉ mua có 2 con !

 

            Nghe sao mà thảm quá ! Một địa danh không nhỏ mà còn như vậy chứ huống hồ gì là nơi tôi đang ở. Mức sống cũng như vận hành cuộc sống nơi tôi đang ở còn tệ hơn. Những con cá mà tôi phải đi xa mua dĩ nhiên là ở gần không ai bán vì lẽ mua về có bán cũng chẳng ai mua.

 

            Tô bún bây giờ bình thường tầm ở giá 4 hay 5 chục. Sài Thành thì có nơi tầm giá 60. Ấy vậy mà nơi tôi đang ở chỉ ở cái giá 25 ngàn mà thôi! Bán mắc hơn thì sẽ chẳng có ai mua. Chuối thì đơn giản như đang giỡn. 1 ký chỉ tầm ở cái giá 4 ngàn đồng.

 

            Ở Long Khánh, xứ sở của chuối nghe đâu người nông dân cũng đang mang cái kết đắng vì mùa chuối trĩu nặng với cái giá ở 2.500 đồng hay hơn mọt chút 1 ký thôi.

 

            Cà phê là vậy đó ! Xem chừng tưởng sẽ vui khi giá cà phê lên nhưng không ! Giá cà phê lên chỉ lợi cho người giàu và tích trữ cà phê. Với người nghèo thì giờ làm gì còn cà để mà bán. Trong khi đó thì gạo mắm muối lại đội giá lên theo.

 

            Cái nghèo và cái khổ nó không chịu buông tha với những người nông dân nghèo.

 

            Câu chuyện ăn trước trả sau hay sống trong bầu khí nợ không còn là chuyện lạ ở cái vùng đất nghèo này. Quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời để chăm tưới cây cả phê và rồi cuộc đời nó cứ đắng như ly cà phê không đường vậy.

 

Lm. Anmai, CSsR