Xót thương , tất cả chỉ có thế ! - Yêu mến và ôm láy
XÓT THƯƠNG, TẤT CẢ CHỈ CÓ THẾ!
“Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương!”.
“Khi nói về thiên đàng, hãy để khuôn mặt bạn rạng sáng, cho nó phản ánh mặt trời! Khi nói về địa ngục, bạn cứ để tự nhiên, khuôn mặt bạn đã làm được điều đó! Còn khi nói về Chúa, bạn chỉ cần cúi xuống; cúi xuống để biết phận mình, phận của những kẻ bị đuổi khỏi địa đàng. Và Ngài, Đấng Xót Thương, tất cả chỉ có thế!” - Charles Spurgeon.
Kính thưa Anh Chị em,
‘Xót thương, tất cả chỉ có thế!’; và Mùa Chay, Mùa Xót Thương, tất cả cũng chỉ có thế! Lời Chúa thứ Tư Lễ Tro cũng chỉ nói ngần ấy. Vì thế, khi kêu lên, “Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương!” - Thánh Vịnh đáp ca - bạn đang kéo ghì Chúa xuống, xin Ngài tiếp tục xót thương!
Nói đến Mùa Chay, bạn thường sợ hãi vì phải “từ bỏ một cái gì đó”. “Từ bỏ một cái gì đó?”. Đúng và không! Đúng, vì Chúa muốn! Chúa Giêsu nói đến thực hành khổ chế qua bố thí, cầu nguyện và ăn chay - Tin Mừng hôm nay. Nhưng với chỉ ngần ấy, xem ra không đủ, vì Mùa Chay còn là mùa mời gọi đến với ân sủng hơn là mùa của những gánh nặng!
“Từ bỏ một cái gì đó” chỉ thực sự mang ý nghĩa khi biết ‘chìm hẳn’ vào lòng thương xót của Thiên Chúa ở một ‘mức độ sâu hơn!’. Đó là cởi bỏ những gì đang trói buộc hầu bạn có thể trải nghiệm một cuộc sống mới. “Từ bỏ” đơn giản như nhịn ăn, nhịn uống vốn đòi hỏi một sự bỏ mình nhất định. Điều này là tốt! Bởi lẽ, nó tiếp sức về tinh thần và ý chí để chúng ta quyết tâm hơn hầu có thể nói “Có” với Chúa ở ‘mức độ Chúa muốn’. Nhưng, “từ bỏ một điều gì đó” để được ‘một Ai đó’ thì đáng giá hơn gấp bội! Bởi lẽ, khi từ bỏ, chúng ta rời địa ngục để hướng tới thiên đàng, “để khuôn mặt bạn rạng sáng, cho nó phản ánh mặt trời!”.
Vậy mà trong cuộc sống, cảm xúc và ham muốn thường thao túng bạn và tôi; chúng điều khiển chúng ta một cách dễ dàng! Vì thế, thực hành khổ chế, từ chối bản thân sẽ giúp chúng ta củng cố và làm chủ các khuynh hướng rối loạn hơn là để chúng điều khiển. Và điều này áp dụng cho nhiều thứ, không chỉ đối với đồ ăn thức uống, nhưng còn cho những gì tích cực hơn. Nó bao gồm các nhân đức, đặc biệt là lòng bác ái và sống xót thương.
Trải nghiệm lòng thương xót Chúa, bạn và tôi trải nghiệm việc Ngài chờ đợi chúng ta xót thương nhau. Đó là ‘yêu’ như Ngài yêu; tự do để tình yêu chấp cánh cho linh hồn. Bấy giờ, chúng ta “xé lòng, trở về với Chúa” - bài đọc Gioel; “làm hoà với Ngài” - thư Phaolô. Được tình yêu chiếm hữu, việc cầu nguyện, giữ chay và thương xót sẽ không còn khó khăn!
Anh Chị em,
‘Xót thương, tất cả chỉ có thế!’. Xót thương là quà tặng miễn phí được trao ban cho chúng ta, “những kẻ bị đuổi khỏi địa đàng”. Chớ gì lời khẩn xin “Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương!” không ngừng vang lên trong tâm hồn bạn và tôi suốt Mùa Chay này, hầu khi cảm nghiệm được lòng Chúa thương xót, chúng ta xót thương nhau. Hãy biến mùa này thành mùa ân sủng! Đừng mắc kẹt với ý nghĩ, hy sinh là nặng nề; chúng là một phần thiết yếu trên con đường dẫn đến một cuộc sống mới mà Thiên Chúa muốn tặng ban, cuộc sống nên thánh.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ước gì ân sủng và lòng Chúa xót thương rửa sạch linh hồn con, khuôn mặt con… hầu nó rạng ánh thiên đàng, khi con tìm lại được những gì đã mất!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***********
YÊU MẾN VÀ ÔM LẤY
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo!”.
“Thập giá của Chúa Kitô tựa hồ một gánh nặng không thể thiếu như cánh buồm của một con tàu, đôi cánh của một con chim. Ngài yêu mến và ôm lấy nó!” - Samuel Rutherford.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay tiết lộ ‘cánh buồm’ của con tàu Giêsu cũng như ‘đôi cánh’ của Ngài, Đấng đã chu tất kế đồ cứu độ của Chúa Cha qua nghịch lý của thập giá mà Ngài đã ‘yêu mến và ôm lấy’.
Thập giá và đau khổ có mặt ở mọi ngã rẽ cuộc đời, ai ai cũng muốn chạy trốn nó. Chúa Giêsu thì không! Dẫu thấy trước những khước từ, khổ đau và cái chết, Ngài không chạy trốn; trái lại, ‘yêu mến và ôm lấy’ nó như một cách thức biểu lộ tình yêu sâu sắc nhất. Với bạn và tôi, nhiều lần chúng ta choáng ngợp, mệt mỏi vì ‘cuộc chiến theo Chúa’ đòi hỏi chiến đấu liên lỉ, bền bỉ… nhiều lúc khiến chúng ta bải hoải. Con đường dẫn đến hoàn thiện hẳn có nhiều phần thưởng được hứa hẹn, nhưng nó cũng xói mòn. Thế nhưng, dù gục ngã trăm lần, chúng ta vẫn trỗi dậy và đi tới. Vì thế, tuyệt vọng sẽ là điều xa lạ khi biết rằng, Chúa Kitô luôn đứng về phía chúng ta. Nỗ lực giao chiến kéo dài của chúng ta có thể khiến Chúa Kitô vui lòng hơn là một chiến thắng dễ dàng.
Với Chúa Kitô, đau khổ và thập giá của bạn và tôi mang một ý nghĩa mới! Ngài cho chúng ta khả năng mặc cho đau khổ, bệnh tật và gian truân - vốn là hậu quả của tội lỗi - một ý nghĩa cứu độ của tình yêu. Vì thế, bất hạnh và yếu đuối, sỉ nhục và chết chóc không khiến người môn đệ Giêsu chùn bước. Phaolô đã can đảm thốt lên, “Tôi vui lòng với những yếu đuối, sỉ nhục, gian khổ, bắt bớ và giam cầm vì Chúa Kitô; vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”.
Bài đọc Đệ Nhị Luật hôm nay cũng nói đến chiến đấu. Môisen cho dân chọn lựa; chọn Chúa hay chọn thần ngoại, “Tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ”. Chiến đấu để chọn Chúa là chọn sự sống. Thánh Vịnh đáp ca cũng đồng tình, “Phúc thay người đặt niềm tin tưởng nơi Chúa!”. “Đặt niềm tin nơi Chúa” cho thấy rằng, chiến thắng thập giá không là công nghiệp của chúng ta, nhưng là công nghiệp của Chúa Kitô, Đấng chúng ta mà trung thành sáp nhập vào mỗi ngày.
Anh Chị em,
“Ngài ‘yêu mến và ôm lấy’ nó!”. Đức Phanxicô nói, “Không thể nghĩ đến một đời sống Kitô ngoài con đường thập giá. Hành trình của Kitô hữu là một hành trình gắn liền thập giá, một hành trình mà Chúa Kitô đã thực hiện trước tiên. Đó là hành trình khiêm tốn, bỏ mình; và rồi, trỗi dậy! Không có thập giá, Kitô giáo không phải là Kitô giáo, và nếu thập giá là thập giá không có Chúa Kitô thì đó càng không phải là Kitô giáo. Phong cách Kitô giáo là vác thập giá với Ngài, ‘yêu mến và ôm lấy’ nó; quan trọng hơn, tiến về phía trước. Phong cách này sẽ cứu rỗi bạn và tôi, mang lại niềm vui và sản sinh hoa trái. Bởi lẽ, con đường từ bỏ chính mình mang lại cho chúng ta sự sống, trái ngược với con đường ích kỷ, bám víu cho bản thân… Con đường này mở ra cho những người khác nữa, đó là đường ban sự sống!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng bao giờ để con coi thường ‘cánh buồm’ con tàu đời con. Nhiều lúc, nó trở nên quá nặng nề, nhưng cho con kiên vững ‘yêu mến và ôm lấy’ nó đến cùng!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: