Khao khát gặp Chúa Giêsu
Khao khát gặp Chúa Giêsu
Trên bục giảng của một số nhà thờ cổ xưa người ta thường thấy dòng chữ: “Domine, volumus Iesum videre.” Đó là câu từ bài Tin Mừng hôm nay: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu” (Ga 12:21). Mọi người đến tham dự Thánh lễ để gặp Chúa Giêsu, để nghe Lời của Ngài, để nhìn ngắm Ngài trong những cách nhìn khác nhau của họ và muốn trở nên gần gũi với Ngài. Hôm nay Giáo Hội muốn mọi người nhìn Chúa Giêsu rõ hơn, nhận ra tình yêu cháy bỏng của Ngài dành cho chúng ta, nhận ra rõ hơn những gì Ngài mong muốn nơi chúng ta.
- Niềm khao khát được nhìn thấy Chúa Giêsu
Mấy người Hy Lạp trong Tin Mừng hôm nay đã nói với Philípphê: “Thưa ông, chúng tôi muốn gặp ông Giêsu”. Có lẽ họ đã chứng kiến Chúa Giêsu đuổi những kẻ đổi tiền và súc vật ra khỏi Sân Dân Ngoại trong Đền Thờ, cách đây hai tuần. Có lẽ họ đã nghe danh tiếng của Chúa Giêsu về những phép lạ hoặc lời nói đầy uy quyền đáng kinh ngạc và muốn tự mình tìm hiểu. Dù lý do gì đi nữa, họ đến gặp Chúa Giêsu không chỉ để gặp mặt và nói chuyện với một người nổi tiếng, nhưng chủ yếu là để tìm hiểu con người ông Giêsu, người có quyền năng Thiên Chúa làm cho Ladarô sống lại, dù đã chết và chôn bốn ngày trong huyệt mộ. (Ga 12:9).
Thực ra, niềm khao khát gặp được Thiên Chúa đã có rất lâu từ hơn 2000 năm trước. Các thánh vịnh cho thấy con người vẫn tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa, khao khát được hiệp thông với Ngài. “Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi, mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng” (Tv 27:4) và “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước. Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện, để thấy uy lực và vinh quang của Ngài” (Tv 63:2-3). Tiên tri Isaia cũng thốt lên: “Vâng, lạy Chúa, trên con đường thánh ý vạch ra, chúng con chờ đợi Chúa. Hồn chúng con khát vọng Thánh Danh và ước mong tưởng nhớ đến Ngài” (Is 26:8). Những người trong thời Cựu Ước cầu nguyện tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa đều không biết rằng cuối cùng Thiên Chúa sẽ mang lấy khuôn mặt con người giống như họ. Con người đó chính là Chúa Giêsu, sống kiếp con người, chịu nhiều đau khổ, chết và sống lại, trở nên nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai bước theo Ngài. Thánh Phaolô nói rõ thực tại này trong bài đọc thứ hai: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Chúa Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Ngài khỏi chết. Ngài đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Ngài!” (Hípri 5:7-9).
Ngày nay cũng vậy, như dân Israel xưa khao khát Thiên Chúa, như mấy người Hy Lạp đến với Philíphê để tìm kiếm Chúa Giêsu, vẫn có rất nhiều người khao khát Thiên Chúa. Họ đến với Giáo hội, với chúng ta, và chúng ta cần có khả năng, như Philípphê và Anrê, dẫn đưa họ đến với Chúa Giêsu. Đó chính là mục đích của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng của Giáo hội mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang cố gắng thúc đẩy.
- Chúa Giêsu cho người ta gặp Ngài trong một tư cách khác.
Phản ứng của Chúa Giêsu trước mấy người Hy Lạp mong muốn được gặp Ngài không chỉ gây ngạc nhiên mà còn gây sửng sốt. Ngài thông báo rằng họ sẽ thấy Ngài được tôn vinh: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” (Ga 12:23), nhưng được tôn vinh không theo cách mà mọi người có thể mong đợi: một nhà lãnh đạo xuất chúng, hoặc vinh quang như trong Cuộc Biến Hình. Không, Chúa Giêsu nói họ sẽ thấy Ngài được vinh hiển khi Ngài tự nguyện từ bỏ mạng sống mình, bị treo trên Thập Giá, chết đi, như hạt lúa: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12: 24). Chính khi Chúa Giêsu bị treo trên Thập Giá, Ngài sẽ mặc khải cho những ai đang thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa thấy chính Ngài là Thiên Chúa Cứu Độ nhân loại: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12:32).
Nếu chúng ta đang tìm kiếm Chúa Giêsu, chúng ta nên đi theo Ngài trên con đường chấp nhận từ bỏ chính mình thay vì mãi tìm cách khẳng định mình. Có lẽ chúng ta không chỉ bị sửng sốt mà còn hoảng sợ khi nghe những lời kỳ lạ này: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12:25). Thập Giá mãi mãi sẽ chỉ là đau đớn, khổ sở, nhục nhằn nếu cái chết nghịch lý ấy không được thúc đẩy bởi tình yêu, một tình yêu đích thực của Thiên Chúa đã dành cho con người và của chúng ta dành cho Thiên Chúa như Thánh Phaolô nói: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Gal 6:14). Chính qua Thập Giá mà Chúa Giêsu được Phục sinh vinh hiển, thì chính khi cùng với Chúa Kitô vác những thập giá lớn nhỏ của đời mình mà chúng ta sẽ được sống với Ngài: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Chúa Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Ngài” (Rm 6:8).
- Cuộc xuất hành của Chúa Giêsu và của chúng ta
Đức Thánh Cha Bênêđíctô đã bình luận về những lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay vào năm 2006 trong thông điệp đầu tiên của ngài “Deus Caritas Est”. Ngài gọi con đường của Chúa Giêsu - được coi là con đường đức tin của chúng ta - là “bản chất của tình yêu và bản chất thực sự của chính đời sống con người”. Đức Thánh Cha nói: “Tình yêu là…một cuộc hành trình, một cuộc xuất hành liên tục ra khỏi cái tôi khép kín hướng về mình để hướng tới sự giải thoát của cái tôi đó qua sự tự hiến, và do đó hướng tới sự tự khám phá và thực sự khám phá Thiên Chúa: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống” (Lc 17:33), như Chúa Giêsu đã nói xuyên suốt các Tin Mừng (Mt 10:39; 16:25; Mc 8:35; Lc 9:24; Ga 12:25). Bằng những lời này, Chúa Giêsu phác họa con đường của chính Ngài, con đường dẫn qua Thập giá đến sự Phục sinh: con đường của hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi, và nhờ đó sinh nhiều hoa trái. Bắt đầu từ chiều sâu của sự hiến tế chính mình và của tình yêu đạt đến sự viên mãn trong đó, Ngài cũng miêu tả trong những lời này bản chất của tình yêu và bản chất thực sự của chính đời sống con người” (Phần I, số 6)
Giao ước mới và vĩnh cửu mà tiên tri Giêrêmia nói đến trong bài đọc thứ nhất là giao ước do Chúa Giêsu thiết lập, nhưng “không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai cập” (Gr 31:32) mà là “Giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó - sấm ngôn của Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31:33). Lề luật của giao ước mới ấy chính là Chúa Giêsu, tình yêu của Thiên Chúa (1 Ga 4:8), sẽ soi dẫn mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của mỗi người chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Đó là một “một cuộc hành trình, một cuộc xuất hành liên tục ra khỏi cái tôi khép kín hướng về mình để hướng tới sự giải thoát của cái tôi đó qua sự tự hiến.” Chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy Thiên Chúa, chỉ tìm thấy cuộc sống của mình, khi chúng ta bỏ lại sự ích kỷ ở phía sau, ra khỏi mọi cố gắng “bảo toàn mạng sống mình”, nghĩa là học cách hiến dâng cuộc đời mình như một hạt lúa mì, chết đi chính mình để sinh ra nhiều hoa trái cho Thiên Chúa và tha nhân. Đức Thánh Cha Bênêđíctô nói đây là con đường duy nhất dẫn đến “sự tự khám phá và thực sự khám phá Thiên Chúa.”
Vì vậy, bài học đầu tiên của Tin Mừng hôm nay là dành cho chúng ta, những người mong muốn được gặp gỡ Chúa Giêsu và yêu mến Ngài ở đời này và mãi mãi ở đời sau. Để làm được như vậy, chúng ta cần thực hiện cuộc xuất hành này, “xem nhẹ sự sống mình ở đời này”, từ bỏ cái tôi quy ngã để đi đến sự tự do hiến thân trong tình yêu thương dành cho Thiên Chúa và tha nhân.
- Sống mầu nhiệm Thập Giá trong cuộc đời cụ thể
Ý chí của chúng ta muốn tự cứu mình, muốn bảo vệ mình, muốn khẳng định mình. Đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của mình là điều vô nghĩa đối với những người coi thế giới này là mục đích duy nhất, nhưng lại là điều hoàn toàn có ý nghĩa đối với những người đang bước theo Chúa Kitô. Cuộc xuất hành bắt đầu bằng việc từ bỏ nỗi ám ảnh về lợi ích riêng của mình và bắt đầu nhìn thấy Chúa Giêsu nơi người khác, “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25:35). Khi chúng ta hy sinh vì yêu thương họ, chúng ta hy sinh vì Chúa Giêsu, như Ngài nói: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏnhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40). Chúng ta càng cho đi nhiều thì chúng ta càng thu được nhiều hơn. Chúng ta chỉ có thể giữ những gì chúng ta cho đi. Chúng ta sẽ chỉ sinh hoa kết trái vĩnh viễn khi chúng ta bước theo Chúa Giêsu trên con đường tình yêu tự hiến, con đường của hạt lúa mì.
Đôi khi trong một số hoàn cảnh, chúng ta như bị treo lên Thập Giá, bị tử đạo vì không chấp nhận sống theo những trào lưu thế tục: muốn làm giàu bằng mọi giá, muốn thăng cấp xã hội hơn là muốn thăng tiến trong sự thánh thiện. Chúng ta bị xã hội khinh thường khi không chấp nhận não trạng thực dụng, thái độ hưởng thụ từ nền kinh tế thị trường thúc đẩy tiêu thụ. Trong hoàn cảnh như thế, ý nghĩa và giá trị đức tin của chúng ta như điều không tưởng, không cập nhật “up-to-date”, không thời thượng “à la mode”. Tuy vậy, chỉ khi để cho lối sống theo xác thịt ấy chết đi để sống theo Thần Khí, tập từ bỏ chính mình mỗi ngày, chúng ta mới dần dần gặp được Thiên Chúa đích thực. Đó là cách duy nhất có thể giúp chúng ta giữ lòng trung thành với lời mời gọi của Chúa Giêsu trở nên “hạt lúa gieo vào lòng đất chết đi”. Và như thế chúng ta sẽ cứu được sự sống mình, được “giương cao lên khỏi mặt đất” vinh hiển cùng Chúa Giêsu mãi mãi.
Phêrô Phạm Văn Trung.