Là ‘hạt giống’, tôi cũng phải chết mỗi ngày
Là ‘hạt giống’, tôi cũng phải chết mỗi ngày
(Suy niệm Chúa nhật V Mùa Chay)
Câu chuyện minh hoạ:
Mùa xuân năm ấy, có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong thửa đất màu mỡ. Hạt giống thứ nhất hăng hái nói: “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống lòng đất, và đâm chồi xuyên qua lớp đất cứng bên trên. Tôi muốn vươn những búp non mơn mởn như những lá cờ loan báo mùa xuân đã đến... Tôi muốn cảm nhận hơi ấm của mặt trời mơn man trên mặt và hơi nước mát lạnh của sương mai trên những cánh hoa”. Và nó tự làm cho mình chết đi để trở thành một mầm sống rồi thành một cây mọc lên xanh tốt.
Hạt giống thứ hai tự nhủ: Mình sợ lắm! Nếu cắm rễ xuống đất, mình chẳng biết sẽ gặp gì trong lòng đất tối tăm. Nếu mình tìm đường xuyên qua lớp đất cứng bên trên, biết đâu những chồi non yếu ớt của mình sẽ bị thương tổn. Làm sao mình có thể cho búp non xòe lá khi một chú sâu đang chờ sẵn để xơi tái đọt lá xanh non? Và nếu mình nở hoa, một em bé có thể nhổ đứt mình lên! Không, tốt hơn mình nên đợi cho đến lúc an toàn hơn”. Và nó tiếp tục đợi chờ... Một sáng đầu xuân, cô gà mái bới đất kiếm ăn đã thấy hạt giống đang năm chờ đợi. Cô chẳng đợi gì mà không mổ lấy, nuốt ngay.
Vâng để có được sự sống đời đời, những người môn đệ của Chúa cũng phải bước vào một một cuộc lột xác thay hình đổi dạng để có thể trở nên giống Chúa Giêsu. Như hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt thì những ai muốn được ở một nơi với Chúa cũng phải làm như thế. Chúa nhật V Mùa Chay hôm nay Giáo hội, mẹ của chúng ta đã soạn cho chúng ta một bữa tiệc Lời Chúa thật ý nghĩa nói về tình yêu tự huỷ của Con Thiên Chúa. Đức Giê-su, Con Thiên Chúa như hạt lúa đã gieo vào lòng đất, chấp nhận chết đi để đem lại sự sống đời đời cho cả nhân loại trong đó có tôi. Ngài khẳng định “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12,24).
Chiêm ngắm Đức Giê-su trên Thánh Giá, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của tình yêu tự huỷ, một tình yêu tự hiến cho con người. Ngài đã chấp nhận chết đi để cho con người được sống. Chúa nhật V được gọi là Chúa nhật Chúa Giê-su dọn mình chịu nạn, chịu chết. Ngài đã một lòng sẵn sàng mà vâng theo thánh ý của Chúa Cha để chịu khổ hình: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.” (cc.32-33). Quả thật, Đức Giê-su sẽ phải treo trên thập giá, điều mà thánh Phaolô đã thốt lên: “Thập giá là một sự điên rồ đối với dân ngoại, và là một điều ô nhục đối với người Do Thái” (x. 1Cr 1, 23). Nhưng thập giá đối với chúng ta, là những ki-tô hữu, đây là dấu chỉ thật hùng hồn diễn tả tình yêu cao vời khôn ví mà chính Con Thiên Chúa đã dành cho toàn thể nhân loại tội lỗi. Quả thật, như lời bài hát của nhạc sĩ linh mục Kim Long đã cất lên “Vinh dự của chúng ta là Thập Giá Ðức Ki-tô, nơi Người ơn cứu độ ta, sức sống của ta và sự phục sinh của ta.”
Vậy, như Đức Giê-su đã trở nên hạt giống gieo vào lòng đất và đã chấp nhận chết đi để sinh ra bông hạt khác, nghĩa là Ngài đã chấp nhận chết đi để mang lại bông hạt quý báu là sự Phục sinh để từ nay nếu ai cùng chịu chết với Ngài thì cũng sẽ được hưởng sự Phục sinh với Ngài. Tuy nhiên, Đức Giê-su đã khẳng định rằng “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12, 25). Điểm cốt yếu Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh ở đây, đó là ý nghĩa việc “tìm giữ mạng sống mình” và “liều mất mạng sống mình”. Thoạt nghe nghịch lý này, chúng ta đừng vội cho rằng Chúa thật là mâu thuẫn. Không đâu. Trái lại, đây là chân lý, chân lý đã trở thành một thứ “thập giá” mà bất cứ ai muốn làm môn đệ Chúa cũng phải vác. Vậy đâu là ý nghĩa của nghịch lý tìm giữ mạng sống và liều mất mạng sống? Dĩ nhiên Chúa Giê-su không hoàn toàn chỉ đề cập đến mạng sống thể xác của chúng ta, nhưng Người muốn nhấn mạnh hơn đến tầm quan trọng của mạng sống phần hồn chúng ta. Chúa muốn nói rằng nếu chúng ta muốn bảo toàn mạng sống phần hồn thì ta phải chấp nhận mọi hy sinh. Nói khác đi, nếu muốn giữ mạng sống phần xác được sung sướng mà bán rẻ cuộc sống luân lý đạo đức thì ta sẽ không tránh khỏi sự phán xét của “Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10:28). Tìm giữ mạng sống thân xác là khuynh hướng tự nhiên của chúng ta. Ai mà chẳng muốn sống đầy đủ và tiện nghi. Nhưng ước muốn ấy cũng có thể trở nên động lực thúc đẩy ta làm những việc trái luân lý và mất lòng Chúa. Cho nên đừng “tìm giữ” nhưng hãy “liều mất” để bảo tồn sự sống phần hồn luôn được bình an trước mặt Chúa và người đời. Chung quanh ta, không thiếu những kẻ “tìm giữ mạng sống”, khi họ chỉ vì đồng tiền mà sẵn sàng làm thương tổn hoặc cướp đi sự sống của người khác! Trái lại, chúng ta vác thập giá có nghĩa là ta chấp nhận mọi thiệt thòi khi sống đời Ki-tô hữu gương mẫu.
Quả thật, như ‘hạt lúa chết đi để sinh bông hạt khác’, để trở nên ‘bông hạt’, là phần thưởng Nước Thiên Đàng, là sự sống đời đời, tôi phải chấp nhận chết đi con người cũ, con người tội lỗi, con người của sự ích kỷ tham lam, con người của sự hận thù ghen ghét, con người cũng những gian tham độc dữ, con người của những bài bạc rượu chè, con người của những bất trung bất nghĩa, con người của những hỗn láo mất nết, con người của những vu oan giá hoạ, con người của những thói hư tật xấu,…vv và vv để trở nên con người của yêu thương tha thứ, quảng đại bao dung, con người của hy sinh phục vụ, con người của hiệp nhất nối kết, con người của chuyên chăm cầu nguyện và năng việc lành phúc đức.
Mặt khác, tôi phải cố gắng trở nên có ích hơn cho Chúa và cho tha nhân khi tôi còn sống trên dương gian này. Tôi cần nỗ lực phát huy hết khả năng Chúa ban cho tôi để tôi làm việc, để tôi dấn thân phục vụ Chúa cũng như mọi người hơn là ‘ăn không ngồi rồi’, hơn là ‘hả miệng chờ sung’. Quả thật, như Thánh Giacôbê Tông Đồ đã nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Muốn được Chúa thưởng công xứng đáng và muốn được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng với Chúa mai sau, ngay giờ phút hiện tại chúng ta phải chấp nhận chết đi ý riêng để sống theo ý của Chúa. Chúng ta cố gắng mỗi ngày để lắng nghe Lời Chúa và thực hành Lời Ngài trong từng giây phút của cuộc đời. Đây cũng là điều mà Chúa Giê-su nhắc nhở “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).
Tôi đang sống trong tình trạng nào đây? Tôi đã chấp nhận chết đi như hạt lúa chưa? Tôi có chấp nhận bước theo Đức Ki-tô lên đồi Calve để chịu chết với Ngài không? Nếu có, thì ngay bây giờ, từ trong gia đình, nơi chợ búa, nơi môi trường sống, tôi phải chết đi mỗi ngày để được sống với Chúa. Amen.
Linh mục Phaolo Phạm Trọng Phương