Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sự nghiêm túc của tính khôi hài

Tác giả: 
Trầm Thiên Thu

 

 

SỰ NGHIÊM TÚC CỦA TÍNH KHÔI HÀI

 

Có thể là thiếu tôn trọng hoặc bất kính khi tôi nghĩ rằng dụ ngôn trong Mt 26:6-13 (≈ Mc 14:3-9; Ga 12:1-8) thật là buồn cười. Quan trọng hơn, nó có ý nghĩa khôi hài. Không phải “buồn cười” theo nghĩa ngớ ngẩn hay tầm thường. Rõ ràng, nó chứa đựng một lời dạy nghiêm túc về đức tính khiêm nhường căn bản. Nhưng bạn có thể truyền tải một bài giảng quan trọng một cách hiệu quả theo cách khôi hài. Và đó là điều Chúa Giêsu đã làm.

 

Trong bữa tối tại nhà của một người Pharisêu, Chúa Giêsu thấy cách các vị khách khác giành vị trí nổi bật nhất tại bàn ăn. Rõ ràng, câu ngạn ngữ “chỗ ngồi là tất cả” vẫn đúng như bây giờ. Có lẽ chúng ta có thể tưởng tượng nụ cười bắt đầu nở trên khuôn mặt khi Ngài cho họ một bài học về cách chính xác để có được chỗ ngồi tốt nhất.

 

Đó là một cách tiếp cận hiếu kỳ mà Ngài đưa ra cho họ. Họ nên ngồi ở chỗ thấp nhất trong bữa tối, không phải vì khiêm nhường thực sự mà để có thể được nâng lên, được mời ngồi chỗ cao hơn và đẹp trong mắt người khác. Bây giờ, chúng ta hiểu hướng dẫn của Chúa về chỗ ngồi như thế nào? Hoặc Ngài đưa ra lời khuyên xã hội đầy hoài nghi – nếu bạn thực sự muốn trông thật đẹp trong các bữa tiệc tối, hãy để tôi cho bạn biết cách thực hiện – hoặc Ngài định làm điều gì khác. Có lẽ là điều thứ hai.

 

Dụ ngôn này không giống bất kỳ dụ ngôn nào khác. Đây không phải là câu chuyện giả định về một người chăn cừu, một nông dân hay một ngư dân, mà về những vị khách ngay trước mặt Ngài. Vấn đề là Ngài đang trêu chọc họ về sự leo thang xã hội đầy kiêu hãnh của họ. Sau đó, Ngài trêu chọc một chút, thậm chí có thể khiến họ cười nhạo Ngài, nhưng Ngài lật lại bài học và đưa ra lời khuyên mà những người như vậy cần nghe: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Mt 23:12)

 

Vì vậy, bài học về sự khiêm nhường này kêu gọi sự chú ý đến một nhân đức liên quan, mà Thánh Thomas Aquino gọi là vui vẻ. Nó chỉ ra tầm quan trọng của tính khôi hài và sự nhẹ nhàng trong đời sống đức tin. Một lần nữa, điều này không có nghĩa là thiếu tôn trọng, tầm thường hóa mọi thứ hoặc coi thường những điều thiêng liêng. Nó cũng không có nghĩa là kiểu khôi hài gây cười trên sự tổn thương của người khác. Đúng hơn đó là khả năng cười nhạo sự phi lý của vạn vật, sự lố bịch của con người và thậm chí cả chính mỗi chúng ta.

 

Việc sử dụng sự khôi hài để dạy về tính khiêm nhường là hợp lý, như từ ngữ gốc đã chỉ ra. Khiêm nhường và khôi hài đều bắt nguồn từ chữ munus – nghĩa là mùn đất. Đó là phẩm chất trần tục. Chỉ có người khiêm nhường mới có thể cười. Thánh Philip Neri được mệnh danh là Tông Đồ của Niềm Vui, một phần vì ngài luôn khôi hài với những người được hướng dẫn. Nhưng sự khôi hài của ngài thường bị coi là trò đùa, như thể ngài là chú hề đẳng cấp trong các thánh vậy. Thật ra sự khôi hài của ngài có mục đích nghiêm túc là dạy về tính khiêm nhường.

 

Khiêm nhường là nhận thức được sự thật về chính mình – khả năng nhìn nhận con người thật của mình. Đó là khả năng nhìn nhận bản thân theo tỷ lệ thích hợp, không lớn hơn cũng không kém hơn thực tế. Cảm giác cân đối này cần thiết cho sự khôi hài. Chúng ta cười khi có điều gì đó khiến chúng ta cảm thấy không cân xứng hoặc không phù hợp. Khiêm nhường là ý thức về sự cân đối, do đó dẫn đến tiếng cười. Nó nhắc nhở chúng ta kính trọng Thiên Chúa và coi nhẹ chính mình.

 

Kẻ kiêu ngạo không có tính khôi hài. Họ cười khúc khích và chế nhạo. Họ chế giễu mọi người hoặc mọi thứ. Nhưng đó là sự tàn nhẫn chứ không phải là sự khôi hài. Kẻ kiêu hãnh thiếu cảm giác cân đối để tạo nên cảm giác khôi hài. Họ tự cho mình vĩ đại hơn và coi mình là trung tâm của mọi thứ. Điều này cũng khiến họ nhàm chán. Kẻ kiêu ngạo tôn cao mình và coi thường Thiên Chúa. Vì thế họ sẽ phải bị hạ xuống, điều đó chẳng buồn cười chút nào!

 

Tất cả những điều này dường như không phù hợp với tính nghiêm túc của đức tin. Nhưng Kinh Thánh dạy rằng chúng ta có lúc khóc có lúc cười: “Một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy.” (x. Gv 3:4) Thánh Thomas Aquino coi việc thiếu niềm vui là một thói xấu. Ngài nhận thấy rằng người đàn ông không vui vẻ... là gánh nặng cho người khác. Với vẻ lôi cuốn đặc trưng của mình, Thánh Têrêsa Avila đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi các vị thánh có khuôn mặt chua chát.”

 

Niềm vui Kitô giáo là hoa trái của niềm tin. Nếu chúng ta không tin cậy Chúa thì chúng ta không có ý thức về sự cân xứng. Không có niềm tin vào Ngài, chúng ta thấy mình chịu trách nhiệm về mọi thứ. Không có gì buồn cười về điều đó. Người tin cậy Thiên Chúa có thể vừa khóc vì tội lỗi vừa cười trước sự bất toàn của mình. Người đó biết Chúa đang kiểm soát, còn mình thì không. Vì vậy, người đó có thể khôi hài.

 

Sự coi thường này cũng ngăn chặn sự chán nản. Cuộc đấu tranh sống đức tin và nuôi dưỡng gia đình trong văn hóa sự chết tạo ra nhiều cơ hội cho sự chán nản. Để không bị choáng ngợp bởi thử thách, chúng ta phải có khiếu khôi hài. Không có nó, việc tham gia vào cuộc chiến tâm linh của chúng ta sẽ mau chóng khiến chúng ta dễ tổn thương, cay đắng và bực bội. Chúng ta phải là những chiến binh, nhưng là những chiến binh vui vẻ.

 

Rõ ràng, vấn đề khôi hài nhẹ nhàng và vui vẻ này là vấn đề rất nghiêm túc. Nó cần thiết không chỉ để đem lại niềm vui trong cuộc sống hằng ngày mà còn cho sự thành công của đời sống tâm linh. Người quá coi trọng bản thân sẽ không dành chỗ cho Thiên Chúa, vì thế Thiên Chúa không có chỗ cho người ấy. Nhưng người nào tự nhận mình một cách thích hợp thì hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và nuôi dưỡng tinh thần vui vẻ, vô tư.

 

LM. PAUL D. SCALIA

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

Chuẩn bị Lễ Lá – 2024