Vào cuộc thương khó với Chúa
Chúa Nhật Lễ Lá
Mc 11:1-10; Ga 12:12-16; Is 50:4-7; Tv 22:8-9,17-18,19-20,23-24; Pl 2:6-11; Mc 14:115; Mc 15:1-39
VÀO CUỘC THƯƠNG KHÓ VỚI CHÚA
Chúa nhật Lễ Lá là khởi đầu cho hành trình đi vào tuần thương khó với Chúa Giê-su. Gọi là tuần thương khó vì xét theo nhân tính thì Chúa Giê-su cũng trải qua đau khổ tê tái khi bị người đời ngược đãi, khi bị tòa án kết án bất công và khi bị đám đông đã từng reo hò khi Chúa vào đền thờ, khi Chúa cho họ ăn bánh no nê, khi Chúa cứu chữa bệnh nhân và phục sinh kẻ chết, thế mà họ lại quay lưng để cùng nhau đòi đóng đinh Chúa vào thập giá.
Trong Kinh Thánh, ít nhất ba lần, Đức Giê-su tiên báo cho các Tông đồ biết về thân phận và sứ mệnh của Ngài, đó là: người Tôi tớ trung tín của Thiên Chúa (x. Mt 16, 21-22; Is 50, 4-7).
Hơn nữa, Ngài đã từng tỏ lộ rõ rệt: “Tôi đến thế gian không phải làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (x. Ga 6, 38). Trong mọi việc, Ngài hằng vâng phục, thực hiện theo chương trình cứu độ của Chúa Cha, “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 17), và “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ez 33, 11).
Thật vậy, sứ mệnh của Đức Giê-su là hoàn tất ý định của Chúa Cha, cho dù “…bị đánh, bị giật râu, bị nhạo cười và bị phỉ nhổ. Nhưng vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn” (x. Is 50, 6-7). Ở điểm này, chúng ta khác hoàn toàn với người Tôi Trung của Chúa! Chúng ta bất tuân phục, chúng ta luôn tìm mưu cầu ích lợi riêng tư, cá nhân. Hầu như chúng ta muốn người khác làm theo ý mình, tệ hơn là bắt người khác tùng phục bản thân ta! Mỗi lần chúng ta cử hành Lễ Lá, chúng ta cùng nhau nhìn kỹ vào Đức Giê-su, học sống như Ngài: biết vâng phục và thực hiện Thánh ý Chúa nơi cuộc sống mình.
Hơn nữa, vì hết lòng yêu thương chúng ta, người Tôi Tớ tín trung của Thiên Chúa đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mà mặc lấy thân phận xác phàm yếu hèn của con người, hầu giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, cứu chuộc chúng ta khỏi sự huỷ diệt, và đưa chúng ta về với nguồn cội tình yêu là Thiên Chúa Cha, “…tuy là thân phận Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Ngài huỷ bỏ chính mình, nhận lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm” (x. Pl 2, 6-7). Ngược lại với A-đam nguyên tổ, Đức Ki-tô khiêm nhường, hạ mình, vâng phục Thiên Chúa đến nỗi tự nguyện chết trên thập tự, “Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá” (Pl 2, 8).
Phải chăng, mỗi khi tham dự Lễ Lá, chúng ta được thông phần vào cuộc Thương Khó – Tử Nạn của Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta cũng nên soi lại mình đã sống khiêm hạ mỗi ngày chưa? Một trong bảy mối tội đầu dẫn đến nhiều tội lỗi khác như thể ‘tội mẹ đẻ ra tội con’, chính là: thói ngạo mạn, tính kiêu căng, lòng tự mãn. Chính tật xấu này mà thường đưa đẩy chúng ta tới sự bất tuân, không biết vâng phục Thánh ý Chúa, được thể hiện qua Giáo Hội và qua các giáo huấn của Giáo Hội.
Trong thực tế ai ai cũng ham sống sợ chết, phương chi là chết thay cho người khác lại là chuyện hiếm hoi. Tuy nhiên, chuyện khó có thể xảy ra theo cái nhìn người đời, thì lại được diễn tả nơi hình ảnh Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Hôm nay, toàn thể Giáo hội hoàn vũ bắt đầu bước vào Tuần Thánh, tuần mà mọi người chúng ta được mời gọi bước theo Đức Giê-su trong những giờ cuối cùng ngang qua cuộc thương khó và sự chết trên thập giá của Ngài.
Thiên Chúa là Tình Yêu đã sáng tạo con người từ hư vô trở nên mà có và trở nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Người luôn mong muốn con người được sống và hạnh phúc. Qua mọi thời, tình yêu đó được diễn tả ngang qua các ngôn sứ, các thủ lãnh, các vua chúa để dẫn dắt dân đi đúng đường ngay nẻo chính. Dân sai lạc thì Người lại đến qua trung gian để nhắc nhở và răn dạy. Thế nhưng mà thay vì biết ơn và sống trung thành, thì con người lại vô tình bội nghĩa và bất trung lần này lượt khác với Thiên Chúa, là Đấng luôn trung tín và yêu thương.
Vì Thiên Chúa là Tình Yêu nên Người không mệt mỏi để tha thứ cho con người. Vì yêu nên sẵn sàng trao ban và hy sinh cho người mình yêu, thậm chí “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một mình để ai tin vào Ngài có sự sống đời đời (Ga 3,16)”. Con Một của Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể. Ngài đã đáp lời xin vâng Chúa Cha để chấp nhận mang thân phận con người ‘bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh’ và giống con người mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. (x. Dt 4,15). Ngài là Thiên Chúa thật và là con người thật. Ngài đã sống ẩn dật suốt 30 năm tại làng Nazaret trong gia đình Thánh Gia.
Sau đó, Đức Giê-su bắt đầu công khai rao giảng Nước Trời cho tất cả mọi người ở mọi nơi mọi lúc. Ngài là hiện thân của Lòng Thương xót của Thiên Chúa ở với nhân loại tội lỗi. Thiên Chúa vô hình được tỏ lộ rõ ràng nơi Đức Giê-su Ki-tô hữu hình. Lời giảng đầy uy quyền (x.Mc 1,2) đã thốt ra từ môi miệng của Ngài để khích lệ, kêu gọi, khuyên răn, ngăm đe kẻ có tội; chăm sóc và an ủi kẻ bệnh tật; rao giảng và giải thích Lời Thiên Chúa cho muôn người,…
Bên cạnh lời nói, Đức Giê-su đã thể hiện tình yêu của Thiên Chúa qua việc thi thố các phép lạ là làm cho kẻ điếc nghe được, câm nói được, mù được sáng, què đi được, bệnh tật được chữa lành, kẻ chết được cứu sống,…(x. Lc 7, 19-23). Ngài hiện diện ở đâu là niềm vui và sự chữa lành đến ở đó. (x. Mc 6,53-56; Mc 5, 21-43; Ga 4, 43-54). Ngài gần gũi, thân thiện và tiếp đón những người thu thuế, người tội lỗi, người phong hủi, mà người Do Thái cho ô uế và đáng khinh.(x. Lc 19: 1-10; Mc 1, 40-45). Một tình yêu quảng đại và rộng lớn khi Đức Giê-su không ngần ngại đến với dân ngoại cũng như thương xót họ.(x. Mt 15, 21-28; Lc 10,29-37; Lc 17,17-18),…
Mặt khác, vì yêu nên Đức Giê-su luôn tìm mọi phương cách để giúp con người sở hữu được bình an và niềm vui. Trong sứ vụ rao giảng của mình, Đức Giê-su đã chọn cho mình những môn đệ riêng để dạy dỗ, hướng dẫn và đào tạo nhằm giúp các ông cộng tác vào công cuộc loan báo Tin Mừng của Ngài. (x. Lc 6,12-16).
Ngài yêu thương các ông hết mực với tình yêu chân thành và trung tín như bạn hữu. “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. (Ga 15,15)”. Thế nhưng mà trong số các ông lại có những người dám cả gan phản bội và chối bỏ Ngài. Dẫu biết rằng sứ vụ của Đức Giê-su đến trần gian là để yêu thương, để phục vụ và hiến dâng mạng sống cho muôn người, nhưng không thể không kể đến một phần cộng tác của con người trong sự đau khổ và cái chết của Ngài.
Chúa nhật Lễ Lá hôm nay khởi đầu tuần Thánh, tuần thương khó của Chúa, chúng ta hãy đọc lại cuộc thương khó của Chúa trong Tin Mừng. Hãy nhìn Giê-su như một con người thực thụ để bạn có thể hiểu và rút ra được bài học cho riêng mình. Chúa đã trải qua tất cả mọi cung bậc cảm xúc của kiếp người và Ngài đã chiến thắng. Ngài chiến thắng không phải bằng sức lực của riêng mình mà là sức mạnh đến từ chính Chúa Cha, Đấng Ngài luôn kết hợp nên một. Cuộc sống của chúng ta mỗi ngày cũng phải đối diện với nhiều thử thách. Đừng bao giờ chúng ta chiến đấu một mình. Hãy để cho Chúa Cha hành động trong chúng ta. Hãy để cho sức mạnh Thiên Linh hướng dẫn chúng ta. Chắc chắn c húng ta sẽ có thể vượt qua và hoàn thành tốt đẹp vai trò và sứ mạng của mình trên trần gian này.