Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thứ Tư Tuần Thánh - Thứ Sáu Tuần Thánh

Tác giả: 
Trầm Thiên Thu

THỨ TƯ TUẦN THÁNH

 

 

Theo truyền thống, Thứ Tư Tuần Thánh được gọi là “Thứ Tư Do Thám” – Spy Wednesday. Bởi vì trước khi Chúa Giêsu cử hành Lễ Vượt Qua, một “người do thám” đã ra đi phản bội Ngài. Hành động của Giuđa tạo cho ông biệt danh “do thám” hoặc “gián điệp.” Cách nói đó do những người theo Kitô giáo từ thời Trung Cổ, phù hợp với định nghĩa truyền thống của từ ngữ tiếng Anh với ý nghĩa là “người giữ bí mật theo dõi người khác để lấy thông tin.” Vì vậy, từ Thứ Tư, Giuđa lén lút tìm dịp để nộp Chúa Giêsu cho các thượng tế, vì ông đã được các thượng tế trả 30 đồng bạc. Hành động phản bội sâu sắc và ghê tởm này mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, trình thuật Mt 26:14-25. Điều thú vị là các Phúc Âm nhất lãm đều kể về sự phản bội – Mt 26:12-14, Mc 14:10-12, Lc 22:3-6.

 

Ngay cả khi bị phản bội, Chúa Giêsu vẫn không ngừng làm theo ý muốn của Chúa Cha trong việc tự nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ chúng ta. Không cần phải nói rằng Ngài đã sẵn sàng chấp nhận cái chết, vì khi làm vậy Ngài thực hiện ơn gọi và sứ vụ của Ngài – cứu rỗi các linh hồn. Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, ngay cả khi bị phản bội, Chúa Giêsu đã hoàn thành lời tiên tri trong bài ca thứ ba về Người Tôi Tớ đau khổ. (x. Is. 50:4-9) Ở đây, công việc và đức tin kiên cường của Người Tôi Tớ của Thiên Chúa được mô tả. Thiên Chúa đã ban cho Người Tôi Tớ cái lưỡi của môn đệ để dạy dỗ và khích lệ dân chúng. Thiên Chúa đã ban cho tôi tớ tai để nghe Thiên Chúa và nghe người ta. Trong khi Người Tôi Tớ trải qua sự chống đối dữ dội nhưng không phản kháng, cũng chẳng quay lưng. Người Tôi Tớ đưa lưng cho người ta đánh mình, đưa má cho người ta giật râu, không che mặt trước sự xúc phạm và phỉ báng, hoàn toàn tin tưởng rằng mình sẽ chiến thắng kẻ thù. Trước tất cả mọi điều, Chúa Giêsu trở thành mẫu mực về sự lãnh đạo như một đầy tớ. Sau đó, tại bàn ăn, Chúa Giêsu thực hiện hành vi của người đầy tớ bằng cách rửa chân cho các môn đệ. Cuối cùng, chúng ta thấy hành động phục vụ và dâng hiến cho Chúa Cha trong cả cuộc đời của Chúa Kitô.

 

Thật đáng tiếc là tinh thần “Giuđa do thám” vẫn còn tồn tại trong thế giới của chúng ta ngày nay. Khi Giuđa nắm lấy cơ hội để tìm kiếm tư lợi vì ích kỷ bằng cách phản bội Thầy của mình. Do đó chúng ta được kêu gọi phải loại bỏ “tinh thần do thám của Giuđa.” Đối với những người đã “bị phản bội” (bị gạt ra ngoài lề xã hội) và chịu đau khổ trong lúc khó khăn này, mong sao mọi người học cách kêu cầu Chúa với lòng tin tưởng như Thánh Vịnh gia: “Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thóa mạ, chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày. Anh em nhà kể con như người dưng nước lã, hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi. Lạy Chúa, phần con xin dâng Ngài lời nguyện, lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân. Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày, vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ. Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước, lại cho uống giấm chua. Tôi sẽ hát bài ca chúc mừng Danh Thánh, sẽ dâng lời cảm tạ tán dương Người. Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên, người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi. Vì Chúa nhận lời kẻ nghèo khó, chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm.” (Tv 69:8-9, 14, 22, 31, 33-34)

 

LM. CHINAKA JUSTIN MBAERI, OSJ

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

 

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

 

 

Thánh Phaolô nói: “Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xóa bỏ tội lỗi muôn người. Ngài sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xóa bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Ngài.” (Dt 9:28) Những lời này diễn tả sự cuối cùng. Đức Kitô đã được dâng lên một lần, Ngài không được đề nghị hai hoặc ba lần. Được dâng lên ai? Dâng lên Chúa Cha. Tại sao? Để tội lỗi của chúng ta được lấy đi. Tội lỗi có nghiêm trọng tới mức Con Thiên Chúa phải chuộc tội hay không? Chắc chắn không có gì chúng ta làm là quan trọng chăng? Chính chúng ta đánh giá thấp phẩm giá của mình, vì chúng ta phạm tội phản nghịch với Chúa Cha, Đấng đã thiết lập phẩm giá của mỗi người chúng ta ngay từ đầu.

 

Hơn nữa, việc Đức Kitô được hiến tế có mục đích – “xóa bỏ tội lỗi của nhiều người.” Chúng ta nghe rằng Đức Kitô xóa bỏ mọi tội lỗi, nhưng cách diễn đạt trong tiếng Do Thái có lý của nó. Chúa Kitô đến để “phán xét” kẻ sống và kẻ chết. Tội lỗi của chúng ta không được lấy đi nếu không có sự can thiệp của chúng ta. Chúng ta cũng phải thừa nhận sự rối loạn của chính mình. Sự thừa nhận này không thể bị ép buộc, phải được tự do. Ở đây người ta có thể nói rằng Thiên Chúa “bất lực” trước ý muốn của chúng ta chống lại Ngài. Chính Ngài không vi phạm luật lệ của Ngài đã đặt trong chúng ta.

 

Đức Kitô sẽ hiện ra lần thứ hai. Tại sao? Để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Chúng ta chấp nhận sự thật của tuyên bố này không phải vì chúng ta thấy nó, mà bởi vì nó tạo một phần của toàn bộ trật tự mà trong đó sự tồn tại của Chúa Kitô được thiết lập là sự thật. Lần thứ hai Ngài sẽ không “xóa bỏ tội lỗi chúng ta.” Sự phán xét này đã được thực hiện. Chúng ta có thể chọn ở lại trong tội hoặc tìm kiếm sự tha thứ từ Đấng duy nhất có thể tha thứ.

 

Chúng ta tìm thấy “sự háo hức” khi nhận ra rằng tội lỗi đã bị xét xử và được tha thứ. Chúng ta phải nhận được “sự cứu rỗi.” Sự cứu rỗi này là gì? Đó là kết quả của “kế hoạch thay thế,” có thể nói là do tội lỗi ban đầu của con người – Tội Nguyên Tổ. Thiên Chúa không có ý muốn sự chết và tội lỗi, mặc dù Ngài có ý định mời gọi con người tham gia vào đời sống nội tâm của Ngài. Sự tham gia này là lý do cho sự sáng tạo ban đầu của Ngài. Nhưng bản chất bên trong của Thiên Chúa là không ai có thể thuộc về nó trừ khi được mời và được chọn. Chúng ta thường thắc mắc về điều này bởi vì sự lựa chọn liên quan phản ứng của chính chúng ta đối với tình yêu mà chúng ta được tạo dựng ban đầu.

 

Những gì xảy ra vào Thứ Sáu Tuần Thánh đôi khi được gọi là Felix Culpa – Tội Hồng Phúc. Có thể nói rằng chúng ta đã được ban cho cơ hội thứ hai. Nhưng cơ hội thứ hai này liên quan việc Nhập Thể của Ngôi Hai – Logos, Ngôi Lời. Thiên Chúa không ép buộc chúng ta phải chấp nhận những gì Ngài muốn nơi chúng ta. Tình yêu của chúng ta không thể bị ép buộc mà vẫn như vậy. Nó phải được tự do.

 

Quang cảnh Thứ Sáu Tuần Thánh vừa là sự chuộc tội mà chúng ta không thể tự mình thực hiện, vừa là dấu chỉ cho chúng ta thấy cuộc sống của chúng ta quan trọng như thế nào. Bài Tôn Kính Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh có điệp khúc này: “Đây là Cây Thánh Giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian.” Chúng ta phải “ngắm nhìn.” Nhìn cái gì? Nhìn Thánh Giá. Tại sao Thánh Giá quan trọng? Bởi vì Đấng Cứu Độ của chúng ta bị treo trên đó, theo hình thức hành quyết khủng khiếp nhất của người La Mã. Tuy nhiên, nhiều người không muốn nhìn thấy. Họ không thể chấp nhận con đường này như “sự cứu rỗi” của mình. Nhưng đó là điều duy nhất mà bất cứ ai cũng được ban tặng, điều phù hợp nhất với bản chất và điều kiện của chúng ta.

 

Một điệp ca Thứ Sáu Tuần Thánh nói: “Chúng con thờ lạy Chúa, chúng con suy tôn Thánh Giá của Chúa, chúng con ca ngợi sự Phục Sinh của Ngài. Qua Thập Giá, Chúa đã đem lại niềm vui cho thế giới.” Rõ ràng Thánh Giá này không chỉ nói đến sự phục sinh. Nó đem lại “niềm vui” cho thế giới. Nó đem lại “niềm vui” gì? Chắc chắn rằng việc theo sau Thập Giá là sự Phục Sinh. Cũng là niềm vui khi biết rằng chúng ta được cứu chuộc. Khi biết điều này, chúng ta không cần phải lang thang khắp thế giới để tìm kiếm sự cứu rỗi nào khác.

 

Không gì mô tả thế giới của chúng ta tốt hơn một nơi bị xé nát đang tìm kiếm ơn cứu độ khác hơn ơn cứu độ này, ơn cứu độ được ban trên Thập Giá. Nhưng nó được cung cấp, không phải ra lệnh. Chúng ta được đối xử rất cẩn thận. Chúng ta không thể được cứu nếu không hợp tác với ân sủng được ban cho mình. Tất cả đều được cứu trên Thập Giá, nhưng không phải tất cả mọi người đều chấp nhận điều đó.

 

Không vở kịch nào của con người quan trọng hơn vở kịch này. Không ai cho chúng ta biết rõ hơn chính chúng ta. Không ai tôn trọng quyền tự do thừa nhận điều đó của chúng ta. Cái giá của việc từ chối là chỉ có thế giới này cho riêng mình. Địa ngục được hình dung là hình phạt. Nhưng tốt hơn nên hiểu đó là sự đần độn, ngu xuẩn, không chịu đón nhận những niềm vui mà chúng ta được ban tặng qua Thập Giá.

 

JAMES V. SCHALL, S.J.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

Tuần Thánh – 2024