Thánh giá đời ta
Thánh giá đời ta
Thập giá là biểu tượng, là hình ảnh, là ngôn ngữ diễn tả tình yêu sống động và tuyệt đối của Chúa Giêsu đối với Thiên Chúa và nhân loại. Hy tế thập giá mang hai chiều kích liên kết chặt chẽ với nhau: chiều kích thứ nhất liên quan đến mối tương giao với Thiên Chúa: đó là sự tuân phục, sự gắn bó toàn thân với Thánh Ý Thiên Chúa; chiều kích thứ hai liên quan đến loài người; đó là sự trao ban toàn thân, biểu lộ tình liên đới huynh đệ.
Hy tế của Đức Kitô đã bắt đầu với việc Nhập Thể (Dt 10, 5-7).
Chúa Giêsu bước vào trần gian để thi hành ý muốn của Chúa Cha. Hy tế ấy trải dài suốt cuộc đời Người tại thế và được biểu lộ cách hoàn hảo qua cái chết trên Thập Giá. “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nộ lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người là còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,6-8)
Nói đến Thập Giá của Chúa là nói đến chính Chúa Giêsu chịu đóng đinh, nói đến cuộc Khổ Nạn của Chúa mà mỗi người Kitô-hữu đều thông phần khi chịu phép rửa. “Tôi sống, những không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2,20)
Chúng ta thấy niềm thâm tín của thánh Phaolô:
– “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2).
– “Tôi mang trong thân mình tôi cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, ngõ hầu sự sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện nơi thân xác chết dở của tôi” (2Cr 4,10).
– “Tôi thông phần vào sự thống khổ của Chúa Giêsu, để được đồng hình đồng dạng với sự chết của Ngài, để làm sao đạt tới ơn Phục Sinh từ cõi chết” (Pl 3,10-11).
Thật vậy, để theo Chúa, để vác thập giá đời mình theo Chúa không phải là chuyện giản đơn. Chả ai mong muốn đời mình có thánh giá cả vì lẽ thật sự thánh giá quả là nặng nề với cuộc đời của mỗi chúng ta. Những ai đang và đã có thánh giá đều mong muốn cho mình thoát khỏi cái thánh giá đang mang.
Thực tế ta thấy :
– Có rất nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu, nhưng rất ít kẻ muốn vác thánh giá với Người.
– Nhiều kẻ ước ao được ơn an ủi của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thử thách với Người.
– Nhiều kẻ muốn dự tiệc với Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thiếu thốn với Người.
– Nhiều kẻ muốn vui hưởng với Người, nhưng ít kẻ sẵn sàng chịu sự gì khó với Người.
– Nhiều kẻ muốn theo Chúa Giêsu đến bàn tiệc bẻ bánh, nhưng ít kẻ muốn uống chén đắng với Người.
– Nhiều kẻ tôn sùng các phép lạ của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu sỉ nhục với Người.
Thật thế, Chúa mời gọi mỗi chúng ta hãy say mê và chiêm ngắm thập giá Chúa Kitô để góp phần tôn vinh tình thương của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, “Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).
Với những buồn vui sướng khổ của cuộc đời, chúng ta hãyi liên kết mọi vui buồn sướng khổ, mọi biến cổ nhỏ to trong tâm tình phó thác tuyệt đối vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa thương xót mỗi người chúng ta và thương xót toàn thế giới. Chúng ta cũng cầu xin cho từng người, từng việc, trong từng thời điểm, theo ý nguyện sứ mạng ơn gọi của chúng ta là làm cho nhiều người, nhiều nơi nhận biết Thiên Chúa và tin nhận Chúa Giêsu Kitô vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật.
Có khi vì tuổi tác, vì hoàn cảnh, chúng ta không còn khả năng tham gia mục vụ nơi các môi trường tông đồ, không tham gia sinh hoạt ở các hội đoàn ca đoàn trong giáo xứ. Có khi chúng ta không thể truyền đạt hay giảng dạy, không thể hướng dẫn hay thuyết phục người khác qua những khái niệm, những hiểu biết về Thiên Chúa. Hơn nữa, cuộc sống của chúng ta đầy dẫy những bất toàn và yếu đuối cũng như đau khổ nhất là trong thời điểm kinh tế đang lao dốc như hiện nay.
Ý thức những giới hạn của mình, mỗi chúng ta cố gắng sửa mình, chúng ta cũng không trách Chúa vì sao để chúng ta xấu như thế, khổ như thế, bi đát như thế, chắc chắn Thiên Chúa có sẵn một kế hoạch tuyệt vời cho chúng ta. Và chúng ta dâng lên Thiên Chúa những bất toàn này để tôn vinh thập giá của Chúa Giêsu Kitô, để cầu xin cho mọi người nhận biết và yêu mến Thiên Chúa.
Lm. Anmai, CSsR
- Tổng Hơp: