Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vinh quang thân xác phục sinh của chúng ta

Tác giả: 
Lại Thế Lãng

Vinh quang thân xác phục sinh của chúng ta

Tác giả: LM Mike Schmitz – Lại Thế Lãng chuyển ngữ

 

Một lần nọ, khi còn ở chủng viện, tôi về nhà thăm gia đình vào dịp cuối tuần và thấy trên giường có một cuốn sách dành cho trẻ em. Mẹ tôi vừa đi dự một đám tang nơi họ đã đọc cuốn sách này. Mẹ tôi nghĩ rằng vì tôi sẽ cử hành nhiều đám tang sau khi được thụ phong nên tôi có thể thấy cuốn sách đó sẽ hữu ích. Vì thế mẹ tôi đã mua một cuốn.

 

Tôi mở sách ra và bắt đầu lật từng trang. Cuốn sách nói những câu như “ở nơi tiếp theo, sau khi tôi chết, tôi sẽ bình yên.” Và “ở nơi tiếp theo, tôi sẽ hạnh phúc.” Điều đó thật tuyệt vời! Nhưng khi cuốn sách nói. “Ở nơi tiếp theo, tôi sẽ không còn cao hay thấp nữa. Tôi sẽ không còn béo hay gầy nữa. Tôi sẽ không còn là con trai hay con gái nữa. Trên thực tế, tôi sẽ không có thân xác nào cả. Cuối cùng thì tôi cũng sẽ được tự do để được là chính mình.”

 

"Con có thích cuốn sách không?" mẹ tôi hỏi. Và tôi cười khúc khích. “Ồ, đó là dị giáo.” Cuốn sách dựa trên ý tưởng rằng con người thật của chúng ta chỉ là linh hồn và thân xác chúng ta chỉ là cái vỏ. Khi tôi chết, tôi sẽ được tự do trên thân xác này, vật chứa đựng này. Nhưng đó không phải là điều Giáo hội dạy. Giáo hội dạy chúng ta rằng con người không chỉ là một linh hồn. Con người là một thể xác và một linh hồn đi đôi với nhau.

 

Được cứu bởi thể xác. Chúng ta hãy suy nghĩ về sự thật này trong một phút. Chúa Giêsu cứu chúng ta như thế nào? Ngài không cứu chúng ta bằng cách đơn giản tuyên bố chúng ta đã được cứu. Ngài đã cứu chúng ta thông qua sự nhập thể của Ngài, bằng cách mang lấy thân xác con người. Ngài kết hợp thần tính của mình với một thân xác con người và cứu rỗi chúng ta bằng cách sống trong thân xác đó, dạy dỗ trong thân xác đó, ngủ, thở và ăn uống trong thân xác đó. Ngài đã cứu chúng ta bằng cách chịu đau khổ trong thân xác đó, chết trong thân xác đó và sống lại trong thân xác đó.

 

Mỗi lễ Phục sinh chúng ta phải cử hành sự thật này là Chúa Kitô không chỉ chiến thắng cái chết bằng cái chết thể xác của Ngài, mà Ngài còn mang đến cho chúng ta sự sống mới bằng sự phục sinh thân xác của Ngài. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là chúng ta phải tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu như một sự thật lịch sử.

 

Bạn có nhớ bài giảng mà Phêrô đã giảng vào ngày Lễ Ngũ Tuần đầu tiên không? Phêrô đã tuyên bố rằng, đúng vậy, Chúa Giêsu đã bị xử tử. Nhưng ông dành phần lớn thời gian để thông báo rằng Chúa Giêsu cũng đã sống lại từ cõi chết. Hoặc hãy nghĩ đến điều tông đồ Gioan đã viết: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến …” (1 Ga 1; 1). Chúa Giêsu có một thân xác thật, Gioan nói. Chúng tôi đã chạm vào xác chết của Ngài, nhưng sau đó chúng tôi thực sự tiếp xúc với thân xác sống lại của Ngài. Không chỉ vậy, chúng tôi còn thấy Ngài bay lên trời trong thân xác của mình.

 

Bạn sẽ lại thân xác của mình. Sao điều này lại quan trọng? Bởi vì Chúa Giêsu không đến chỉ để cứu linh hồn bạn. Ngài đến để cứu trọn vẹn. Đây là lý do tại sao kinh Tin kính các Tông đồ nói “Tôi tin  xác loài người ngày sau sống lại và sống đời đời.” Có nghĩa là bạn có lại được thân xác của mình! Sự phục sinh của Chúa Giêsu là sự nếm trải trước sự phục sinh mà Thiên Chúa muốn cho tất cả chúng ta.

 

Khi chết, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự phán xét ngay lập tức và chúng ta sẽ nhận được những gì mình đã chọn. Hoặc chúng ta đã chọn “không phải Chúa” nghĩa là chúng ta sẽ gặp địa ngục. Hoặc chúng ta đã chọn Chúa và chúng ta có được Chúa. Hoặc là qua luyện ngục hay ngay lập tức chúng ta sẽ gặp mặt trực tiếp Ngài. Thiên đường hay địa ngục. Đó là hai lựa chọn duy nhất.

 

Lúc đó, vào thời kỳ cuối cùng, Chúa Giêsu hứa: “Mọi kẻ ở trong mồ sẽ . . . sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án. (Ga 5: 28, 29). Chúng ta sẽ có lại được thân xác của mình, bất kể chúng ta chọn thiên đường hay địa ngục, và chúng ta sẽ ở cõi vĩnh hằng ở nơi chúng ta đã chọn.

 

Bất khả xâm phạm, tinh tế, nhanh nhẹn. Tôi nêu ra điều này vì mục đích chung của đời sống Kitô hữu không chỉ là trở thành người tốt hơn một chút hay loại bỏ những thói quen xấu. Toàn bộ mục đích của đời sống Kitô hữu là trở nên giống Chúa Giêsu. Và điều đó có nghĩa là trở nên giống Ngài không chỉ trong cách cư xử mà ngay cả trong chính thân xác chúng ta.

 

Vậy những thân xác sống lại này khi thời gian kết thúc sẽ như thế nào? Chúng ta không biết chính xác, nhưng thân xác phục sinh của Chúa Giêsu cho chúng ta một số câu trả lời. Chúng ta hãy xem xét bốn phẩm chất của thân xác phục sinh, dựa trên lời dạy của Thánh Thomas Aquinas.

 

Phẩm chất đầu tiên là sự bất khả xâm phạm. Khi Chúa Giêsu trở lại, bạn sẽ không chỉ có lại được thân xác cũ với tất cả những tổn thương của nó. Không, sự bất khả xâm phạm có nghĩa là bạn không thể bị bệnh, bạn không thể bị tổn thương, bạn không thể mệt mỏi, bạn không thể già đi, bạn không thể chết. Cơ thể bạn sẽ có sức mạnh mới. Và không chỉ cơ thể mà tinh thần của bạn cũng sẽ bất khả xâm phạm. Bạn sẽ không phạm tội. Đó không phải là một hạn chế đối với sự tự do của bạn. Đó là sự hoàn hảo cho sự tự do của bạn. Sự bất khả xâm phạm này là sự tự do tuyệt đối!

 

Phẩm chất thứ hai mà bạn sẽ có trong sự sáng tạo mới được gọi là sự tinh tế. Một lần nữa, chúng ta nhận được điều này từ Chúa Giêsu. Bạn có nhớ các tông đồ bị nhốt trên căn gác của lễ Phục sinh không? Không ai có thể vào được. Hoặc họ nghĩ vậy. Nhưng Chúa Giêsu đã đi xuyên qua các bức tường. Chúng ta sẽ có khả năng tương tự. Khả năng trở nên “tinh tế” này không có nghĩa là gây ấn tượng với mọi người. Nó có nghĩa là linh hồn của bạn sẽ hoàn toàn kiểm soát được cơ thể bạn. Bạn sẽ không bị cản trở bởi những hạn chế khách quan, thể chất.

 

Phẩm chất thứ ba của cơ thể phục sinh của chúng ta là sự nhanh nhẹn, nó giống như âm thanh và hơn thế nữa. Bạn sẽ không chỉ có thể lực hoàn hảo mà thậm chí còn tốt hơn thế. Hãy nhìn Chúa Giêsu trên đường Emmau (Lc 24:13-35). Ngài đang nói chuyện với hai môn đệ. Ngài ăn tối với họ và tỏ lộ chính mình với họ khi bẻ bánh. Và ngay lập tức, Ngài biến mất và xuất hiện tiếp theo ở Jerusalem (24:36). Đó cũng là loại chất lượng mà thân xác chúng ta sẽ có.