Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Trời nóng và những mảnh đời bất hạnh ở Trại Tâm Thần Trọng Đức - Khi nhân viên y tế nguy cơ cao mắc vấn đề về sức khỏe tâm thần

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

TRỜI NÓNG VÀ ...NHỮNG MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH Ở TRẠI TÂM THẦN TRỌNG ĐỨC

 

            Cầu truyền hình trực tiếp từ Trại Tâm Thần Trọng Đức: “Cha ơi tụi Con mới từ Trọng Đức Cha ạ, trời nóng nên các Em bị nặng phải ở trong phòng riêng, tội lắm !”

 

            Nghe thôi cũng đủ thương. Bản thân Cha cũng đang bị ảnh hưởng của nắng nóng nên phần nào hiểu được cái nóng mà các bệnh nhân đang chịu nhất là những bạn ở Trại Trọng Đức.

 

            Ai nào đó nên chăng vào Trọng Đức một lần để đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh đang nương nhờ nơi đây. Thật tình chẳng ai muốn mình hay người thân mình phải vào cái chốn này. Bình thường đã là bí bách huống hồ là nóng bức. Mà ai ai cũng biết rằng mỗi khi trời nắng nóng thì cơn tâm thần nó lại tăng lên và bệnh nhân mất kiểm soát. Người bình thường cũng mất kiểm soát hay khó kiềm chế được mình chứ đừng nói những người mang bệnh.

 

            Những người thân quen vẫn có thói quen mùa Giáng Sinh hay Phục Sinh họ lại ghé vào đây như chia sẻ chút gì đó cho những phận người không may mắn.

 

            Nhìn đi nhìn lại, nhìn tới nhìn lui mình còn tỉnh là cũng may lắn rồi. Mình dù nóng nhưng dù sao điều kiện sống của mình hơn họ cũng là may lắm rồi.

 

Cơ sở Bảo trợ Xã hội Trọng Đức chia làm 2 khu nuôi dưỡng đối tượng nam, nữ riêng biệt: Khu bệnh nhân nữ đang quản lý, nuôi dưỡng 115 người và Khu nam có 130 bệnh nhân. Trong đó, 88 bệnh nhân trong tỉnh; 143 bệnh nhân ngoài tỉnh (thuộc 24 tỉnh, thành phố); 14 bệnh nhân vô gia cư. 

 

Đa số đối tượng mắc bệnh thể tâm thần phân liệt thuộc nhóm bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt. Đối tượng tập trung tại cơ sở quá đông với 245 bệnh nhân tâm thần, người chăm sóc không có chuyên môn y tế, cơ sở vật chất và điều kiện tài chính không đảm bảo. 

 

            Rồi một người nghèo tìm đến để tìm cách mổ tim. Bé 12 tuổi, nhà nghèo quanh năm ở trọ vướng vào căn bệnh hao tiền này quả là vất vả rồi ! Cũng chỉ mong cho bé có người giúp để có điều kiện mổ cho bé bình phục và trở lại cuộc sống bình thường.

 

            Đêm về, lòng nặng trĩu với những mảnh đời bất hạnh nhất là những bạn đang ở Trọng Đức.

 

            Đời ! Xung quanh mình còn nhiều người kém may mắn và đau khổ để rồi mình lại biết quý trọng cuộc sống của mình hơn và nhất là yêu thương mọi người hơn.

 

            Lm. Anmai, CSsR

 

 

************

 

KHI NHÂN VIÊN Y TẾ NGUY CƠ CAO MẮC VẤN ĐỀ SỨC KHỎE TÂM THẦN

 

          Ngày nay, chả phải người dân bị nguy cơ cao mắc về sức khỏe tâm thần nhưng ngay cả những nhân viên y tế cũng rơi vào cảnh ngộ như thế. Đó cũng chính là phát biểu của một vị quan chức về ngành y tế.

 

          Quả thật, khi nghe thấy phát biểu này tôi không thấy làm lạ bởi lẽ đâu đó cũng quen và cũng thân với một số người làm trong ngành y. Có lẽ cần hiểu để cảm cho những người đã, đang và dấn thân trong việc lo sức khỏe cho anh chị em đồng loại.

 

          Mới hôm qua, một bác sĩ thân quen thuộc loại giỏi và cũng có “số má” trong ngành Y ở Sài Gòn nhắn tin : “Anh cầu nguyện cho em để em vượt qua khó khăn này nhé !”. Và dĩ nhiên, trong tình thân thì tôi hồi đáp ngay là tôi sẽ cầu nguyện cho vị bác sĩ thân quen này.

 

          Ngẫm cũng lạ ! Ngay cả cái gọi là nghề bác sĩ đi chăng nữa cũng gặp những khó khăn nào đó có thể do chủ quan hay khách quan. Và rồi có những người lợi dụng chuyện bóp chẹt được ai thì người ta bóp chẹt người đó.

 

          Mổ xẻ, chữa trị ... ai ai cũng muốn mình làm điều gì đó tốt nhất cho bệnh nhân. Ngoại trừ những người lương tâm bị méo mó thì tôi không bàn đến. Đã nói là bác sĩ thì họ luôn tận tâm và nhiệt tình lo cho bệnh nhân. Chính tận mắt tôi khi đi khám bệnh, lần đó tôi cảm phục vị bác sĩ khám cho tôi. Đang khi chờ đến lượt thì có một người nghèo không đủ tiền để mua thuốc sau khi bác sĩ kê toa. Vị bác sĩ này đã bỏ tiền túi ra để mua cho bệnh nhân dùng. Hỏi chị bác sĩ thân quen thì chị nói bác sĩ đó là như vậy đó. Thấy ai không có là bác sĩ bỏ tiền túi ra để cho tiền luôn.

 

          Hay vậy đó ! Nhưng rồi đâu đó có những người công kích ngành y. Thôi thì tùy con mắt họ và cảm của họ. Phần tôi, tôi thấy nhân viên y tế quả thật là quá mệt mỏi với công việc và phải nói là áp lực rất ghê gớm.

 

          Người quen làm bệnh viện X và làm theo chế độ 24 giờ (nghĩa là làm 24 và nghỉ 24). Thử hỏi ai nào đó không có sức thì có thể làm việc ở cái phòng hồi sức cấp cứu 24 tiếng đồng hồ không ? Thế nhưng nếu không làm thì vui vẻ nghỉ việc và khi nghỉ việc thì chắc chắn sẽ có người thay ngay.

 

          Hay ở bệnh viện kia, bác sĩ bạn nói : “Ở đây là vậy đó cha ! Sinh viên làm thí công nhiều lắm ! Nếu không làm thì làm sao có tay nghề. Còn ai ở trong nghề mà nặng nề quá thì xin nghỉ. Sếp con nói là ai muốn nghỉ cứ làm đơn, sáng đưa chiều ký ! Ở đây căng lắm cha !”

 

          Đó là những sự thật của những người đang làm trong ngành y. Khổ một cái là tâm lý bệnh nhân ai ai cũng muốn cho mình mau lẹ. Họ chỉ biết phần mình nhưng họ không cảm cũng như không đặt mình trong vị trí của nhân viên y tế ! Có ai thích người khác chửi mình không ? Nghĩ như thế để biết rằng nhân viên y tế họ cũng là con người, họ cũng chịu áp lực từ phía gia đình và áp lực của công việc nên họ cũng bị căng thẳng. Mình chỉ muốn và biết phần mình nên không cảm thông cho người khác.

 

          Cứ thử tâm sự với những ai đang làm trong ngành y tế sẽ hiểu được công việc của họ thôi. Mà cũng chả ai thèm nói hay buồn nói vì nói ra có được gì đâu trong khi cơ chế nó là như vậy rồi. Có than thân trách phận cũng chả được gì nên họ cứ mãi cắm cúi công việc của họ mà họ làm thôi.

 

          Phát biểu của vị quan chức rằng thì là nhân viên y tế có nguy cơ về sức khỏe tâm thần cũng chả lấy làm lạ. Những ai ở trong ngành thì hiểu và nói với những người không chịu hiểu mình thì cũng bằng không.

 

          Làm cái gì cũng vậy, ai ai cũng thích nhanh vội lẹ kiểu mì ăn liền. Đi khám chữa trị mà cứ như ăn cướp vậy. Chưa đến bệnh viện là muốn mình được nhanh nhất để .. về. Về để chi ? Về sớm để lao đầu vào công việc để rồi cái bệnh đang mang lại chữa trị tiếp tục với triệu chứng cao hơn. Về sớm để chi ? Để lại cứ lo toan những chuyện mà có khi không có mình thì việc đó vẫn chạy. Khổ một nỗi là ai cũng muốn ... khám nhanh. Mà nên nhớ, cái gì cũng có cái giá của nó. Khám nhanh thì làm sao ra bệnh  mà chuẩn xác được. Ấy vậy là cứ rối lên và hối nhân viên y tế. Bệnh nhân và người nhà đâu hiểu rằng áp lực công việc của họ như thế nào mà chỉ biết phần mình.

 

          Thật sự mà nói, tại vì không khám chứ nếu khám ra thì nhiều và rất nhiều người mang trong mình chứng bệnh về tinh thần mà mình không biết. Những người bệnh tinh thần ấy có khi lại là bác sĩ chữa về thể xác cho người khác.

 

          Sống ở đời, cần cảm thông, cần chia sẻ cho người khác hơn là ngồi đó ném đá hay chỉ trích. Sống ở đời, nên đặt vị trí của mình vào vị trí của người khác để phần nào mình hiểu nỗi vất vả của họ hơn. Chỉ vì ích kỷ, chỉ vì biết mình nên rồi lúc nào cũng hậm hực, khó chịu khi người khác không làm vừa lòng mình. Có khi  nào mình dừng lại để mình nhìn cách hành xử của mình trước khi xét đoán và lên án cách hành xử của người khác không ?

 

          Giữa một cuộc sống mà nền kinh tế đang lao dốc, ai ai cũng bức xúc, cũng mang trong mình những gánh nặng của thể xác nếu như bệnh tật và tinh thần nếu ở trong nợ nần chồng chất.

 

          Lời cảnh báo nhân viên y tế có nguy cơ cao mắc bệnh tâm thần trách nhiệm chả phải của riêng ai mà của toàn xã hội.

 

Lm. Anmai, CSsR