Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Một cuộc viếng thăm bất ngờ tuyệt vời - Phục Sinh và ý nghĩa cuộc đời

Tác giả: 
Phạm Văn Trung

Một cuộc viếng thăm bất ngờ tuyệt vời

 

Trình thuật từ Tin Mừng Luca hôm nay cho chúng ta biết phần kết đầy đủ của câu chuyện Emmau. Khi hai môn đệ kể lại những gì vừa xảy ra với họ trong hành trình của mình, thì chính Chúa Giêsu phục sinh đứng giữa họ và bảo: “Bình an cho anh em!” (Lc 24:36). Nhưng trình thuật ngay tức khắc cho thấy những người hiện diện ở đó đã phản ứng không bình an chút nào cả. Trái lại họ hoảng hồn và kinh sợ trước sự xuất hiện của Chúa Phục Sinh: “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24:37). Vậy ý nghĩa của lời chào chúc “bình an” này, ở đây và trong các câu chuyện phục sinh khác là gì?

 

1. Sự sợ hãi của các môn đệ

Sau cái chết của Thầy mình, các tông đồ hầu như không dám mạo hiểm ra ngoài vì sợ rằng những gì đã xảy ra với Thầy Giêsu cũng có thể xảy ra với họ. Họ chứng kiến những sự kiện đau thương và tàn bạo trong cuộc khổ nạn của Ngài. Thầy Giêsu đã chết rồi, chết thật rồi, chết đau đớn, nhục nhã ê chề. Mấy người trong số họ đã chôn Ngài trong huyệt mộ, thậm chí có binh lính Rôma và quân binh của các thầy thượng tế niêm phong kỹ càng, canh gác cẩn mật. Giuđa đã tự tử rồi. Các Tông đồ chỉ dám co cụm lại với nhau trong căn phòng trên lầu, sợ hãi những gì bên ngoài. Các cánh cửa đều bị khóa. Bất cứ ai có liên hệ với Chúa Giêsu thành Nadarét đều là người bị theo dõi. Nếu họ công khai nói về Chúa Giêsu thì thập giá cũng có thể dành cho họ, là tự chuốc lấy sự ngược đãi cho chính mình. Họ đang hoang mang về những gì sắp xảy ra với họ. Thật ra nỗi sợ hãi như vậy của các tông đồ là thường tình. Mỗi người chúng ta đều có nỗi sợ đe dọa mạng sống mình như thế.

 

Thế mà mấy ngày nay, các bà trong nhóm cứ kể rằng họ đã nghe thiên thần nói rằng Ngài đã sống lại, thậm chí cô Maria Mađalêna còn nói rằng đã gặp thấy Ngài, nghe Ngài dặn điều này điều kia. Có lẽ chỉ là chuyện ảo tưởng và vẽ vời của cánh phụ nữ thôi. Nhưng mới đây hai người môn đệ về làng Emmau cũng đã gặp Ngài, nghe Ngài giải thích Sách Thánh, dùng bữa với Ngài; họ vừa quay trở lại Giêrusalem ngay trong đêm, và còn đang có mặt ở đây. Mọi chuyện cứ rối lên, kinh ngạc xen lẫn vui mừng, sợ hãi xen lẫn hy vọng, nhưng chuyện thật sự đang xảy ra là gì thì không ai rõ được! Chuyện cứ như hoang đường, nhưng sao các nhân chứng lại quá thật; các nhân chứng quá thật nhưng sao sự thật lại cứ như không thực!?

 

 “Các ông còn đang nói, thì chính Chúa Giêsu đứng giữa các ông” (Lc 24:36). Ôi trời, chuyện gì đang xảy ra vậy? Đây là ai? Thầy Giêsu của chúng ta đó sao? Hay chỉ là hồn ma của Thầy hiện về! “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24: 37). Có đúng đây là Đấng Phục Sinh mà các phụ nữ, cô Maria Mađalêna và hai người anh em Emmau của chúng ta đã chứng kiến, gặp gỡ và nói chuyện không? “Bình an cho anh em!... Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24:38-39). Chúa Giêsu “Nói xong, Ngài đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24:40). Không thể hoang đường được, điều tưởng như không thực đang trở nên quá thực ngay trước mắt các ông, vượt quá xa những gì các ông có thể tưởng nghĩ. “Các ông còn chưa tin vì mừng quá” (Lc 24:41). Chưa tin nhưng vẫn mừng, mừng nhưng lại chưa hẳn tin. Cảm xúc chưa hẳn là thước đo chuẩn xác của niềm tin, nhất là đức tin vào Chúa Kitô Phục Sinh. “Và còn đang ngỡ ngàng, thì Ngài hỏi: Ở đây anh em có gì ăn không?  Các ông đưa cho Ngài một khúc cá nướng. Ngài cầm lấy và ăn trước mặt các ông” (Lc 24:41). Bằng cách đơn giản ăn một miếng cá, Chúa Kitô cho các môn đệ thấy rằng đó chính là Chúa mà họ đã biết trước đây.

 

Chúa Kitô không phải là ma. Ngài không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng của tôi, cũng không phải là kết quả của suy nghĩ viển vông của tôi. Chúa Kitô sống lại, hiện diện thật hơn nỗi sợ hãi của tôi. Khi các môn đệ có những phản ứng trái chiều trước sự hiện diện của ngài, Ngài mời gọi họ hãy bình tâm và suy ngẫm Lời Ngài: “Ngài bảo: Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm. Bấy giờ Ngài mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Ngài nói: Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đức Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Lc 24: 44-46). Suy niệm Lời Chúa luôn dẫn đến sự thật về Chúa Kitô. Có phải tôi đang sống trong một thế giới ảo tưởng do chính tôi tạo ra bởi vì tôi không dựa vào Lời của Chúa Kitô khi suy nghĩ về những thực tại và kinh nghiệm trong cuộc sống của tôi? Tất cả những gì tôi cần làm là tin vào Lời của Chúa Kitô để vượt qua sự hoài nghi của mình.

 

Chúng ta cảm nhận nỗi sợ hãi, lo lắng và thất vọng cùng các tông đồ. Trong mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu, chúng ta cũng bị cám dỗ nghĩ về Ngài như một bóng ma, một ảo tưởng xa xôi nào đó. Nhưng như Ngài nói với các môn đệ, Ngài cũng có máu thịt như chúng ta. Ngài biết chúng ta được dựng nên như thế nào. Ngài chia sẻ mọi điều chúng ta cảm nghiệm và muốn cho chúng ta chia sẻ mọi điều Ngài trải qua, kể cả sự phục sinh của Ngài. Chúa Phục Sinh muốn gặp gỡ chúng ta, để từ bóng tối nghi ngờ, sợ hãi, chúng ta đến với ánh sáng hân hoan. Chúng ta hãy để Ngài nhắc nhở chúng ta: “Ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây” và mang lại cho chúng ta sự tin tưởng, bình an.

 

2. Bình an của Đấng Phục Sinh

Sự quen thuộc của câu chuyện Tin Mừng này có thể khiến chúng ta quên đi sự khó tin của nó. Theo cách nhìn con người, cung cách của Chúa Giêsu hoàn toàn không ai có thể hình dung ra được. Hãy tưởng tượng bạn giảng dạy và hướng dẫn một nhóm mười hai người bạn trong ba năm, và rồi vào lúc bạn cần họ nhất, họ lại phản bội và bỏ rơi bạn. Không ai trong số họ đứng ra bảo vệ bạn khi bạn bị kết án tử hình một cách oan uổng. Chúng ta phản ứng thế nào khi bạn bè bỏ chạy vào thời điểm chúng ta đau khổ nhất? Chúng ta sẽ cảm thấy thế nào nếu không có ai đứng lên bảo vệ chúng ta trước đám đông thù hận? Chúa Giêsu có thể trở lại với các tông đồ và lên án: “Những kẻ đạo đức giả kia! Các ngươi nói sẽ chết vì Ta nhưng lại bỏ trốn hết! Ta đã làm cho các ngươi toàn những điều tốt lành mà sao các ngươi lại đối xử với ta như thế?” Thay vào đó, câu nói đầu tiên của Chúa Giêsu, khi gặp lại các tông đồ kể từ đêm Ngài bị phản bội và bỏ rơi, lại là: “Bình an cho anh em”. Chúa Giêsu không hạch hỏi và yêu cầu các môn đệ giải thích. Ngài không bận tâm chút nào đến việc lên án, đào sâu thêm nỗi lo lắng, sợ hãi, bất an của các tông đồ. Trước cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14:27). Bình an của Chúa Giêsu phục sinh hoàn toàn là phúc lành của Đấng Mêsia, đã thắng mọi kẻ thù, kể cả cái chết. Phúc lành bình an của Ngài lớn lao hơn sự yếu đuối, tội lỗi và chính cái chết của chúng ta. Nơi Ngài bây giờ chỉ hoàn toàn là bình an, thứ bình an vượt qua cái chết, đến từ cõi hằng sống bên kia trần thế.

 

Chúa Giêsu ban bình an và dường như Ngài không còn nhớ chút gì những hành vi phản bội của Phêrô, của Gioan và của mỗi người trong nhóm mười hai thân tín của Ngài. Ngài tha thứ. Sự tha thứ của Chúa Giêsu, sau khi sống lại từ cõi chết, đã làm các môn đệ của Ngài bình an, không còn nghĩ ngợi, băn khoăn, lo âu về bất cứ điều gì nữa. Họ sống lại. Tình yêu thương xót, vốn mãi mãi tha thứ của Ngài, ban cho họ Thần khí sự sống, và sự sống đó là bình an. Ngài trở lại để ban cho các tông đồ của Ngài ân huệ bình an, bình an làm phát sinh sức sống mới. Thánh Phaolô viết trong thư Rôma: “Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8:6). Sự chiến thắng trọn vẹn của Chúa Kitô trên tội lỗi và sự chết được thông truyền cho các tông đồ khi xưa, và cả chúng ta hôm nay, bằng một từ “bình an”. Ở đây, Ngài đang hỏi những câu hỏi để giải trừ mọi rối loạn và tháo gỡ mọi nút thắt của chúng ta: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?” (Lc 24:38). Chúa Giêsu đứng giữa sự dao động, sợ hãi, u mê, thiếu đức tin của chúng ta và nói: Tại sao anh em tiếp tục bất an? Ta đã sống lại, đã chiến thắng tử thần. Còn gì để anh em lo sợ cơ chứ?

 

3. Được tha thứ và tha thứ

Chúa Giêsu muốn tha thứ mỗi người chúng ta tương tự như vậy. Sứ mệnh của Chúa Giêsu là mang lại ơn cứu độ cho chúng ta, để khôi phục lại sự bình an đã bị phá hủy bởi tội lỗi của chúng ta. Thiên Chúa không khư khư kể lể tội lỗi của chúng ta. Thiên Chúa không thu được gì khi để chúng ta sống trong tội lỗi. Toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu là đền bù tội lỗi của chúng ta, như Thánh Gioan nói trong bài đọc thứ hai: “Chính Chúa Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1Ga 2:2). Chúa Giêsu đã vượt qua trần thế. Ngài ở với chúng ta, bảo vệ và bênh vực chúng ta. Ngài muốn ban cho chúng ta sự bình an. Sự bình an của Chúa có nghĩa là dù cả thế giới có chống lại chúng ta thì điều đó thực sự không thành vấn đề.

 

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tha thứ cho người khác như chúng ta đã được Ngài tha thứ. Sự tha thứ của chúng ta làm cho người khác bình an như được sống lại. Tha thứ là giúp người khác biết rằng họ vẫn có thể trở nên tốt lành, ngay cả khi họ đã làm sai. Tha thứ là để người khác biết rằng họ vẫn có thể được yêu thương, ngay cả khi họ chưa biết yêu thương. Đồng thời, sự tha thứ mang lại cho chính chúng ta sự bình an, làm cho chúng ta sống lại, giải thoát chúng ta khỏi mối hận thù, tức giận, khiến chúng ta bất an. Tha thứ sẽ giải thoát, mang lại bình an. Chúa Phục Sinh đã làm như thế cho các tông đồ khi xưa. Đó cũng là ân huệ của Chúa Giêsu dành cho mỗi người chúng ta hôm nay. Ngài mời gọi chúng ta trao tặng món quà này cho nhau.

 

Khi lời chào “bình an” này phát ra từ môi miệng của Chúa Giêsu, nó xua tan mọi bóng tối, mọi sợ hãi của chúng ta và giúp chúng ta tự do vui mừng trong chiến thắng của Ngài, bởi vì đó cũng là chiến thắng của chúng ta. Sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh xua tan nỗi sợ hãi, mang lại bình an. Tôi có chấp nhận sự bình an mà Ngài đem lại không?

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

===================

Phục Sinh và Ý Nghĩa Cuộc Đời

Chi tiết từ “Sự phục sinh” (1715) của Sebastiano Ricci.

 

Anh em đã được trỗi dậy cùng với Chúa Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Chúa Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Chúa Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Ngài, và cùng Ngài hưởng phúc vinh quang” (Côlôsê 3:1-4).

 

Mỗi cõi lòng con người đều khao khát được biết ý nghĩa của cuộc đời riêng mình. Tuy nhiên, ngày nay rất nhiều người cảm thấy rằng niềm khao khát của họ là vô ích. Lòng họ đau đớn vì chán nản, thậm chí tan vỡ vì tuyệt vọng.

 

Đức Giám mục Erik Varden của Trondheim, Na Uy, viết về thời điểm ngài chưa tròn mười sáu tuổi và tự cho mình là người theo thuyết bất khả tri. Trong cuốn sách năm 2018 của mình tựa đề Sự tan vỡ của sự cô đơn: ký ức Kitô giáo, Đức Giám mục Varden nhớ lại mình trở nên quan tâm đến âm nhạc của Mahler ở một cấp độ thẩm mỹ và kỹ thuật thuần túy.

 

Thiên Chúa thường sử dụng những hiểu biết phiến diện của chúng ta về những đặc tính có sẵn và tất yếu nơi những điều chân, thiện,mỹ để làm thủng bức tường phòng thủ của chúng ta chống lại Ngài. Ngài đi vào tâm trí và cõi lòng của chúng ta và nắm lấy chúng bằng ân sủng. Ngài đã làm như vậy với Giám mục Varden, dẫn vị giám mục đến nghe Bản giao hưởng thứ hai của Mahler, Sự  phục sinh.

 

Những lời của Bản giao hưởng làm chứng cho quyền năng bất khuất của sự sống đã phục sinh:

“Bạn được gieo để nở hoa lần nữa.

Chúa của mùa gặt đi và tập hợp chúng ta lại,

vốn là những kẻ đã chết, như những bó lúa.

Hãy có đức tin, trái tim, hãy có đức tin:

bạn sẽ không bị mất điều gì cả. Những gì bạn hằng khao khát là của bạn,

vâng, là của bạn; những gì bạn đã yêu thương và đấu tranh là của bạn.

Hãy có đức tin: bạn không sinh ra một cách vô ích.

Bạn không sống hay đau khổ một cách vô ích.”

 

Thông điệp về sự chiến thắng của sự sống trước đau khổ và cái chết đã tác động mạnh mẽ đến chàng thanh niên Varden. Thế là bắt đầu một trải nghiệm mạnh mẽ và lâu dài về metanoiahoán cải:

 

  • Khi nghe những lời này, một điều gì đó bùng nổ. Lời khẳng định lặp đi lặp lại “không vô ích, không vô ích” là không thể cưỡng lại được. Không phải chỉ là tôi muốn tin vào điều đó. Tôi biết đó là sự thật. Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng ngay lúc đó, ý thức của tôi đã thay đổi. Với một sự chắc chắn không xuất phát từ cảm xúc quá mức hay phân tích lạnh lùng, tôi biết mình mang trong mình một điều gì đó vượt quá giới hạn của mình. Tôi nhận thức được mình không đơn độc. Không có sự bừng cháy đặc biệt, không có chuyển động nội tâm ngây ngất. Không có nước mắt. Nhưng tôi không thể nghi ngờ những gì tôi đã tìm thấy là sự thật, còn thật hơn là tôi không thể nghi ngờ sự tồn tại của mình. Cảm giác về sự thật đó chưa bao giờ rời bỏ tôi. Điều này vẫn làm tôi ngạc nhiên.

 

Tin vui mừng và vinh quang về sự Phục Sinh của Chúa Kitô có sức mạnh làm bùng vỡ những tâm hồn vốn tràn ngập chán nản và tuyệt vọng. Từ những trái tim như vậy tuôn ra chất độc của tội lỗi, sự nghi ngờ và cảm giác mòn mỏi về sự vô nghĩa của chính mình. Những cõi lòng trống rỗng như vậy sẵn sàng được Thiên Chúa lấp đầy bằng ân sủng cứu độ và chữa lành của Ngài. Chúng được lấp đầy bởi Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trong chúng ta.

 

Lời công bố về ngôi mộ trống của Chúa Kitô cho các tông đồ như một tia sét đánh vào họ và khiến họ có phản ứng ngay lập tức. Phêrô và Gioan chạy đến mộ: “Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước” (Ga 20:4), thấy mộ trống, cuộc sống của họ được thay đổi mãi mãi bởi đức tin Phục Sinh: “Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Chúa Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20:8).

 

Việc các tông đồ rao giảng rằng Chúa Giêsu đã sống lại cũng có tác dụng biến đổi tương tự đối với những người nghe chứng tá của họ. Người Do Thái cũng như người ngoại đều nhận thấy Chúa Giêsu thực hiện những lời hứa của Giao Ước Cũ, cũng như thực hiện những mong ước sâu xa nhất của tâm hồn họ. Ngay cả giữa những đau khổ khủng khiếp, sự tươi mới của đức tin Kitô giáo vào sự Phục sinh trong những năm đầu tiên đó đã biến những con người thấp hèn và nhút nhát thành những nhà hùng biện về quyền năng Thiên Chúa và thành những con người có ý chí sắt đá và lòng can đảm anh hùng.

 

Ý nghĩa của cuộc đời một người là gì? Câu hỏi được đặt ra như thế bởi vì một người chán nản hoặc tuyệt vọng thường ít nghĩ đến ý nghĩa cuộc sống con người nói chung hơn là nghĩ đến ý nghĩa cuộc sống của chính mình.

 

Thông điệp của Lễ Phục Sinh là Thiên Chúa đã chịu đau khổ, đã chết và đã sống lại vì tất cả chúng ta, và cũng vì mỗi người chúng ta. Lễ Phục sinh tuyên bố rằng vượt trên tất cả những gì dường như là thất bại trong cuộc đời, có một chiến thắng cuối cùng. Theo câu ngạn ngữ cổ, ngày lễ lớn nhất này trong các ngày lễ cho chúng ta biết rằng Satan sẽ tới giờ của hắn, nhưng Thiên Chúa sẽ có ngày của Ngài. Đau khổ đến với mọi người, nhưng trong Chúa Kitô, đau khổ trở thành công cụ cứu rỗi chúng ta.

 

Có lẽ vượt trên tất cả, Lễ Phục Sinh hướng tâm trí con người về với Thiên Chúa. Để diễn giải những lời của Đức Giám Mục Varden, người nào nhìn thấy quyền năng của sự Phục sinh sẽ thấy nơi mình điều gì đó vượt quá giới hạn của chính mình. Người nào tin Chúa Kitô phục sinh sẽ biết rằng mình không đơn độc. Chúa Giêsu phục sinh hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mátthêu 28:20).

 

Tự do khỏi cái chết, ân sủng trong đau khổ, biết được tình yêu hoàn hảo nhất, biết được tình bạn tốt nhất và lời hứa về cuộc sống vô biên vượt ra ngoài giới hạn của thế giới này? Sống đời mai ẩn trong Chúa Kitô thật là vinh quang.

 

Tác giả: LM Charles Fox, 31 tháng 3 năm 2024  

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung