Nên một có chăng độc vị ?
‘NÊN MỘT’ CÓ CHĂNG ‘ĐỘC VỊ’…
Chúa Giêsu Truyên bố: 'Tôi và Cha Tôi Là Một'
Tớ chia sẻ đoạn Tin Mừng Hôm nay (Ga 10, 22-30), thứ Ba Tuần IV Phục Sinh.
'Nên Một' ở đây không phải hòa tan đánh mất Ngôi Vị Con của Chúa Giêsu chỉ còn Ngôi vị Cha. Màu Nhiệm một Chúa Ba Ngôi- nhờ Chúa Giêsu mạc khải: Một Chúa duy nhất nhưng vẫn nguyên Ba Ngôi Vị Thiên Chúa độc đáo, phong phú...
Thiên Chúa Nên Một trong Tình Yêu- Là Một trong Tình Yêu nhưng không đánh mất Tam Ngôi Vị để trở thành độc vị xơ cứng… thế nên ta mới hiểu- mới gọi Thiên Chúa Là Tình Yêu. Tình Yêu thì luôn năng động, phong phú, thăng tiến. Tình yêu tất phải có tương quan năng động. Nếu Thiên Chúa là ‘độc vị’ thì sao có tương quan, chỉ còn xơ cứng, độc đoán thì sao là Thiên Chúa Tình Yêu được...
Nên một trong Tình Yêu điều đó còn cho thấy sự thuộc về nhau hoàn toàn, trọn vẹn... Điều Chúa Giêsu từng nói: Mọi Sự của Cha đều là của Con; mọi sự của Con đều là của Cha; Đạo lý Tôi dạy không phải của Tôi mà là của Đấng đã Sai Tôi…[1].
Nói 'Nên Một trong Tình Yêu Chúa' nơi Màu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi xem ra còn xa lạ nhân sinh cuộc sống...
Tớ hạ 'điện cao thế' xuống tầng suất điện dân dụng, thực tiễn...
Đơn giản như ‘nên một- là một’ trong một Gia đình Hạnh phúc. Đời sống Vợ - Chồng mà ông bà ta từ trải nghiệm đã rất tuyệt khi diễn tả 'nên một' phần nào qua câu gọi thân thương Vợ - Chồng gọi nhau 'mình ơi' (Vợ là chính mình' Chồng- Chồng là chính mình Vợ).
Vợ- Chồng nên một trong Yêu Thương, mọi sự của chồng đều là của Vợ và ngược lại, mọi sự của Vợ đều là của Chồng; không còn của riêng nhưng lại rất sống động 'là của riêng' khi vẫn là những Nhân vị độc lập, tự do. Một mái ấm Gia đình hay Gia đình Nên Một trong Yêu Thương, gồm Vợ- Chồng- Con cái đều thuộc về nhau, đều là của nhau nhưng rất tôn trọng nhân vị độc đáo của nhau. Sống trong cái chung với Tình Yêu nhưng mỗi người vẫn thấy 'độc lập- tự do- hạnh phúc', làm cho cái nhân vị độc đáo thăng triển, hoàn thiện hơn và như thế càng làm cho cái chung thêm đa dạng, phong phú.
Đấy là là ý nghĩa Hiệp Hành cùng Hội Thánh, nhờ ơn Chúa không ngừng xây dựng Hội Thánh Hiệp nhất-Yêu Thương. Hiệp nhất trong Yêu thương sẽ không loại trừ, đánh mất cái độc đáo của mỗi nhân vị; trái lại chính lại môi sinh tốt cho ‘bản ngã’ vô nhị ấy lớn lên, không ngừng hoàn thiện.
Phẩm giá- quyền Con Người (Nhân quyền) được dựng nên Giống Hình Ảnh Thiên Chúa nổi bật ở Nhân vị độc đáo của mỗi Con Người - Mỗi người chỉ có một, không có cái 'tôi' thứ hai... Điều này càng cho thấy Giá Trị Tuyệt vời của Nhân Vị, cần và càng phải trân trọng, bảo vệ và thăng tiến chính mình trong tương quan Thăng tiến Nhân vị khác.
Minh họa: chuyện Tượng Muối (tớ đọc đâu đó, không nhớ rõ). Đại khái Tượng muối đi trên bờ Biển, nhìn Biển bao la, rộng lớn, trùng trùng lớp sóng... thèm- khao khát được như Biển, được Tự do như Biển, lớn lao như Biển… đồng thời than thân chật chội, mất tự do quá…
- Anh muốn như Biển mà cứ trên đấy ao ước, than vãn... Muốn như Biển, anh phải nhảy xuống Biển... Đại Dương mời gọi.
Tượng Muối nhảy xuống Biển, để Biển Hòa tan...
Khi sắp qua 'làn răn đỏ' cuối cùng của Hạt muối, tức sắp hòa tan thành Đại Dương mênh mông, Tượng Muối- bây giờ chỉ là hạt muối tí tí, mong manh thốt lên:
- Tôi đã tự do rồi, hoàn toàn tự do rồi.
…
Minh họa Tượng Muối, nhưng tớ lại phê bình, vì tư tưởng 'nên một' đánh mất chính mình- không còn là mình- vong nhân không phải là Nhân Bản Kitô giáo dưới Ánh Sáng Lời Chúa.
Tớ lại tiếp minh hoa dụ ngôn 'Hai hạt Muối'[2] (hơi...ngại, vì tớ là tác... zỏm), nói dẫu Hạt Muối Bé tan biến hoàn toàn trong Biển nhưng không đánh mất chính mình... Cái ‘độc vị’ ấy biến thành Tinh khí, thành Hạt mưa chu du khắp nơi… và gặp lại đồng chí- Hạt Muối To giờ thành sỏi đá mãi đời bi kịch coi khinh, bị chà đạp...
Tớ tiếp suy tư theo cấu trúc ‘vụn vặt’, kết hợp Cầu nguyện bên ngoài Nhà Thờ:
‘Khi đánh mất- gạt bỏ Thiên Chúa, con người- hội nhóm- đoàn thể- thể chế- đất nước sẽ nhân danh cái chung- cái chúng ta để loại cái riêng- cái cá thể…, đạt đỉnh khi ‘độc tài toàn trị’… Cứ tưởng… Ai dè…
Thế là bi kịch- bè phái- lợi ích nhóm phát sinh, nhung nhúc phát sinh…
Bi kịch nhân sinh như trong lò đốt, như trong lồng nhốt...
Quằn quại !
Bế tắc !...’
Lm. Đaminh Hương Quất
[1] x. Sống Thánh Thể Qua Lời Truyền Phép…
1 “Cầm lấy bánh”- Xác định Bản ngã- nhân vị mình: Tôi là ai?
“Cầm lấy bánh”, hành động đầu tiên trong Hy tế Thánh Thể. Khi cầm lấy bánh, Chúa Giêsu, trong tâm trí Người đã minh xác Bánh và Rượu sẽ trở nên Thịt - Máu Người, nên Người mới nói: Đây là Mình Thày... đây là Máu Thầy.
Điều này gợi cho ta chiều kích sống Văn hoá Thánh Thể trước hết- xác định bản ngã: Tôi là ai?
Chúa Giêsu mẫu gương toàn hảo mọi đàng: khiêm nhường tột độ, vâng phục tuyệt đỉnh, tự hủy tận cùng nhưng đồng thời Người cũng hằng khẳng định rõ Ngôi Vị đích thực của mình: “các người nghe người xưa… còn Ta, Ta bảo…” (Mt 6,11-48); “ai nghe lời Ta và thi hành” (Mt, 7,21); “người chăn chiên tốt, chính là Ta” (Ga 10,14 ) … Điểm độc đáo, Chúa Giêsu dùng chủ từ tôi nhưng không dừng lại nơi mình mà hoàn toàn quy về Cha của Người, “Đạo lý tôi dạy không phải của tôi nhưng là của Đấng đã sai tôi” (Ga 7,16; x. 5, 30).
Người môn đệ theo Chúa Giêsu không phải giết đi cái tôi, xóa đi bản ngã độc đáo mình có, mà chính là tìm ra được ‘cái tôi’- cái bản ngã- cái con người thật của chính mình.
Chính Chúa Giêsu đòi hỏi điều ấy. Trên đường lên Giêrusalem chịu chết, Người hỏi các môn đệ: “Phần anh em, anh em nói Thày là ai?” (Mt 16,15). Từ “anh em” đặt các môn đệ ra khỏi đám đông, trực diện với chính mình để tự trả lời về căn tính Giêsu. Người muốn lời tuyên xưng Đức tin phát xuất từ chính cuộc sống mỗi người chứ không muốn chấp nhận thụ động từ một công thức .
Quả thế, theo Chúa các môn đệ cũng không đánh mất “cái tôi” đặc thù của mình: một Phêrô trực tính, nhiệt thành; một Gioan trầm tư, sâu lắng; một Giuđa gian manh chuyên lấy cắp công quỹ (Ga 12,6)… Không đánh mất, song người Môn đệ theo Chúa phải ý thức không ngừng thanh luyện ‘cái tôi’ để góp phần xây dựng Giáo Hội trong tinh hiệp nhất yêu thương. Không đánh mất chính mình nên Thân Thể Chúa Giêsu là Giáo Hội không ngừng lớn lên, đa dạng, phong phú.
Chúa yêu hết mọi người nhưng đồng thời ngài cũng yêu từng người, thấu rõ từng người. Xác định “tôi” là xác định chiều kích riêng tư, đặc thù, đầy sinh động trong tương quan tình yêu tôi với Chúa, là biết mình.
Theo Chúa mà không biết mình có thể đưa đến nguy cơ vong thân (!).
Không tìm được bản ngã- đánh mất mình, dù có “nhân danh Chúa mà nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ” kết cục Chúa vẫn không nhận ra, và bị nghiêm xét: “Ta không hề biết các người, xéo đi!...” (Mt 21, 21-23). Như thế “biết mình” giúp ta tránh lối sống giả tạo, đầu môi chóp lưỡi. Như thế biết mình có tương quan với biết Chúa . Đây là điều Thánh Giáo phụ Augustino từng khắc khoải: “Xin cho con biết Chúa xin cho con biết con”’
“Biết mình” là nhận ra căn tính mình, nhận ra tình yêu nhưng không của Chúa dành cho riêng mình. Căn tính của Kitô hữu là con Thiên Chúa, tất cả đều được kêu mời nên thánh, chung sứ vụ Cứu thế của Đức Giêsu. Giá trị đích thực của Kitô hữu hệ tại ở việc gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, nên giống Chúa Giêsu chứ không phải danh chức cơ cấu. Một Kitô hữu Giáo dân sống tốt, đạo đức có giá trị hơn nhiều một Linh mục sống bất trách, bê tha… Đối với Chúa Giêsu đồng xu bà góa nghèo lại có giá trị hơn cả bạc triệu dư thừa của người giầu (Lc 21, 1-4).
Trong Truyền giáo “biết mình - biết Chúa” được coi là hai yếu tố của Tu đức Truyền giáo . Xác định bản ngã - biết mình nhưng không dừng ở tôi mà là để vượt lên cái tôi. Theo Hồng Y Joseph Ratzinger, “chủ từ “tôi” quan trọng, vì nó đưa chúng ta vào vai trò Thiên sai năng động của Chúa Giêsu, đồng thời giúp chúng ta vượt lên chính mình để hướng tới hiệp nhất với Đấng đã tác tạo và là cùng đích của chúng ta” .
(Trích)
Sống văn hóa Thánh Thể qua lời truyền phép hướng đến sứ vụ loan báo tin mừng - VietCatholic News
[2] https://tuoitre.vn/hai-hat-muoi-213357.htm
- Tổng Hơp: