Yêu mến và vâng phục
Thứ Năm - Thánh Anathasiô, Gmtsht
Cv 15:7-21; Tv 96:1-2,2-3,10; Ga 15:9-11
Yêu mến và vâng phục
Theo thời gian, thánh Athanase là tiến sĩ đầu tiên trong số tiến sĩ và Giáo phụ của Hội thánh. Các Giáo Hội Coptes và Byzantin từ lâu đã kính nhớ thánh nhân vào ngày 2 tháng 5. Lễ này được các tín hữu ở Pháp biết đến vào thế kỷ XII và tại Rô-ma vào thế kỷ XVI mà thôi.
Thánh nhân là người Ai Cập, gốc Alexandrie, sinh vào cuối thế kỷ thứ III. Khoảng năm 313, giám mục Alexandrie bảo trợ cho ngài và như thế, cậu thanh niên Athanase được gia nhập vào hàng giáo sĩ tại Alexandrie. Ngài biết nói tiếng cổ Ai Cập, tiếng Hy Lạp bình dân và Hy Lạp cổ điển. Khoảng năm 320, ngài viết tác phẩm đầu tay: Luận thuyết về Lương dân và Ngôi Lời Nhập Thể, trong đó, một trong các chủ đề chính được phát biểu như sau: “Công cuộc cứu rỗi không phải do từ một kẻ chết, mà do từ một Đấng sống động là Thiên Chúa”.
Năm 325, sau khi làm phó tế được 5 năm và thư ký cho giám mục thành Alexandrie, ngài được tham dự Công đồng chung thứ nhất tại Nicée (ngày nay là Isnik, ở Thổ Nhĩ Kỳ). Công đồng chung này được triệu tập “nhằm tái lập sự hiệp nhất đang bị đe dọa nặng nề”. Thật vậy, linh mục Arius đã truyền bá một lạc thuyết, chủ trương “Ngôi Lời Thiên Chúa không hiện hữu từ đời đời, nhưng được Thiên Chúa Cha sinh ra trong thời gian”. Lúc ấy, Athanase còn là một phó tế trẻ ba mươi tuổi, đã nổi bật như một nhà vô địch, đấu tranh cho đức tin chính truyền. Nhờ tài hùng biện và sức thuyết phục, ngài được nhóm lạc giáo Arius nể sợ.
Sau cùng, ngày 19 tháng 6 năm 325, đúng theo chiều hướng của lời Athanase biện hộ, và sau khi công bố “Ngôi lời đồng bản thể với Chúa Cha”, Công đồng soạn thảo lời tuyên xưng đức tin mà chúng ta được biết như ngày nay, dưới tên gọi là “Kinh Tin Kính của Công đồng Nicée”: “Tôi tin một Thiên Chúa duy nhất… Tôi tin một Chúa Giêsu Kitô…”
Athanase được bổ nhiệm làm giám mục Alexandrie lúc ba mươi lăm tuổi. Nhưng cuộc khủng hoảng do nhóm Arius gây nên vẫn tiếp tục gia tăng, khiến ngài phải sống một cuộc đời lưu đày. Trong bốn mươi năm làm giám mục, ngài phải sống mười tám năm lưu đày: ở Trèves bên nước Đức, tại Rôma, rồi sa mạc Ai Cập… Tuy nhiên, bất chấp tất cả, thánh tiến sĩ vẫn viết được một tác phẩm đáng kể: Luận thuyết chống bè Arius; Chống lương dân; Bàn về Ngôi Lời Nhập Thể; Thư gửi Épictète; Thư gửi Sérapion; Các thư mục vụ … và cuốn Tiểu sử thánh Antôn là tác phẩm ưa chuộng nhất và là cuốn sách mẫu mực về hạnh các thánh. Bộ sách quí giá này đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu biết và phổ biến lối sống đan tu lúc khởi đầu.
Athanase qua đời đột ngột trong đêm 02 rạng ngày 03 tháng 05 năm 373, thọ bảy mươi tuổi, trong khi được thánh Basile thành Césarée khuyến khích, ngài đang tích cực chăm lo tái lập sự hiệp nhất trong Giáo hội Antiochia.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy ở lại trong tình thương của Ngài: Ngài yêu thương chúng ta bằng chính tình yêu mà Chúa Cha đã yêu Ngài. Tất cả những gì Chúa Giêsu lãnh nhận từ nơi Cha, Ngài đã trao ban cho chúng ta, không giữ lại gì cho mình. Chúa Giêsu dạy chúng ta biết chia sẻ tình thương với anh em. Chính nhờ sống yêu thương mà chúng ta có được niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn.
Có một tác giả đã viết trong một bài ca của ông như sau: “Dù anh lấy bầu trời làm giấy, lấy nước biển làm mực, đốn cây rừng làm bút viết, và dùng con người trên thế giới trải qua mọi thời đại làm người viết, thì anh cũng không bao giờ diễn tả hết được tình yêu Thiên Chúa”. Đây là một kiểu nói có tính cách khoa đại, nhưng không phải là không đúng sự thật, vì Kinh thánh nói: “Từ muôn thuở Chúa đã yêu con”, “Chúa yêu con từ khi con chưa có tuổi, từ khi chưa có sao trời”. Nếu xét về hiện hữu thì con người chẳng hơn gì sự có mặt của muôn tinh tú trong thái dương hệ bao la này. Nhưng vũ trụ bao la ấy một ngày kia sẽ trở về hư không như lời Kinh thánh: “Trời đất này sẽ qua đi”. Nhưng khi mọi sự qua đi, thì chính con người sẽ tồn tại mãi mãi, tồn tại cả xác lẫn hồn.
Theo kinh nghiệm, hễ đã yêu thương ai, hẳn chúng ta muốn sống bên cạnh người ấy, để chia sẻ và lấy sở thích của người ấy làm của mình. Tình yêu giữa con người với nhau còn như thế, huống nữa là tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Đức Giêsu đã rất mực yêu thương các môn đệ, Ngài muốn họ luôn ở với Ngài cũng như Ngài hằng ở với Thiên Chúa; Ngài muốn họ thực hành Lời Ngài cũng như Ngài luôn vâng phục lệnh truyền của Cha Ngài. Đó là điều được ghi lại trong bài Tin mừng hôm nay.
Ở lại trong tình yêu là luôn hướng về nhau: Nghĩa là dù phải “xa mặt nhưng không cách lòng”, không gian địa lý hay thời gian cách biệt cũng không thể tách rời hai con tim đang hướng về nhau. Cũng thế, khi Kitô hữu yêu mến Đức Kitô thì luôn luôn nhớ và kết hiệp với Người mọi nơi mọi lúc trong mọi sinh hoạt của cuộc sống.
Ở lại trong tình yêu là giữ lời nhau: Khi yêu nhau thật lòng người ta không quản ngại thực hiện những gì đòi hỏi phải có dành cho nhau; cam kết những ràng buộc trong tình yêu.
Chúa Cha rất hài lòng về Chúa Con khi phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các con hãy vâng nghe lời Người”. Kitô hữu không thể nói yêu Chúa mà không giữ giới răn của Chúa. Kitô hữu yêu Chúa là làm theo ý Chúa và giữ điều răn Chúa. Bởi vì như Đức Giêsu đã nói rõ điều kiện: “Nếu các con giữ điều răn của Thầy, các con ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15, 10).
Trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu biết rằng mình chẳng còn ở lại một cách hữu hình với các môn đệ được bao lâu nữa, do đó, để tránh cho các môn đệ cảnh xa mặt cách lòng, Chúa Giêsu mời gọi và truyền dạy các ông một phương cách mới để duy trì tình yêu đối với Ngài, đó là tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, như Ngài đã tuân giữ các lệnh truyền của Chúa Cha và luôn kết hợp với Ngài. Chúa Giêsu chia sẻ cho các môn đệ kinh nghiệm sống của Ngài với Chúa Cha và lấy đó làm lý tưởng cho cuộc sống đức tin của các môn đệ trong thời gian sau biến cố Phục sinh, thời gian của sự dấn thân làm chứng cho Ngài. Người làm chứng cho Chúa phải sống kết hợp với Chúa, tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, và quan trọng nhất là lệnh truyền: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.
Như Chúa Giêsu đã mời gọi: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy”, đó là cội nguồn của tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Giêsu tuôn chảy đến nhân loại: Tất cả những gì Chúa Giêsu lãnh nhận từ nơi Cha. Ngài đã trao ban cho chúng ta, không giữ lại gì cho mình. Và nhân loại cũng phải trao cho nhau như Đức Giêsu đã truyền: Biết chia sẻ tình thương với anh em. Chính nhờ sống yêu thương mà chúng ta có được niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn.
Chúa Giêsu kêu mời chúng ta hãy sống trọn vẹn tình yêu, theo mẫu mực tuyệt hảo như Thiên Chúa yêu thương. Ta hãy giữ giới răn của Chúa Giêsu để sống trong tình yêu của Người.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: