Thân phận người theo Chúa - Yêu như Thầy
Thứ Bảy trong tuần thứ Năm Mùa Phục Sinh
Cv 16:1-10; Tv 100:1-2,3,5; Ga 15:18-21
Thân phận người theo Chúa
Chúa Giêsu đã cho họ biết trước rằng làm môn đệ Ngài thì phải chấp nhận bị thế gian thù ghét. Nhưng thực tế, chúng ta một mặt tránh làm những gì khiến thế gian thù ghét mình, mặt khác còn tìm cách để thế gian yêu thương chiều chuộng mình. Hẳn là chúng ta không nên cố tình chọc tức thế gian, nhưng không nên quên Lời Chúa nói: Chúng con ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.
“Vì các con không thuộc về thế gian… nên thế gian ghét các con.” Người thế gian coi tiền bạc trọng hơn đạo đức, lọc lừa nhiều hơn là chân thật, ai cũng ích kỷ lo cho bản thân, thậm chí chà đạp lên người khác… Kitô hữu không thể sống như họ, cho nên bị họ thù ghét. Vậy, nếu vì phải sống theo lý tưởng tốt đẹp của mình mà bị thế gian thù ghét, chúng ta hãy chấp nhận.
“Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước.” Chúng ta còn chấp nhận bị thế gian thù ghét vì lý do chúng ta làm môn đệ Chúa, chúng ta phải vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa.
Tin mừng hôm nay cho thấy: Chúa Giêsu bị ngược đãi và bị bắt bớ, vì Ngài không thuộc về thế gian. Người môn đệ của Chúa cũng không thuộc về thế gian nữa. Vì thế, họ cũng sẽ bị thế gian ghét bỏ và ngược đãi như Chúa. Chúng ta tin và đi theo Chúa, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều gian nan, thử thách và đau khổ. Nhưng Chúa Giêsu đã chiến thắng tội lỗi và Ngài cũng cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng. Quan trọng là chúng ta có tin vào Ngài và can đảm chấp nhận bị ngược đãi, bị thua thiệt, bị mất mát vì Ngài hay không?
Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ: “Thế gian sẽ thù ghét các con”. Lời Chúa nói lúc nào cũng đúng cho thời bấy giờ và sau này. Lý do thế gian ghét chúng ta: vì chúng ta không thuộc thế gian cũng như Chúa không thuộc về thế gian. Họ ghét Chúa thì các môn đệ cũng bị ghét lây. Ca dao Việt Nam có câu: “Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”.
Nhân tình thế thái thời Chúa Giêsu cũng không ra khỏi cái lẽ thường ấy. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh các môn đệ: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước”.
Từ ngữ “thế gian” mang hai ý nghĩa: thứ nhất, chỉ nhân loại cách chung, ví dụ: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của mình cho thế gian”. Thứ hai thế gian là “là những người không chấp nhận Đức Giêsu và thù ghét Ngài. Đây là ý nghĩa trong đoạn Tin mừng này.
Chúa Giêsu phân tích cho các môn đệ hiểu tình cảnh của các ông giữa một thế giới thù nghịch với Chúa: thế gian ghét Chúa thì cũng ghét ai theo Chúa. Sự hiện diện của Chúa phân tách thế giới thành sáng và tối, và Ngài trở thành cớ cho những kẻ ở trong bóng tối ghét bỏ Ngài và những người sống theo ánh sáng, bởi vì ánh sáng phơi bày công việc gian tà của họ.
Nếu các tín hữu Kitô có bị bách hại là bởi vì niềm tin Kitô là thách đố và tra vấn cho những lương tâm con người. Nhìn lại các cuộc bách hại đã và đang diễn ra trong các chế độ toàn trị, người ta cũng thấy rằng: chính vì chủ trương duy vật vô thần mà các chế độ độc tài bách hại Giáo hội. Chính vì đến để làm chứng và nói lên sự thật mà Chúa Giêsu đã bị chống đối, khước từ và loại trừ. Ngày nay, bất cứ ai sống cho sứ mạng ấy, dù đang sống trong xã hội nào cũng đều bị bách hại cách này hay cách khác.
Năm 1968, khi Đức Phaolô VI ra thông điệp “Sự Sống Con Người”, trong đó Ngài lên án não trạng chống lại sự sống của con người thời đại, người ta đã có lý để gọi Ngài là một người chống lại cả thế giới.
Có một điều hiển nhiên đó là: làm người chẳng ai muốn mình bị thù ghét. Thế nhưng, một điều khác hiển nhiên không kém, đó là một khi đã đi theo Đức Kitô để thuộc về Ngài thì: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ các con” (Ga 15, 20). Đó là một thực tế phũ phàng không có lựa chọn nào khác... Dĩ nhiên, Đức Kitô không chọn cách sống để bị thù ghét, mà là chọn sự thật, một sự thật đến từ Chúa Cha, và cũng trong chính sự thật ấy người ta đã ghét Ngài: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (Ga 3, 19).
Mang thân phận là Kitô hữu, chúng ta phải đối diện với sự thù ghét của thế gian, nếu không chúng ta chỉ là Kitô hữu “hữu danh vô thực”. Vấn đề không phải sống làm sao để đừng bị ghét, mà phải ứng phó với thực tế ấy như thế nào? Đức Kitô vẫn yêu thương con người đến cùng. Ngài sẵn sàng đón nhận sự thù ghét, chấp nhận chết để thực hiện ơn tha thứ, kể cả với kẻ ghét mình. Đó cũng là con đường Ngài mời gọi chúng ta bước theo, nếu muốn thành môn đệ của Ngài, là Kitô hữu thực thụ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức sâu sắc về danh hiệu Kitô hữu của mình. Khi mang danh hiệu này, chúng ta thuộc về Đức Kitô, được thông phần đau khổ với Ngài, và được vinh hạnh cùng Ngài cứu chuộc thế giới ngang qua những đau khổ mà chúng ta phải chịu vì danh Đức Giêsu. Vì thế, những trái khoáy dồn dập tư bề, những đau khổ về tinh thần cũng như thể xác như: bị bắt bớ, đánh đập và ngay cả cái chết... chúng ta hãy vui mừng hân hoan, bởi lẽ vì được thuộc về Ngài chứ không thuộc về thế gian.
Chúa Nhật thứ Sáu Mùa Phục Sinh
Cv 10:25-26,34-35,44-48; Tv 98:1,2-3,3-4; 1 Ga 4:7-10; Ga 15:9-17
Yêu như Thầy
Trước khi đi vào con đường khổ giá, Chúa Giêsu đã không để lại một tài sản có thể liệt kê, cũng chẳng để lại một kho tàng có thể hoá giá, mà chỉ để lại một tâm sự gởi gấm được coi như bí mật cuối cùng và quý giá nhất của Ngài. Đó là lệnh truyền: “Anh em hãy yêu thương nhau”. Trước đây Chúa Giêsu đã đề cập nhiều đến giới luật yêu thương rồi, nhưng trong giờ phút chia tay thì đó là mối bận tâm lớn nhất của Ngài. Yêu thương nhau là dấu hiệu rõ nhất để nhận ra ai là kẻ thuộc về Ngài “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau”.
Chúa Giêsu muốn thấy các môn đệ mình yêu thương nhau và Ngài muốn cảnh giác mối nguy cơ chính yếu luôn rình rập các môn đệ, đó là sự thiếu lòng yêu thương nhau. Vì vậy, đây là một trăn trở lớn nhất cần được nói ra một lần thay cho tất cả. Và Chúa Giêsu đã nói: “Điều răn của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 15, 12). Thế là lời trăn trở củaThầy đã biến nên lời trăn trối cho các môn đệ trong phút biệt ly. Như một tâm sự sau cùng cần phải ghi nhớ, như một di chúc thiêng liêng tuyệt đối không bao giờ được đặt lại vấn đề và là một lệnh truyền nhất thiết phải thể hiện bằng được trong cuộc sống. Nên ” yêu thương nhau” đã là một bổn phận chi phối toàn bộ đời người môn đệ Chúa Giêsu và làm nên căn cước cho họ ” Ai yêu thương thì bởi Thiên Chúa mà ra”.
Sống yêu thương thì dễ hiểu rồi, bởi vì là con người thì ai ai cũng biết mình có bổn phận phải yêu thương. Yêu thương là điều răn quan trọng nhất, là điều răn gồm tóm tất cả mọi điều răn khác. Nhưng phải yêu thương ai? Chắc chắn đây không phải chỉ nói với những người lập gia đình, sống đời hôn nhân nhưng Chúa Giêsu nói với tất cả mọi người. Vì thế ta phải hiểu chữ yêu thương nhau theo nghĩa rộng, chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người. Giới răn của Chúa là như vậy. Nhưng nhìn lại thực tế, chúng ta chỉ yêu thương một số người như cha mẹ, anh chị em ruột, một vài bè bạn thân thiết, vài người yêu thương của chúng ta. Còn lại biết bao nhiêu người khác chúng ta chưa yêu thương, chúng ta không muốn yêu thương, và thậm chí chúng ta còn thù ghét nữa.
Vì thế, vấn đề đặt ra là làm thế nào để chúng ta có thể yêu thương hết tất cả mọi người như Chúa đã dạy chúng ta? Hơn nữa, Chúa bảo chúng ta hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con. Vậy yêu thương như Chúa Giêsu là yêu thương như thế nào? Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy không coi các con là tôi tớ, nhưng Thầy coi các con là bạn hữu của Thầy”. Chúa Giêsu là Thầy, là Chúa; còn các môn đệ là người, là học trò. Cho nên nếu Chúa muốn coi các ông là tôi tớ thì cũng được. Nhưng không, Chúa không muốn coi họ là tôi tớ thấp hèn, mà muốn coi họ là bạn hữu ngang hàng với Chúa. Nghĩa là Chúa tôn trọng họ. Tình yêu của Chúa là tình yêu đi đôi với lòng tôn trọng.
Vậy nếu chúng ta muốn yêu thương tất cả mọi người thì chúng ta cũng phải tôn trọng tất cả mọi người, như Đức Giêsu đã tôn trọng.
Chúa Giêsu yêu nhân loại đến nỗi Ngài đã chấp nhận xuống thế làm người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi: sinh ra nơi hang đá nghèo hèn trong đêm đông lạnh lẽo; sống trong một gia đình thiếu thốn ở Nazaréth với cha nuôi của Ngài là bác thợ mộc Giuse, mẹ của Ngài là bà Maria, một thôn nữ nhà quê; gần 30 năm làm nghề thợ mộc để phụ giúp gia đình.
Trong ba năm đời sống công khai, vì tình yêu nhân loại nên Chúa Giêsu đã đi khắp nơi để thực hiện ý định yêu thương: Ngài đi rao giảng khắp mọi nơi, đến với hết mọi hạng người không phân biệt dân tộc màu da hay địa vị giàu nghèo; Ngài đến với những người đau yếu bệnh tật để cứu chữa họ; Ngài tha thứ cho những người tội lỗi, cho những kẻ xúc phạm đến Ngài; Ngài đã tuyển chọn, huấn luyện các Tông đồ và thiết lập Giáo hội; Ngài đã thiết lập các Bí tích là máng chuyển thông ơn Chúa cho loài người; Ngài đã rửa chân cho các môn đệ và dạy họ hãy làm như thế với nhau; Ngài đã chấp nhận bước vào con đường khổ giá một cách tự nguyện để cứu độ nhân loại. Đó là bằng chứng tình yêu Ngài dành cho nhân loại, đúng như Thánh Gioan tông đồ đã nói: “Căn cứ vào điều này chúng ta biết tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã phó mạng vì chúng ta”(1Ga 3,16).
Sau khi sống lại, vì yêu thương nên: Ngài đã hiện ra với nhiều người, nhất là hiện ra với các Tông đồ để củng cố đức tin cho họ và cho mọi người qua mọi thời đại; Ngài ban Thánh Thần cho các Tông để các ông thêm can đảm làm chứng cho Tin mừng; Ngài soi sáng cho các Tông đồ và mỗi người chúng ta am hiểu Kinh thánh; Ngài còn nâng chúng ta lên thành bạn hữu của Ngài: “Thầy không gọi chúng con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Còn các con, Thầy gọi các con là bạn hữu.” (Ga 15,15).
Tóm lại, những lời nói, những việc làm của Đức Giêsu trong suốt 33 năm sống trên trần thế đều vì yêu thương nhân loại chúng ta.
Khi chúng ta yêu Thiên Chúa là chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, là anh em cùng một Cha, nhưng khi chúng ta cùng Chúa Cha và Chúa Con yêu thương đồng loại, yêu thương những người chưa nhận biết Thiên Chúa, thì chúng ta đã trở thành môn đệ, là bạn hữu như lời Thầy Giêsu đã nói: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga. 15,15).
Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy noi theo tình yêu của Chúa Cha. Biết đối xử với nhau như Chúa Cha đối xử với chúng ta. Hãy yêu thương hết mọi người không loại trừ một ai. Nhất là hãy yêu thương những người bé nhỏ, cùng khổ, bất hạnh. Hãy biết tha thứ những lỗi lầm của người khác. Tha thứ không phải chỉ một lần mà tha thứ rất nhiều lần. Và hãy dám hy sinh, chấp nhận chịu thiệt thòi vì tình yêu. Yêu như Chúa yêu. Đó mới là tình yêu đích thực. Chỉ có tình yêu bắt nguồn từ Chúa mới bền vững và đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
- Loại bài viết: