Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hãy biến cảm xúc thành hành động

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

HÃY BIẾN CẢM XÚC THÀNH HÀNH ĐỘNG

 

            Cuộc sống, con người dễ biểu cảm cảm xúc của mình bằng những giọt nước mắt sau biến cố hay sự kiện nào đó trong cuộc đời. Thế nhưng rồi đàng sau cảm xúc đó thì hành động của con người như thế nào đó mới là chuyện quan trọng.

 

            Những ngày qua, nhiều và rất nhiều người râm ran quanh câu chuyện phim Một điều ước.

 

             Câu chuyện phim xem chừng ra đánh trúng vào tâm lý của khán giả ở cái thời hiện đại. Mà cũng chả phải thời hiện đại đâu, ông bà xưa nói rồi mà : “Một mẹ nuôi 10 con, 10 con không nuôi được 1 mẹ !”.

 

            Cái gia đình của bà Hai đó không suông sẻ. Gia đình con cái bà có những đứa cũng lận đận lao đao để rồi bỏ bê bà. Có tấm hình chung chụp với gia đình mà bao lâu năm bà mơ ước mà không có được. Cũng khó trách lắm vì hoàn cảnh của những đứa con không như ai mong đợi. Có đứa con tên Lành nhưng cả đời của nó có lành đâu.

 

            “1 mẹ nuôi 10 con, 10 con không nuôi được 1 mẹ” là hiện trạng xảy ra trong rất nhiều gia đình từ xưa đến nay chứ chả phải đời nay mới có để đánh động lòng người.

 

            Bản thân bỉ nhân cũng chứng kiến không ít gia đình rơi vào cảnh như thế. Cha mẹ vất vả nuôi nguyên bầy con nhưng đến khi có tuổi thì bầy con ấy lặng lẽ đi xa. Có chăng vì tình vì nghĩa thì gửi chút chút gì đó cho ông bà già chứ chả bao giờ để ý đến thăm nom.

 

            Câu nói chua xót nhưng nó là thực. Hồi nhỏ thì cha mẹ cứ mãi chờ con trước cổng trường nhưng đến khi già ở trong viện dưỡng lão thì lại chả thấy đứa nào đến đón cha mẹ về chơi nhà. Dĩ nhiên là ai ai cũng có lý của mình để biện hộ cho cái chuyện không chăm cha mẹ. Thế nhưng dù cái lý nào đi chăng nữa thì nó vẫn phảng phất câu chuyện của sự bất nhân và lòng bất hiếu. Người con đã đên đi chín tháng 10 ngày cưu mang cùng với 3 năm bú mớm. Dù thế nào đi chăng nữa nhưng người cha người mẹ vẫn cứ tảo tần lo cho lũ cháu đàn con. Tiếc thay rằng khi đủ lông đủ cánh rồi thì chả mấy ai còn nhớ đến nghĩa mẹ cha.

 

            Đời xem chừng nó bi đát là như vậy vì lẽ ai ai cũng có cái lý của mình để biện hộ cho chuyện không chăm chút cho cha mẹ già. Nào là họ có gia đình, nào là họ phải kiếm sống.

 

            Lần kia, một người hỏi thăm Cha : “Cha ơi ! Cha có quen viện dưỡng lão nào không để gia đình con đưa cha mẹ con vào ở !”.

 

            Cha trả lời rằng thì là Cha có quen nhưng chỉ là nơi nhận những người vô gia cư cùng với không có người thân cận.

 

            Đúng là đau chứ ! Cha mẹ nuôi con cái ngần ấy ngày trong cuộc đời nhưng những ngày còn lại thì con cái lại khước từ. Có những vị làm cha làm mẹ cảm thấy tủi hổ vì lẽ cả đời lo cho chúng nhưng chỉ với những năm còn lại thì chúng lại quay lưng.

 

            Nói chơi một chút trong góc cạnh của đời tu nhé ! Xin đừng vội ném đá nhé ! 1 cha xứ nuôi 1000 dân nhưng 1000 dân chưa chắc nuôi được 1 cha xứ. Chữ nuôi ở đây có khi là tinh thần nhưng cũng có khi là vật chất.

 

            Có những vị vang bóng một thời, có những vị làm chuyện này chuyện nọ nhưng đến khi về già thì mới cảm thấy thấm thía cuộc đời.

 

            Cũng chả có gì khó suy nghĩ : Còn chức còn quyền còn đệ tử. Hết tiền hết chức hết thầy tôi. Cứ đến những nơi các vị tu sĩ linh mục già đang nương náu những ngày cuối đời thì sẽ thấy được cái hiện trạng bi thương của cuộc đời. Còn đâu hình ảnh lung linh của một thời trai trẻ. Giờ thì lặng lẽ để chờ ngày đến buổi ra đi.

 

            Vì tình thương, linh mục dâng hiến đời mình cho Chúa. Chả có gì trong tay, cũng người này người kia chắc bóp cho Cha để rồi Cha san sẻ cho người khác. Chạnh lòng thương là căn tính của người tu mà. Tu sĩ, linh mục đâu nỡ làm ngơ trước những người bất hạnh đến với mình. Thế là cứ cho đi và cho đi. Thế nhưng rồi khi đến lúc già nua tuổi tác thì mấy ai còn và có đến với vị ân nhân của đời mình.

 

            Đời mà ! Nói ra thì nó đắng nhưng đời nó thật luôn luôn đắng.

 

            Những ngày dài sống với người tu già lủi thủi có thằng nhỏ thương Cha. Mỗi khi nó đi đâu đó vắng, nhờ ai nào đó đến chỉ để chăm vài giờ đồng hồ hay 1 giờ đồng hồ thôi nhưng viện đủ mọi lý do. Thế nhưng cứ đến ngày mừng Lễ của Cha hay ngày an táng thì biết ngay. Người ta diễn như chưa bao giờ được diễn. Ngày cha chết, bảo đảm luôn là cả giáo xứ để tang. Kèm theo những vành tang trắng ấy là những lời có cánh nói về Cha. Thế nhưng thực tế những ngày cha còn sống thì chả ai thèm ngó đến chăm nom. Đời là vậy đó !

 

            Chính vì thế, bỉ nhân trộm nghĩ, nếu có thương thì thương khi cha mẹ còn khỏe chứ để đến lúc không còn sức để mà ăn thương để làm gì. Đời tu cũng thế ! Có thương thì thương khi còn minh mẫn và sáng mắt. Đợi đến lúc ăn không còn cảm thấy ngon, ngủ không còn thấy thích nữa thì chăm bẵm cũng bằng không.

 

            Nhiều người xem Một điều ước đã khóc và khóc vật vã. Có khi họ khóc vì đã muộn màng khi không còn cha mẹ để chăm sóc hay vì khi cha mẹ còn sống họ đã không sẵn lòng.

 

            Lần kia sau khi ban phép giải tội, hối nhân làm việc đền tội và sau đó quay lại tòa giải tội và khóc vật vã : “Cha ơi ! Nếu con biết trước thì con đâu có cãi lời của Mẹ con. Lúc Mẹ con còn sống, Mẹ con nói Mẹ không còn bao năm nữa nên hãy dành thời gian chăm sóc Mẹ, bớt tham gia ca đoàn hội đoàn đi. Khi nào Mẹ mất rồi thì tham gia gì thì tham gia. Con không nghe lời của Mẹ, ham vui theo ca đoàn con đã để Mẹ con ở nhà thui thui. Giờ thì con hối hận lắm Cha ơi ! Con muốn Mẹ con sống thêm với con vài năm nữa ! Cha ơi ! Cha ơi ! ...”

 

            Nghe chị khóc nhưng biết nói gì với Chị đây. Phải chăng là kinh nghiệm sống của những người ham vui bỏ cha mẹ trong cảnh cha mẹ già. Nên nhớ một điều là người cao tuổi rất sợ cô đơn và rất sợ khi không có tiếng hay bóng người. Thử già đi rồi biết được cái cảm giác ấy.

 

            Khóc là một chuyện nhưng sau dòng lệ đó là gì mới là chuyện khác.

 

            Cũng thế ! Có những đứa con thét lên khi hạ huyệt cha hay mẹ nhưng sau khi cha mẹ chôn vùi dưới lòng đất hay là nắm tro tàn rồi thì sống chẳng đâu vào đâu và có khi còn làm ô danh cha mẹ nữa. Có những vợ chồng khóc khi tang chồng tang vợ nhưng rồi chẳng bao lâu sau đó lại theo cuộc tình mới một cách vui vẻ. Trước đó, ai ai cũng nghĩ rằng họ sẽ thủy chung với mối tình xưa nhưng không ngờ sau dòng lệ tuôn trào ấy lại là niềm vui mới quá nhanh và quá vội.

 

            Mỗi người, ai ai cũng có quyền bộc lộ cảm xúc của mình trước những sự kiện, biến cố đau thương nhưng tưởng nghĩ hãy biến đau thương thành hành động có nghĩa là sống tốt hơn với con người xưa cũ của mình.

 

Cũng như ngày thứ Sáu Tuần Thánh vậy. Người ta diễn tuồng lại cuộc Thương Khó của Chúa thật bi thương nhưng thật ra cũng chỉ là diễn tuồng và không hề thay đổi lối sống. Điều mà Chúa cần nơi mỗi chúng ta đó là hãy hành động, hãy diễn tả đức tin và tình yêu ngang qua đời sống thường ngày.

 

            Chính vì thế, hãy yêu thương, chăm sóc cha mẹ già trước khi các ngài đi xa chứ đừng để đến khi các ngài không còn thì ta lại khóc. Có gào, có thét lên thì cũng chỉ là những giọt nước mắt của hình thức, của giả tạo mà thôi.

 

Lm. Anmai, CSsR