Khiêm nhường Thánh Thể
KHIÊM NHƯỜNG THÁNH THỂ
Khiêm Nhường là một trong các Nhân Đức Thánh Thể của Chúa Giêsu. Thật thích hợp để bắt đầu với nhân đức khiêm nhường, vì các thánh gọi đó là nền tảng đời sống tâm linh. Thánh Phêrô Julian Eymard, Tông đồ Thánh Thể, mô tả sự khiêm nhường trong Thánh Thể của Chúa Giêsu thế này:
Chúa đến mà không hề phô trương hoặc uy nghiêm. Trên bàn thờ, dưới khăn che Thánh Thể, Ngài có dáng vẻ của Đấng thậm chí không còn hữu thể nữa. Liệu điều này có đủ để hạ mình?
Để hạ mình xuống, Chúa đã sử dụng mọi quyền năng của Ngài. Bằng cách kỳ diệu, Ngài chống đỡ các rủi ro này. Ngài lật đổ mọi quy luật tự nhiên để hạ mình xuống. Ai có thể bao phủ mặt trời bằng một đám mây đủ dày đặc để chặn ánh sáng và sức nóng của nó? Đó sẽ là điều kỳ diệu nhất. Nhưng Chúa đã làm như vậy trong chính Ngôi Vị của Ngài. Trong các hình dạng Thánh Thể rất bình thường, trong đó Đấng vinh hiển và sáng láng đang ẩn mình. Ngài là Thiên Chúa! Ôi, chúng ta đừng làm Ngài xấu hổ, vì Ngài quá khiêm nhường, quá nhỏ mọn! [1]
Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu biến đức khiêm nhường thành nhân đức vương giả của Ngài trở thành chiếc áo choàng hoàng gia của Ngài, hình thức của mọi hành động của Ngài, thường xuyên thực hiện tình yêu của Ngài, hy lễ vĩnh viễn của Ngài để chúc tụng Cha trên trời. Nó che đậy vinh quang, sự uy nghiêm, quyền năng, không ngừng hành động trong các linh hồn, và chỉ để lại bằng chứng là sự nghèo khó và yếu đuối của Ngài, sự hư vô của Ngài như một thụ tạo phàm nhân, tình yêu của Ngài là Đấng Cứu Độ của chúng ta. Một linh hồn Thánh Thể phải tái tạo nơi mình sự khiêm nhường của Bánh Thánh Giêsu, thực hiện nhân đức và thực tế những gì Chúa Giêsu vinh quang và khải hoàn tiếp tục làm trong trạng thái bí tích của Ngài. [2]
Chúa phải được tôn vinh và nhờ nhân đức mà Ngài thể hiện nơi Bí Tích Thánh Thể. Vậy nhân đức nào Ngài thực hành và giảng dạy thường xuyên và rõ ràng cho tất cả mọi người, ngay cả với những người ngu dốt nhất? Khiêm Nhường: Ngài bị sỉ nhục hơn cả lúc sinh ra, lúc sống, thậm chí cả lúc chết. Ở đây sự hủy diệt của Ngài che đậy và chôn vùi mọi thứ, thần tính, nhân tính, lời nói và hành động của Ngài. Vậy nếu bạn muốn tôn vinh Ngài, cũng như nghĩa vụ thiết yếu trong ơn gọi của bạn, hãy tôn vinh Ngài trong điều kiện khiêm nhường, bắt chước chính con người của Ngài. Ngài đã xuống thấp hơn con người, thấp kém hơn một nô lệ, thấp kém hơn những sinh vật nhỏ bé nhất, vì Ngài là một vật, hình dạng của chiếc bánh được định sẵn để người ta ăn và hủy diệt. Hãy hạ xuống ngang tầm với Ngài. [3]
Có hai động lực và hai cách thức để thực hành sự khiêm nhường: một là từ việc chúng ta nhận ra tội mình, và hai là từ tình yêu của chúng ta đối với Chúa Giêsu Kitô bị sỉ nhục. Loại thứ nhất là khiêm nhường tiêu cực; loại thứ hai là tích cực. Cả hai loại đều được tìm thấy trong sự khiêm nhường của tâm trí và của trái tim. [4]
Làm thế nào chúng ta có thể có được nhân đức này? Tất cả những gì chúng ta phải làm là đi vào tâm trí của Chúa, nhìn thấy và cầu xin Ngài, hành động dưới ảnh hưởng của Chúa Giêsu khiêm nhường vì yêu mến trong Bí tích của Ngài và yêu thích trạng thái mờ mịt này hơn mọi vinh quang. [5]
Kinh Thánh vẽ một bức tranh rõ ràng về các nhân đức của Chúa Giêsu: yêu thương, khiêm nhường, hiền lành, nhân hậu, kiên nhẫn và công bằng. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể thực sự nhìn thấy sự biểu hiện trọn vẹn của chúng khi chúng ta chiêm ngưỡng Bí tích Thánh Thể, đặc biệt về đức khiêm nhường. Nhiều người trong chúng ta đã được truyền cảm hứng từ một vị thánh hoặc một nhân vật lịch sử. Cuộc sống của họ thách thức chúng ta trở nên đạo đức hơn. Có lẽ chúng ta thậm chí ước mình có thể gặp họ và nhờ họ truyền đạt sự hiểu biết cho chúng ta. Nhưng không thể được. Tuy nhiên, với Chúa Giêsu, điều đó hoàn toàn có thể.
Trong Thánh Thể, chúng ta không cần đọc về sự khiêm nhường của Chúa vì Ngài hiện diện. Quá khứ và tương lai của Chúa Giêsu tồn tại trong hiện tại. Nếu chúng ta muốn biết Thiên Chúa là ai và tìm cách trở nên giống Ngài, chúng ta không nên nhìn xa hơn Bí tích Thánh Thể. Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu dạy chúng ta thế nào là khiêm nhường. Mỗi lần thấy Ngài trong Mình Thánh, chúng ta phải tin chắc rằng Ngài đang nói với chúng ta điều này: “Hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học với Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Ta êm ái, và gánh Ta nhẹ nhàng.” (Mt 11:29-30) Mỗi khi chúng ta ở trong sự hiện diện Thánh Thể của Chúa Giêsu, hãy cầu xin Ngài ban cho chúng ta lòng khiêm nhường. Người khiêm nhường không bao giờ khoe khoang vì biết rằng mọi sự đều là ân sủng. Một tâm hồn khiêm nhường tràn đầy sự kính sợ và biết ơn trước lòng nhân lành của Thiên Chúa ngay cả giữa những khó khăn của mình.
Với ước muốn nên thánh, chúng ta có thể dễ dàng bị cuốn vào việc đạt được những nhân đức mà chúng ta quên mất mình đang theo ai. Chúa Thánh Thể vừa là con đường dẫn đến sự khiêm nhường vừa là chính sự khiêm nhường. Chúa muốn chúng ta khiêm nhường trong trí óc và trái tim, nhưng phương tiện chắc chắn nhất để có được sự khiêm nhường là học hỏi và dành thời gian với Chúa Thánh Thể. Bạn có bao giờ nhận thấy vợ chồng theo thời gian bắt đầu trông giống nhau và thậm chí có chung phong cách không? Suy cho cùng, Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng “cả hai sẽ thành một xương một thịt.” (Mc 10:8) Khi chúng ta ở trước Thánh Thể, một hiện tượng tương tự cũng phải xảy ra với chúng ta, đó là chúng ta giống Chúa. Càng dành nhiều thời gian với Chúa Thánh Thể, chúng ta càng nên giống Ngài và hơn hết là nên giống Ngài.
Không vị thánh nào tiến bộ trong sự khiêm nhường mà không có Bí tích Thánh Thể, vì Bí tích Thánh Thể là sự tuyệt vời nhất của sự khiêm nhường. Bí tích Thánh Thể là tấm gương khiêm nhường. Chỉ nhìn vào Chúa Giêsu cũng có thể cho chúng ta biết chúng ta có giống Ngài hay không. Dành năm phút trước Thánh Thể phải hạ mình xuống vì trước mắt chúng ta là Thiên Chúa của vũ trụ, Ngài vô cùng rực rỡ hơn những bộ óc vĩ đại nhất, vô cùng xinh đẹp hơn con người đẹp nhất và vô cùng khiêm tốn hơn so với người khiêm nhường nhất.
Chúa Thánh Thể ẩn mình trong sự khiêm nhường để nhắc nhở chúng ta rằng muốn to lớn trong cuộc sống này thì chúng ta phải trở nên nhỏ bé. Chúng ta phải cố gắng hết lòng để nên giống như Đấng sẵn sàng hạ mình hằng ngày trong Bí tích Thánh Thể.
PATRICK O'HEARN
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
[1] St. Peter Julian Eymard. (1907). The Real Presence (New York: Fathers of the Blessed Sacrament, 1907), 144-145.
[2] St. Peter Julian Eymard, In the Light of the Monstrance, trans. Rev. Charles De Keyser (New York: The Sentinel Press, 1947), 75.
[3] St. Peter Julian Eymard, The Eucharistic and Christian Perfection (Part I), trans. by Amy Allen (New York, The Sentinel Press, 1948), 279.
[4] St. Peter Julian Eymard, In the Light of the Monstrance, trans. Rev. Charles De Keyser (New York: The Sentinel Press, 1947), 68.
[5] St. Peter Julian Eymard, In the Light of the Monstrance, trans. Rev. Charles De Keyser (New York: The Sentinel Press, 1947), 75.
- Tổng Hơp: