Con đói đức tin rồi cha ... - Ngày của mẹ - viết về mẹ ...
CON ĐÓI ĐỨC TIN RỒI CHA ...
Trưa, gửi bữa cơm bình dân cho vài người thân quen. Thấy được mâm cơm rất đỗi bình dị, một người quen nhắn : Thưa Cha ! Con đang đói nè Cha ! Con đang đói ăn và đói cả đức tin nữa.
Vâng ! Đói ăn là chuyện bình thường nhưng trong bối cảnh đời sống hiện tại xem ra là bất thường.
Người ta kháo láo nhau là vàng lên, đô lên này nọ rồi có người nói nếu có thì họ tích trữ vàng và đô để khỏi bị trượt giá. Ôi thì người đời mà, họ tìm đủ mọi cách để tích trữ. Tôi đi tu sống qua ngày là đủ chứ đào đâu ra mà tích trữ.
Mang niềm vui cho người khác, tôi hay đùa : Mấy nay Cha mất ngủ ! Bên kia hỏi tại sao ? Cha nói : Tại vàng đang lên mà mua vào thì Cha không có tiền để mua mà bán ra thì Cha không có vàng để bán.
Đó là câu đùa vui cho qua ngày giữa cái bối cảnh của cuộc sống ngày hôm nay.
Ngày hôm nay, ai ai cũng biết nền kinh tế đang ở mức nào mà. Ai lạc quan thì cứ lạc quan và ai bi quan thì cứ bi quan. Tôi thì không thể bàn quan được khi nhìn thấy thực tế của cuộc đời.
Như giá cà phê nhảy lăm ba đa trong những ngày qua. Có chăng là tư thương và nhà đầu tư thì khấm khá chứ nhà nghèo thì vẫn cứ thế thôi. Giá cà cao thì kéo theo giá của những thứ tiêu dùng càng theo và đời sống ngày càng thêm chật vật cho người nghèo. Người nghèo thì ăn trước trả sau và mượn nợ nên rồi khi cà có giá 70 là ngon lắm rồi chứ làm gì có để mà trữ khi cà lên 128.
Giá như cà vẫn cứ giữ giá đó từ đầu mùa thì may ra người nghèo dễ thở một chút nhưng đến giờ thì tăng giá cũng bằng không với những hộ nghèo. Cứ đầu mùa thì ăn chịu và khi cà vừa cứng cứng một chút là biết ngay. Chủ nợ đến ngay cả nhà để chờ chứ họ không để cho thoát.
Và rồi cà, vàng, đô nhảy giá thì cuộc sống càng ngày càng khó khăn để rồi cuộc sống càng lao đao là điều phải đón nhận. Công nhân phải bỏ nơi đô thị để về quê sinh sống vì nhiều công ty giải thể. Cuộc sống càng ngày càng eo hẹp nên người ta đành bỏ phố về quê dẫu rằng trước đó bỏ quê lên phố. Vì kế sinh nhai nhưng không trụ nổi thì người ta đành bỏ phố vể quê thôi.
Cái đói của thể xác ngày mỗi ngày đè nặng trên đời sống của con người. Kèm theo đó là cái đói của tinh thần và đói cả về đời sống đức tin.
Có thực mới vực được đạo. Câu nói xem chừng ra thật đúng với đời sống con người. Khi cái bao tử nó ổn và đời sống kinh tế ổn thì mới tính đền chuyện nhà thờ nhà thánh chứ còn đi làm ca và vất vả kiếm cơm thì làm gì còn thời gian và tâm trí chi nữa để mà nghĩ đến nhà thờ.
Thật thế, đời sống kinh tế nó ép tinh thần người ta đến mức nào. Chỉ những ai ở trong hoàn cảnh thì mới hiểu chứ còn ai chưa rơi vào cảnh nợ nần túng quẫn thì nói sẽ rất hay.
Người quen kể cho biết rằng một người kia rơi vào cảnh túng quẫn kinh tế nên giờ tâm thần không còn ổn và bỏ luôn cả Chúa. Gia đình này trước đây xem chừng ra khá giả và làm chủ cả mấy cái Siêu Thị chứ không phải là chuyện chơi. Đến giờ khi làm ăn thất bại thì tinh thần của họ suy sụp và họ bỏ luôn cả Chúa.
Có người khi nghe câu chuyện như thế sẽ oán trách rằng thì là họ thế này thế kia. Thế nhưng trước khi oán trách thì hãy đặt mình vào trong cái vị thế của họ. Cuộc sống yên ổn và sung túc mà nay lại rơi vào cảnh túng quẫn nợ nần thì thử hỏi lòng nao có bình an được.
Cứ thử rơi vào cảnh đời sống khó khăn thì mới hiểu được cái khó với cái nghèo.
Hai vợ chồng di dân từ miền Tây sông nước lên trọ ở vùng ven ngoại thành sống vất vưởng. Công việc làm thì bấp bênh để rồi cuộc sống phải hết sức cân đo đong đếm.
Trước khi đi vào giấc ngủ đêm, nhìn hình ảnh và tin nhắn xót lắm : “Cha ! Cứ giờ này con canh siêu thị giảm giá 60% để mua ! Biết rằng đồ giảm giá như thế này thì chất lượng cũng giảm theo nhưng giờ làm sao có tiền khi mua đủ giá hả Cha ?”
Kèm theo tin nhắn là những thực phẩm ngã màu với giá 60% off.
Trên đời này, có ai muốn rơi vào cảnh như thế đâu nhưng rồi hoàn cảnh đẩy đưa người ta phải đối diện với thực phẩm xuống chất như thế. Ngày này qua ngày nọ khi những chất xuống chất như thế nạp vào trong người thì kéo theo phần cơ thể sẽ bệnh tật theo và khi đó thì lại lôi theo một đống tiền để chữa trị.
Ra chợ, nhìn hình ảnh của những cái đầu cá hồi ngã sang màu tái mà các bạn đồng bào mua về nấu lẩu thấy sao mà thương quá ! Hoàn cảnh thôi ! Không còn con đường nào khác để nạp những thứ đó vào.
Rồi đứa em nhắn bảo : “Dạo này đùi heo và gà rẻ lắm Cha ơi ! Đồ đông lạnh con mua có 3, 4 chục ngàn 1 ký à. Con mua về nấu cho chó nó ăn !”.
Nghe sao mà xót quá ! Những thực phẩm đông lạnh rẻ như thế này nó đã được bảo quản bao nhiêu năm trong kho lạnh. Giờ đây không còn nơi tiêu thụ nữa nên họ đem về đây để bán với cái giá không bằng ½ giá thịt tươi sống. Biết thế nhưng nghèo quá thì đành phải mua về mà sống thôi.
Như đã nói, một đời sống kinh tế như thế thì đời sống đức tin cũng héo úa thôi.
Nghèo tiền nghèo bạc có khi dẫn đến nghèo đời sống đức tin. Có những tâm tình, có những tin nhắn gửi đến đọc xong mà xót như tin nhắn trưa nay : “Cha ơi ! Con đói cả đời sống đức tin nữa”.
Cơn đói về kinh tế nó ôm chầm lấy người ta và cơn đói của đức tin cũng không bỏ xót họ. Họ nghèo quá để rồi họ cảm ttha61y hụt hẫng và có khi họ hỏi một câu chua xót : “Chúa ơi ! Sao Chúa bỏ rơi con !”.
Thật sự khi thấy anh chị em mình nhắn gửi câu “con đói cả đời sống đức tin nữa Cha ơi !” thì xót lắm ! Nhưng dù sao đi chăng nữa họ vẫn có cảm thức về đời sống đức tin nên họ nói như vậy. Và như vậy, lời cầu nguyện mỗi ngày trong Kinh nguyện hay Thánh Lễ lại có hình ảnh của những người nay luôn.
Từ nay, lại tha thiết xin Chúa thêm ơn đức tin cho những người nguội lạnh và cho cả chính bản thân mình.
Vừa rồi, nghe Cha già nói một câu mà tôi hốt hoảng : “Không biết Chúa có thật hay không ?”
Bao nhiêu năm theo Chúa và bao nhiêu năm làm linh mục của Chúa mà thốt ra lời ấy không là điều đơn giản. Lời thốt ấy cũng là lời cảnh tỉnh cho bản thân tôi về đời sống đức tin.
Đức tin là mầu nhiệm. Có khi chúng ta đi trong đêm tối của thất vọng, có khi chúng ta đi trong đêm đen của cuộc đời nhưng hãy tin rằng cuối đường hầm ấy lại là sự hiện diện của Thiên Chúa. Và tôi vẫn nhớ đến tâm tình Dấu chân trên cát.
Với tâm tình ấy, mỗi chúng ta hãy an tâm vì khi trời đen tối bão bùng chính là lúc Chúa đang bồng bế chúng ta trên tay.
Lm. Anmai, CSsR
NGÀY CỦA MẸ - VIẾT VỀ MẸ ...
Hôm nay, ngày của Mẹ ... Lọ mọ viết vài chữ về Mẹ ...
Viết sao được mà viết bởi lẽ tình của Mẹ bao la và rộng lớn quá ! Viết sao được mà viết ! Có lẽ là vô ngôn trước cái tình yêu vĩ đại ấy.
Sau những ngày oan nghiệt của cuộc đời, chả phải chỉ có gia đình bỉ nhân nhưng nhiều gia đình khác lâm cảnh khốn cùng gia đình ly tán.
Cùng trong số phận và dòng chảy của cuộc đời, gia đình xuôi về miền quê nghèo nắng nóng cháy da người để sinh sống. Vất vả ngược xuôi để đắp đổi qua ngày với thời cuộc.
Chị bảo Mẹ thu xếp làm giấy tờ để Chị lãnh. Mẹ bảo : “Qua đó để làm gì ?”. Có lẽ câu nói của Mẹ đã gắn chặt với đời Mẹ để Mẹ ở cái quê nghèo cho đến ngày nhắm mắt.
Vì tình thương, không muốn em mình khổ. Chị bảo Mẹ thu xếp về Sài Gòn để sinh sống.
Cũng vì lẽ đó mà ngày hôm nay xem chừng ra cuộc sống có phần đỡ hơn nếu như cứ mãi bám ở cái vùng quê nghèo nắng nóng ấy.
Dù ở đâu, Mẹ vẫn cứ tảo tần để nuôi lũ cháu đàn con. Không may mắn để có di sản như bao gia đình khác. Di sản của Mẹ là đôi tay chai xạm với mũi chỉ đường kim.
Nơi Mẹ, đặc biệt dù có thể gọi là nghèo tiền bạc, nghèo vật chất bởi cái nghèo nó cứ ôm chầm lấy gia đình nhưng được một cái là không bao giờ bỏ Lễ dù chỉ là ngày thường. Làm gì có xe máy, làm gì có xe điện như ngày hôm nay và rồi dù hoàn cảnh với chiếc xe đạp cọc cạch ấy nhưng không ngày nào là Mẹ không có mặt ở Nhà Thờ.
Thật sự bây giờ nghĩ lại bỉ nhân cũng chả nghĩ ra. Xin lỗi ! Đi Lễ làm cái quái gì mà ngày nào cũng đi ! Mưa gió cũng đi và thậm chí khổ cực cũng đi. Mà cái thời ấy, có hiểu mô tê gì đâu nhưng cứ lẽo đẽo theo Mẹ mà đi. Rồi dù cho lớn lên cũng chả hiểu về đạo, về Chúa là gì cả mà vẫn cứ đi.
Cái thói quen hay nói đúng hơn là cái nếp của Mẹ in sâu vào trong đời. Dù Mẹ mất rồi nhưng cái thói quen của sáng Lễ chiều kinh ấy nó cứ in sâu vào trong cuộc đời.
Đời tận hiến bắt đầu từ những ngày tháng của những năm cấp II khi là một chú Lễ sinh trong xứ đạo nhỏ bé đơn sơ.
Cũng lạ ! Chả có ngày nào là không đi Lễ cả. Như một ông từ con thay cho ông từ cao tuổi mỗi khi gia đình ông có việc hay ông đạp xích lô quá buổi.
Hồi nhỏ, chữ đẹp lắm chứ không như bây giờ viết chả ai đọc ra để rồi 2 cái bảng Halleluia và đáp ca ở cái nhà thờ nho nhỏ đó là chữ của nó. Mê Nhà Thờ đến độ mọi người về hết và đóng cửa Nhà Thờ và gửi chìa khóa cửa bên hông Nhà Thờ cho sơ thì mới về. Còn đến sớm thì có lẽ là vô địch. Vườn bông và cây vú sữa ở góc Nhà Thờ là một tay nó tưới.
Nhìn lại quãng đời thơ ấu và lớn lên trong tay Mẹ, sau này bỉ nhân mới hiểu cuộc đời của mình dệt nên bằng những con đường đạo đức của Mẹ. Như đã nói, dù mưa gió hay ngày đẹp tươi hai mẹ con cứ dong duỗi đến Nhà Thờ để tham dự Thánh Lễ. Và giờ mới hiểu được chính Thánh Lễ đã gắn kết đời mình với Chúa mà mắt mình không thấy và trí mình không hiểu được.
Kèm với chuyện Kinh – Lễ, lối sống hiền hòa và nhẫn nại, lối sống thương người và giúp người nó đi vào trong tâm trí, trong cuộc đời để rồi ngày hôm nay thằng bé như họa lại cuộc đời mà ngày xưa Mẹ nó đã sống. Mẹ nó đã truyền cho nó dòng sữa thơm và dòng nước mát của sự nhân hậu và thương người. Đi đến đâu, gặp bất cứ ai cần trợ giúp là Mẹ không khước từ. Có lẽ từ cung cách sống ấy, ngày hôm nay người con thân yêu ấy cũng đang họa lại cuộc đời của Mẹ bằng cử chỉ và hành động của Mẹ.
Chả có gì trong tay, chỉ có tấm lòng và sự nhiệt huyết để giúp và giúp vô vị lợi trong khả năng của mình. Mẹ là thế để rồi những ai sống gần với Mẹ đều nhận ra nét đẹp đó. Cái nét đẹp của lòng nhân hậu ấy rất cần trong đời sống của con người.
Tình thương, lòng nhân hậu và gắn kết với kinh nguyện và Thánh Lễ dệt nên đời của Mẹ thế nào thì con cũng thế. Thừa hưởng không chỉ là di sản về vật chất nhưng cái tinh thần và lòng đạo đức vô cùng quý báu của Mẹ thì làm sao có thể viết trong vài trang giấy.
Chặng đường đã qua khi Mẹ còn sống và chặng đường hiện tại dù không còn hiện diện bằng xương bằng thịt nữa nhưng lối sống và lòng đạo đức của Mẹ như in vào trong cuộc đời của nó. Phải chăng nó đang họa lại con đường mà Mẹ nó đã đi và Mẹ nó vẫn luôn đồng hành với nó trên mọi nẻo đường đời.
Dĩ nhiên Thánh Lễ là cao trọng nhưng càng ngày nó càng thấy thấm khi dâng Lễ. Nơi Thánh Lễ, nơi Lời Chúa, lương thực mà trần gian không thể nào có được đã nuôi dưỡng nó mỗi ngày. Nơi Bàn Tiệc Thánh, nó dâng lên Chúa cả những lao công của cuộc đời không phải chỉ của riêng nó mà của tất cả những ai thân quen hay nhờ nó cầu nguyện.
Như vẫn hay đùa với những người thân quen : “Không phải tin dị đoan đâu nha ! Chúa thương mình lắm đó !”.
Quả thật, tình Chúa thương và ấp ủ cuộc đời của nó từ ông bà ngoại cho đến Mẹ. Được nghe kể lại ông bà ngoại cũng là người có lòng với Giáo Hội cũng như có một đời sống đạo chuẩn mực.
Dòng chảy của chuẩn mực, của đạo đức cứ truyền trong cuộc đời của nó. Phải chăng nó còn quý hơn là vàng bạc nữa bởi lẽ có khi di sản là tiền tài và vật chất nó làm hư đi đời con người. Di sản của tinh thần, di sản của thiêng liêng mới là điều quan trọng để dệt nên đời của con người.
Tạ ơn Chúa ! Cảm ơn Mẹ đã tạo cho con con một tấm hình hài. Tấm hình hài ấy có khi không được đẹp, có khi không được hoàn mỹ, có khi không được vuông tròn nhưng tấm hình hài ấy vẫn mang hình bóng của Mẹ và nhất là tấm lòng nhân hậu và tình thương chia sẻ của Mẹ.
Nhớ đến Mẹ, nghĩ đến Mẹ, theo nó không có gì khác hơn là họa lại nhân cách, họa lại tấm lòng, họa lại cuộc đời của Mẹ. Và như thế, phải chăng là cách báo hiếu tốt nhất mà con người có thể thực hiện đó chính là sống làm sao để người ta nhìn vào và người ta nhận thấy đây là hoa quả của cuộc đời đạo hạnh khởi đi từ người Mẹ.
Ngày của Mẹ năm 2024
Lm. Anmai, CSsR
- Tổng Hơp: