Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hoa quả của Thần Khí

Tác giả: 
Lại Thế Lãng

Hoa quả của Thần Khí

The Word Among Us – Lại Thế Lãng chuyển ngữ

 

Khi chúng ta bước vào Lễ Ngũ Tuần, chúng ta hãy xem xét cuộc sống phó dảng cho Chúa Thánh Thần trông như thế nào.

 

Thần Khí có thể sinh ra loại hoa trái nào trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta? Và làm thế nào một cuộc sống được Thần Khí hướng dẫn lại có thể trở thành ánh sáng chiếu soi cho thế gian? Thiên Chúa đã hứa rằng không có nỗ lực nào của chúng ta bị lãng phí. Không có nỗ lực nào để phục vụ và tôn vinh Chúa mà không được tưởng thưởng.

 

Hoa trái của Thần Khí. Chúng ta có thể cảm thấy rằng hoa trái mà chúng ta đang mang lại cho vương quốc của Thiên Chúa thật ít ỏi. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rõ rằng Chúa Thánh Thần muốn sinh hoa trái qua chúng ta. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ—và tất cả chúng ta—Ta “đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại (Ga 15:16). “Hoa trái” này trông như thế nào, và chúng ta có thể mong đợi điều gì khi dâng mình trọn vẹn hơn cho Thần Khí?

 

Nơi đầu tiên để nhìn là trong trái tim và tâm trí của chúng ta. Chúng ta có nhận thấy Chúa Thánh Thần đang thay đổi chúng ta từ bên trong không? Chúng ta có bình an hơn không? Tin tưởng hơn vào tình yêu của Chúa? Sẵn sàng quay về với Ngài để ăn năn hơn? Tất cả đều là dấu hiệu của sự sống mới. Tất cả đều hướng đến việc Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu hơn và chuẩn bị cho chúng ta phục vụ Ngài sâu sắc hơn.

 

Vào Lễ Ngũ Tuần đầu tiên, các tông đồ đã được thay đổi từ bên trong và bắt đầu biểu lộ những hoa trái bên trong của Thần Khí. Kết quả của sự biến đổi này là họ được trao quyền để chữa lành người bệnh, giảng dậy phúc âm và xây dựng Giáo hội. Trước khi Thần Khí ngự xuống, Phêrô đã khóc vì đức tin yếu đuối và việc ông chối Chúa Giêsu. Nhưng sau trải nghiệm ở trên căn gác, người môn đệ sợ hãi và bất an này đã trở thành chứng nhân mạnh dạn cho Chúa Kitô và là công cụ mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần.

 

Điều tương tự có thể xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta mở lòng đón nhận công cuộc biến đổi của Thần Khí, chúng ta sẽ thấy những dấu hiệu sự hiện diện của Ngài trong chúng ta. Chúng ta không chỉ có được sự bình an nội tâm mà còn có khả năng yêu thương những người khác biệt với mình - ngay cả những người có thể đã làm tổn thương chúng ta trong quá khứ. Chúng ta sẽ biết được niềm vui của Chúa Kitô giữa đau khổ và cũng có thể thông truyền niềm vui đó cho những người đang đau khổ khác.

 

Khi đón Lễ Ngũ Tuần, chúng ta hãy dành chút thời gian để xem xét hoa trái của Thần Khí. Hãy bắt đầu với thư của thánh Pholô gửi tín hữu Galat đoạn 5 câu 22- 23 và hỏi Chúa Thánh Thần xem Ngài muốn hoa trái này trong cuộc đời chúng ta như thế nào. Dưới đây, chúng tôi đưa ra một số nhận xét về ba từ đầu tiên để giúp bạn bắt đầu. Hãy để Thần Khí làm cho những lời này trở nên sống động cho chúng ta!

 

Yêu thương. Chúng ta thường nghĩ rằng yêu thương kẻ thù là điều phi thường, điều mà chỉ những vị thánh vĩ đại nhất mới có thể làm được. Nhưng Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho tất cả chúng ta: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Gioan 15:12). Bất cứ khi nào chúng ta thấy trái tim mình thiếu tình yêu, hãy kêu cầu: “Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con trái tim trong sạch của Chúa. Xin chỉ để con yêu thương như trái tim Ngài yêu thương.” Chỉ có Thần Khí mới có thể biến đổi một tấm lòng từ ích kỷ thành tình yêu của Chúa Giêsu—một tình yêu đau buồn và chịu đựng với Chúa (Giêrêmia 8:22–9:2). Mỗi khi chúng ta tìm cách yêu thương theo cách này, ân sủng từ trời, như dầu thơm, sẽ đổ vào tâm hồn chúng ta. Ân sủng này tăng sức mạnh cho chúng ta ngày càng nhiều hơn để yêu thương mọi người một cách trọn vẹn như Chúa Giêsu yêu thương.

 

Vui mừng. Bạn có để ý thấy có rất nhiều người đang tìm kiếm hạnh phúc không? Nhưng niềm vui trọn vẹn và lâu dài chỉ được tìm thấy khi chúng ta ở gần Chúa Giêsu (Gioan 15:9-11). Niềm vui của Thần Khí không giống bất kỳ niềm vui nào khác mà chúng ta có thể biết được (Luca 10:21). Nó tồn tại vĩnh viễn vì nó được xây dựng trên những lời hứa của Chúa (Thánh vịnh 32:10-11). Nó không phải là thoáng qua, giống như niềm hạnh phúc mà chúng ta trải qua khi mua một chiếc xe hơi mới hoặc hoàn thành một dự án đầy thử thách. Điều gì mang đến cho chúng ta niềm vui mỗi ngày? Hãy để đó là cái chết của Chúa Giêsu dành cho chúng ta, sự tha thứ vô hạn của Ngài cho tội lỗi của chúng ta, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong chúng ta, việc chúng ta là con cái của Thiên Chúa, lời hứa rằng Thiên Chúa có chúng ta trong tay Ngài, lời hứa rằng Ngài sẽ đến gặp chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cầu nguyện và khi chúng ta đến với Ngài trong Thánh Lễ. Đây là niềm vui mà không ai có thể lấy đi khỏi chúng ta(Gioan 16:22).

 

Bình an. Thật tuyệt vời biết bao khi chúng ta biết trong lòng mình, được bình an với Thiên Chúa! (Rôma 5:1). Bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể nhìn vào lòng mình và xem liệu mối quan hệ của chúng ta với Chúa có đúng đắn hay không. “Tôi có bình an với Chúa hay tôi cần phải ăn năn về điều gì đó để mối quan hệ của tôi với Chúa được phục hồi?” Đơn giản chỉ cần nhìn vào nội tâm, cầu xin Chúa Thánh Thần trong chúng ta soi sáng ánh sáng của Chúa Kitô trong tâm hồn chúng ta, hãy ăn năn nếu cần, và biết rằng Thiên Chúa của bình an đang ngự trong chúng ta! (Philípphê 4:9). Chỉ có Thiên Chúa mới là tác giả của bình an (Thánh vịnh 147:14; Isaia 45:7), trong khi Satan là nguồn gốc của bất hòa, thù địch và buộc tội (Dacaria 3:1; Khải Huyền 12:9-10).

 

Thiên Chúa muốn chúng ta sinh hoa trái – trước hết là trong cuộc sống của chúng ta và trong vương quốc của Ngài nữa. Ngài muốn ban ơn lành cho chúng ta. Ngài muốn sinh ra hoa trái trong cuộc sống của chúng ta để chúng ta có thể chia sẻ với người khác. Hãy xin Ngài dạy chúng ta về hoa trái của Ngài và nói với Ngài rằng chúng ta muốn thay đổi mọi lĩnh vực trong cuộc sống của mình để Ngài có thể sinh hoa trái trong và thông qua chúng ta.