Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tu mà không bỏ, bỏ mà không tu - Chất của người tu và người tu có chất

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

TU MÀ KHÔNG BỎ - BỎ MÀ KHÔNG TU

 

Thời gian gần đây, rộ lên “chân tướng” của một con người mà nhiều người với lòng trìu mến vẫn gọi là Thầy. Chàng thanh niên này khẳng định rất rõ rằng chàng không phải là Thầy.

 

Thật đơn giản, với bộ đồ đơn giản mặc trong người với đôi chân trần và cái nồi cơm điện, chàng thanh niên rong ruỗi ngày này qua ngày nọ trên mọi nẻo đường đời. Nhiều người hiếu kỳ cũng có, mộ mến cũng có và đặc biệt là “du túp bơ” và “tích tót cơ” đã theo chàng thanh niên này đến độ Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã văn thư gửi đến những nơi cần gửi.

 

Trong phần kết của văn thư ghi rõ : “Trong mấy ngày anh, ông Lê Anh Tú đang đi bộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh hướng về Khánh Hòa ... đề nghị Ban Trị Sự GHPGVN các tỉnh, thành phố có thông báo tới đông đảo Phật Tử và Nhân dân được biết để không ngộ nhân ông Lê Anh Tú là nhà sư; liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam”

 

Với văn thư này không công nhận ông Lê Anh Tú là nha sư và thật sự ông Lê Anh Tú chưa bao giờ nhận mình là nhà sư cả. Và chuyện sử dụng mạng xã hội cũng không phải do ông Lê Anh Tú mà do những người hiếu kỳ cũng như những “du túp bơ” và “tích tót cơ” lợi dụng chuyện đi bộ của ông Lê Anh Tú cùng với cung cách sống của ông để kiếm tiền.

 

Rõ ràng Lê Anh Tú không tu nhưng qua cung cách sống của anh ta, tôi thấy anh ta là người không tu nhưng tinh thần từ bỏ của Anh quá tuyệt vời. Anh đã sống kiểu không nhà không cửa không có gì để bám víu vào cái cuộc đời này. Và dĩ nhiên sống như thế cuộc đời nó nhẹ nhàng và thanh thản. Anh cứ đi và cứ đi, ai cho gì thì ăn đó và uống đó (dĩ nhiên là ăn chay). Với đôi chân trần, Anh giũ bỏ tất cả mọi thứ bám víu vào cuộc đời của Anh ngoại trừ bộ áo anh khoác lên người cùng với cái nồi cơm điện để anh đựng chút gì đó do người ta trao gửi.

 

Tôi lặng thinh và dừng lại nhìn đến góc cạnh không tu nhưng can đảm từ bỏ của Anh để nhìn lại đời tu của mình.

 

Thuở rời gia đình để vào Tập Viện, xem chừng rất đơn giản, chỉ có 2 túi xách mà thôi. Ngày rời Tập Viện cũng có thế để bước vào Học Viện.

 

Với nhu cầu và đủ mọi lý do, từ ngày vào Học Viện ấy thì cứ tích lũy cho đầy cái “túi tham” của mình. Ngày rời khỏi Học Viện thì mới thấy ôi là đồ.

 

Nhớ lại những ngày kết thúc hè của Học Viện cũng vui vui. Ở nơi hành lang thoáng nhất có tượng Thánh Giuse tạm gọi là nơi để tập kết đồ “lạc xon”. Như một cái luật bất thành văn không hẹn lại đến đó là bất cứ cái gì anh em không dùng thì đem ra đó. Và với cái lòng rất chân thành và đơn sơ của những lớp trẻ. Cứ cái gì của các lớp Thần bỏ ra thì Triết lại ôm về làm cho tôi chợt nhớ câu Thánh Vịnh : “Chiến lợi phẩm thu về từng núi, đoạt của lớp anh hùng mê mệt ngủ say”.

 

Có những quyển sách, có những vật dụng người khác thải ra thì anh em và trong đó có tôi lại na về phòng. Dù gì thì gì, sống theo cái quan điểm “cũ người mới ta”.

 

Cái lòng tham nó cứ nổi dậy trong tôi sau những ngày hè của anh em. Thế là đến năm cuối chuẩn bị rời khỏi môi trường Học Viện thì tôi lại cũng phải thải ra bao nhiêu thứ mà bấy lâu nay mình cứ mãi mê tích lũy.

 

Chuyện gì đến nó đến. Rời môi trường đào tạo để nhận sứ vụ.

 

Ngày đầu nơi đến nhận sứ vụ con người cũng xem chừng ra nhẹ nhõm lắm. Thế nhưng ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng kia chả hiểu sao đồ đạc nó lại cứ lấp đầy.

 

Ai nào đó có kinh nghiệm chuyển chỗ sẽ thấy được thực tế của cuộc đời.

 

Dẫu ý thức buông bỏ nhiều lắm nhưng chả hiểu sao đồ đoàng nó cứ vẫn cứ đầy.

 

Ngày này qua ngày nọ, đồ đạc cứ tích lũy. Cũng may là cũng mang trong mình tinh thần cho đi nhưng vẫn thấy nó đầy đầy.

 

Có lẽ còn trẻ thì ham hố tích lũy nhưng đến khi già nua tuổi tác chắc có lẽ cũng chả có gì để mang theo. Kinh nghiệm ấy được thấy rõ nhất nơi phòng của Cha Cố.

 

Ngày này vài chục năm trước phòng Cha Cố cũng chỉ còn có lối đi như bao người khác. Đến khi già thì lối đi thoáng mát vì chả còn gì vì chỉ còn có vài bộ đồ dính người. Đến khi mù lòa nữa thì chả còn gì để bám víu. Đến độ thức ăn và áo mặc. Người ta cho ăn gì thì ăn đó và mặc gì thì mặc đó chứ cũng chả còn chút tơ hào gì với cuộc đời.

 

Thật sự để từ bỏ hay buông bỏ không phải là chuyện đơn giản trong cuộc đời đâu. Với tâm trạng thủ thân thủ thế thì ai ai cũng chất đầy túi tham của mình và trong đó có tôi.

 

Cách đây gần hai chục năm, đến với tận miền đất Mũi để ở với Cha Pio Ngô Phúc Hậu thực tập mục vụ một thời gian. Nơi đây, tôi phát hiện ra và học được tinh thần từ bỏ của Cha. Dù Cha làm nhiều điều và nhiều việc cho dân nên kẻ xấu tưởng Cha có nhiều tiền. Có lần canh Cha đi vắng kẻ xấu đã đột nhập vào phòng của Cha. Vào đến bên trong thì chả có gì ngoài vài bộ đồ cùng với cái đài mà Cha hay nghe nó.

 

Quả thật một sự từ bỏ để mọi người học và sống.

 

Và thời còn ngồi trên ghế Học Viện, nhớ “thiền sư” Đặng Không Sơn khi nói về phật pháp thật hay. Vài học về phá chấp của Cha còn đọng mãi. Sống ở đời là không được chấp hình, chấp tướng gì cả ... và tất cả là buông bỏ.

 

Cung cách sống này cũng chính là con đường mà Thầy Giêsu dạy đó là từ bỏ. Chúa bảo người môn đệ của Chúa khi theo Chúa phải từ bỏ tất cả để theo Chúa. Người môn đệ lên đường với tinh thần cũng như không bám víu gì về vật chất cả mới là người môn đệ đích thực của Chúa.

 

Nhìn lại người không tu mà họ dám bỏ tôi lại giật bắn cả người khi nhìn lại đời mình. Mình mang tiếng tu đó nhưng chưa dám từ bỏ.

 

Và gần đây, nghe người ta hay dùng từ thợ tu và thầy tu để nói về ai đó trong cuộc đời làm tôi phải bận tâm hơn về đời mình. Nếu không cân chỉnh đời mình hay từ bỏ triệt để thì không khéo mình trở thành thợ tu. Thợ tu khác thầy tu vì thầy tu thật sự là người từ bỏ.

 

Đời đang yên đang lành bỗng dưng xuất hiện một người không tu nhưng dám bỏ để nhắc nhở người tu như tôi về chuyện bỏ. Tôi đang tu đấy nhưng tôi có bỏ hay không hay tôi lại bỏ vào. Dần dần căn phòng tôi ở cũng như tâm hồn tu của tôi chất đầy vật chất và túi tham theo tuổi tu thì thật là khổ. Khi đó tôi tự đánh mất chất tu trong con người của tôi cũng như không xứng đáng là môn đệ của Thầy Giêsu.

 

Thấy người không tu mà buông bỏ còn mình tu mà chưa buông bỏ thì cũng buồn lắm chứ ! Tự nhắc mình về hành động và thái độ buông bỏ trong cuộc đời tu của mình.

 

Chồn có hang, chim có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu có lẽ là câu nói để nhắc nhớ tôi về chuyện tu của mình.

 

Cần cân chỉnh cuộc đời để trở thành thầy tu chứ không khéo trở thành thợ tu thì e rằng đau khổ.

 

Lm. Anmai, CSsR

 

**********

 

CHẤT CỦA NGƯỜI TU VÀ NGƯỜI TU CÓ CHẤT

 

          Đang yên đang lành, bỗng dưng xuất hiện một người gọi là mon men tập tu. Cũng nhiều năm rồi nhưng vì mạng xã hội loan truyền nên người ấy nổi tiếng.

 

          Trả lời phỏng vấn, người đó không nhận rằng mình là thầy ! Người ấy nhìn nhận rằng mình là người công dân bình thường  mà thôi. Thế nhưng rồi trong cung cách sống của người đó, nó đã toát lên một cái nét gì đó của người đi tu dẫu rằng người đó không tu. Nét đẹp nhất của chàng thanh niên đó chính là lối sống và sự từ bỏ. Chàng thanh niên này đã buông bỏ mọi sự và có thể nói rằng không còn gì để mất.

 

          Với hiện tượng xem chừng lạ như thế thì nhiều người đi theo và lối sống của chàng thanh niên đó được đề cao. Lối sống thanh bần ấy lại càng được đề cao khi vấn đề đời sống tu của một số người tu dính bén đến tiền bạc và vật chất.

 

          Tu hay sống ở đời, ai ai cũng cần tiền nhưng có lẽ cần ở mức đủ sống, đủ sinh hoạt nhưng khi nó đi quá đà thì người ta xem lại đời tu. Hình ảnh của những người tu dính béng đến của cải vật chất quá độ cũng được lan truyền lên các trang mạng để rồi nhiều người ngao ngán và họ dùng những từ xem chừng ra cũng phải xem lại đó là thợ tu hay thầy tu.

 

          Thầy tu thì không cần phải nói nhiều, ai ai cũng biết người tu thì phải mang trong mình chất của sự từ bỏ. Ai không từ bỏ mà dính béng đến của cải thế gian thì không tu được.

 

          Với Chúa Giêsu, hơn một lần Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ của mình về chuyện của cải vật chất : “Không ai được làm tôi hai chủ vì hoặc sẽ ghét chủ này hoặc sẽ ghét chủ kia ...” Và với người tu thì Chúa Giêsu lại đòi hỏi gắt gao hơn rằng thì là lên đường truyền giáo với hành trang không bao bì, gậy gộc, không túi. Ra đi “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”, nhưng tín thác hoàn toàn vào Thầy, sống nghèo khó, thanh thoát trước các phương tiện của con người... và không lo lắng thái quá về vật chất, nhưng luôn chú tâm vào sứ mạng được sai.

 

Ai ai cũng hiểu đời tu hoàn toàn không để người ta hưởng thụ. Người tu sĩ luôn được huấn luyện với những đòi hỏi gắt gao của nhà Dòng. Họ được Thiên Chúa thử luyện và giúp đỡ để nên người loan bao Tin Mừng tốt. Theo đó, người tu sĩ là người của mọi người, người thuộc về Thiên Chúa và sống theo Tin Mừng. Là tu sĩ thật, họ phải bước vào con đường hẹp. Họ phải từ bỏ nhiều thứ, nhất là bỏ những nhu cầu hưởng thụ vốn có nơi mỗi người. Có khi trên con đường đó, họ cảm thấy cô đơn, trống vắng. Người tu sĩ có khi phải đương đầu với tình trạng không có chỗ nương thân. Tất cả những thách đố ấy nhằm giúp người tu sĩ biết họ phải tin vào Ai và sống vì Ai!

 

Người tu sĩ có chất thì chất ấy phải bộc lộ ra ngoài ít là ngang qua sự nghèo khó về vật chất. Một khi biện minh cho việc truyền giáo để cho mình có điều này điều kia xa xỉ thì đánh mất đi chất của người tu dù người ấy vẫn khoác trên mình chiếc áo của thầy tu.

 

Thách đố trên càng lớn hơn cho người tu sĩ trong thế giới này nay: Chủ nghĩa hưởng thụ. Người sống hưởng thụ chỉ dành toàn phần tốt về cho mình. Họ chỉ tìm những điều họ thích. Họ bỏ mặc nhu cầu người khác; ngược lại, họ luôn ở trong vỏ bọc an toàn. Bất cứ điều gì làm cho họ thoải mái, thư thái là họ thụ hưởng điều ấy. Ngoài xã hội, đó là những người ăn chơi, đốt tiền ở những nơi họ thích. Ngồi chơi xơi nước khiến họ thích thú. Họ chịu ăn chơi hơn dám làm việc. Thực dụng là quan niệm sống của nhóm người theo chủ nghĩa này. Tóm lại, điều họ quan tâm số một là tiện nghi vật chất, tiền bạc của cải, để có điều kiện hưởng thụ tối đa.

 

Trong đời tu, tiếc là có những người trong nhóm chủ nghĩa này. Khấn khó nghèo, nhưng họ sống giàu sang, tiện nghi và sung túc. Khấn vâng lời, nhưng họ thích làm theo những sở thích của riêng mình. Khấn khiết tịnh, nhưng họ tìm những niềm vui của xác thịt. Thậm chí khi được góp ý, có người đã từng nói rằng: “Tu có cần phải triệt để như thế không?”  Thưa, đời tu là con đường theo Chúa Giêsu cách triệt để. Nói thế không phải đi tu là “tốc hành” có thể nên người tu sĩ chân chính. Đời tu luôn là một tiến trình lớn lên. Một dấu hiệu trưởng thành của người tu sĩ là mỗi ngày một chút thoát khỏi tinh thần hưởng thụ. Vâng, họ sống không chỉ cho mình, nhưng trên hết, Thiên Chúa và sứ mạng luôn lôi quấn họ bước vào với niềm dâng hiến say mê.

 

Đứng trước hình ảnh, hiện tượng của người không tu mà dám từ bỏ mọi sự thì cũng là điều chất vấn cho chính bản thân tôi người đã tuyên bố từ bỏ mọi sự để theo Chúa. Dù tuyên bố từ bỏ mọi sự rồi nhưng thực tế tôi có can đảm từ bỏ để dấn thân theo Chúa cách triệt để hay chưa ? Hay là tôi vịn lý này cớ kia để vun vén và thu về cho mình càng nhiều càng tốt.

 

Giằng co giữa sự thu vén và từ bỏ phải chăng là một giằng co lớn trong đời tu của tôi.

 

Ngày mỗi ngày tôi vẫn cầu xin Chúa để rồi xin Chúa thêm ơn giúp sức để mình đừng đánh mất đi chất của người tu và lòng nhủ lòng tu sao cho có chất.

 

Lm. Anmai, CSsR