Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Gặp Chúa Giê-su nơi những người bé mọn - Đừng ganh tỵ thù địch nhau

Tác giả: 
Huệ Minh

 

 

21.5 Thứ Ba trong tuần thứ Bảy Mùa Quanh Năm

Gc 4:1-10; Tv 55:7-8,9-10,10-11,23; Mc 9:30-37

 

GẶP CHÚA GIÊ-SU NƠI NHỮNG NGƯỜI BÉ MỌN

 

Trong đời sống thường ngày, chúng ta đương đầu với nhiều cám dỗ. Cám dỗ về quyền hành và cám dỗ lạm quyền là sự kiện thường xuyên và mãnh liệt đối với con người mọi thời. Chính những cám dỗ ấy cũng đã xảy ra cho Nhóm Mười Hai Tông đồ. Thật vậy, vào chính lúc Thầy của các ông loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, thay vì dừng lại và chia sẻ với Thầy, hoặc nếu chưa hiểu thì trao đổi với Thầy để am tường hơn, các ông đã có thái độ ích kỷ, vụ lợi; các ông tưởng thời lập quốc của Ðấng Mêsia và ngày vinh quang của các ông đã tới, thế là các ông bắt đầu tranh cãi về địa vị với nhau. Chính các ông cũng cảm thấy sự tranh cãi như thế là đáng trách, bởi vì khi được Chúa Giêsu hỏi, các ông đã làm thinh.

 

Và rồi sự việc đã diễn biến không như các ông tưởng nghĩ, bởi vì đối với Chúa Giêsu, trong Nước Trời tồn tại ở trần gian này, cho dù vẫn có tôn ti trật tự, nhưng đó là một trật tự lạ lùng: Người làm lớn sẽ là người hầu hạ kẻ khác, người nhỏ nhất phải là đối tượng để được hầu hạ. Rốt cuộc, chúng ta có thể hầu hạ ai chính là vì chúng ta muốn hầu hạ Chúa Giêsu trong họ, và chúng ta có được hầu hạ ai, thì cũng chỉ vì họ đang hầu hạ Chúa Giêsu nơi chúng ta. Như vậy, điều quan trọng không phải là làm lớn hay làm nhỏ trong Nước Trời, chỉ có Thiên Chúa là nhân vật quan trọng trong Nước Trời, và làm lớn hay làm nhỏ, tất cả đều phục vụ Thiên Chúa mà thôi.

 

Chúa Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ  Ngài là ai: Ngài là Đấng Mê-si-a đến cứu thoát loài người, nhưng cứu thoát qua con đường chịu nạn, chịu chết và sống lại. Các ông chẳng hiểu gì mạc khải đó vì các ông vẫn quan niệm về một Đấng Mê-si-a vinh quang hiển hách. Vì thế trên đường đi các ông tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất trong nước của Ngài. Về đến nhà, Ngài hỏi các ông trên đường đã tranh cãi với nhau về cái gì, các ông không dám trả lời. Nhân dịp này Ngài dạy các ông: Ai muốn làm lớn, phải làm đầy tớ mọi người. Rồi Ngài dẫn một trẻ nhỏ đến giữa các ông mà phán: ”Ai đón nhận trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy và sống đơn sơ không tham vọng như nó là đón tiếp chính Thầy, và ai tiếp nhận Thầy là tiếp nhận Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

 

Tranh giành quyền lực là chuyện thường tình của thế gian, trong bất cứ lãnh vực nào cũng có chuyện người thủ lãnh, kẻ thuộc hạ, người làm lớn kẻ làm nhỏ, người ngồi trên kẻ ngồi dưới, người được danh dự kẻ bị quên lãng. Nhưng trong Giáo hội của Ngài, Đức Giê-su đã đưa ra nguyên tắc lãnh đạo: ai muốn làm người đứng đầu thì phỉ làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người. Chúa Giêsu không chỉ phục vụ và hầu hạ, lại còn hầu hạ và phục vụ đến chết. Cái chết trên thập giá của Ngài là thể hiện tột cùng của lãnh đạo và phục vụ. Vì thế, người được đặt làm thủ lãnh để phục vụ phải là người sằn sàng chết cho mọi người. Qui luật này có giá trị cho mọi Ki-tô hữu. Làm môn đệ của Chúa Giêsu là chọn lấy con đường phục vụ và phục vụ cho tới cùng.

 

Vì thế, ở cuối văn kiện Tòa Thánh, các Đức Giáo hoàng thường ghi dòng chữ này cùng với chữ ký của mình: ”Servus servorum”: tôi tớ của các tôi tớ. Đây là tinh thần mà Đức Giê-su muốn tất cả các vị lãnh đạo trong Giáo hội phải có, như được đề cập trong bài Tin mừng hôm nay: “Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người”.

 

Chúa phán: ”Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Để các ông hiểu rõ sự nghịch lý này, Đức Giê-su đưa ra một dụ ngôn: Ngài đem một em nhỏ, đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: ”Ai tiếp nhận một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”. Em nhỏ ở đây, chính là biểu tượng của tất cả những gì bé nhỏ, hèn mọn, tùy thuộc, cần được người khác chăm sóc, mà không thể cho ai được cái gì. Ngài hàm ý nói rằng điều làm cho người ta nên cao cả là khả năng đón tiếp bản thân Ngài và khi người ta tiếp đón vì danh Ngài, một người yếu đuối, vô phương tự vệ, thì khả năng đó còn lớn hơn nữa bội phần. Ai trong anh em muốn làm người đứng đầu thì hãy tự mình phục vụ những người ít được kính nể, những người bị tức đoạt nhất, hãy làm người phục vụ những người bé mọn nhất, và làm như thế vì danh Thầy, bởi lẽ Thầy yêu cầu như vậy.

 

Vào thời Chúa Giê-su, trẻ em thường không có vị trí và tiếng nói trong đời sống tôn giáo và xã hội. Đôi khi cha mẹ có thể hủy bỏ trách nhiệm pháp lý đối với một đứa trẻ và chúng có thể sẽ bị bỏ lại tại bãi rác địa phương, một khu vực “bỏ rơi an toàn”. Chế độ nô lệ là một phần của cuộc sống cổ đại. Trong trường hợp nô lệ để trả nợ, một đứa trẻ có thể phục vụ trong một hộ gia đình khác để trả nợ cho gia đình và sau đó trở về với gia đình của chính chúng.

 

Thật lạ là trong một bối cảnh xã hội như thế, Chúa Giê-su lại “đem một em bé lại đặt giữa các tông đồ, rồi ôm nó mà nói với các ông” (Mc 9,35). Hành động này của Chúa Giê-su cho thấy ngài có một thái độ hoàn toàn khác với trẻ em. Ngài quý trọng và quan tâm đến chúng trong khi xã hội không cho chúng điều đó. Hơn nữa, ngài còn đồng hóa bản thân của ngài với các em nhỏ này khi nói: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình thầy” (Mc 8.36).

 

Khi chọn một đứa trẻ để ôm ấp và giáo huấn các môn đệ, Chúa Giê-su cũng ám chỉ tới tất cả những người yếu thế và bị bỏ rơi khác trong xã hội. Những người nghèo khổ, đói khát và bị bỏ rơi cũng là những người không được xã hội thừa nhận và tôn trọng. Họ cũng ở trong tình trạng thấp kém như các trẻ em thời Chúa Giê-su. Thế nhưng họ không hề nhỏ bé và thấp kém trong mắt Thiên Chúa. Thế nên, bất cứ khi nào chúng ta đón tiếp những người bé nhỏ, khó nghèo, bị bỏ rơi, bị bách hại… này là chúng ta cũng đang đón tiếp chính Chúa Giê-su và xa hơn là chính Thiên Chúa.

 

Là người Ki-tô hữu, chúng ta khao khát gặp Chúa. Chúng ta ước ao kết hợp với Chúa. Chúng ta mong muốn được ở trong Chúa. Tin mừng hôm nay quả là một tin vui cho chúng bởi Chúa Giê-su cung cấp cho chúng ta một con đường khác để gặp ngài. Ngoài việc tham dự Thánh Lễ, đọc Kinh thánh, làm các việc đạo đức, chúng ta cũng có thể gặp Chúa nơi những người nghèo khổ, đói khát, và bị bỏ rơi ở ngay bên cạnh chúng ta. Ước mong chúng ta sẽ không bao giờ bỏ lỡ thời cơ để gặp Chúa qua những anh chị em đáng thương này của chúng ta. Amen

 

*****************

 

 

22.5 Thứ Tư trong tuần thứ Bảy Mùa Quanh Năm

Gc 4:13-17; Tv 49:14-15,15-16,17-18,19-20; Mc 9:38-40

 

ĐỪNG GANH TỴ THÙ ĐỊCH NHAU

 

Chúa Giêsu dạy bài học bao dung và hợp tác. Khi thấy một số người không thuộc nhóm 12 mà cũng nhân danh ChúaGiêsu để trừ quỷ thì Gioan khó chịu, xin Chúa ngăn cấm. Chúa Giêsu chẳng những không ngăn cấm họ mà con sửa dạy các môn đệ của mình:

 

Người đời thường có óc bè phái: ích kỷ bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phương châm của thế gian là: “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”.

 

Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng nhìn ai bằng cặp mắt thành kiến đố kỵ, nhưng phải sẵn sàng hợp tác với tất cả những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai không chống đối ta tức là ủng hộ ta”.

 

Kẻ thốt lên những lời sặc mùi đố kỵ này là ai? Cũng là kẻ một lần khác đòi khiến lửa trời xuống thiêu rụi một làng Samari không tiếp đón Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài? Đó chính là Gioan. Ông cũng muốn độc quyền cho Chúa hay các Tông đồ mà thôi. Nhưng Chúa lại bảo: “Chớ ngăn cản họ...”(c.39). Chúa muốn nói rằng dù là ai mà nại vào danh Ngài tức là đã có lòng tin vào quyền của Chúa rồi. Vậy khi trừ được ma quỷ càng làm tăng giá trị đức tin nơi người đó và nạn nhân. Và đó là một vinh danh Thiên Chúa.

 

Ở đây, Chúa muốn dạy các môn đệ một bài học đừng ganh tị nhau trên con đường phục vụ Thiên Chúa. Mỗi người phải ý thức mình là một phần trong cơ thể. Tuy các chi thể khác nhau nhưng làm thành một thân thể duy nhất. Mỗi một chi thể phải làm xong, và làm hoàn hảo công tác của mình. Cho nên, hãy ý thức rằng những chức vụ khác nhau trong Giáo hội không phải là sự phân chia giai cấp mà là những công tác khác nhau của những cá nhân trong một tập thể Hội thánh Chúa phục vụ cho vinh danh Thiên Chúa mà thôi.

 

Có một lúc nào đó các tông đồ đã tranh luận với nhau để xem ai là người lớn nhất. Và đây lại một cuộc cãi cọ nữa, lần này với một người lạ mà Chúa đã lệnh cho thay vào chỗ Người. Chính Gioan là người đến kể lại cho Thầy về trường hợp người trừ quỷ lạ mặt đó. Ông Gioan này, một con người hiền dịu như thế, lại rất có thể nổi nóng, tàn bạo. Ta còn nhớ, một ngày nào đó, ông đã xin Chúa Giêsu cho lửa trời và sấm sét xuống tiêu diệt một làng của người Samari, vì họ đã không chịu tiếp rước các ngài. Ông không gớm cả những biện pháp mạnh. Ở đây, ông lại bực tức với một người ngoại nhập lấy danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ và được thành công. Thật là xì-căng-đan hết chỗ!

 

Vì “người ấy không theo chúng ta.” Người ấy không phải là người thuộc nhóm chúng ta và kìa anh ta tiếm quyền của chúng ta, dẫm chân lên những mảnh vườn của chúng ta. Đó là một sự lộn xộn mà anh ta xin Chúa Giêsu sửa sai. Vả lại các tông đồ cũng đã bắt đầu xen vào. Các ông đã ngăn cản anh lấy danh nghĩa Chúa mà hành đông và các ông đòi Chúa công nhận hành đông của các ông. Còn Gioan một phần nào như muốn nói: “Khỏi cần đi theo Thầy nữa, làm môn đệ Thầy mà làm chi, khi mà kẻ tới trước đều có thể hành động nhân danh Thầy.”

 

Phản ứng của Chúa Giêsu, đầy lòng bao dung, đã phải làm cho các môn đệ thất vọng: Người lệnh cho các ông cứ để cho người lạ này trừ được bao nhiêu quỷ thì cứ làm, và công việc ấy biện minh cho con người anh: người mới gia nhập này tỏ cho thấy có nhiều dấu hiệu thiện chí, công việc anh làm đều hướng về Chúa Giêsu, và một khi ra đi rồi, chẳng lẽ anh lại đâm ra khinh rể và nhục mạ Người. Ở đây Chúa Giêsu xem ra lạc quan, sẵn sàng kết nạp mọi người ở ngoài, sẵn sàng tỏ thái độ dễ dàng để chiêu mộ những người theo. Thực tế mà nói, Chúa muốn cho các môn đệ thấy rằng thái độ của các ông là không có căn cứ, là hẹp hòi.

 

Chúa giải thích thêm bằng câu nói bất hủ: “Ai không chống lại tôi, là ủng hộ tôi.” Người truyền lệnh cho các ông phải vượt khỏi những cái nhìn hoàn toàn phàm trần và hẹp hòi của các ông, bỏ ra một bên tinh thần phe nhóm và cởi mở với tất cả mọi người thiện chí. Nhưng thái độ này của Chúa Kitô không phải là “ba phải” chút nào: khi phải chiến đấu chống sự ác, Người tỏ ra kiên quyết và Người sẽ tuyên bố: “Ai không cùng với chúng ta, là chống lại chúng ta.” Có nghĩa là trung lập khi phải đối phó với sự ác chính là đồng lõa với sự ác vậy.

 

 Chúa Giêsu khi thấy thái độ kỳ thị của các ông, Ngài đã dạy cho họ bài học về sự hiệp nhất trong đa dạng khi nói: “Đừng ngăn cấm người ta… Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Chúa Giêsu muốn dạy các ông bài học về sự đa dạng trong Vương Quốc của Chúa Giêsu. Đồng thời cũng mời gọi các ông biết đón nhận những sự khác biệt đó như là một cơ hội để học hỏi và cùng nhau chung tay xây dựng Nước Trời.

 

Ngày nay, trong đời sống thường nhật, có lẽ nhiều khi chúng ta mong muốn được nhiều người tôn trọng mình và coi thường người khác. Hay có khi chúng ta tìm cách thổi phổng uy tín dởm của mình và luôn tìm cách đạp đổ danh thơm tiếng tốt của đối phương. Hoặc có những lúc chúng ta không ưa ai thì cho dù người đó có tốt lành, gương mẫu thế nào đi nữa, trước mắt và trong lối suy nghĩ của ta, họ chỉ là “con ông nọ, con bà kia ý mà”!