Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Động lực thực - Nô lệ thánh thiện

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

ĐỘNG LỰC THỰC

 

“Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!”.

 

“Tình yêu vươn tới những tổn thương và có những bước đi táo bạo không vụ lợi. Nó có thể đạt được những điều không tưởng; bởi lẽ, những gì được gọi là “tư lợi”, đối với nó, quá vô nghĩa! Với nó, chính tình yêu là động lực thực!” - Calvin Miller.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Một lần nữa, Tin Mừng hôm nay cho thấy, tình yêu là ‘động lực thực!’. Marcô ghi lại câu nói khá trần trụi của Phêrô, “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!”; nghĩa là, ‘Theo Thầy, chúng con được gì?’. Tuy nhiên, một câu hỏi khác còn quan trọng hơn, đâu là ‘động lực thực’ để Phêrô, các môn đệ và cả chúng ta bỏ tất cả để theo Chúa?

 

Bối cảnh câu hỏi của Phêrô là sau khi người thanh niên giàu có bỏ đi, vì ‘giá cả’ Chúa Giêsu chào mời xem ra quá ngất ngưởng! Rồi Ngài cho biết, người giàu có khó vào Nước Trời như lạc đà chui qua lỗ kim. Trước hoả mù đó, Phêrô không biết nói gì ngoài trăn trở của mình. Và chủ nghĩa thực dụng hiện nguyên hình; câu nói của Phêrô phần nào nhuốm mùi ‘duy vật’, vì điều này vô tình tiết lộ động lực dâng hiến của ông! Tuy nhiên, Chúa Giêsu trấn an, “Chúng con sẽ nhận được gấp trăm ở đời này” về nhà cửa, đất đai, người thân ‘vì lợi ích của Thầy và của Phúc Âm’. Nhưng cũng thật tréo ngoe, ‘cùng sự bắt bớ’ và ‘đời sau được sự sống đời đời’.

 

Phần thưởng cho sự từ bỏ của chúng ta đã bắt đầu trong cuộc sống này và sẽ lên đến đỉnh điểm trong cuộc sống mai ngày! Sự khác biệt giữa người này và người kia là những cuộc ‘bách hại’ theo nghĩa rộng; như vậy, trong cuộc sống, chúng ta được hưởng cả tình yêu của Chúa Kitô và chịu cả những ‘bắt bớ’ cách này cách khác vì Ngài. Bằng cách chứng minh tình yêu của mình ngay bây giờ, chúng ta sẽ hưởng cuộc sống thiên quốc với Chúa Kitô trong vĩnh cửu. Và đó là ‘động lực thực’ để chúng ta từ bỏ mọi sự! Có lẽ đã trải nghiệm phần nào việc đi theo Chúa, Phêrô nói với chúng ta trong bài đọc hôm nay rằng, “Anh em hãy chuẩn bị lòng trí, hãy tỉnh thức, hãy hoàn toàn đặt niềm trông cậy vào ân sủng sẽ được mang đến cho anh em”. Ân sủng sẽ ban là ơn cứu độ của Chúa Kitô ngay hôm nay và mai ngày, thật đúng với tâm tình Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ!”.

 

Anh Chị em,

 

“Tình yêu là ‘động lực thực!’”. Chúa Giêsu biết rõ động lực của mỗi người chúng ta hơn chúng ta biết nó! Ngài đã cứu chúng ta bởi động lực của một tình yêu nhưng không và trọn vẹn, một tình yêu ‘không cần ngã giá’. Ngài mong chúng ta từ bỏ mọi sự, đi theo Ngài cũng bằng chính động lực ấy mà không cần bận tâm với giá cả; bởi lẽ, Ngài là Thiên Chúa, là Cha nhân lành, sẽ chăm bẵm mọi sự cho chúng ta! Hãy tận dụng những khoảnh khắc hiện tại để gột rửa những ý hướng không trong sáng của mình, giũ bỏ bản thân để có một tình yêu tinh tuyền đối với Thiên Chúa và ơn cứu độ của Ngài. Không có tình yêu dành cho Ngài, chúng ta sẽ không có ‘động lực thực’ để từ bỏ; có chăng, cũng chỉ là những động lực ‘như thực’ trá hình nhuốm mùi thế gian.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, đừng để con làm bất cứ điều gì mà không có tình yêu. Nó sẽ vô hồn, nhạt nhẽo và hời hợt vì bản chất của nó là ích kỷ, vụ lợi!”, Amen.

 

 

 (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

***********

 

NÔ LỆ THÁNH THIỆN

 

“Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Tin Mừng hôm nay cho thấy sự táo bạo của Giacôbê và Gioan khi họ thỉnh cầu một điều xem ra quá nhân loại. Bằng một câu hỏi, Chúa Giêsu nhẹ nhàng trả lời họ cách sâu sắc, “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”. “Chén Thầy sắp uống”, “Phép rửa Thầy sắp chịu” là hiến mình đến chết như một nô lệ, một sự ‘nô lệ thánh thiện!’.

 

Sự dạn dĩ của Giacôbê và Gioan có thể một phần xuất phát từ việc họ đã trở nên rất quen thuộc với lòng nhân lành của Chúa Giêsu; vì thế, họ đã sa vào cạm bẫy coi thường lòng nhân lành đó bằng cách tìm kiếm ân huệ cho mình. Và Ngài đã tóm tắt câu trả lời dành cho tất cả họ thế này, “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người!”. Cách nào đó, Ngài nói về chính Ngài, vốn là người đầu tiên trong số họ trở nên tôi tớ. Ngài đã hạ mình làm nô lệ của họ và là “đầy tớ của mọi người”.

 

Áp đặt chế độ nô lệ - theo nghĩa đen - lên người khác là một sự lạm dụng nghiêm trọng. Nhưng Chúa Giêsu đang nói đến một hình thức nô lệ khác, ‘nô lệ thánh thiện’. Với Ngài, ‘nô lệ thánh thiện’ là nô lệ trong đó chúng ta hiến thân hy sinh cho người khác vì tình yêu. Và đây là điều Ngài đã làm một cách hoàn hảo. Cái chết của Ngài trên thập giá là một cái chết thể xác thực sự. Đó là tự nguyện hy sinh mạng sống trần thế nhằm mục đích giải phóng người khác. Khi đề cập đến chính mình, Ngài tóm tắt, “Con Người đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

 

Sự vĩ đại của Chúa Giêsu trước tiên được tìm thấy trong sự thật đơn giản rằng, Ngài là Thiên Chúa, nhưng nó được thể hiện rõ ràng nhất khi Ngài hiến mạng sống “làm giá chuộc muôn người”. Chính thập giá đã trở thành hành động phục vụ yêu thương vĩ đại nhất từng được biết đến. Hoa quả của sự hy sinh vị tha của Ngài là sự cứu rỗi của tất cả những ai quay về với Ngài. Vì vậy, Chúa Giêsu đã biến chế độ nô lệ và cái chết thành hành động yêu thương vĩ đại nhất từng được biết đến.

 

Anh Chị em,

 

Hôm nay, hãy suy gẫm về lời kêu gọi của chính bạn để sống một cuộc đời ‘nô lệ thánh thiện’. Chúa kêu gọi bạn hy sinh bản thân mình cho người khác vì tình yêu như thế nào? Từ quan điểm thuần túy của con người, ý tưởng về sự hy sinh, sự phục tùng và thậm chí cả chế độ ‘nô lệ thánh thiện’ thật khó hiểu. Nhưng khi chúng ta lấy Chúa Giêsu làm mẫu mực thì điều đó trở nên sáng tỏ hơn nhiều. Hãy tìm những cách để bạn có thể hiến thân cho người khác một cách vị tha và biết rằng, bạn càng bắt chước Chúa trong nỗ lực thánh thiện này thì cuộc sống của bạn sẽ càng vĩ đại hơn.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, đừng để con trở nên trưởng giả, hơn thua; giúp con đủ nhỏ để có thể phục vụ mọi người!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)