Gẫm sự đời: Nhà khất thực Minh Tuệ, một hiện tượng tâm linh
Gẫm sự đời: Nhà khất thực Minh Tuệ, một hiện tượng tâm linh
Linh mục Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
Thời gian gần đây trên các trang Internet truyền tải rất nhiều về hình ảnh của nhà khất thực Minh Tuệ, đầu đội trời, chân đạp đất, khoác trên mình bộ y phục được làm nên từ những mảnh vải vụn nhặt được trên đường khất thực hay trong các nghĩa trang nơi nhà khất thực này ngủ qua đêm, tay bưng bình bát không phải bình bát theo truyền thống Phật giáo mà là lõi của nồi cơm điện, một vật dụng không thể thiếu trong nhà bếp của mỗi gia đình ở thời đại này. Nhà khất thực này chỉ ăn mỗi ngày một bữa do bá tánh cung cấp, không sử dụng điện thoại, không nhận tiền cúng dường của bá tánh, đoạn đường khất thực của nhà khất thực này khá dài, từ Nam chí Bắc và ngược lại. Đi đến đâu là nghỉ ở đó dù đó là rừng rú, căn nhà hoang, nghĩa trang hay đồng không mông quạnh. Tất cả những điều nhà khất thực này thực hiện, theo như lời ngài nói, là tu hoc theo lời dạy của Đức Phật. Quả thật hình ảnh của nhà khất thực Minh Tuệ trong thời đại công nghệ AI và kỹ thuật số quả là một hiện tượng tâm linh không chỉ có Phật giáo mà còn cho hết tất cả mọi tôn giáo phản tỉnh. Với góc nhìn của một nhà nghiên cứu tôn giáo về hiện tượng tâm linh, xin được chia sẻ đôi điều.
1. Khất thực, một phương pháp tu hành rất xưa trong truyền thống Phật giáo
Thật vậy, “trì bình khất thực” là phương pháp khất thực do Đức Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni khai sáng, bởi ngài chủ trương, nếu con người muốn tu tập đạt đến cứu cánh như mong muốn, trước hết cần phải dẹp bỏ lòng tham sân si và ngã mạn, tức là khinh thường người khác. Một trong những phương cách tốt nhất để đánh bay cái tôi tham sân si và khinh thường người khác là hoàn toàn từ bỏ tất cả, trở nên như một người ăn xin. Đây là phương pháp tu hành của truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravada), hay còn gọi là Phật giáo Nam tông, với chủ trương như đã nói ở trên.
Vậy thì, có gì là hiện tượng, có gì là lạ đâu khi hình ảnh của nhà khất thực Minh Tuệ được lan truyền đến chóng mặt trên Internet chỉ là phương pháp tu hành của nhà Phật từ hơn 2500 năm qua? Vâng, xét cho cùng, đây là hiện tượng không có gì mới lạ nhưng quả là hiếm về mặt tâm linh, nếu không muốn nói là từ quá lâu rồi, trong đời sống đức tin của người Phật tử họ đã không còn thấy những hình ảnh như thế trong đời thường. Như thế, hiện tượng hiếm về mặt tâm linh của nhà khất thực Minh Tuệ xuất hiện khiến cho không chỉ giới tu sỹ tri thức và phật tử mà còn cho cả những tôn giáo khác trong đó có Công giáo phải xem lại chính mình.
Cái hiếm ở đây chính là con người tôn giáo ngày nay dường như tự ru ngủ, tự thỏa mãn trong một cơ chế xem ra khá chặt chẽ về mặt giáo luật, một lễ nghi phụng tự xem ra rất hoành tráng thu hút rất nhiều tín đồ đến tham dự và nhận về một lượng tiền dâng cúng quá hậu hĩ, khiến cho những người trong Giáo hội không còn phải lo cơm áo gạo tiền, và tin rằng điều đó sẽ giúp cho công cuộc phát triển của Giáo hội được bền vững. Thế nên, hình ảnh về một nhà khất thực Minh Tuệ không bị ràng buộc bởi bất cứ cơ chế tôn giáo nào, không cử hành bất cứ một lễ nghi phụng tự nào và không dính bén gì đến của cải đời này,... nó giống như ngọn lửa bùng cháy lên giữa đêm đen, để rồi không ai bảo ai, họ vào xem các clip về ngài, tự mình phản tỉnh, tự mình điều chỉnh và canh tân...
Cái mà người tín đồ mong muốn hóa ra không phải là một cơ chế tôn giáo hoàn hảo, một nơi phượng tự với kiến trúc hiện đại hùng vĩ xa hoa, cũng không phải những nghi lễ lòe loẹt rờm rà và đời sống đầy đủ tiện nghi, cái họ cần đó là chân lý của tôn giáo mà các nhà tu hành thực hiện bằng chính đời sống chứng tá của mình, giúp cho đời sống tâm linh của họ vượt lên trên những giá trị vật chất, siêu thoát, thu hút họ đến với thế giới tâm linh. Nhà khất thực Minh Tuệ đã làm được điều đó.
2. Nhà khất thực Minh Tuệ sống trọn vẹn tinh thần Kytô giáo
Khi đối chiếu đời sống tập tu của nhà khất thực Minh Tuệ với giáo huấn Kytô giáo, tôi thấy có khá nhiều điểm tương đồng, có khá nhiều điều thú vị khi nhà khất thực này thực thi những lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng.
Phúc âm Thánh Luca chương 9 câu 57-58 kể rằng, đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” Thật vậy, ba năm đi rao giảng Tin Mừng nước trời, Chúa Giêsu cũng đầu đội trời, chân đạp đất, lang thang khắp miền Galillê xứ Giuđê, không có một nơi ở cố định trên hành trình rao giảng Tin Mừng. Khi nói như thế, có lẽ Chúa Giêsu muốn nói đến đời sống nghèo khó tột bậc khi đi theo Người, cũng như trong tương quan của người môn đệ với phương tiện, của cải. Chính vì thế mà có nhiều người đến và xin đi theo Chúa Giêsu, họ xin đi theo một người lang thang nay đây mai đó, không có chỗ tựa đầu. Vậy cái gì cuốn hút dân chúng tình nguyện theo Chúa Giêsu? Câu trả lời đó là chính đời sống khổ hạnh và những giáo huấn rất khác, rất mới so với những thầy Tư tế, tức những nhà tu hành thời đó. Chính những điều đó đã làm nên sự khác biệt nếu không muốn nói là đối nghịch giữa Chúa Giêsu và những bậc tu hành trong đạo Dothái lúc bấy giờ.
Tuy nhiên những người muốn bước theo Chúa Giêsu, họ phải biết rằng, họ phải từ bỏ không chỉ của cải vật chất đời này mà quan trọng hơn là phải từ bỏ chính cái tôi của mình, cái tôi đó là gì nếu không phải là tham sân si và ngã mạn như được nói đến trong Phật giáo? Phúc âm theo Thánh Maccô kể lại, Chúa Giêsu luôn mời gọi những ai muốn theo Ngài, những ai muốn làm môn đệ chân chính của Người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mc 8:34) Vào khoảng thế kỷ 15, Thomas Kempis, tác giả cuốn “Theo gương Chúa Kitô" (Imitation of Christ) đã để lại những chia sẻ vẫn còn có giá trị cho đến bây giờ : “ Có rất nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu, nhưng rất ít kẻ muốn vác thánh giá với Người. Nhiều kẻ ước ao được ơn an ủi của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thử thách với Người. Nhiều kẻ muốn dự tiệc với Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thiếu thốn với Người. Nhiều kẻ muốn vui hưởng với Người, nhưng ít kẻ sẵn sàng chịu sự gì khó với Người. Nhiều kẻ muốn theo Chúa Giêsu đến bàn tiệc bẻ bánh, nhưng ít kẻ muốn uống chén đắng với Người. Nhiều kẻ tôn sùng các phép lạ của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu sỉ nhục với Người". Thiết nghĩ những lời trên rất đáng để Kytô hữu ngày nay suy nghĩ và điều chỉnh đời sống tâm linh của mình.
3. Xét cho cùng, người có tín ngưỡng tôn giáo chỉ là dân tu học
Trong tất cả các tôn giáo tuy khác nhau về cơ chế, kinh điển, nghi lễ phụng tự cũng như đường lối hay phương pháp tu hành; có những tôn giáo thiên về nhập thế như Kytô giáo hay thiên về xuất thế như Phật giáo, v.v... tất cả đều có cùng một cứu cánh, đó là sự giải thoát, là sự cứu rỗi cho chính mình và cho nhân loại. Chính vì thế, để đạt được mục đích ấy, con người trong mỗi tôn giáo ấy đều cố gắng đưa các chân lý tôn giáo ấy vào cuộc sống, tức là hiện thực hóa những chân lý tôn giáo ấy chứ không phải trên bình diện lý luận. Nói khác đi, dù có tin theo tôn giáo nào thì những người của tôn giáo ấy cũng chỉ là những người tu học, tập tu như nhà khất thực Minh Tuệ đã nói.
Trong thế giới Kytô giáo, những Kytô hữu, tức là những người nguyện bước theo Chúa Kytô, cho dù họ là ai (Giáo hoàng, Hồng y, Giám mục, Linh mục, Tu sỹ nam nữ hay giáo dân) thì cũng chỉ là những người tu học mà thôi. Tôi tin chắc một điều không một ai trong số họ lại dám vỗ ngực cho mình là thánh cả. Có chăng họ chỉ dám chân nhận một điều, “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17:10) Cũng vậy, trong thế giới Phật giáo hay các tôn giáo khác, tôi cũng tin rằng không ai trong số các Tăng Ni Phật tử hay tín đồ của tôn giáo ấy tự cho mình là Phật sống, là chân tu cả, vì xét cho cùng họ cũng chỉ là những người đang tu học mà thôi, còn những tước hiệu mà họ đang khoác trên mình cũng chỉ do cơ chế tôn giáo tạo ra, nó có thể gây ngộ nhận cho phần lớn các tín đồ, nghĩ rằng họ là những bậc chân tu lỗi lạc, nhiều khi phong Thánh sống, phong Phật sống cho họ dẫn đến một số ít trong họ cứ ảo tưởng rằng mình là thánh thật là phật thật, và hậu quả là họ đã gây ra không biết bao nhiêu tai họa không chỉ cho cá nhân họ mà còn ảnh hưởng đến tôn giáo mà họ thuộc về. Nói như thế để thấy được khi nhà khất thực Minh Tuệ nói mình chỉ là người học tu, thật sự không mới trong linh đạo của mỗi tôn giáo, nhưng nó hiếm vì nhờ đó những người có tôn giáo trong đó có tôi mới thực sự phản tỉnh và... thấm!
- Tổng Hơp: