Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đắng ! Là linh mục mà lại không phải là linh mục

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

ĐẮNG : LÀ LINH MỤC MÀ LẠI KHÔNG PHẢI LÀ LINH MỤC

 

Mở máy làm việc, thấy stt của chú em :

Là nhà sư mà lại không phải nhà nhà sư

Là linh mục mà lại không phải là linh mục

 

Stt chỉ có vài từ thôi nhưng tôi đọc tôi thấy nhột và đau lắm bởi lẽ đâu đó cũng nhắc chính bản thân tôi

 

Là linh mục mà lại không phải linh mục !

 

Đau lắm chứ ! Bởi lẽ ai ai cũng biết là linh mục thì mình phải là linh mục chứ không phải là linh mục thì quả là điều nuối tiếc và xót xa cho ai đó.

 

Trước khi lãnh chức linh mục thì tiến chức lãnh chức phó tế.

 

Trong nghi thức phong chức Phó tế, sau khi đọc lời nguyện phong chức, còn có phần Nghi thức diễn nghĩa. Giám mục chủ sự trao sách Phúc Âm cho từng Phó tế và nói: “Con hãy nhận lấy Phúc Âm của Đức Kitô mà con đã trở thành người rao giảng, và con hãy biết là phải tin điều con đọc, dạy điều con tin, và thi hành điều con dạy”. 

 

Lời của vị chủ phong dù đã trôi qua khá lâu rồi nhưng tôi vẫn nhớ và vẫn sợ cũng như tự răn chính bản thân mình : thi hành điều con dạy.

 

Chuyện đọc, chuyện giảng, chuyện tin và nhất là chuyện dạy xem chừng ra khá dễ nếu như ta đầu tư nghiên cứu. Nhưng, chuyện thi hành điều con dạy mãi mãi vẫn là thách đố trong đời sống linh mục của bản thân tôi.

 

Và rồi lời dặn dò cuối cùng của Giám mục trong nghi thức truyền chức: “Con hãy nhận lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa. Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện và rập đời sống con theo khuôn mẫu thánh giá Chúa”.

 

Nhờ Bí Tích Truyền Chức Thánh, các linh mục nên giống Chúa Kitô Linh Mục. Như thừa tác viên của những Việc Thánh, nhất là trong Hiến Tế Thánh Lễ, các linh mục đặc biệt đóng vai Chúa Kitô, Ðấng đã tự hiến chính mình làm lễ vật thánh hóa nhân loại. Và như thế các ngài được mời gọi bắt chước điều các ngài đang thi hành, vì khi cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết, các ngài phải lo khắc chế chi thể mình khỏi tật xấu và dục vọng. Trong sắc lệnh chức vụ và đời sống linh mục, Công đồng đã nói: “Các linh mục cũng vậy, sau khi được Chúa Thánh Thần thánh hiến bởi việc xức dầu và được Chúa Kito sai đi, các ngài hãm dẹp những việc của xác thịt nơi chính bản thân và hoàn toàn tận tâm phục vụ nhân loại; nhờ thế các ngài có thể tiến tới sự hoàn thiện mà các ngài đã được tô điểm trong Chúa Kitô, để thành con người hoàn toàn”.

 

Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu đồng nghĩa với việc khước từ niềm vui và chấp nhận thập giá (Dt12, 2b). Đây là điều mà thánh Phaolô đã khẳng định với cộng đoàn tín hữu Cônrintô: “Chúng tôi không muốn biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2, 2)

 

Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, nghĩa là biết vâng phục thánh ý Chúa Cha đến nỗi bằng lòng chịu chết (Pl 2, 6 -11), linh mục được mời gọi rập khuôn đời mình theo khuôn mẫu mầu nhiệm thánh giá Chúa. Đến độ người linh mục chỉ biết hãnh diện về thập giá “Ước chi tôi chẳng hãnh diện điều gì, ngoài thập giá của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta !” (Gl 6, 14) và cuối cùng linh mục có thể tuyên tín như thánh Phaolô “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).

 

Nhớ về cội nguồn của mình là “những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3, 12), để linh mục loan báo lời hằng sống cho con người theo kế hoạch mà Thiên Chúa ủy thác. Linh mục trở nên người “có phúc” vì luôn trung tín và khôn ngoan, biết phân phát lương thực cho gia nhân đúng giờ đúng lúc. Để linh mục trở nên “ông cha nhà thờ” luôn đóng trọn vẹn vai trò trung gian để chuyển cầu ơn thánh Chúa cho con người. Như thế, đời linh mục mỗi ngày nên giống Chúa Giêsu Thượng Tế, Đấng tự hiến đời mình cho Thiên Chúa Cha làm của lễ tinh tuyền và hiến thân cho Thiên Chúa nhằm cứu độ con người. Và sau cùng linh mục có thể nói như Thánh Phaolô “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20) vì tất cả những gì khấn hứa cùng Chúa, linh mục luôn giữ trọn. (Tv 64, 2)

 

Tôi vẫn sợ và vẫn ý thức tôi như chiếc bình sành lọ đất chứa đựng ơn Thiên Chúa. Để lấy lại bình an tôi lại nhớ lời Thánh Phaolô trong thư của Ngào  : “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”. (Rm 5,20)

 

Nói như thế để thấy ân huệ của Chúa cứ trào tràn trên cái thân phận tội lỗi này. Càng nhìn càng thấy ân sủng của Chúa như mưa tuôn đổ trên cái phận hèn này để rồi tự nhủ mình ngày mỗi ngày phải sống tốt hơn để xứng với ân sủng của Chúa.

 

Nghĩ về stt chú em đăng trên trang cá nhân. Tôi lại phải đấm ngực để nhìn lại bản thân của mình trong ơn gọi cũng như sứ vụ linh mục. Tôi tự hỏi mình là linh mục nhưng thật sự mình có phải là linh mục không ?

 

Giữa dòng chảy của cuộc đời, bao nhiêu cái vinh loa lợi danh nó dễ làm lung lay và đánh mất chất đời tu nên câu nói của chú em đánh động tôi. Đôi khi mình chạy theo thế gian để rồi mình chỉ còn là cái mác linh mục chứ mình không sống căn tính đời linh mục.

 

Câu nói này nhắc nhớ lại ơn gọi mà Chúa ban cho mình để rồi ngày mỗi ngày mình cân chỉnh cuộc đời làm sao đó để mình ngày mỗi ngày rập mình theo khuôn mẫu thánh giá Chúa.

 

Để sống điều này, cạnh nỗ lực cũng như cầu nguyện của bản thân, tôi vẫn xin và nhờ anh chị em thêm lời cầu nguyện để ngày mỗi ngày tôi trở nên giống Chúa hơn để qua tôi, phảng phất hình ảnh của một Đức Kitô để ai nào đó đến với mình họ nhận được sự bình an, ân sủng của Thiên Chúa ngang qua cái bình sành lọ đất mong manh và dễ vỡ này.

 

Lm. Anmai, CSsR