Suối nguồn xót thương - Không phải tất cả đều rõ ràng
SUỐI NGUỒN XÓT THƯƠNG
“Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài; tức thì, máu cùng nước chảy ra!”.
“Coup de grâce” - một thành ngữ tiếng Pháp - nói đến “ân huệ” cuối cùng dành cho một tử tội hầu kết thúc sớm cái chết đau đớn của họ. Hai anh trộm chịu đóng đinh với Chúa Giêsu đã hưởng “cú đánh ân huệ” này khi ống chân của họ ‘được đập vỡ’ để có thể chết nhanh vì ngạt thở. Chúa Giêsu không ‘được hưởng’ ân huệ này, vì Ngài đã chết; nhưng, “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài; tức thì, máu cùng nước chảy ra!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Theo truyền thống, người lính đâm cạnh sườn Chúa Giêsu có tên là Longinus; có truyền thống coi ông là viên đại đội trưởng đã thốt lên “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!”; truyền thống khác cho rằng, Longinus đã cải đạo và là tân tòng đầu tiên; một truyền thống còn nói, mắt Longinus bị mù, máu và nước từ cạnh sườn Chúa Giêsu đã rưới xuống chữa lành. Vậy mà bất kể các truyền thống này có đúng hay không, chúng ta biết, cạnh sườn Chúa Giêsu đã bị đâm thâu, máu và nước đã chảy ra; để từ đó, ‘suối nguồn xót thương’ tuôn trào đến tận thế cho nhân loại được ơn cứu rỗi.
Biểu tượng này - trái tim - không chỉ là những gì thuộc về con người, nó còn là một biểu tượng thần linh nói lên tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, Đấng cũng có một trái tim yêu thương mà Hôsê tiết lộ, “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” - bài đọc một. Nói đến ‘trái tim’ là nói đến sự sống. Khi Trái Tim Chúa Giêsu bị đâm, máu và nước chảy ra chính là lúc sự sống mới - các Bí tích - của Giáo Hội được tuôn trào. “Máu” biểu tượng cho Thánh Thể, “Nước” là quà tặng của phép Rửa; và trước khi “tắt hơi”, Chúa Giêsu kịp “trao Thần Khí”, Bí tích Thêm Sức được ban. Đó là những chiều kích sâu thẳm ‘dài, rộng, cao, sâu’ “vượt quá sự hiểu biết” mà Phaolô mời gọi chúng ta chiêm ngắm - bài đọc hai; Thánh ca Isaia lặp đi lặp lại, “Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ!”.
Ngày nay, khi tham dự các Bí tích, chúng ta dễ dàng coi các nghi thức chỉ là biểu tượng; đang khi chúng thực sự là các phương tiện thông ơn của Thiên Chúa; đặc biệt Bí tích Thánh Thể. Chính qua linh mục, Chúa Kitô dâng lễ tế lên Chúa Cha. Hôm nay, ngày thánh hoá các linh mục, chúng ta không quên cầu nguyện cho các ngài và cùng với các ngài, mỗi khi chứng kiến một phép Rửa hay một Bí tích nào đó, chúng ta hiện diện ‘một cách thần bí’ với Longinus, nhận lãnh ân sủng và sự tha thứ tuôn đổ từ ‘suối nguồn xót thương’ của Thánh Tâm Chúa; nhờ đó, chúng ta được thanh tẩy, chữa lành và trở nên thanh sạch vẹn toàn.
Anh Chị em,
“Máu cùng nước chảy ra!”. Chiêm ngắm Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, chúng ta tạ ơn Ngài vì Trái Tim Ngài là ‘suối nguồn xót thương’ liên lỉ tuôn trào sự sống mới, ân sủng dưỡng nuôi, quyền năng thứ tha và chữa lành chúng ta đến muôn đời. Không chỉ là nguồn suối, Trái Tim Ngài còn là đại dương sâu lắng và êm đềm đang chờ đợi các tội nhân đến tắm gội trong vực cứu rỗi của họ. Hãy đặt mình trước Thập Giá Chúa Kitô, cho phép Máu và Nước chảy ra từ cạnh sườn Ngài bao phủ và rửa sạch hồn xác bạn và tôi, hầu chúng ta có thể cảm nhận được sự tươi mới và sự sống mới của Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, để linh hồn con không còn lầy lụa, không còn đói, không còn khát… cho con biết chạy đến tắm gội, kín múc nơi ‘suối nguồn xót thương’ là các Bí tích!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
********
KHÔNG PHẢI TẤT CẢ ĐỀU RÕ RÀNG
“Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng!”.
J. Wolfgang von Goethe, 1749-1832, một trong những nhân vật hàng đầu của thơ ca hiện đại Đức, từng nói, “Trước một bộ óc vĩ đại, tôi cúi đầu; trước một trái tim vĩ đại, tôi quỳ gối!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Trọng kính Trái Tim Chúa Giêsu, Hội Thánh ‘quỳ gối’; kính nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, Hội Thánh ‘cúi đầu!’. Trái Tim Chúa Con bày tỏ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người; Trái Tim Mẹ Chúa tỏ bày tình yêu con người dành cho Thiên Chúa. Đó là một tình yêu vô điều kiện, dẫu phải dò dẫm trong đức tin; bởi lẽ, trước kế hoạch ‘diệu dụng’ của Thiên Chúa, Mẹ đón nhận tất cả, dẫu ‘không phải tất cả đều rõ ràng!’.
Trong gia đình Nazareth, sự ngạc nhiên không bao giờ nguôi ngoai, ngay cả trong những khoảnh khắc hốt hoảng như lạc mất Con trong đền thờ: đó là khả năng kinh ngạc trước sự biểu hiện dần dần của Con Thiên Chúa. Đó chính là sự kinh ngạc mà ngay cả các thầy dạy trong đền thánh cũng phải sững sờ. Nhưng kinh ngạc là gì; có gì đáng ngạc nhiên? Ngạc nhiên và kinh ngạc là trái ngược với việc coi mọi thứ là đương nhiên; nó trái ngược với việc giải thích hiện thực chung quanh và các sự kiện lịch sử chỉ theo tiêu chí của chúng ta. Ngạc nhiên là cởi mở với người khác, hiểu lý do của người khác. Thái độ này rất quan trọng để hàn gắn những mối quan hệ giữa các cá nhân đã bị tổn hại, và cũng không thể thiếu để chữa lành những vết thương mới chớm nở trong môi trường gia đình, cộng đoàn.
Yếu tố thứ hai chúng ta có thể nắm bắt từ trình thuật là nỗi lo lắng của Mẹ Maria và thánh Giuse khi không tìm được Con. Nỗi lo lắng mà họ trải qua trong ba ngày Chúa Con mất tích cũng sẽ là nỗi lo lắng của chúng ta khi chúng ta xa Chúa Giêsu. Chúng ta có cảm thấy lo lắng khi quên Chúa Giêsu hơn ba ngày khi không cầu nguyện, không đọc Tin Mừng, không cảm thấy cần sự hiện diện và tình bạn an ủi của Ngài?
Thật khó cho Maria để hiểu hết ý nghĩa từng biến cố xảy ra trong đời của Con mà chóp đỉnh là mầu nhiệm thập giá. Trên đồi Canvê, Mẹ cảm nhận đó là kế hoạch của Thiên Chúa và Mẹ sẵn sàng cho điều đó; bởi lẽ, nó đã được chuẩn bị qua từng biến cố trước đó mà Mẹ đã suy đi nghĩ lại trong lòng. Không cần hiểu nhiều, nên Mẹ chẳng thắc mắc nhiều; trái lại, đón nhận, thuỷ chung và tìm mọi cách để hoàn thành nó. Mẹ biết, Mẹ có một vai trò trong đó, và chuẩn bị nó qua một đời sống nhiệm hiệp với Con dưới sự chỉ dạy của Thánh Thần.
Anh Chị em,
“Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng!”. Đó là cách ứng xử tuyệt vời, cao thượng của Mẹ trước các mầu nhiệm. Làm sao một phàm nhân có thể hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa? Vẫn có thể! Vì trong đức tin, Mẹ lần dò, tìm hiểu và tín thác tuyệt đối vào Chúa; hơn nữa, trong trái tim Mẹ không có chỗ cho cái tôi! Cũng thế, sẽ không bao giờ chúng ta hiểu hết giá trị, mục đích và ý nghĩa đời mình trong chương trình của Chúa, trừ khi bạn và tôi có một đời sống cầu nguyện và chờ đợi như Mẹ; nghĩa là trung thành bước đi trên con đường Chúa vạch sẵn, dẫu nó là con đường không mấy rõ ràng.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con biết kinh ngạc trước các biến cố Chúa cho xảy đến trong đời, nhất là những khi con mù tịt, dạy con không chỉ ‘cúi đầu’, nhưng còn biết ‘quỳ gối!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: