Lặng hay nổi - Bác ái câu like
LẶNG HAY NỔI
Ở đời, với tất cả những biến cố vui buồn của cuộc sống như ma chay cưới hỏi, gia chủ thường hô lên để người thân quen cùng đến chung chia niềm vui hay nỗi buồn của gia đình. Có những người thì nhân hay qua biến cố ấy khuếch trương thân thế và ngược lại.
Vừa rồi, tang lễ của Mạ của người thân quen. Với tấm lòng trân quý, nếu được tin cũng sẽ hiện diện cùng gia đình trong những ngày đại tang.
Vẫn biết Mạ như ngọn đèn đã cạn dầu và chuẩn bị hành trang về gặp Thiên Chúa là Đấng mà Mạ đã tín thác. Bẵng một thời gian thấy cô con gái cưng của Mạ không động tĩnh gì cứ tưởng chừng là Mạ cầm cự với một khoản thời gian. Nào ngờ Mạ đã ra đi trong âm thầm lặng lẽ và tang lễ của Mạ cũng thật lặng lẽ âm thầm như di nguyện.
Mãi đến ngày tang lễ hoàn tất thì cục cưng của Mạ mới đưa ra một ít hình ảnh tang Lễ. Đây cũng trầm buồn vì lẽ không hiện diện trong những ngày ấy nhưng giờ đây vẫn không muộn để hiệp nguyện cho cụ bà Martha.
Tính theo lẽ thường tình, với số “hoa quả” mà Mạ để lại cho đời không phải là ít. Con cháu của Mạ ít nhiều gì cũng đã thành danh, thành công và thành người như lòng Mạ mong muốn. Với tất cả những điều đó, tang lễ của Mạ có thể như người đời là hoành tráng. Đơn giản là vì bao nhiêu đối tác, bao nhiêu người thân quen của Mạ cũng như con cháu nhưng Thánh Lễ cũng nhu tang lễ của Mạ thật âm thầm. Tưởng nghĩ rằng nếu như những người khác thì lẵng hoa cùng với sự hoành tráng trong tang lễ của Mạ cũng không phải dạng vừa. Nhưng tất cả diễn ra trong âm thầm lặng lẽ.
Chọn lựa và quyết định của gia đình theo chúc nguyện của Mạ cũng là hay ! Mạ không muốn phải rườm rà cũng như làm phiền người khác vì lẽ dù sao đi chăng nữa cũng đã chết rồi.
Nhớ đến nhà văn Kim Dung nổi tiếng cũng vậy. Bà chúc nguyện cho con cháu của Bà là khi mà mất đi thì tang lễ thật gọn gàng và đừng làm gì rườm rà cả. Bà chúc nguyện về những ngày cuối đời của Bà mà ta lại càng trân trọng.
Nhớ đến Thủ Tướng nước Sin lân cận ta cũng vậy. Dù có công rất lớn với người dân Sin nhưng rồi chúc nguyện của ông là kể cái nhà tổ cũng bỏ đi chứ không cần giữ lại. Ông không muốn để lại một chút gì gọi là đền đài, dinh thự hay lăng tẩm như những kẻ háo danh vẫn thường làm.
Thủ Tướng muốn mình ra đi một cách thanh thản và không ai nhớ đến những cái gọi là vật chất như nhà của của ông. Thế nhưng thử hỏi bất cứ người dân Sin nào có thể quên được ơn của ông. Ông đã làm tất cả và sống hết mình với đất nước để rồi Sin có được ngày hôm nay cũng phần lớn là do công khó của ông. Ông đã sống hết mình và hết tình với dân Sin và khi ra đi ông không muốn để lại một cái gì gọi là cho ông như dinh thự hay lăng tẩm.
Ở đất nước nào đó, ta lại thấy ngược lại. Xét cho bằng cùng thì chả làm được gì, chỉ cần một góc như Thủ Tướng Sin thôi thì cũng đỡ. Chết đi lại là xây lăng tẩm và đền đài cùng với bao nhiêu chi phí tốn kém để bảo dưỡng. Tiếc thay là người dân ở đất nước đó chả có một chút gì trong lòng về những người được xây lăng tẩm đó. Có chăng là bị ép buộc tỏ lòng kính mến mà thôi.
Và như thế, ta thấy có những người khi chết đi muốn tang lễ của mình lặng lẽ chứ không phô trương bề thế bên ngoài.
Ngược lại, chúng ta lại thấy có những người có khi là nghèo mà thích phô trương hay thích thể hiện.
Buồn và buồn lắm khi người ta vịn vào cái cớ giữ truyền thống văn hóa để rồi có khi cái chết của một thành viên trong gia đình để lại gánh nặng cho gia đình ngang qua việc tổ chức tang lễ.
Có những nơi nghèo nhưng khi đám tang là phải làm sao cho bằng chị bằng em và phải lớn hơn nhà khác thì mới chịu. Chỉ cần gia đình có người qua đời là coi như heo và trâu cũng như bò bỗng dưng cũng lăn đùng ra chết vì họ giết thịt để tổ chức tang lễ.
Cái nghèo dường như nó lại càng nghèo hơn và lại yêu quý những người nghèo hơn khi họ cứ khăng khăng đi theo cái văn hóa của họ.
Cũng chưa cần nói đến chết. Cứ có cơ hội là người ta bày tiệc ra ăn mừng. Cái chuyện ăn mừng ở những nơi nghèo bỗng dưng trở thành cái lệ để rồi nó phát sinh ra nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Nghèo, thất nghiệp, mất mùa ... ấy vậy mà cứ phải đáp lễ mãi thôi. Trong làng có khi tuần nào cũng có tiệc. Hết tiệc thọ đến tiệc sinh nhật, hết sinh nhật đến đầy tháng thôi nôi rồi ăn mừng nhà mới. Mà có khi cái nhà chả xây mới, chỉ là làm lại cái chái hay cái kho thôi người ta cũng bày ra ăn mừng. Và cũng thế, vì sĩ diện nên nhiều người tổ chức phải làm sao hơn nhà khác mới chịu.
Ta lại thấy mỗi người có tự do để chọn lựa cho mình cuộc sống. Người thì đủ điều kiện hay dư điều kiện để tổ chức những biến cố của gia đình nhưng họ không làm. Họ chọn cung cách sống âm thầm và lặng lẽ như tang lễ của Mạ của người quen vừa rồi.
Cũng lạ ! Có người gọi là đẳng cấp của họ như thế để rồi họ cũng chẳng cần phơi bày công danh sự nghiệp hay thân thế của họ. Họ thấy họ đủ và bằng lòng với cuộc sống để chả cần phải phô trương. Và cũng có cái hay nếu như họ làm hoành tráng thì người này người kia đến thì sau này họ phải trả lễ lại cũng là đuối. Có khi gói gọn không ai biết đến cũng là hay vì lỡ sau này họ không có khả năng đáp lễ thì bị trách móc. Chọn lựa tang lễ âm thầm cũng là một chọn lựa hay cho cuộc sống. Làm hoành tráng cho lắm đi thì người chết cũng không hề biết. Có chăng là đánh bóng tên tuổi của thân nhân và gia đình đó thôi. Người nào thấy gia đình mình đủ thì họ không cần đánh bóng qua những sự kiện hay biến cố cuộc đời của họ nữa.
Cũng có những đám cưới. Họ chăm chút từng li từng tí. Từ cái áo cái quần đến việc trang điểm. Có khi họ phải nhờ thợ trang điểm trước và chọn tiệm nào làm hài lòng thì họ mới thuê.
Nghĩ cũng buồn cười ! Cái đẹp ai ai cũng cần, cái hình thức ai ai cũng thích nhưng đôi khi vì chạy theo cái bề ngoài và cái hình thức quá mà người ta lại quên cái nội dung bên trong. Đời sống hôn nhân là để sống với nhau trọn đời và cả đời chứ không phải là vài năm vài tháng nên cũng không cần phải quá chú trọng những cái hình thức bề ngoài. Thực tế là có những đám cưới mà có thể nói lá có 1 không 2 nhưng 3 lần 7 là 21 ngày thì họ đã chia tay. Như thế, có lẽ nội dung cần hơn hình thức là vậy. Và điều này luôn luôn đúng như kiểu nói của ông bà. Nhưng theo thời cuộc và khoe mẽ nên người ta cứ mãi chạy theo hình thức phô trương.
Trong cuộc sống, nghèo cũng có năm bảy cách nghèo. Có khi vì lười biếng hay có khi chạy theo thời cuộc thấy nhà này nhà kia tổ chức nên nhà mình cũng tổ chức theo nên mãi mãi ở chung với cái nghèo.
Vì thiên tai, vì hoàn cảnh mà nghèo thì còn thương chứ vì chạy theo người này người kia hay sống ảo và khoe mẽ để nghèo chắc có lẽ muốn thương cũng khó được thương.
Lm. Anmai, CSsR
************
BÁC ÁI CÂU LIKE
Tiếng Anh Like, tiếng Việt được hiểu là thích !
Từ lâu lâu lắm rồi, con người vẫn thích được người khác khen mình thế này thế kia.
Hôm nay, chúng ta thấy Chúa Gêsu nói rõ ràng không úp mở về chuyện làm việc bác ái hay bố thí.
Không có lằng nhằng : Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Dù ai nào đó cho là ít chữ cũng hiểu được điều Chúa muốn nói về chuyện làm việc lành phúc đức.
Thế nhưng rồi trong thực tế cuộc sống, nói ra có vẻ đụng chạm nhưng cũng chịu vì lẽ chúng ta vẫn thấy đâu đó có cái kiểu bác ái phô trương, bác ái khoe mẽ hay là bác ái câu like.
Có thể ngại nói hay không dám nói nhưng cách bộc lộ nó cũng để cho người ta hiểu được tâm trạng.
Có một người bị té và bị trật chân. Thế là anh ta phải dùng đến xe lăn. Dòng trạng thái trên trang của anh đại loại là đã bao lần mua xe lăn cho người khác giờ đến mình mua xe lăn cho chính mình.
Đọc dòng trạng thái đó ít nhiều người ta cũng hiểu được anh muốn khoe rằng mình đã từng mua xe lăn cho người khác. Thế nhưng mà cái chữ từng đó nó làm cho người ta suy nghĩ. Từng đó là như thế nào ? Bao nhiêu chiếc trong 1 tháng, 1 năm hay chỉ là ...
Cũng thế, một người kia khoe với người nọ rằng người ấy hay giúp cho cha kia mỗi khi cha kia có chương trình từ thiện hay làm cái gì đó. Hỏi ra thì có giúp 1 lần để làm bàn thờ cho giáo dân. Ngoài ra thì không có chia sẻ hay giúp gì cả. Thế nhưng họ can đảm đi khoe với người kia rằng họ vẫn giúp cho cha. Đến khi điều tra ra thì cha nực cười vì lẽ cha không hề nhận gì và cha cũng chả kêu gọi chương trình gì.
May mà cha không kêu gọi gì mà người ta còn câu like với người khác bằng cái chuyện là cho cha cái này cái kia. Nghĩ cũng vui ! Giá như cho thật mà đi nói thì cha kia chịu tiếng cũng được. Đàng này không có mà bị tiếng như thế.
Và rồi, có người thì cho 1 nhưng khoe thật nhiều. Có người tự hao : “Năm nào con cũng đi từ thiện hết Cha. Năm nào cũng đi hết. Bữa nào con đi con ghé Cha nhé !”
Thật thế, đi là đi như thế nào ? Đi ké hay chủ xị ? Có phải mình đứng ra tổ chức hay không cùng với nhiều sự khác nữa. Ngang qua cung giọng đó là hiểu rằng người đó tự đánh bóng tên tuổi mình rằng thì là con hay đi từ thiện lắm Cha.
Cũng tốt thôi nếu thật sự hy sinh để đi từ thiện. Thế nhưng, có lẽ hay hơn là cũng chả cần khoe. Đến khi nào có điều kiện đến giúp xứ của Cha thì hẳn nói. Có người bỗng dưng biến mình thành con ma nhà họ hứa vì hứa thì dễ nhưng chả bao giờ thực hiện.
Có người thích khoe cũng như đánh bóng tên tuổi của mình và ngược lại. Có những người chẳng bao giờ họ nói gì cả và cứ thi thoảng có dịp thì họ lại trao quà cho người nghèo trong tâm thế âm thầm.
Chuyện này cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống vì lẽ tự do của mỗi người. Bản thân Chúa Giêsu, Chúa Giêsu không hề cấm đoán chuyện phô trương khoe mẽ. Chúa Giêsu cũng chẳng kết án chuyện khoe mẽ phô trương. Chúa chỉ nói là nững ai sống kiểu như thế thì đã được thưởng công rồi. Vậy thôi.
Bài học Kinh Thánh mãi mãi là bài học hay nhưng có khi người ta quên hay cố tình không chịu hiểu.
Có những Nhà Thờ, có những bàn thờ có những vật dụng này nọ khi dâng cúng người ta cũng khắc tên của người ta vào. Âu cũng là sở thích của người ta thôi.
Có những hàng ghế hay bàn thờ được khắc tên của người dâng cúng. Xem thì cười thôi chứ biết nói gì bởi lẽ như Chúa Giêsu, mình tôn trọng cung cách dâng cúng của họ.
Chắc có lẽ nhiều người không quên cung cách của bà góa với 2 đồng xu. Bà lặng lẽ nhẹ nhàng dâng cúng và không muốn ai thấy. Thế nhưng mà “thánh soi” ngày hôm ấy đã thấy. Chính vì thấy nên “thánh soi” khen ngợi công việc của bà ấy.
Bài học của bà góa với 2 đồng xu có lẽ là bài học của mỗi chúng ta. Tiếc thay là có người không thuộc hay là không muốn thuộc để rồi khi làm bất cứ việc gì đó cũng phải phô trương để cho người khác thấy mình đã làm điều này điều kia. Nhưng nên nhớ là người đó đã trả công rồi.
Con cái của Thiên Chúa thì lại khác. Con cái Thiên Chúa được mời gọi khi làm việc lành phúc đức thì tay trái không biết việc tay phải làm. 2 cái tay ở 2 bên con người và rất gần. Hình ảnh này là hình ảnh đẹp để nói cho con người biết rằng ngay chính bản thân người ấy cũng cần kín kẽ không phô trương.
Ngày hôm nay hơn bao giờ hết với sự phát triển của mạng xã hội để rồi người ta cứ khoe bất cứ lúc nào có thể để kiếm like và kiếm càng nhiều càng tốt : “Hay quá chị ơi ! Giỏi quá chị ơi ! Đẹp quá chị ơi ! Chị ơi Chị đẹp quá !”.
Ờ thì đẹp ! Nhưng cái đẹp ấy nó đâu có tồn tại mãi với thời gian hay cái đẹp ấy nhờ son phấn hay dao kéo. Con người cần cái đẹp nhưng tưởng nghĩ cần cái đẹp trong tâm hồn. Và có khi người ta cũng quên rằng có khi cái like là cái like thảo mai, cái like ủng hộ tinh thần. Mà khổ một nỗi là người ta lại thích tìm like và đếm like mới khổ.
Và rồi cái đẹp đó có mài ra tiền hay không hay chính cái người được khen đẹp ấy còng lưng ra để kiếm sống. Cái đẹp ấy rồi nó cũng tàn tạ với thời gian.
Nói qua nói lại cũng chả có ý gì hơn đó là tự nhắc nhở mình qua lời Chúa là nếu mình có làm từ thiện hay làm việc lành phúc đức thì nên chăng giấu càng kỹ càng tốt cũng như đừng có làm vì like. Mọi sự hãy làm như để Chúa biết thôi.
Cũng nhân đây xin chân thành cảm ơn những tấm lòng ẩn danh luôn đồng hành với những người bất hạnh. Cảm ơn cũng là phép lịch sự vì chính những người chia sẻ với kẻ mọn này luôn ý thức rằng chuyện mình làm thì Chúa biết.
Sẵn tiện cũng nói luôn là Cha không đưa hình Cha lên mạng để nhận được : “Cha đẹp lắm Cha ơi ! Cha đẹp quá Cha ơi !”. Già rồi ! Ngoài 50 rồi ! Tóc bạc da mồi và nhiều nếp nhăn rồi ! Cần là cần cái đẹp trong tâm hồn chứ không phải cái đẹp ngoài da nên chả cần phải khoe hình.
Cha sợ khen thảo mai và like thảo mai lắm ! Cái đẹp mà Cha tưởng nghĩ đó chính là cái đẹp trong tâm hồn. Thay vì đưa hình để nhận lời khen thì nhớ và cầu nguyện cho Cha để ngày mỗi ngày Cha đẹp trong tâm hồn và trở nên mục tử như lòng Chúa mong muốn thôi.
Lm. Anmai, CSsR
- Tổng Hơp: