Tại sao Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy yêu mến Ngài trước tiên?
Tại sao Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy yêu mến Ngài trước tiên?
Tác giả: Joe Difato – Lại Thế Lãng chuyển ngữ
Chúa Giêsu yêu thương mọi người. Giàu hay nghèo, người công chính hay người tội lỗi, người tin Chúa hay kẻ không tin - Ngài đều yêu thương tất cả. Và đó chính xác là những gì Ngài muốn chúng ta làm. Trong Bữa Tiệc Ly, Ngài nói với các môn đệ: “Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau” (Ga: 13,34). Chúa Giêsu muốn chúng ta làm mọi điều có thể để xây dựng những mối quan hệ yêu thương và đối xử với mọi người chúng ta gặp bằng cùng một tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta. Điều quan trọng là phải yêu thương nhau, Ngài cảnh báo chúng ta đừng đặt tình yêu trần thế lên trên tình yêu dành cho Ngài:
Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. (Mt 10: 37)
Với những lời này, Chúa Giêsu đang nói với chúng ta rằng mối quan hệ của chúng ta với Ngài phải được đặt lên hàng ưu tiên cao nhất, thậm chí hơn cả mối quan hệ của chúng ta với người phối ngẫu hoặc con cái của chúng ta. Muốn “xứng đáng” với Ngài thì chúng ta cần chắc chắn rằng Ngài là mối tình đầu của chúng ta.
Lời dạy này rất rõ ràng, nhưng đồng thời, nghe có vẻ khắc nghiệt. Vì vậy, chúng ta hãy xem xét kỹ hơn những gì Chúa Giêsu đã nói và tại sao Ngài nói điều đó.
Một “Mối quan hệ ưu tiên.”
Bình luận về đoạn văn này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, Tình cảm của người cha, sự dịu dàng của người mẹ, tình bạn dịu dàng giữa anh chị em, tất cả những điều này, dù rất tốt đẹp và có giá trị, cũng không thể đặt trước Chúa Kitô. Không phải vì Người muốn chúng ta vô tâm và vô ơn, mà trái lại, vì thân phận của người đệ tử đòi hỏi mối quan hệ ưu tiên với thầy. (Buổi đọc Kinh Truyền Tin, ngày 2 tháng 7 năm 2017)
Theo Đức Phanxicô, định nghĩa môn đệ của Chúa Giêsu là người đặt “ưu tiên” cho mối quan hệ của mình với Thầy mình. Ngài đang nói với chúng ta rằng tất cả những mối quan hệ xây dựng và tích cực của chúng ta đều tốt đẹp và lành mạnh. Trên thực tế, những mối quan hệ này là những món quà đặc biệt từ Chúa mà chúng ta nên trân trọng và nuôi dưỡng. Nhưng cách tốt nhất để trân trọng chúng là trân trọng mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu trên hết.
Chúa Giêsu không có ý can thiệp vào mối quan hệ của chúng ta. Ngài không muốn chúng ta hạ thấp những mối quan hệ này hoặc hành động như thể chúng không quan trọng. Đúng hơn, Ngài muốn chúng ta dành sự ưu tiên cho Ngài vì chỉ có Ngài mới có thể ban cho chúng ta ân sủng để trở thành cha mẹ và anh chị em yêu thương như chúng ta mong muốn. Càng sống như môn đệ của Ngài, chúng ta càng thấy tình yêu của mình dành cho người khác, đặc biệt là những người trong gia đình, ngày càng sâu đậm. Khi chúng ta tập trung vào tình yêu thương, ân sủng và những lời giảng dạy của Ngài thì khả năng yêu thương gia đình của chúng ta sẽ gia tăng. Chúng ta sẽ trở nên tử tế hơn, rộng lượng hơn và dễ tha thứ hơn đối với họ. Chúng ta sẽ “sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta,” (Êp 5:2).
Vác Thập Giá Của Mình.
Chúa Giêsu tiếp tục nói với các môn đệ rằng:
Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. (Mt 10: 38-39)
Có vẻ như Chúa Giêsu đang thay đổi chủ đề, nhưng đó không phải là điều Ngài đang làm. Ngài đang nói với chúng ta rằng có một mối liên hệ chặt chẽ giữa cách chúng ta liên hệ với những người thân yêu của mình và lời kêu gọi vác thập giá của Ngài.
Chúng ta thường tưởng tượng việc vác thập giá của mình như gánh một gánh nặng như là bệnh tật về thể xác, một mối quan hệ bị tổn hại hoặc một công việc bạc bẽo. Tất nhiên, những tình huống như thế này có thể dẫn chúng ta đến thập giá, nhưng cốt lõi của nó, lời kêu gọi của Chúa Giêsu là lời kêu gọi từ bỏ tội lỗi và “mặc lấy tình bác ái” (Cl 3:14). Chúa Giêsu vác thập giá của Ngài vì Ngài yêu thương chúng ta và Ngài muốn chúng ta vác thập giá của mình vì tình yêu dành cho Ngài và những người mà Ngài đã đặt vào cuộc đời chúng ta.
Khi Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta vác thập giá của mình, Ngài đang kêu gọi chúng ta “kết án tử hình” bất cứ điều gì cản trở khả năng yêu thương như Ngài yêu thương của chúng ta (Cl 3:5). Ngài đang kêu gọi chúng ta từ bỏ những ham muốn ích kỷ và tội lỗi để được tự do hơn trong việc yêu thương và phục vụ mọi người - ngay cả những người không đồng ý với chúng ta. Kể cả kẻ thù của chúng ta.
Con người cũ / Con người mới.
Trong Thư gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô đã viết,
Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.
Tất cả chúng ta đều quen thuộc với sự khác biệt giữa “con người cũ” và “con người mới”. Con người cũ có thể tiêu cực và gây chia rẽ (Êp 4:31). Ngược lại, con người mới được đặc trưng bởi các nhân đức phản ánh Chúa Giêsu và đường lối yêu thương của Ngài. Phaolô gọi những nhân đức này là “hoa qủa của Thần khí” (Gl 5:22-23). Chúng cho phép chúng ta đối xử với mọi người bằng tình yêu thương, lòng trắc ẩn và phẩm giá giống như Chúa Giêsu dành cho họ. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng nếu chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta bắt chước tình yêu của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ bắt đầu thay đổi. Nếu chúng ta hợp tác với Thần khí, chúng ta sẽ phát triển khả năng giết chết con người cũ của mình “với những đam mê và ham muốn của nó” (5:24).
Chúng ta là một sự pha trộn. Tất nhiên, không ai trong chúng ta hoàn toàn cởi bỏ được con người cũ. Tất cả chúng ta đều là sự pha trộn giữa điều tốt và điều không tốt. Tôi có thể nhìn thấy sự pha trộn này trong cuộc sống của chính mình. Tôi muốn trở nên tốt, tử tế và yêu thương. Nhưng có những lúc tôi vẫn thấy mình hay phán xét, tự cho mình là trung tâm, bực bội và thậm chí là lừa dối.
Ngay cả khi tôi không nói hay làm điều gì sai, tâm trí tôi vẫn có thể tràn ngập những suy nghĩ kiểu này. Tôi biết rằng nếu tôi để những suy nghĩ và ham muốn tội lỗi này tiếp tục tồn tại, tôi sẽ ngày càng rời xa Chúa Giêsu. Và nếu tôi để điều đó xảy ra, cuối cùng tôi sẽ hành động vì sự ích kỷ và kiêu ngạo của mình chứ không phải vì tình yêu của Chúa Kitô. Tôi sẽ nói điều gì đó hoặc làm điều gì đó khiến những người thân thiết của tôi tổn thương.
Đây là lý do tại sao điều quan trọng là chúng ta phải cố gắng hết sức để “mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng.” (Rm 13:14). Đó cũng là lý do tại sao Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta đặt Ngài lên trên tất cả các mối quan hệ khác của chúng ta. Nếu chúng ta có thể đặt Ngài lên hàng đầu trong lòng mình thì ân sủng của Ngài sẽ giúp chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến giữa con người cũ và con người mới.
Một phương pháp đơn giản.
Nhưng điều này thực tế có nghĩa là gì? Làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng mình yêu mến Chúa Giêsu hơn mọi điều khác? Một cách là dành một vài phút mỗi tối để xem lại trong ngày.
Chúng ta có thể nhìn lại một ngày của mình và nhớ lại những điều tốt đẹp đã xảy ra. Tôi đã yêu như Chúa Giêsu yêu như thế nào? Tôi đã tha thứ như Ngài đã tha thứ? Tôi đã đặt đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình? Khi đó chúng ta có thể cảm ơn Chúa Giêsu vì tất cả những điều tốt đẹp mà chúng ta đã trải qua.
Tiếp theo, chúng ta có thể nhớ lại bất cứ điều gì tồi tệ có thể đã xảy ra. Tôi đã ích kỷ, tức giận hay ghen tị khi nào? Tôi có nói hay làm điều gì tổn thương không? Tôi có thất bại trong việc làm theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần không? Chúng ta có thể xin Chúa Giêsu tha thứ và thanh tẩy chúng ta bằng lòng thương xót của Ngài. Và nếu có điều gì đặc biệt tồi tệ xảy ra, chúng ta có thể quyết tâm lãnh nhận Bí tích Hòa giải.
Cuối cùng, chúng ta có thể dâng ngày hôm sau cho Chúa. Chúng ta có thể nói với Ngài rằng chúng ta muốn yêu Ngài hơn tất cả và chúng ta có thể cầu xin sự giúp đỡ của Ngài để thực hiện điều đó.
Chúng ta có thể đạt được tiến bộ.
Nếu chúng ta tham dự Thánh lễ, xưng thú tội lỗi và cố gắng sống một cuộc đời ngay thẳng, chúng ta sẽ tiến bộ trong việc giết chết con người cũ. Ngay cả khi tất cả những gì chúng ta làm là chú ý hơn một chút đến cuộc chiến giữa tính ích kỷ và tình yêu bên trong mình, thì chúng ta cũng sẽ đạt được một số tiến bộ. Chúa sẽ chúc lành cho những nỗ lực của chúng ta, ngay cả khi chúng ta không nhận ra điều đó ngay lập tức.
Tuy nhiên, nếu chúng ta cầu xin Thần khí mỗi ngày ban ân sủng giúp chúng ta vác thập giá của mình và theo Chúa Giêsu, chúng ta sẽ còn tiến bộ hơn nữa. Nếu chúng ta quyết tâm, đặc biệt là trong những lúc bị cám dỗ, cầu xin Thần khí giúp chúng ta mặc lấy con người mới và giết chết con người cũ, thì chúng ta sẽ tiến bộ nhiều hơn. Và nếu chúng ta cầu xin Thần khí giúp chúng ta yêu mến Chúa Giêsu trước hết, chúng ta sẽ tiến một chặng đường dài hướng tới mục tiêu yêu thương người khác như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta.
- Tổng Hơp: