Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Chữ Dung - Giàu có khó vào nước Trời

Tác giả: 
Trầm Thiên Thu

 

 

Chữ DUNG

 

Trong tứ đức, chữ “Dung” đứng thứ nhì. Trong xã hội hiện đại ngày nay, “tam tòng” có thể đã lỗi thời, nhưng “tứ đức” vẫn là những giá trị tu dưỡng bản thân, cần được duy trì.

 

Theo quan niệm Nho giáo xưa, chữ “Dung” được hiểu là vẻ đẹp hình thức, dáng vẻ bề ngoài, vẻ đẹp, nét đẹp, sắc đẹp, gọi là Dung Nhan hoặc Dung Mạo. Nét đẹp chuẩn mực xưa đối với phụ nữ là vẻ đẹp thùy mị, kín đáo, duyên dáng,… như ca dao ca ngợi: “Những người thắt đáy lưng ong – Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con.” Và khéo léo nhắc nhở: “Có ai bán cái dịu dàng, anh mua một gánh tặng nàng làm duyên.”

 

Chữ “Dung” không chỉ đề cập khuôn mặt mà còn liên quan trang phục gọn gàng, chỉn chu, đặc biệt là vẻ đẹp tâm hồn: hòa nhã, dịu dàng, nết na, thùy mị, thậm chí có liên quan chữ “Công” – đảm đang, tháo vát, chăm chỉ, chu đáo,... Ý nghĩa chữ “Dung” đa dạng, bao hàm và sâu rộng. Thật vậy, Henry David Thoreau nói: “Nhận thức về cái đẹp là một bài kiểm tra đạo đức.”

 

Nét đẹp là vũ khí lợi hại, nhất là đối với phụ nữ. Hằng năm, trên thế giới có nhiều cuộc thi hoa hậu, tốn kém rất nhiều tiền bạc và công sức. Phụ nữ muốn được người ta công nhận mình là người đẹp nhất – trong một khoảng thời gian nào đó, và những kẻ “ăn theo” cũng là vấn đề không đơn giản. Cung và Cầu liên quan lẫn nhau. Người ta cũng lợi dụng sắc đẹp nhiều chuyện, chẳng hạn quảng cáo sản phẩm hoặc rửa xe, không liên quan sắc đẹp, nhưng người ta vẫn dùng hình ảnh những cô gái đẹp ăn mặc hở hang để “khuyến mãi” thì đúng là hết nước nói!

 

William Carlos Williams nhận định: “Sắc đẹp tồn tại trong con mắt của người ngắm.” Balzac nói: “Những đứa trẻ đáng yêu có thể an ủi người phụ nữ về sắc đẹp đã tàn phai.” Trong khe thời gian và hiện thực, tuổi xuân và sắc đẹp mỏng manh như trang giấy bị gió hong khô. Thật vậy, Benjamin Franklin nói: “Sắc đẹp và sự dại dột là bạn đồng hành quen thuộc.” Aldous Huxley thẳng thắn nói: “Sắc đẹp tệ hơn rượu, nó chuốc say cả người ngắm lẫn chủ nhân.”

 

Phụ nữ vốn dĩ ảo tưởng về sắc đẹp của mình, chính Thị Nở cũng vẫn tự nhận mình đẹp. Hãy nghe lời của Lâm Ngữ Đường: “Mỹ nhân hơn hoa ở chỗ biết nói, hoa hơn mỹ nhân ở chỗ tỏa hương. Nếu không được cả hai thì bỏ hương mà lựa biết nói. Thường hoa đẹp thì không thơm, cánh nhiều tầng thì không kết quả. Được hoàn toàn thực khó thay. Đóa sen kiêm cả chăng?” Nét đẹp và nét duyên khác nhau. Có người đẹp mà vô duyên, có người không đẹp mà có duyên. Thật thâm thúy với nhận định của John Ray: “Vẻ đẹp là sức mạnh, nụ cười là vũ khí.”

Người Pháp có câu: “Cái đẹp mà không kết hợp với cái nết thì chỉ như một bông hoa có sắc không hương.” Còn người Việt nói: “Cái nết đánh chết cái đẹp.” Thế nhưng ngày nay người ta lắt léo là “hồng nhan bạc triệu” chứ không là “hồng nhan bạc phận” như xưa. Rõ ràng là thực dụng và duy vật!

 

Hãy nhớ rằng sắc đẹp phụ nữ là lời hứa hẹn của hạnh phúc, chứ chính nó không bảo đảm hạnh phúc. Deméré nói chí lý: “Sắc đẹp là tặng phẩm đầu tiên Tạo Hóa ban cho phụ nữ và cũng là thứ đầu tiên Tạo Hóa cướp đi.” Tương tự, Savie nói: “Nhan sắc là đóa hoa mà năm tháng tỉa dần từng cánh.” Còn người Thụy Điển nhận xét: “Người ta không thể sống nhờ cái đẹp nhưng có thể chết vì nó.” Thật tồi tệ! Vì thế, “tiếng thở dài của cô gái đẹp còn vang xa hơn cả tiếng rống của con sư tử.” (Tục ngữ Ả Rập)

 

Và điều gì đến sẽ đến, như hệ lụy tất yếu vậy. Văn hào Victor Hugo nói: “Có những phụ nữ chơi đùa với sắc đẹp của mình như trẻ con chơi dao, và có lúc họ làm hại chính mình.” Sắc đẹp chẳng khác vũ khí Boomerang của thổ dân Úc, lợi hại khôn lường!

Chuyện kể rằng một cô hoa hậu đi lễ chùa và gặp chú tiểu đang quét lá, cô tới gần chú tiểu và kiêu hãnh hỏi: “Tôi là hoa hậu hoàn vũ, là người đẹp nhất, ai gặp cũng phải ngước nhìn, chú thấy tôi có đẹp lắm không?” Chú tiểu ôn tồn: “Thưa cô, tôi thấy có cả hàng vạn người còn đẹp hơn cô rất nhiều.” Nghe nói thế, cô tự ái mở tròn đôi mắt nói: “Hoa hậu là người đẹp nhất trong những người đẹp rồi. Chú nói thử xem, chú đã gặp ai đẹp hơn tôi chưa, những người đẹp hơn tôi cậu tả coi như thế nào?”

 

Chú tiểu điềm nhiên: “Giữ trang nghiêm là thân đẹp. Ăn ở hiền hòa, thủy chung là nết đẹp. Thấy người ngã mà nâng lên, đó là cử chỉ đẹp. Thấy người đói cho ăn, rách cho mặc, nghèo thì giúp, đó là tấm lòng đẹp. Phụng dưỡng cha mẹ già, giúp người cô quả, đó là tâm hồn đẹp. Thấy người lâm nguy, sợ hãi mà an ủi, đó là ngôn ngữ đẹp. Tính nết đoan chính, không tà tâm, đó là ý đẹp. Thấy người u tối, không hiểu biết mà khai mở trí tuệ, cho học hành, đó là trí tuệ đẹp. Dùng chân lý để hướng dẫn chúng sinh vào con đường an vui, giải thoát, đó là cái đẹp của sự từ bi. Đó là những cái đẹp vĩnh hằng mà trời phải tán dương. Còn cái đẹp hoa hậu của cô chỉ là cái đẹp bình thường, sớm nở tối tàn và chỉ mang tính tạm thời, đó là cái đẹp của sự ham muốn, chiếm đoạt,... xoay vần trong vòng sinh tử, ẩn chứa khổ đau, nếu đem so với những cái đẹp kia thì không có chi đáng tán dương.”

 

Là phụ nữ, ai cũng quan tâm vẻ đẹp – khuôn mặt và vóc dáng. Sắc đẹp là quà tặng của Thiên Chúa, không ai có thể tùy chọn. Nhiều phụ nữ đắp chỗ này, cắt chỗ khác, muốn làm đẹp theo ý mình, nhưng không ít phụ nữ không đẹp hơn mà còn xấu hơn, dở khóc dở cười vì mộng thẩm mỹ của mình. Vĩ đại quan trọng là đẹp hay bình thường thì cũng hãy cứ sống như cây như hoa, dù không ai nhìn ngắm hoặc chiêm ngưỡng thì nó vẫn luôn tươi tắn, vẫn luôn nở rộ. P.J. Star: “Phụ nữ xinh đẹp mà lại lương thiện thì xinh đẹp gấp đôi.” Hãy nhớ điều này: “Ba thứ chóng qua: tiếng vọng, cầu vồng và sắc đẹp phụ nữ. Hãy đợi hoàng hôn để thấy cái đẹp của buổi bình minh, và hãy đợi tuổi già để hiểu thế nào là một phụ nữ đẹp.” (Ngạn ngữ Đức)

 

 

Khuôn mặt là tấm gương phản chiếu tâm hồn: “Lòng mừng vui làm hân hoan nét mặt, lòng sầu muộn khiến tâm trí rã rời.” (Cn 15:13) Rõ ràng “nét mặt vui tươi là dấu chỉ một tâm hồn hạnh phúc.” (Hc 13:26) Thật vậy, “lòng người làm thay đổi nét mặt, để lộ ra cái tốt hay cái xấu.” (Hc 13:25) Kinh Thánh nói: “Lòng độc ác biến đổi nét mặt người đàn bà: mặt y thị tối sầm như mặt gấu.” (Hc 25:17) Đàn ông cũng vậy thôi. Tại sao Cain sa sầm nét mặt? (St 4:5) Vì Cain ghen tỵ và sát hại Abel, bất chấp thâm tình ruột thịt.

 

Kinh Thánh cảnh báo về phụ nữ: “Con tim suy nhược, nét mặt buồn rầu, tâm hồn tan nát: tất cả đều do người đàn bà độc dữ. Tay chân rã rời, đầu gối bủn rủn: cũng tại người vợ không biết tạo hạnh phúc cho chồng.” (Hc 25:23) Con mắt là cửa ngõ tội lỗi, đàn ông phải cẩn trọng, “đừng nhìn người phụ nữ nhan sắc, cũng đừng ngắm nghía một giai nhân xa lạ. Vì sắc đẹp đàn bà mà bao kẻ đảo điên, cũng vì thế mà ái tình bừng lên như lửa.” (Hc 9:8) Do đó, “đừng để nhan sắc người đàn bà lôi cuốn, và cũng đừng ham muốn phụ nữ. Trước bất cứ ai, đừng chăm chú nhìn vào sắc đẹp.” (Hc 25:21; Hc 42:12)

 

Kinh Thánh nói: “Nhan sắc phụ nữ làm mát mắt người nhìn, và đó là điều khiến đàn ông khoái nhất.” (Hc 36:22) Vì thế, “đừng để sắc đẹp nó quyến rũ lòng con, đừng để ánh mắt nó làm con mê mẩn.” (Cn 6:25) Cái gì cũng có nguyên nhân và hệ lụy tất yếu: “Nước phản chiếu khuôn mặt, tâm tư phản ánh con người. Âm ty, âm phủ không bao giờ đầy, cặp mắt con người chẳng bao giờ thỏa.” (Cn 27:19-20)

Sự thật luôn phũ phàng, vì thế mà người ta rất sợ sự thật. Phải là người thực sự can đảm mới dám đối diện sự thật. Kinh Thánh xác định: “Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân. Người phụ nữ kính sợ Đức Chúa mới đáng cho người đời ca tụng.” (Cn 31:30) Đó mới là vẻ đẹp kỳ diệu và tuyệt vời mà phụ nữ chân chính phải mơ ước.

 

Kinh Thánh cho biết rằng bà Giuđitha duyên dáng, dịu dàng, làm vừa lòng tướng Hôlôphécnê và các võ quan của ông. Họ thán phục trí khôn ngoan của bà và nói: “Từ chân trời này đến chân trời kia trên khắp cùng cõi đất, chưa hề thấy một phụ nữ nào dung nhan kiều diễm, ngôn từ sắc sảo như thế!” (Gđt 11:21) Ước gì phụ nữ nào cũng được khen như thế này: “Người yêu của tôi: khuôn mặt tươi sáng, nước da hồng hào, nổi bật giữa muôn ngàn trai tráng.” (Dc 5:10)

Tốt khoe, xấu che. Nói chung là thế. Nhưng có điều đặc biệt ở ông Môsê. Có lần Thiên Chúa gọi ông Môsê từ bụi cây bốc cháy và bảo ông: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh. Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp.” Ông Môsê CHE MẶT ĐI, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa. (Xh 3:5-6) Mắt phàm nhân không thể nhìn mặt trời, huống chi là nhìn Thiên Chúa.

 

Chữ “Dung” liên quan nhiều thứ. Một trong các vấn đề liên quan là tình trạng Giàu – Nghèo. Nhưng phải nhớ rằng “lành dữ, sống chết, giàu nghèo, tất cả đều do Đức Chúa.” Vì thế, “giàu hay nghèo, lòng vẫn cứ an vui, lúc nào nét mặt cũng tươi cười.” (Hc 26:4) Như vậy mới có thể an tâm và vui sống.

 

Khi đem phân chất một người nặng 70kg (154 lbs), người ta có kết quả này: Lượng Mỡ đủ làm 7 cục xà bông, lượng Nước là 40 lít, lượng Lân tinh đủ chế tạo 2100 que diêm, lượng Than đủ làm 7 cây đinh 3 phân, lượng Vôi đủ quét trắng một căn phòng nhỏ, lượng Lưu huỳnh đủ để giết chết bọ của một con chó, lượng Oxy đủ bơm một trái banh.

 

Thực sự chẳng có gì đáng giá! Không đáng gì mà tại sao lại kiêu căng? Vậy đâu là giá trị đích thực của con người? Chúa Giêsu cho biết bí quyết: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em,” (Ga 13:34; Ga 15:12) và “Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6:36)

 

Đừng chú trọng bề ngoài, càng chú ý càng tự chuốc khổ, mất thời gian, vô ích. Hãy đơn giản hóa cuộc sống, càng đơn giản càng thoải mái. Triết gia La Rochefoucauld nói: “Có ba thứ ngu dốt: không biết điều phải biết, biết không đúng điều đáng biết, và biết điều không nên biết.”

 

Chữ “Dung” về thể lý không đáng giá, và mau phai tàn theo thời gian. Chữ “Dung” về tinh thần mới đáng quan tâm, và về tâm linh càng phải chú trọng hơn nữa!

 

Chữ “Dung” về thể lý không đáng giá, và mau phai tàn theo thời gian. Chữ “Dung” về tinh thần mới đáng quan tâm, và về tâm linh càng phải chú trọng hơn nữa. Tuyệt vời nhất là Cuộc Hiển Dung của Chúa Giêsu trên núi Tabor trước sự chứng kiến của ba môn đệ thân tín. (x. Mt 17:1-8; Mc 9:2-8; Lc 9:28-36) Đó là Dung Mạo của Thiên Chúa và của những chính nhân được sum họp với Ngài trên Thiên Quốc vĩnh viễn.

 

TRẦM THIÊN THU

 

**************

 

 

GIÀU CÓ KHÓ VÀO TRỜI

 

Một buổi chiều cuối tuần, và cũng là cuối tháng, Tám xe ôm và Bảy ve chai rủ nhau “làm tí” để… xả xì-trét. Thằng thì số nghèo, đứa thì kiếp khổ, không chỉ “hợp” nhau mà còn là bạn bè với nhau từ hồi nhỏ.

 

Cơn mưa chiều rả rích, kéo dài từ hồi trưa, “làm tí” thì hay vô cùng. Cái quán “cờ tây” có cái tên cũng thú vị: NÓ ĐÂY RỒI! Ái chà, đúng như thế! Cũng chính cái nơi này là “trung tâm” cho hai thằng trút bao nhiêu tâm sự của cái kiếp nghèo này rồi. Tám thở dài ra chiều đăm chiêu. Bảy chau mày:

 

– Mày làm cái gì mà ảo não vậy? Mặc kệ nó đi. Trời sinh voi sinh cỏ. Lo bạc râu, sầu bạc tóc. Kệ tía nó đi!

 

– Kệ sao được mà kệ. Lo thúi ruột đây nè!

 

– Bộ tao không lo hả? Nhưng mà lo được gì? Chúa bảo “đừng lo ngày mai.” (Mt 6:25) Mà có lo cũng chẳng được!

 

– Biết vậy. Nhưng mà…

 

– Nhưng nhị gì nữa. Uống đi. “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6:34) Dzô cái coi!

 

– Tao thấy người giàu sướng, không khổ như tụi mình.

 

– Tao chẳng ham. Người giàu cũng khóc. Đừng nhìn bề ngoài mà tưởng “ngon” nha!

 

– Dù sao họ cũng sướng cái thân. Khỏe re. Còn tao với mày thì…

 

– Thì sao? Nghèo mà không gian dối, không lừa bịp, không nợ nần gì ai, thế là tốt rồi. Coi vậy chứ mấy người giàu cũng nợ như chúa chổm, nhìn vậy mà không phải vậy. Vả lại, “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có khó vào Nước Trời” (Mt 19:23-24) đấy nhá!

 

– Người giàu mà biết chi tiền đúng chỗ thì đâu có khó? Mà mày biết sao họ khó vô Nước Trời không?

 

– Tao thấy có hai vấn đề.

 

– Sao?

 

– Thứ nhất, Chúa Giêsu là dân nghèo chính hiệu. Ngài sinh ra ở ngoài đồng, sống ở ngoài đường, chơi thân với đám dân đen, rồi chết trần trụi ở trên đồi. Trắng tay, chẳng có chi ráo trọi. Ô-kê?

 

– Rồi sao nữa? Vấn đề thứ hai, nói!

 

– Thứ hai, Thiên Đàng không có những thứ xa xỉ phẩm cho họ xài, mà cũng chẳng có những nơi ăn chơi cho họ vô. Chúa có cho vô thì họ cũng không muốn. Cái khó nhất là tại họ “chảnh,” khinh người nghèo, và coi trời bằng... nắp bia. Ô-kê?

 

– Cũng có lý! Ô-kê. Nào, nâng ly chúc mừng nhau an tâm thoải mái với cái nghèo nè!

 

Tám xe ôm và Bảy ve chai cười to và cụng ly cái rụp:

 

– Dzô!

 

Tám nheo mắt và nói:

 

– Tao thấy mày có vẻ rành Kinh Thánh dữ nghen!

 

– Không rành chi, chỉ nhớ vài câu để “nổ” thôi. Nhưng là mấy câu cần thiết nha!

 

– Thế là được rồi. Nhớ lắm mà không áp dụng cũng vô ích!

 

– Tao nhớ câu này hay, hợp với tụi mình nè. Cũng chỉ hai điều thôi!

 

– Câu gì? Nói nghe coi!

 

Bảy tằng hắng ra vẻ trang trọng, vừa nhìn Tám vừa nói:

 

– Nghe nè: “Con chỉ xin hai điều, Ngài đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt: Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa. Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: ‘Đức Chúa là ai vậy?’ hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con.” (Cn 30:7-9)

 

– Chà, quá “đã” luôn. Nào, dzô cái nữa coi!

 

– Ô-kê. Dzô!

TRẦM THIÊN THU