Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Suy niệm Chúa nhật 14 thường niên B

 

 

THÀNH CÔNG – THẤT BẠI TRONG SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG

 

(Suy niệm Chúa nhật 14 thường niên B)

 

Nói đến sứ vụ là nói đến sự được sai đi. Nói đến sứ vụ được sai đi đa số chúng ta nghĩ ngay đến đời sống thánh hiến – linh mục. Tuy nhiên, sứ vụ được sai đi không chỉ dành riêng cho bản thân linh mục và tu sĩ, nhưng trên hết và trên hết là tất cả chúng ta, những ai đã được rửa tội là đều được sai đi. Hay nói gắn gọn hơn: Được rửa tội và được sai đi. Sai đi là lệnh của Chúa. Bề trên thay mặt Chúa để sai chúng ta đi. Người được sai đi cố gắng đón nhận bằng bổ nhiệm để lên đường đến với mọi vùng miền- mọi ngõ hẻm để giới thiệu Chúa và nối kết mọi người với Chúa, với đạo Chúa. Tất nhiên, trong khi thi hành sứ vụ được sai đi sai đến đó, chúng ta không thể luôn luôn thành công nhưng đôi khi kèm theo những đắng cay của sự thất bại, của sự từ chối, của sự ghen ghét, của sự xua đuổi, ngay cả sự chết.

 

Hôm nay, nơi bài Tin mừng của Thánh Mác-cô 6,1-6, chúng ta bắt gặp một hình ảnh thật bất ngờ của Đức Giê-su khi về quê giảng dạy và loan bao Tin mừng. Thay vì dân làng quê của Ngài hồ hởi, hân hoan đón tiếp Ngài, thì họ lại có những câu nói thành kiến, khó nghe chưa muốn nói là có ý ‘khinh khi và miệt thị’. Đối với họ, Giê-su chỉ là con bác thợ mộc Giuse và Bà Maria thôn quê thôi mà. Đâu có gì là công thành danh toại! Đâu có gì là tiếng tăm hay giỏi giang, giàu có! Đâu có gì hơn nhau trong làng trong xóm, thậm chí còn thua kém nhiều gia đình khác. Thế mà Giê-su đó lại đi giảng dạy, trình bày sứ điệp Nước Trời cho dân làng. Thật sự khó chấp nhận và thật sự khó nghe quá. Thôi đi đi cho khuất mắt chúng tôi! Lời Chúa đã khẳng định những phản ứng của dân chúng thế này: “Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a và là anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? Và họ vấp ngã vì Người.” (Mc 6, 2-3)

 

Có thể họ đã phản ứng rất gắt gao và xầm xì xôn xao về ‘hiện tượng Giê-su’. Có thể nói, ngay trong tình thế này, Chúa Giê-su đã ‘gặp lấy thất bại nặng nề’ nơi quê hương Ngài. Bấy lâu nay làm đủ phép lạ, giảng đủ điều cũng như thi thố bao nhiêu sự trên mọi miền cho biết bao người. Thế mà nay về quê lại bị khước từ không muốn nói là ‘bị ném đá’ bằng những ngôn từ hay lời nói khó nghe và mang nặng ‘mùi xúc phạm và coi thường’. Như vậy, khi đối diện với tình huống đó, Chúa Giê-su đã làm gì?

 

Đứng trước những cung cách ứng xử khó chịu đó, Chúa Giê-su thay vì buồn phiền, bực bội, thay vì lên án – chỉ trích, thì Ngài đã nhẹ nhàng giải thích và khiêm tốn đối đáp cách rõ ràng rằng: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” (Mc 6, 4). Quả thật, tuy là con dân của làng Nazarette, là con ông Giu-se và Bà Maria theo bản tính loài người, nhưng vì là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su không muốn cho ai phải nằm ngoài tình thương yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa, nên Ngài đã không ngần ngại trở về quê hương để họ có cơ hội đón nhận Tin mừng cứu độ và tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô. Vì thế, Đức Giê-su cho họ có cơ hội gặp gỡ Ngài: Họ không đi tìm Chúa, nhưng Đức Giêsu trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày Sabbath, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Ngoài ra, Ngài cho họ nhận ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa nơi Ngài: Khi Ngài giảng dạy trong hội đường, nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Chính họ đã phải thốt lên: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?”. Hơn nữa, Ngài cho họ nhận ra Ngài có uy quyền của Thiên Chúa: Khi chứng kiến các phép lạ Chúa Giêsu đã làm, họ đã phải ngạc nhiên thốt lên: “Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (cc. 1-2). Tuy nhiên, chúng ta thấy kết quả không như mong muốn đối với Đức Giê-su. Và Tin mừng Marcô kết luận: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.” (Mc 6, 6).

 

Kính thưa,

 

Chúng ta là ai trong bài Tin mừng? Chúng ta đã làm gì và đã đón nhận Chúa Giê-su như thế nào? Chúng ta không là dân làng Nazarette nơi quê hương của Đức Giê-su, nhưng chúng ta cũng có thái độ “quen quá hoá nhàm”, “gần chùa gọi bụt bằng anh” hay nặng hơn như tục ngữ Việt-nam cũng có câu tương tự: “Quen chó, chó liếm mặt”, … khi chúng ta đối diện với Chúa trong đời sống hằng ngày. Chúng ta thấy nhàm chán khi tham dự thánh lễ; phàn nàn và kêu ca khi lễ dài thêm ít phút trong khi ngồi lướt mạng xã hội cả mấy giờ đồng hồ. Chúng ta kêu sao khó cầu nguyện quá: lễ xong ngồi im lặng với Chúa Giê-su Thánh Thể 3-5 phút sao thật sự lâu và không dễ làm. Chúng ta vào nhà thờ nơi có Chúa Giê-su Thánh Thể ngự mà coi thường, nói chuyện, chơi điện thoại và ngỏ ngang ngỏ dọc, ăn mặc xốc xếch không muốn nói là thiếu kín đáo. Chúng ta không dọn mình xứng đáng và sốt sắng mỗi khi tham dự thánh lễ và rước lễ. Chúng ta đi lễ hay cầu nguyện như một thói quen, như cái máy. Không xem trọng Thánh lễ! Không phân biệt được bữa tiệc Lời Chúa và tiệc Thánh Thể thật sự quan trong như thế nào? Như thế, chúng ta không khác gì là dân làng Nazarette ngày xưa đâu? Chúng ta cố gắng thay đổi lại cung cách sống khi đến với Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta. Chúng ta phải dẹp bỏ tính ngông cuồng và phản loạn, vì chúng gây thiệt hại cho chúng ta. Trái lại, chúng ta phải biết vâng lời Thiên Chúa và giữ các huấn lệnh của Ngài. Chúng ta phải dẹp bỏ tính kiêu hãnh vì nó đánh lừa chúng ta. Ngược lại, chúng ta hãy luyện tập cho biết khiêm nhường để nhìn nhận những yếu kém và giới hạn của mình.

 

Mặt khác, trong vai trò là người giảng dạy, là người được sai đi loan báo Tin mừng, chúng ta cũng được mời gọi noi gương Đức Giê-su để sẵn sàng lên đường trong mọi nơi mọi lúc dầu đôi khi gặp nhiều khó khăn và thử thách. Chúng ta phải ý thức như Phaolô trong thư thứ 2 hôm nay dù khó khăn, dù đau yếu, dù thất bại đi chăng nữa, chúng ta không được nản chí hay thất vọng nhưng hãy tin tưởng và phó thác cho sự quan phòng của Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa Ngôi Hai. Ngài quả quyết rằng Thiên Chúa không bỏ rơi những ai đặt tin tưởng vào Ngài: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi.

 

(2 Cr 12, 9). Thật vậy, trong việc loan báo Tin mừng, chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần, tác nhân chính của việc truyền giáo, đồng hành, thánh hoá và ban ơn sức mạnh hầu chúng ta ra đi giới thiệu Chúa cho tha nhân, nhất là cho những anh chị em chưa cùng niềm tin dù có khó khăn, vất vả và ngay cả sự chống đối. Chúng ta phải ý thức rằng việc loan báo Tin mừng không thể không có khó khăn và thử thách trăm chiều, tự sức chúng ta vất vả chèo chống nhưng hãy tin – yêu – phó thác cho quyền năng cũng như sức mạnh của Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô.

 

Hãy học với Giê-su và cùng với Giê-su lên đường để cùng loan báo Tin mừng nào!

Ước gì được như thế!

 

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương