Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sai đi rao giảng Tin Mừng

Tác giả: 
Huệ Minh

 

 

10.7Thứ Tư trong tuần thứ Mười Bốn Mùa Quanh Năm

Hs 10:1-3,7-8,12; Tv 105:2-3,4-5,6-7; Mt 10:1-7

 

Sai đi rao giảng Tin Mừng

 

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Mátthêu ghi lại việc Chúa Giêsu tuyển chọn 12 Tông đồ và sai các ông đi loan báo Nước trời đã gần đến. Sứ mệnh này không phải chỉ dành riêng cho các Tông đồ hoặc những người có trách nhiệm mà cả chúng ta nữa, những người Kitô hữu, mỗi người một cách, phải loan báo về Chúa Giêsu và kêu mời mọi người vào trong Giáo hội, vào trong tình yêu của Chúa.

 

Theo truyền thống, bất cứ một bậc thầy nào cũng cần có các môn sinh, môn đệ để tiếp tục lý tưởng và sự nghiệp của mình. Các bậc hiền nhân trong lịch sử và các tiên tri trong Cựu ước có các môn đệ, thánh Gioan Tiền hô cũng có nhiều môn đệ. Chúa Giêsu cũng vậy, trong ba năm giảng dạy, Chúa đã kêu gọi nhiều môn đệ, trong số đó Chúa chọn 12 người làm Tông đồ, để tiếp tục sự nghiệp cứu rỗi nhân loại mà Ngài đã khởi đầu.

 

Chúa gọi và chọn chứ họ không tự mình được chọn hoặc tự ứng cử, nghĩa là Chúa ở một vị trí cao hơn, Chúa là trung tâm chứ không phải họ được quyền lấy mình làm chuẩn; như thế, điều kiện đầu tiên để trở thành Tông đồ là được Chúa chọn. Các môn đệ ở lại với Người, nghĩa là họ phải được tách ra khỏi đám đông và đến; như thế, điều kiện thứ hai là khi được gọi họ phải được tách riêng ra, nghĩa là phải có sự thay đổi đời sống nên tốt hơn.

 

Có lẽ chẳng ai trong chúng ta xa lạ với xuất xứ của các Tông đồ: đa số họ là những ngư phủ nghèo nàn, thất học. Họ được chọn từ đám đông giai cấp lao động, trong số họ cũng có hai khuôn mặt tiêu biểu cho sự tranh chấp của xã hội Do thái lúc đó: Mátthêu người thu thuế và Simon nhiệt thành. Nhóm Nhiệt thành cương quyết chống ngoại xâm, sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ lề luật, còn đám thu thuế thì lại chạy theo ngoại bang, hợp tác với những kẻ đang thống trị xứ sở để trục lợi.

 

Có thể nói, những người mà Chúa Giêsu chọn lựa tiêu biểu cho sự thấp kém trong xã hội Do thái. Chúa Giêsu biết rõ điều đó, nhưng Ngài vẫn tuyển chọn, vì đường lối Thiên Chúa khác với đường lối con người. Điều Ngài cần nơi họ không phải là cái đang là, mà là cái sẽ là. Họ tầm thường khiếm khuyết, nhưng với ơn Chúa, họ sẽ làm nên được những việc phi thường (Mỗi ngày một tin vui).

 

Chúng ta thấy: mười hai Tông đồ yếu kém về mọi mặt, thế mà đã thay đổi được cả một đế quốc Rôma và cả thế giới sau này nữa. Quả thật, khi Chúa còn sống bên cạnh, các ông còn quê mùa, hay sợ sệt, tham vọng tầm thường, và khi Chúa chết, các ông bỏ trốn vì sợ liên luỵ. Thế mà sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ông can đảm, khôn ngoan, đấu lý với hết mọi bậc người, ra tù vào khám vì danh Chúa, và các ông đã xây dựng nước Chúa ngay tại nơi đế quốc đã từng tiêu diệt Thầy mình và cả các ông nữa.

 

Tại sao họ yếu kém như thế mà dám đương đầu với những thế lực kình địch và biến đổi được cả thế giới như vậy? Thưa, họ đã trở thành những dụng cụ hữu hiệu trong bàn tay Thiên Chúa toàn năng, Ngài làm được mọi sự Ngài muốn. Còn các Tông đồ thì có một đức tin vững mạnh, nếu các ông không tin vào quyền năng Thiên Chúa đã lựa chọn các ông, ở với các ông, hỗ trợ các ông, chắc chắn các ông không bao giờ dám nhận một công việc to lớn và nặng nề như thế.

 

Chúa cũng sai chúng ta đi vào đời đem Tin mừng của Chúa đến cho mọi người như Chúa đã sai các Tông đồ ngày xưa, đấy là vinh dự và bổn phận của các Kitô hữu.

 

Nếu công đồng Vatican II khẳng định: “Bản chất của Hội thánh là truyền giáo” thì mọi Kitô hữu cũng chính là những sứ giả Tin mừng, cũng có trách nhiệm như Hội thánh. Những lời Chúa Giêsu nói với các Tông đồ ngày xưa vẫn còn vang vọng nơi chúng ta, vẫn còn có tính cách thời sự của nó. Chúa muốn chúng ta đi vào cánh đồng truyền giáo rộng rãi bao la bát ngát để đem nhiều người về với Chúa. Cảm xúc của Chúa Giêsu đứng trước cánh đồng lúa chín vàng ối “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” cũng phải là cảm xúc của chúng ta đứng trước tình hình thế giới hiện nay: chúng ta hãy xin Chúa sai nhiều sứ giả Tin mừng đến cánh đồng truyền giáo, đồng thời chúng ta cũng có thể góp phần vào công việc loan báo Tin mừng bằng chính “cuộc sống chứng tá” của chúng ta.

 

Đoạn Tin Mừng trên là phần khởi đầu cho bài giảng của Chúa Giêsu về sứ mạng truyền giáo. Giáo Hội có sứ mạng tiếp nối công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu và đó cũng là sứ mạng của mọi Kitô hữu. Việc truyền giáo không chỉ dành riêng cho các linh mục, tu sĩ hoặc các nhà truyền giáo mà là của mọi tín hữu. Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân đã khẳng định rằng: “Ơn gọi Kitô hữu tự bản chất là ơn gọi làm tông đồ”. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi: “Ngày nay còn rất nhiều người không biết Đức Giêsu Kitô. Vì thế, việc rao giảng cho người ngoài Kitô giáo thật là công việc rất khẩn cấp, mà tất cả mọi thành viên của Giáo Hội được kêu gọi để tham dự vào sứ vụ truyền giáo này, bởi vì tự bản tính Giáo Hội là truyền giáo: Giáo Hội được sinh ra để ra đi”.

 

Cho nên mỗi người Kitô hữu hôm nay phải ý thức hơn về sứ mạng và tầm quan trọng của việc truyền giáo. Sứ mạng cao cả của người môn đệ là người được Đức Kitô sai đi trong Chúa Thánh Thần, để làm chứng nhân cho Nước Trời. 

 

Là Kitô hữu, chúng ta cần có thái độ “ra đi” như ĐGH Phanxicô đã nói trong Tông huấn Evangelii Gaudium. Người mang và sống sứ mạng truyền giáo là người luôn biết “đi ra” khỏi những bận tâm về chính mình để đến với người khác bằng thái độ quên mình, sống chan hoà với những người chung quanh, tinh thần cởi mở, đi đến với người khác, gỡ bỏ những rào cản của nghi kỵ, sợ hãi, thành kiến và óc bảo thủ. Khi đến với người đau khổ, bệnh tật, chúng ta có thể giúp họ can đảm chiến đấu với bệnh tật; khơi lên nguồn sống và niềm hy vọng. Việc đi đến thăm viếng, nâng đỡ, cảm thông sẽ xoa dịu và làm vơi đi nỗi khổ sầu của anh chị em. Quả thực, mỗi chúng ta luôn ý thức và sống sứ mạng truyền giáo như thế, cũng chính là lúc lời loan báo “Nước Trời đã đến gần” lại được vang lên cho mọi người.