Loan báo Tin Mừng
11.7Thánh Benedictô, Tu Viện Trưởng
Hs 11:1,3-4,8-9; Tv 80:2,3,15-16; Mt 10:7-15
Loan báo Tin Mừng
Thánh Bênêđictô sinh tại Norcia năm 480 trong một gia đình giàu sang quý tộc.
Khi nhỏ, cha mẹ cho ngài được ăn học ở địa phương, để gần gũi với gia đình, để dễ bề đào tạo tính tình đức hạnh theo khuôn mẫu tổ tiên.
Năm 14 tuổi, thánh nhân được gởi đến học ở Rôma. Học ở Rôma được một thời gian, ngài thấy Rôma không phù hợp với mình vì cuộc sống ở Rôma lúc đó rất suy đồi trụy lạc. Để giữ gìn linh hồn mình được luôn trong sạch. Ngài đã trốn khỏi kinh thành, muốn tìm đến một nơi thanh vắng, sống đời ẩn tu tịch mạc. Ý muốn của Ngài đã được Chúa ưng thuận. Miền hoang địa cách Rôma 40 dặm là nơi Ngài đã dừng chân để được sống cuộc đời tịch liêu thân mật với Chúa.
Trong khi còn đi lang thang tìm một hang trú ẩn, Bênêđictô gặp được thầy Rômanô, một tu sĩ cùng chí hướng với mình. Tình yêu và lý tưởng đã kết hợp hai người thành đôi bạn chí thiết. Rômanô chỉ cho Bênêđictô một hang rất kín chưa hề có một vết chân người lui tới. Bênêđictô sống ở đó ba năm. Hằng ngày thầy Rômanô mang bánh cho Ngài. Sau thời gian vắn vỏi sống đời ẩn dật hoàn toàn, Chúa muốn đặt ngọn đèn thánh thiện của Bênêđictô lên nơi cao để soi dẫn cho nhiều người.
Ma quỷ thấy nhân đức của ngài thì luôn tìm đủ cách quấy phá. Đứng trước những cám dỗ của ma quỉ, Ngài luôn làm dấu Thánh giá xua đuổi chúng. Còn những người muốn sống đời nhân đức trọn lành tìm đến, thì Ngài luôn sẵn sàng hướng dẫn giúp đỡ, dạy bảo. Nhờ đó mà danh thơm thánh thiện của ngài lan rộng khắp nơi. Cả những người quý phái ở Rôma cũng đến xin làm môn đệ ngài. Ngài thành lập 12 tu viện nhỏ, để tiếp nhận họ và giúp họ tập rèn nhân đức.
Số người muốn tu luyện theo đường lối thánh nhân mỗi ngày một đông, nên năm 520, ngài phải dời về Montô Cátsinô, thành lập tu viện. Đây là tu viện đầu tiên của thánh Bênêđictô. Chính Ngài soạn tu luật cho tu viện. Sau này tu luật mang tên người được phổ biến khắp châu Âu, nên người được mệnh danh là “Tổ phụ của nếp sống đan tu ở phương Tây.”
Ngày nay hầu như tất cả các nước trên thế giới đã có sự hiện diện của các đan viện sống theo lý tưởng của Ngài. Các tu sĩ của Ngài đã hết lòng yêu mến và tuân giữ ba đặc điểm như ba cột trụ chi phối và nâng đỡ đời sống của mình. Ba cột trụ đó là cầu nguyện, học hành và lao động. Người tu sĩ hằng ngày chuyên cần cầu nguyện, siêng năng học hỏi Lời Chúa và làm việc chân tay để tự nuôi sống.
Bênêdictô qua đời ngày 21 tháng 3 năm 547. Từ cuối thế kỷ VIII, Ngài đã được kính nhớ vào ngày 11 tháng 7. Ngày 24 tháng 10 năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ra tông thư “Sứ giả hoà bình” (Pacis nuntius), đặt người làm bổn mạng toàn châu Âu.
Sau khi Ngài qua đời, các môn đệ của thánh nhân đặt xác thầy mình bên cạnh xác em gái Ngài, trong mộ Ngài đã dọn sẵn cho mình ở dưới bàn thờ thánh Gioan Baotixita.
Cuộc đời trần thế của thánh nhân tới đây kết liễu, nhưng danh thơm và sự nghiệp vĩ đại của Ngài sẽ còn tồn tại như bia đá ngàn thu, Người ta quên sao được bộ tu luật bất hủ của Ngài đã làm hứng khởi bao tâm hồn đạo đức là kim chỉ nam cho những ai muốn nên thánh thiện. Đàng khác sự tiến phát mau lẹ của dòng và con số đông đảo của những tu sĩ rải rác khắp năm châu, phải chăng chính là dấu Chúa quan phòng hằng chúc phúc cho sự nghiệp của đấng thánh qua muôn thế hệ.
Trong cuộc sống nhân sinh, con người dù là ai hay như thế nào... tất cả điều cần đến sự bình an.
Qua trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu sai các Tông đồ đi loan báo Tin Mừng. Mặc dù Chúa đã trao ban cho các Tông đồ quyền năng “chữa lành những bệnh nhân, làm cho kẻ chết sống lại, giúp những kẻ phong cùi được sạch, trừ quỷ... ”, nhưng bên cạnh đó, Chúa Giêsu còn trao ban sự bình an của Chúa cho các Tông đồ. Đồng thời, Chúa cũng sai các Tông đồ đem sự bình của Chúa đến cho những người đón nhận và tiếp rước các ông.
Vì thế, một trong những “dấu chỉ” cho thấy người môn đệ Chúa thực hiện tốt lệnh truyền Chúa trao đó là “bình an”: bình an nơi bản thân mình và đem bình an đến cho những người khác. “Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: Bình an cho nhà này. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy”.
Qua bí tích Rửa Tội, chúng ta đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Chúng ta được Chúa Giêsu mời gọi lên đường loan báo Tin Mừng, đem Chúa đến cho người khác. Chúng ta được mời gọi làm công việc này bằng chính cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Qua đoạn Tin Mừng này như là dịp để chúng ta tự hỏi chính mình rằng, chúng ta có nhận thấy mình được sự bình an khi làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày không? Chúng ta có làm cho người khác bình an sau khi họ gặp gỡ mình hay không?
Đối với chúng ta ngày nay, mỗi người chúng ta khi nhận phép Rửa tội và phép Thêm sức, chúng ta đều được Chúa mời gọi và sai đi rao giảng Nước trời, tức là rao giảng về Chúa Giêsu, về tình thương của Ngài và những hồng ân của Thiên Chúa, có người bằng việc làm, có người bằng lời nói, nhưng tất cả đều rao giảng bằng chính đời sống của mình.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: