Luôn là chiên - Dạ, con đây !
LUÔN LÀ CHIÊN
“Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói”.
Từ thế kỷ 17, Lancelot Andrewes đã dâng một lời cầu nguyện lạ lùng, “Lạy Chúa, hãy ở trong con, để bổ sức con; ở ngoài con, để canh chừng con; ở trên con, để bảo vệ con; ở dưới con, để nâng đỡ con; ở trước con, để dẫn dắt con; ở sau con, để con khỏi lạc; ở quanh con, để bao bọc con… Nhờ đó, con luôn là chiên, trung kiên đến cùng!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Mở đầu Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc đến bốn loài vật: chiên, sói, rắn và bồ câu! Qua đó, Ngài muốn nói với nhóm Mười Hai rằng, Ngài đang sai họ đến những nơi mà nền ‘văn hoá thù địch Thiên Chúa’ rất lớn! Vì thế, họ phải ‘luôn là chiên!’.
Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta có khả năng đối mặt với bầy sói, nghĩa là có thể tranh luận, phản biện, đưa ra những lý lẽ để tự bảo vệ mình. Không, không! Chúng ta có thể nghĩ, “Hãy để chúng tôi trở nên thích nghi, đông đảo, có uy tín và thế giới sẽ lắng nghe, tôn trọng và chúng tôi sẽ đánh bại bầy sói!”. Không, không phải thế! “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói”, như những con chiên non. Điều này thật quan trọng! Nếu bạn không muốn trở thành chiên, Chúa sẽ không bảo vệ bạn khỏi bầy sói. Hãy giải quyết ‘căn tính’ này tốt nhất có thể! Nhưng nếu bạn là chiên, hãy yên tâm, Chúa sẽ bảo vệ bạn khỏi bầy sói! Khiêm tốn. Đúng, Ngài chỉ yêu cầu chúng ta khiêm tốn, hiền lành, có ý chí sống vô tội và sẵn sàng hy sinh.
Và Chúa Giêsu, Người Chăn Chiên, sẽ nhận ra chiên mình và sẽ bảo vệ chúng đến cùng. Mặt khác, những con chiên ‘cải trang’ thành sói sẽ bị vạch mặt và bị xé xác từng mảnh. “Chừng nào chúng ta còn là chiên con, chúng ta sẽ chiến thắng. Ngay cả khi có nhiều sói vây quanh, chúng ta vẫn sẽ chiến thắng. Nhưng nếu trở thành sói - ‘À, thật thông minh, nhìn này, tôi cảm thấy hài lòng về bản thân mình!’ - chúng ta sẽ bị đánh bại, bởi lẽ bạn sẽ mất đi sự giúp đỡ của Người Chăn Chiên. Mục Tử Giêsu không chăn sói, Ngài chăn chiên!” - Gioan Kim Khẩu. Nếu tôi muốn thuộc về Chúa Giêsu, tôi phải để Ngài chăn dắt tôi, những con chiên hiền, khiêm tốn, nhân hậu như Mục Tử của mình.
Các môn đệ sẽ dễ bị tổn thương như chiên trước sói. Tuy nhiên, Chúa Giêsu còn nói, “Anh em phải khôn như rắn, đơn sơ như bồ câu!”. Để đối phó với sói, chiên phải thông minh như rắn, luôn “bảo vệ cái đầu”, tức bảo vệ đức tin chân chính của mình; đơn sơ như bồ câu, nhẹ nhàng bay đi để “bảo vệ bản thân” khỏi sự thù địch không cần thiết.
Anh Chị em,
“Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói”. Văn hoá thù địch Thiên Chúa thời Chúa Giêsu vẫn kéo dài cho tới ngày nay. Ở nhiều nơi trên thế giới, hoàn cảnh các Kitô hữu bị bách hại, có thể nói, trở nên khắc nghiệt hơn, ngay cả ở những quốc gia trước đây đã từng ủng hộ Kitô giáo. Nhiều Kitô hữu ngày càng cảm thấy mình như chiên giữa sói và ý thức hơn tính cần thiết phải khôn như rắn, trong khi vẫn phải hiền lành như chim bồ câu. Vì thế, trước hết và trên hết, bạn và tôi phải luôn ghi nhớ một điều, tôi pr ‘luôn là chiên’, tín thác tuyệt đối vào Chủ Chiên Nhân Lành của mình.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, để có thể chiến thắng sói dữ, cho con biết ‘luẩn quẩn’ bên Chúa, Đấng ở trên con, trong con, ngoài con, trước con, sau con và cả ‘dưới’ con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
**********
DẠ, CON ĐÂY!
“Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?”; “Dạ, con đây, xin sai con đi!”.
Thế kỷ 19, một tờ báo Paris đăng quảng cáo tuyển người đi truyền giáo hải ngoại thế này: “Chúng tôi sẽ cống hiến cho các bạn không lương bổng, không bảo hiểm, không người chỉ dẫn, không chế độ hưu trí; nhưng phải làm rất nhiều công việc nặng nhọc, chỗ ở tồi tàn, rất ít ủi an, nhiều thất vọng, đau ốm thường xuyên, một cái chết đớn đau trong cô đơn và một nấm mồ vô danh!”. Vậy mà đã có rất nhiều người “điên” đã ghi danh xuống tàu đi truyền giáo. Các thừa sai Việt Nam đầu tiên vào những thời kỳ đầu thuộc số điên này.
Kính thưa Anh Chị em,
Ngày nay, dẫu không đến nỗi phải cảnh “một nấm mồ vô danh”, nhưng có lẽ Thiên Chúa cũng đang thực sự lúng túng khi Ngài không biết phải “sai ai đây”. Vì thế, Lời Chúa nói với Isaia - bài đọc một - nói với các nhà thừa sai ngày nào vẫn đang ngỏ với chúng ta, “Ta sẽ sai ai đây?”.
Trình thuật về ơn gọi của Isaia truyền tải một cảm giác về sự khác biệt và uy nghi của Thiên Chúa. Isaia nhìn thấy Chúa “ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ” lấp đầy nơi thánh. Nhà tiên tri có một ý thức sâu sắc về sự bất xứng của mình khi đứng trước sự hiện diện của Đấng Thánh Khiết.
Ngược lại, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về một Thiên Chúa liên quan mật thiết đến các chi tiết trong công trình sáng tạo của Ngài. Không con chim sẻ nào rơi xuống đất mà Cha trên trời không biết; Ngài là Đấng đếm từng sợi tóc trên đầu mỗi con cái. Nếu con chim sẻ nhỏ bé - hai con có thể mua được một hào ở chợ - là quý trước mặt Chúa Cha thì bạn và tôi quý trọng hơn biết bao, “Các con còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”.
Không có sự xung đột giữa Thiên Chúa của Isaia và Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Ngài là một Thiên Chúa vừa ở bên ngoài chúng ta một cách vô cùng, vừa can thiệp sâu sắc vô hạn các chi tiết bên trong cuộc sống mỗi người. Chính vì Ngài là Cha của chúng ta, nên chúng ta không sợ hãi khi làm chứng cho Chúa Giêsu, tuyên xưng Ngài trước mặt người khác. Hãy nói với Ngài, “Dạ, con đây!” và ‘xuống tàu!’.
Anh Chị em,
“Dạ, con đây!”. Với Isaia, bạn và tôi có thể thưa lên như thế khi biết Đấng sai chúng ta đang đồng hành với chúng ta trên mọi bước đường. Hãy nhớ, “Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung tín, và Ngài sẽ trung tín đến cùng!” - Phaolô. Như Isaia, chúng ta có thể cự nự với lý do này lý do khác, “Khốn thân tôi! Vì tôi là một người môi miệng ô uế”. Và còn hơn thế, “Tay con ô uế, trí con ô uế… Con đang sống giữa một xã hội ô uế”. Nhưng Chúa nói, “Hãy nhìn xem, than hồng đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi ngươi được xoá, tội ngươi được tha!”; “Mỗi ngày các Bí tích chạm đến con, Bí tích Hoà Giải tẩy sạch con, chữa lành con; Bí tích Thánh Thể bổ sức con, nuôi dưỡng con!”. Và khi Thiên Chúa nói xong, Isaia không tài nào cưỡng lại, để rồi ậm ự như bạn và tôi cũng sẽ ậm ự, “Dạ, con đây, xin sai con đi!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, dạ, con đây! Chỉ xin cho con hiểu rằng, mức độ con nhận ra sự quan phòng của Chúa ‘tuỳ thuộc’ mức độ con ném mọi âu lo vào lòng thương xót của Ngài!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: