Chầu Thánh Thể - Cách sống đức tin
CHẦU THÁNH THỂ
Đối với những người Công giáo sùng đạo, không có gì thân mật và tôn thờ hơn là rước lễ – lãnh nhận Thánh Thể, Mình Máu Chúa Kitô.
Trong bí tích tuyệt vời này, chúng ta cảm nghiệm và kết hợp với Chúa Giêsu. Mẹ Giáo Hội từ lâu đã cung cấp cho chúng ta những cách sùng kính nhằm mở rộng sự kiện kỳ diệu này ra ngoài phạm vi Thánh Lễ. Việc sùng kính như vậy thường được gọi là Chầu Thánh Thể.
Trong 300 năm đầu của Kitô giáo, không có hoạt động Chầu Thánh Thể nào có tổ chức và riêng biệt ngoài các buổi thờ phượng Chúa Nhật. Sau khi hoàng đế Constantine chấm dứt cuộc đàn áp các Kitô hữu năm 313 sau công nguyên, việc xây dựng các nhà thờ bắt đầu và Bí tích Thánh Thể dành riêng cho người bệnh được lưu giữ trong nhà thờ và thường được bảo quản trong phòng áo. Trong nhiều thế kỷ tiếp theo, Bí tích Thánh Thể được di dời ra khỏi phòng áo và được cất giữ ở những vị trí xung quanh và phía trên bàn thờ. Mặc dù không nhất thiết phải có mục đích vào thời điểm đó, nhưng điều này khuyến khích việc cầu nguyện riêng trước sự hiện diện của Mình Thánh Chúa được lưu giữ.
NGẮM NHÌN CHĂM CHÚ
Thời Trung Cổ, thói quen phát triển về việc mọi người rước lễ ít thường xuyên, và Giáo Hội cuối cùng đã ra lệnh rằng mọi người phải rước lễ ít nhất mỗi năm một lần. Để phản ánh thêm những thái độ đang thay đổi này, các bàn thờ đã được chuyển ra khỏi cộng đoàn, trong một số nhà thờ có các tấm bình phong đặt giữa cung thánh và gian giữa như thể để tách chủ tế với giáo dân.
Việc tách biệt về thể lý khỏi các hoạt động xung quanh bàn thờ và không thường xuyên rước lễ đã dẫn đến hiện tượng “chầu Thánh Thể bằng cách nhìn chăm chú” – nghĩa là người ta tôn thờ Thánh Thể bằng cách nhìn Thánh Thể thay vì rước Mình Máu Chúa Kitô. Việc người ta không rước lễ không có nghĩa là họ không tin vào sự Hiện Diện Thật của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Thật vậy, những người tham dự Thánh Lễ đặc biệt chú ý đến những khoảnh khắc linh mục nâng cao Mình Thánh Chúa, và mọi người đến tham dự Thánh Lễ sớm để tìm những vị trí thuận lợi để thấy linh mục cầm Mình Thánh Chúa. Do cấu trúc của nhà thờ và việc sử dụng tiếng Latinh, nên thường rất khó để nhìn và hiểu những gì đang diễn ra nơi bàn thờ. Do đó, việc nâng cao được bắt đầu bằng tiếng chuông báo hiệu Mình Thánh Chúa được nâng lên. Các tín hữu hào hứng di chuyển xung quanh để xem sự kiện trọng đại này.
Thông thường người ta tôn thờ Mình Thánh Chúa tại một nhà thờ và sau đó đến tham dự Thánh Lễ ở một nơi khác để chiêm ngưỡng Thánh Thể một lần nữa. Nhiều sử gia Giáo Hội chỉ ra thời kỳ này, khi có thêm việc nâng cao Thánh Thể, là thời điểm bắt đầu cho việc Chầu Thánh Thể, kéo dài và chiêm ngưỡng Mặt Nhật sớm nhất.
LỄ MÌNH MÁU THÁNH
Lễ trọng kính Mình Máu Chúa Kitô bắt đầu từ thế kỷ XIII. Khoảng năm 1209, Thánh Juliana, một nữ tu ở tu viện gần Liege, Bỉ, đã có một loạt thị kiến, trong đó Chúa Giêsu yêu cầu nữ tu này cổ vũ việc thành lập một lễ đặc biệt nhằm tôn vinh và tôn thờ Thánh Thể Ngài. Hai mươi năm sau, Nt Juliana kể với giám mục địa phương, ĐGM Robert de Thorete (hoặc Torote), về những thị kiến của bà.
Mặc dù ý tưởng ban đầu gặp phải một số do dự, nhưng năm 1246, ĐGM Thorete đã ra lệnh cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô trong toàn giáo phận. Năm 1264, ĐGH Urban IV (triều đại 1261-1264) đã ban hành sắc lệnh chỉ thị rằng ngày lễ này phải được cử hành hàng năm trong toàn thể Giáo Hội hoàn vũ. Mặc dù ĐGH Urban qua đời trước khi chỉ thị được ban hành, nhưng cuối cùng ngày lễ cũng đã được thêm vào lịch Giáo Hội trên toàn thế giới từ năm 1317 dưới triều đại của ĐGH Gioan XXII (1316-1334).
Ban đầu, việc rước kiệu không phải là một phần của ngày lễ nhưng mau chóng trở thành thực tế. Giáo dân vẫn hiếm khi rước lễ, và vẫn tiếp tục việc thờ kính bằng cách chiêm ngưỡng Thánh Thể.
Một cách để kéo dài thời gian nhìn và thể hiện lòng tôn kính của họ là rước Mình Thánh Chúa trong cuộc rước kiệu ngày Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Một số cuộc rước kiệu này bắt đầu ở Âu châu vào thế kỷ XIV, có sự tham gia của giáo dân và giáo sĩ đi phía sau giám mục cầm Mặt Nhật có Mình Thánh Chúa. Đầu những năm 1300, các cuộc rước Mình Thánh Chúa được kết thúc bằng phép lành. Đến năm 1600, Giáo Hội ban hành hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện phép lành. Ngày nay, hầu hết các việc sùng kính Thánh Thể thường kết thúc bằng phép lành. Những cuộc rước Mình Thánh Chúa công khai này, đặt Mình Thánh Chúa bên ngoài Nhà Tạm, là tiền thân của việc sùng kính Bốn Mươi Giờ.
BỐN MƯƠI GIỜ
Lịch sử Giáo Hội chỉ ra rằng các Kitô hữu thế kỷ XII nằm trong số những người đầu tiên giữ việc canh thức cầu nguyện 40 giờ và đã làm như vậy trong Tam Nhật Phục Sinh. Bốn mươi giờ là thời gian Chúa Giêsu nằm trong mộ. Ít chắc chắn về việc Mình Thánh Chúa có được trưng bày trong các buổi canh thức hay không. Việc đặt Mình Thánh Chúa ngoài Thánh Lễ, điều mà ngày nay chúng ta gọi là Chầu Thánh Thể – nghĩa là lấy Mình Thánh Chúa từ Nhà Tạm và đặt trên bàn thờ trong một thời gian – có thể bắt nguồn từ thế kỷ XVI. Năm 1537, Giáo Hội và tín hữu ở Milan, Ý, bắt đầu cử hành 40 giờ cầu nguyện vào những thời điểm khác ngoài Tam Nhật Thánh.
Khi việc sùng kính kết thúc ở một nhà thờ, Mình Thánh Chúa được rước đến một nhà thờ khác, Thánh Thể sẽ được trưng bày trên bàn thờ trong 40 giờ cầu nguyện nữa, sau đó tiếp tục đem đến nhà thờ khác,...
Cuộc xâm lược được tiên đoán của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào Ý vào năm 1541 đã khiến ĐGH Phaolô III (triều đại 1534-1549) ban hành một ân xá cho GP Milan, một phần có nội dung: “Đức Tổng Giám Mục Milan, theo lời cầu nguyện của cư dân Milan,” thành phố nói trên, để xoa dịu cơn giận của Chúa bởi hành vi phạm tội của những người theo Kitô giáo, để vô hiệu hóa những nỗ lực và mưu đồ của người Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy sự hủy diệt của Kitô giáo, cùng với các thực hành đạo đức khác, đã thành lập một một loạt các lời nguyện và nài xin được dâng lên suốt ngày đêm bởi tất cả các tín hữu của Chúa Kitô, trước Mình Thánh Chúa, trong tất cả các nhà thờ của thành phố Milan, theo cách mà các tín hữu thực hiện những lời cầu này, họ thay phiên nhau tiếp tục trong 40 giờ liên tiếp ở mỗi nhà thờ.”
Lòng sùng kính này, đặc biệt là sau cuộc nổi dậy của Tin Lành vào thế kỷ XVI, đã mau chóng lan rộng khắp Âu châu, bao gồm cả Rôma, nơi mà năm 1592, ĐGH Clement VIII đã ban hành sắc lệnh “Graves et Diuturnae” bắt buộc phải tuân giữ liên tục việc sùng kính Bốn Mươi Giờ trong dịp Lễ Phục Sinh tại các nhà thờ ở Rôma. Sau đó, ĐGH Clement XI (triều đại 1700-1721) và ĐGH Clement XII (triều đại 1730-1740) đã ban hành các hướng dẫn và chữ đỏ, hầu hết vẫn được sử dụng, trình bày chi tiết việc sùng kính Bốn Mươi Giờ.
Năm 1853, Thánh John Neumann giới thiệu lòng sùng kính này tới Hoa Kỳ. Giáo Luật năm 1917 yêu cầu tất cả các giáo xứ hàng năm cử hành Bốn Mươi Giờ Chầu, nhưng vào năm 1983 đã thay đổi, và ngày nay giáo luật chỉ khuyến khích việc chầu Mình Thánh Chúa hàng năm. Giờ chầu và cử hành Thứ Sáu Đầu tháng là sản phẩm của Bốn Mươi Giờ.
Trong số những việc sùng kính Thánh Thể được chúng ta thực hành nhiều nhất là cầu nguyện trước Nhà Tạm. Là người Công Giáo, chúng ta có thể bước vào bất kỳ nhà thờ Công Giáo nào, nhìn thấy đèn đỏ, rồi thầm cầu nguyện, tôn vinh và tôn thờ Sự Hiện Diện Thật của Chúa Giêsu trong Bí tích Cực Thánh.
Trước mỗi Thánh Lễ, chúng ta suy nghĩ về Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm, sau Thánh Lễ chúng ta ở lại cầu nguyện trước Thánh Thể, và khi ra khỏi tòa giải tội, chúng ta thường đọc lời nguyện sám hối gần Nhà Tạm. Có sự đồng ý chung giữa các chuyên gia Giáo Hội rằng việc tôn thờ Thánh Thể trong Nhà Tạm bắt đầu vào cuối thế kỷ XI hoặc đầu thế kỷ XII.
CHẦU LIÊN TỤC
Việc chầu liên tục 24 giờ suốt ngày đêm trước khi Mình Thánh Chúa có thể được bắt nguồn từ Giáo Hội Tây phương đến thế kỷ VI. Sau đó nó được gọi là “ca ngợi liên tục” và được tìm thấy chủ yếu ở các tu viện hoặc cộng đoàn tu trì. Trong số những địa điểm sớm nhất là nhà thờ chính tòa ở Lugo, Tây Ban Nha, nơi việc cầu nguyện trước Thánh Thể đã diễn ra liên tục trong hơn 1.000 năm.
Năm 1226, Vua Louis VIII của Pháp, tại nhà nguyện Holy Cross ở Avignon, đã đưa ra việc tôn thờ liên tục như một lời tạ ơn vì những nỗ lực thành công của ông nhằm chấm dứt tà giáo Albigensian. Nhóm lạc giáo này bác bỏ đạo Công giáo nói chung và sự Hiện Diện Thật của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể nói riêng. Người dân Avignon liên tục cầu nguyện ngày đêm trong nhà nguyện Holy Cross trong 500 năm tiếp theo.
Mặc dù lịch sử Giáo Hội xác định một số nhóm tôn giáo và địa điểm nơi việc tôn thờ liên tục đã được thực hiện, nhưng phải đến một thời gian nào đó giữa thế kỷ XV và XVI, việc tôn thờ này mới mở rộng cả hoàn vũ.
Trong số những người Công giáo đáng chú ý ở thế kỷ XIX ủng hộ việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, đặc biệt là việc chầu liên tục, có Thánh Phêrô Julian Eymard (1811-1869), Tông Đồ Thánh Thể.
Thánh Phêrô Julian Eymard đã ủng hộ việc chầu Thánh Thể liên tục và thành lập các dòng nam dòng nữ chuyên tâm thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa qua Bí tích Cực Thánh. Từ những nỗ lực ban đầu này, việc chầu liên tục đã mở rộng đến các giáo xứ, và các nhà nguyện trên khắp thế giới.
D.D. EMMONS
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
************
CÁCH SỐNG ĐỨC TIN
Tin là chấp nhận hoặc từ chối: “Người tin thì không cần giải thích, người không tin thì giải thích cũng vô ích!” (Thánh Bernadette, Lộ Đức) Thánh Phaolô nói: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô.” (Rm 10:17)
Mới đây tôi có nói với một người bạn rằng tôi đã đã suy nghĩ nhiều, cứ suy đi nghĩ lại, chưa bao giờ tôi như vậy. Cô bạn tôi nói về cách mà Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta hiện diện ở đây, vào thời điểm đặc biệt đó và đặt vào lịch sử, vì một mục đích. Chúng ta không sinh trong thập niên 1800, cũng không ở đâu đó trong cuộc chiến thành Troy. Hiện nay chúng ta ở đây và vào lúc này.
Càng nghĩ về điều đó tôi càng thấy đây thực sự là điều thâm sâu – trước đây tôi chưa bao giờ thấy mình hiện hữu trong ý nghĩa này.
Sau đó tôi cũng nghĩ về cách mà chúng ta sống trong một kỷ nguyên của thuyết tương đối về luân lý, con người trở thành làn chớp và cách nhìn về tôn giáo đang thay đổi. Bạn có thấy bìa tuần báo Newsweek dịp Lễ Phục Sinh? Hoặc nếu bạn sống ở Denver, Hoa Kỳ, sự lan rộng sẽ thế nào trong năm 2080? Rồi chỉ mới đây, có một cuộc họp tại thành phố của tôi để thảo luận xem trường trung học có được phép phổ biến biện pháp tránh thai cho học sinh hay không, dĩ nhiên không cần cha mẹ cho phép!
Làm sao giải thích đức tin của mình rạch ròi trong thế giới ngày nay? Vì không ngẫu nhiên mà bạn hiện hữu ở đây, còn tôi ở đó. Không gì lạ khi văn hóa của chúng ta đang càng ngày càng trở thành “hậu Kitô giáo,” và càng ngày càng ít chấp nhận quan niệm của Kitô giáo Do Thái truyền thống. Thế nên chúng ta thực sự không nên hy vọng điều gì khác – cũng không nên ngạc nhiên – khi các Kitô hữu bị “gắn mác” là cố chấp và mê tín vì bảo thủ ý kiến.
Hiện nay đa số chúng ta không tích cực cho lắm về lĩnh vực chính trị, cũng chẳng muốn bày tỏ chính kiến. Nhưng chúng ta vẫn đi làm, đi mua sắm, vui chơi, và ăn uống với bạn bè. Đây là những cơ hội để bày tỏ mình có muốn hay không. Theo tôi, có 5 cách thực tế để bày tỏ đức tin. Không phải luôn dễ thực hiện với một thế giới không hiểu bạn, nhưng bây giờ là lúc cần áp dụng.
1. SỐNG ƠN GỌI
Tôi chia sẻ ở đây về việc đưa ra những hình ảnh của một phụ nữ sống hạnh phúc với ơn gọi của mình. Vì tôi thực sự tin rằng có một điều mà thế giới cần, đó là những phụ nữ vui vẻ sống được làm nữ giới. Tôi giao tiếp cái gì với thế giới khi tôi la rầy con cái, tức giận và khổ sở vì điều gì đó? Có thể có điều gì đó rất khác với những gì tôi giao tiếp khi tôi vui cười với con cái hoặc chỉ đơn giản là ngồi tĩnh lặng. Kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nữ giới và người mẹ là điều tốt đẹp và tự do – ngay cả trong sự hỗn độn và nước mắt. Thế giới của chúng ta không muốn thấy điều đó. Đây là lý do mà tôi cố gắng trang điểm và ăn mặc khi tôi đi đâu đó với 7 đứa con của tôi. Chúng ta khả dĩ phát triển khi chúng ta sống ơn gọi của mình.
2. XUẤT HIỆN
Trước đây tôi chưa bao giờ thấy cái đó? Có vẻ nói vậy là chuyện dĩ nhiên, nhưng đôi khi chỉ là người mà chúng ta là cũng đủ là điều kỳ diệu. Đó có thể là một thách đố, nhưng tôi không cố gắng hối tiếc về việc có nhiều con, là người Công giáo, về việc phản đối ngừa thai, về việc chấp nhận là giỏi giang, hoặc về các giá trị truyền thống đã cũ rích và lỗi thời. Ôi, khiếp quá! Tôi thường tâm sự khi tôi có chuyện gì, và dù tôi không đưa ra các ý kiến của tôi, tôi cũng vẫn cố gắng là chính tôi.
3. ẤP Ủ CUỘC SỐNG
Chúa Giêsu đến ban cho chúng ta sự sống dồi dào, nếu điều đó không gợi hứng thì tôi chẳng biết đó là gì. Dù là ai hoặc ở đâu, chúng ta vẫn có thể cho phép mình cởi mở với cuộc đời trong mọi hình thức. Bằng cách nào? Chúng ta có thể nhìn con cái là kết quả của tình yêu trong hôn nhân. Chúng ta có thể tình nguyện đi khám thai, và chờ đợi đứa con sinh ra (dù sinh một hoặc sinh đôi, sinh bốn,…), hoặc phấn khởi vì thấy một phụ nữ sinh con. Chúng ta có thể yêu thương mọi người xung quanh mình bằng nhiều cách – có thể là khó lắm! Văn hóa sự sống là văn hóa tình thương, và ngược lại.
4. YÊU SỰ THẬT
Tôi biết mình đang đi trên vùng đất có mìn khi tôi đề nghị những điều như vậy. Chúng ta sống trong một xã hội cho rằng cái gì thật với mình mới là thật, và cái gì thật với tôi mới là thật – mặc dù đó là những đòi hỏi lẫn nhau không thể chấp nhận. Tuy nhiên, tôi thuộc về niềm tin mà Thiên Chúa đã tỏ chính Ngài cho chúng ta. Có một số điều thật và một số điều sai, nhưng vẫn có sắc thái. Vâng, có sự thất vọng, có bóng tối ảm đạm. Nhưng luôn có khoảng bao la chứa Lòng Thương Xót của Chúa ngay trong những đau khổ và tuyệt vọng của chúng ta. Cuộc đời chúng ta tươi đẹp biết bao nếu chúng ta thực sự bám vào chân lý, nếu chúng ta theo sau Chúa Giêsu bằng sự tuân phục tận đáy lòng, đồng thời đắm mình vào Kinh Thánh, những sách đạo đức, những lời cầu nguyện và những mối quan hệ có sức nuôi dưỡng đức tin.
5. ĐỪNG SỢ!
Chúa Giêsu đã nhiều lần nói vậy, và Thánh GH Gioan Phaolô II cũng đã nhắc nhở điều đó. Điều đó có thể đe dọa chúng ta khi chúng ta bảo vệ đức tin chứ không a dua theo đám đông phản đối. Cứ sống, chúng ta có thể trở nên nhân chứng sống động của các giá trị tôn giáo, giá trị đích thực của đức tin. Người ta muốn biết bạn làm điều này hoặc tin điều đó, nhưng chúng ta có thể tin rằng nếu chúng ta độ lượng, tử tế, chân thật và hòa nhã, chúng ta có thể khiêm nhường nhưng lại cho họ câu trả lời về niềm hy vọng mà chúng ta đã tìm ra. Cần phải can đảm, nhưng có thể đó là lý do mà Thiên Chúa đặt bạn ở đây, ngay bây giờ.
BRIANNA HELDT
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
- Tổng Hơp: