Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Mở một cánh cửa - Tình yêu cương nghị

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

MỞ MỘT CÁNH CỬA

 

“Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời”.

 

“Để diện kiến Hài Nhi Giêsu, ba nhà đạo sĩ đã phải trả giá cao - một hành trình dài - với những lễ phẩm đắt tiền. Và cuộc sống của họ đã đổi thay khi “Họ rẽ qua đường khác mà về” sau khi gặp Vua Trời, Đấng luôn ‘mở một cánh cửa’ với bất cứ ai!” - Anon.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Không như trường hợp của ba nhà đạo sĩ, Lời Chúa hôm nay cho thấy một điều gì đó hoàn toàn khác! Chúa Giêsu nói, “Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời”. Và nếu như thế, Đấng luôn ‘mở một cánh cửa’ với bất cứ ai, xem ra, lại ‘đóng cửa’ với một hạng nào đó? Chúng ta cùng xem xét!

 

Sự khôn ngoan, kiến thức và hiểu biết là ba trong bảy ơn Chúa Thánh Thần; vì thế, tự nó, không thể là vấn đề! Ở đây, Chúa Giêsu đang nói đến những người mà ‘lòng kiêu hãnh và cái tôi’ của họ quá cao đến nỗi tự cho mình có quyền thẩm định mọi sự. Do đó, những mầu nhiệm của Thiên Chúa bị che khuất khỏi họ, bởi họ đã tập trung trái tim và tâm trí vào bản thân như là ‘điều thiện tối cao!’. Trong “Thiên Chúa và Thế Giới”, Ratzinger viết, “Một sinh vật càng lớn càng muốn khẳng định mình. Nó muốn ngày càng ít phụ thuộc hơn; và do đó, ngày càng trở thành ‘một loại thần thánh’ không cần ai! Đây là cách tự mãn nảy sinh, cái mà chúng ta gọi là tự hào!”. Họ là những người tự đóng mình trước Thiên Chúa, Đấng luôn ‘mở một cánh cửa’ cho những ai khiêm hạ!

 

Ngày kia, một môn đệ hỏi, “Thưa thầy, tại sao ngày xưa có nhiều người gặp được Thiên Chúa mà ngày nay xem ra không còn những con người như thế?”. Vị thầy đáp, “Vì ngày nay chẳng còn ai chịu cúi mình sâu đến vậy!”. Rồi đây, Chúa Giêsu sẽ chỉ ra ‘chướng ngại’ này - lòng kiêu hãnh và cái tôi. “Ai không hoá nên trẻ thơ, sẽ không vào được Nước Trời!”. Ngay cả khi đã trưởng thành, chúng ta không bao giờ được ngừng trở nên trẻ thơ vốn không phức tạp và luôn phụ thuộc. Ẩn mình sau những chiếc mặt nạ và phát triển những xảo quyệt là một xu hướng được học theo thời gian. Từng chút một, người ta tính toán, viện cớ, để hạn chế lòng quảng đại của mình rồi lạc khỏi sự đơn giản và chính trực. Thất bại trong cuộc sống của chúng ta là do không thành thật, thiếu vắng sự cao quý và lòng trung thành cần thiết để làm những gì Thiên Chúa muốn.

 

Anh Chị em,

 

“Nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn!”. Trong cuộc sống, điều quan trọng là bạn và tôi phải thường xuyên suy gẫm xem mình giống những người khôn ngoan và thông thái hơn hay giống những người bé mọn hơn. Mặc dù Thiên Chúa là một mầu nhiệm vô hạn không thể hiểu thấu, nhưng chúng ta phải biết Ngài. Và cách duy nhất để nhận biết Ngài là Ngài đã mạc khải chính mình cho chúng ta trong Con Một Yêu Dấu. Với Con Một của mình, Thiên Chúa đã ‘mở một cánh cửa’ có tên Giêsu. Hãy đi qua Ngài, chiêm ngắm Ngài và nên giống Ngài mỗi ngày bằng cách khiêm tốn ngoan nguỳ như một trẻ thơ bất kể bạn và tôi là ai!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, cửa Giêsu luôn mở nhưng khổ nỗi, nó thường rất hẹp và thấp. Để có thể chui lọt, dạy con biết cúi mình trước Chúa, trước anh chị em con mỗi ngày!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*********

 

TÌNH YÊU CƯƠNG NGHỊ

 

“Khốn cho ngươi, hỡi Corozain! Khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa!”.

 

“Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy!”. “Tình yêu làm cho sự vâng lời trở nên dễ dàng. Đó là niềm vui của tình yêu khi tôi làm điều người yêu tôi mong muốn. Phản ứng đúng đắn của Kitô hữu không phải là nghiến răng chịu đựng, mà là nhớ xem ‘Ai’ là người yêu cầu điều này - Chúa và lợi ích của Ngài - với một tình yêu cương nghị!” - Ray Stedman.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Khốn cho ngươi!”. Những lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay thật gây sốc! Liệu Ngài mất kiểm soát khi bộc phát những lời cay nghiệt ấy? Vậy động cơ bên trong của những lời này là gì? Động cơ của nó vẫn là tình yêu, một ‘tình yêu cương nghị!’.

 

Chúa Giêsu quở trách dân các thành chỉ vì yêu thương và mong muốn họ thay đổi. Họ đã không ăn năn tội mình trước lời mời gọi của Ngài với những lời chứng mạnh mẽ hoặc các phép lạ Ngài làm. Vì thế, Ngài cần đưa mọi việc lên một tầm cao mới, một cấp độ mới; và cấp độ mới này là một lời quở trách thánh thiện, mạnh mẽ, rõ ràng. Hành động của Ngài thoạt đầu có thể được coi là một cảm xúc giận dữ. Nhưng đó là sự khác biệt quyết định! Chúa Giêsu không quở trách vì giận đến nỗi mất khôn; đúng hơn, Ngài quở trách vì họ cần quở trách để thay đổi một lối sống.

 

Sự thật tương tự cũng có thể được áp dụng vào cuộc sống chúng ta. Đôi khi chúng ta được biến đổi và chiến thắng một tội lỗi nhờ một lời mời gọi ân sủng nhẹ nhàng của Chúa. Tuy nhiên, vào những lúc khác, khi tội lỗi quá nghiêm trọng, chúng ta cần một lời ‘quở trách thánh’ quyết liệt hơn. Trong trường hợp này, chúng ta nên nghe những lời hôm nay của Chúa Giêsu như thể chúng hướng vào chúng ta, dành cho chúng ta. Vì lẽ, đây có thể là hành động thương xót cụ thể mà chúng ta cần trong cuộc sống.

 

Với những lời này, Đức Phanxicô mời bạn và tôi xét mình, “Khốn cho con, khốn cho con!” vì Ta đã ban cho con quá nhiều. Ta ban chính Ta cho con, Ta đã chọn con là Kitô hữu, nhưng các con lại thích một cuộc sống nửa vời, một cuộc sống hời hợt: một chút Kitô giáo với một chút nước thánh và không có gì hơn! Sống theo kiểu đạo đức giả Kitô giáo này, điều cuối cùng chúng ta làm, là loại Chúa Giêsu ra khỏi trái tim mình. Chúng ta giả vờ có Ngài, nhưng đã đuổi Ngài ra ngoài. “Là Kitô hữu, chúng tôi tự hào là Kitô hữu!”, nhưng chúng ta sống như những người ngoại đạo! Thái độ này giản lược Tin Mừng thành một sự kiện xã hội hoặc một tương giao xã hội hơn là mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu. Và Kitô giáo trở thành một thói quen xã hội, một bộ quần áo tôi mặc rồi vứt sang một bên. Chúa Giêsu khóc thương vì chúng ta sống theo Kitô giáo ‘một cách chính thức’ chứ ‘không đích thực!’”.

 

Anh Chị em,

 

“Khốn cho con, khốn cho con!”. Hôm nay, hãy suy gẫm xem bạn có cần Chúa Giêsu quở trách hay không. Nếu có, hãy để Tin Mừng ‘tình yêu cương nghị’ này thấm nhuần. Bạn và tôi cũng hãy suy gẫm về trách nhiệm của mình trong việc sửa chữa lỗi lầm của những người khác. Đừng ngại thực hiện một hành động yêu thương thiêng liêng dưới hình thức quở phạt rõ ràng, mạnh mẽ. Nó có thể là chìa khoá để giúp những người bạn yêu thương yêu Chúa nhiều hơn.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, giúp con ăn năn tội mình hàng ngày. Và giúp con trở thành khí cụ sám hối của người khác!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)