Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đừng vụ luật - Người tôi trung hiền lành

Tác giả: 
Huệ Minh

 

 

19.7 Thứ Sáu trong tuần thứ Mười Lăm Mùa Quanh Năm

Is 38:1-8,21-22; Is 38:10-11,12,16; Mt 12:1-8

 

ĐỪNG VỤ LUẬT

 

Phải chăng những người Pha-ri-sêu kết án các tông đồ vì các ông đã bứt lúa ăn khi họ đi dọc đường để thỏa mãn cơn đói? Không khó để chúng ta có thể thấy điều này thật phi lí. Các tông đồ không làm gì sai nhưng cũng bị lên án, vì đối với những người Pha-ri-sêu, lỗi của các môn đệ không phải là bứt và ăn lúa mì nhưng là vì họ đã làm việc đó trong ngày Sabát.

 

Chính vì lẽ đó, Chúa Giê-su đã đáp trả lại sự vô lí của người Pha-ri-sêu bằng cách nhắc nhớ họ về Kinh Thánh, “Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế.” vì họ không hiểu luật này phát xuất từ lòng thương xót của Thiên Chúa.

 

Luật nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát xuất phát từ việc Chúa Giêsu đã nghỉ ngơi sau khi làm việc tạo dựng. Luật đó không phải là một sự đòi hỏi lợi ích cá nhân, càng không phải là một sự đòi hỏi cứng nhắc, nhưng nếu giữ luật ngày Sa-bát một cách chuẩn mực, đó là cách tôn vinh Thiên Chúa. Nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát chính là một món quà Thiên Chúa ban cho nhân loại, vì Ngài biết chúng ta cần được nghỉ ngơi, cần sự tái tạo sức sống sau nhiều ngày làm việc vất vả, Ngài biết chúng ta cần thời gian để sống chậm lại, dâng lễ với Chúa trong sự riêng tư và tận hưởng các mối tương quan với người khác. Nhưng những người Pha-ri-sêu biến ngày nghỉ ngơi này thành gánh nặng, thành sự tuân thủ luật lệ cách cứng nhắc, không được làm bất cứ việc gì để tôn vinh Thiên Chúa.

 

Đức Giêsu là người Do-thái, hẳn là Người biết rất rõ về lề luật nơi người Do-thái, luật ngày sabát là luật bất di bất dịch, là luật cắt nghĩa rất cụ thể và rõ ràng, và là luật thứ ba của Thập Giới. Hẳn nhiên một người biết cân nhắc điều đó chẳng mất lòng ai, và cũng được việc, nhưng Đức Giêsu đã không làm điều đó. Trái lại, nhân cơ hội này, Người dạy cho chúng ta cách hành xử trong cuộc sống.

 

Những người Pharisiêu trong đoạn Tin mừng họ vẫn biết yêu thương người khác, họ vẫn biết chữa lành cho người bệnh là điều nên làm do bản tình thiện trong con người học nhưng họ gặp phải giới luật giữ ngày sabat và họ đã từ chối thi thố tình yêu trong ngày sabat. Như vậy con người họ không được thống nhất và họ mất bình an.

 

Còn Chúa Giêsu thì khác hẳn, Người đến không phải để huỷ bỏ lề luật nhưng Người kiện toàn nó bằng giới luật yêu thương. Nếu không có tình yêu thương thì việc giữ lề luật như một cái xác không hồn. Cách tuân giữ lề luật trên hết là tôn vinh Thiên Chúa. Tôn vinh Thiên Chúa thì có nhiều cách mà yêu thương tha nhân là một cách xứng hợp.

 

Chúa Giêsu đã đến và đưa con người trở lại cái cốt lõi của đạo. Tin Mừng hôm nay ghi lại một nỗ lực của Chúa Giêsu nhằm nhắc nhở cho người Do thái về cái cốt lõi của đạo được thể hiện qua lề luật. Một trong những khoản quan trọng của lề luật chính là ngày Hưu lễ. Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật chính là mặc cho tinh thần và ý nghĩa của yêu thương; không có tình thương, lề luật chỉ còn là một cái xác không hồn.

 

Như vậy, kiện toàn luật giữ ngày Hưu lễ chính là biến ngày đó thành ngày tôn vinh Thiên Chúa, và không gì đúng đắn và xứng hợp hơn để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Hưu lễ cho bằng thể hiện tình thương đối với tha nhân. Lề luật là một thể hiện ý muốn của Thiên Chúa, và ý muốn của Chúa không gì khác hơn là con người được sống, và sống dồi dào, sung mãn chính là sống yêu thương. Như vậy chu toàn lề luật trước tiên là sống yêu thương.

 

Theo những người luật sĩ và biệt phái thì ngày Sabat là ngày nghỉ “không làm gì cả”. Tuy họ có chấp thuận một số việc được làm trong ngày Sabat nhưng phải tùy trường hợp nào đó rất cụ thể, thì con người mới được phép làm.

 

Nếu như thế, thì người luật sĩ và biệt phái quá câu nệ vào việc tuân giữ luật ngày Sabat, nên quên mục đích của ngày ấy là nhằm lợi ích cho con người. Sở dĩ có ngày Sabat là để giúp dân chúng có nhiều thời gian thờ phượng Chúa. Điều đó cũng là để giúp dân chúng có nhiều thời gian thờ phượng Chúa. Điều đó cũng là để mang lại lợi ích cho họ mà thôi.

 

Người luật sĩ và biệt phái quá chú tâm vào việc giữ luật đến nỗi quên mất lề luật đặt ra chỉ vì lợi ích cho con người. Yếu tố con người mới là quan trọng, là chủ chốt, là mục đích để hướng tới.

 

Lễ nghỉ của đạo Do Thái là ngày Sabat, lễ nghỉ của người Công Giáo là ngày Chúa Nhật. Chúa muốn chúng ta thánh hóa ngày Chúa Nhật bằng cách tham dự Thánh Lễ, học hỏi giáo lý, suy niệm Lời Chúa, làm việc tông đồ, thực hành bác ái và nghỉ ngơi dưỡng sức.

 

Như vậy, ngày Chúa Nhật cốt để tôi luyện lòng trí chúng ta đến tâm  tình mến Chúa và lòng yêu thương con người. Cho nên, nếu có trở ngại cho đức bác ái yêu thương thì luật buộc nghỉ lễ cũng phải nhượng bộ cho tình thương ấy.

 

Và rồi "Tin Mừng là để phục vụ sự sống". Đây là lý do tại sao Đức Giêsu không cân nhắc. Vì ngày sabát Người có thói quen lên hội đường, để đọc sách Thánh, để được rao giảng Tin mừng. Như thế Tin mừng của Người sẽ chết, ngày sabát sẽ vô nghĩa nếu như sau lời rao giảng của Người, mà Người vẫn vô tâm đi qua một con người đang đau khổ ngồi trước mặt, và không chặn lòng trước nỗi thống khổ của anh em. Vâng, không thể được, Tin mừng Người là Tin vui, Tin mừng là để mang lại sự sống, một sự sống hoàn hảo, và ngày sabát thực sự phải là ngày phục vụ Niềm vui hân hoan và sự sống.

 

Đoạn trích Tin Mừng mời gọi chúng ta nhìn và giải thích luật lệ của Thiên Chúa qua lăng kính của lòng thương xót. Lòng thương xót biến đổi chúng ta, nâng đỡ và thúc đẩy chúng ta đến việc thờ phượng Thiên Chúa, và lấp đầy chúng ta bằng niềm hy vọng. Lòng thương xót không đòi hỏi gánh nặng cứng nhắc đè nặng chúng ta; trái lại, lòng thương xót cũng như luật lệ của Thiên Chúa được đặt ra để cho con người sống hạnh phúc hơn, nhân bản hơn.

 

Hôm nay, mời chúng ta hãy suy ngẫm về cách chúng ta nhìn vào các giới răn và điều luật của Thiên Chúa. Chúng ta có thấy đó là một sự đòi hỏi cứng nhắc và nặng nề không? Hay chúng ta có thấy đó là một ơn lành của lòng thương xót Chúa an ủi gánh nặng của chúng ta?

 

***************

 

20.7 Thứ Bảy trong tuần thứ Mười Lăm Mùa Quanh Năm

St 2:1-5; Tv 10:1-2,3-4,7-8,14; Mt 12:14-21

 

Người Tôi Trung Hiền Lành

 

Chúa Giêsu biết rõ những người Biệt Phái ghen ghép và mưu hại Ngài, Ngài đã kín đáo rời khỏi miền Galilê để tiếp tục sứ mệnh của Ngài tại nhiều nơi khác, Ngài còn cấm những kẻ theo Ngài không được tiết lộ cho thiên hạ biết Ngài là ai. Thánh Mátthêu đã nhận ra trong sự kiện này lời tiên tri Isaia đã ứng nghiệm, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.

 

Ðấng Thiên Sai là Con Thiên Chúa. Thần Khí Thiên Chúa luôn ngự trên Ngài, nhưng theo lời tiên tri Isaia, khi Ngài xuất hiện thì đây là dấu để nhận ra Ngài; một con người hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng, Ngài không cãi vả, không la lối, Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã dập, không dập tắt tim đèn còn khói. Ðó chính là lòng nhân từ kiên nhẫn, xót thương của Chúa. Nhưng Ngài hiền lành không phải để buông xuôi, mà là để thâm nhập tâm hồn con người, cho đến lúc sự công chính được toàn thắng và muôn dân nước đều hy vọng vào Ngài.

 

Thật ra, trong suốt cuộc sống tại thế và cho đến hôm nay, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn chờ đợi với hy vọng mọi người trở về với Ngài để được cứu thoát. Chẳng hạn với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, một thứ tội phải bị ném đá, Chúa Giêsu chỉ nói: "Tôi cũng không kết án chị, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa". Ngài luôn quả quyết: "Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn trở lại", và thực tế, Ngài đã chữa lành những kẻ bị coi là tội lỗi và bị xã hội ruồng bỏ.

 

Chúa Giêsu đến để rao giảng sự công chính, và Ngài đem sự công chính đến cho con người. Vì vậy, sau một số lần tranh luận với Chúa Giêsu, những người biệt phái nhận ra giáo lý mới lạ của Ngài mà họ coi là không  thể chấp nhận được, nên họ ghen ghét và  âm mưu hãm hại Chúa Giêsu, họ an tâm khi thấy Ngài rút lui và Ngài còn ngăn cấm những kẻ theo Ngài không được  tiết lộ cho thiên hạ biết Ngài là ai.

 

Ta thấy khi đụng chuyện Ngài rút lui, tránh né, không phải vì sợ sệt, yếu thế, thua cuộc nhưng là để nêu bật đường lối khiêm tốn, ôn hòa và yêu thương mà Matthêu trưng dẫn lời tiên tri Isaia về Ngài: “Người không cãi vã, không kêu to, chẳng ai thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy,Tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi…”

 

Thánh Mátthêu cho biết lời tiên báo về Người Tôi Trung trong sách ngôn sứ Isaia được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu: Ngài là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn; Thiên Chúa hài lòng vì người Tôi Trung hiền lành nhân hậu ấy. Không cãi vã, không lớn tiếng: đó là tính cách nhân bản nhưng được nuôi dưỡng và phong phú bởi lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa: Ngài luôn quan tâm, nâng đỡ, bênh vực những người bất hạnh, những người không có địa vị; những người bị gạt ra ngoài lề, không tiếng nói trong xã hội lại được Ngài dang tay đón nhận; dẫu chỉ còn một tia hy vọng le lói, Ngài vẫn nhẫn nại đợi chờ để cứu độ con người.

 

Mở đầu Tin Mừng là một lời cảnh cáo, đe dọa "Ra khỏi hội đường, nhóm Pharisêu bàn bạc tìm cách giết Đức Giêsu" (c.14) vì Đức Giêsu đã chữa người bại tay trong ngày sabat, một ngày mà theo luật Môsê không được làm bất cứ công việc gì, dù là chữa bệnh. Thánh sử nói tiếp "biết vậy, Đức Giêsu lánh khỏi đó" (15a).

 

Đây là sự khôn ngoan của người rao giảng Tin Mừng: bị bắt ở thành này trốn sang thành nọ, để Tin Mừng được nuôi dưỡng và sống động. Các người cầm quyền thì tìm cách bắt giết Đức Giêsu, còn dân chúng thì lũ lượt đi theo Ngài và Ngài đã chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền của họ. Chúng ta thấy thái độ hồ hởi, ủng hộ của dân chúng trái ngược với lòng thù hằn, ghen ghét của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Đức Giêsu tránh né nhóm Pharisiêu, nhưng Ngài cũng không hài lòng về thái độ của dân chúng. Ngài cấm họ không được tiết lộ Ngài là Đấng Mêsia: Tôi Trung của Thiên Chúa như trong sách Isaia đã nói: Đây là một  bức tranh đẹp cho những nhà truyền giáo: Một Đấng Mêsia khiêm tốn, âm thầm, giản dị, hòa đồng, thương cảm người nghèo khổ.

 

Người Tôi Trung: được tuyển chọn - Người yêu dấu - làm hài lòng chủ nhân (c.18a).

 

Với câu này ta thấy một tương quan tốt đẹp giữa chủ nhân và người Tôi Tớ trung thành này. Người Tôi Tớ hết lòng hết sức với chủ, còn chủ nhân yêu mến, tuyển lựa và rất hài lòng về người Tôi Tớ của mình. Người Tôi Tờ này được ban Thần Khí. Sứ mệnh của Người là loan báo công lý cho mọi người, nghĩa là ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Người không cãi vã nói lên tính hiền lành, không kêu to là sự âm thâm khiêm tốn. Danh Ngài không được biết đến nơi phố xá, đô thị. Nhưng Ngài có một lòng thương xót vô bờ bến, nâng đỡ và thương cảm ngay cả những kẻ chống đối, thù nghịch với mình "cây lau bị giập, không đành bẻ gãy; tim đèn leo lét chẳng nợ tắt đi". Nói tóm lại, người Tôi Trung dùng chính tình yêu thương và lòng khiêm tốn mà loan báo Tin Mừng Nước Trời, làm cho Nước Cha trị đến trên toàn thế giới này. Điều đó đem lại niềm hy vọng cho Israel nói riêng và toàn dân trên mặt đất này nói chung, mỗi khi kêu cầu danh Thánh Ngài.

 

Dấu hiệu để nhận ra Ngài, Đấng Thiên sai : một con người hiền lành, khiêm tốn, nhẫn nại, ôn hòa và đầy lòng thương xót.

 

Một điều vượt ngoài sự tiên liệu của người Do Thái, đó là nếu không rao giảng bằng lời nói, thì Chúa Giêsu lại rao giảng bằng việc làm, bằng hành động, Ngài không lớn tiếng, không ai nghe tiếng Ngài ngoài đường phố, nhưng bước chân Ngài lại vang lên tiếng nói tình thương.

 

          Thực ra, lời nói cũng tạo ra nhiều ảnh hưởng trên tâm lý con người; muốn kinh doanh một mặt hàng, trước hết phải nghĩ đến việc quảng cáo, muốn cuộc đấu tranh có sức mạnh thì cần đến kế hoạch tuyên truyền. Tuy nhiên, tiếng nói không đơn thuần chỉ là những lời trên môi miệng, mà còn có tiếng nói bằng hành động và con tim.

 

Người ta có thể khóa miệng mà không thể nào khóa được con tim. Tiếng nói của lòng nhân từ không những chẳng gì giập tắt được mà sức mạnh của nó có khả năng xuyên qua mọi rào cản.

 

Thật vậy, Ngài không đến để khinh dể người những ngườu yếu đuối, tội lỗi nhưng để thông cảm với họ, Chúa Giêsu đến không phải để làm nản lòng con người mà là để khích lệ và khơi lên niềm hy vọng. Khi các biệt phái đưa người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến trước mặt Chúa Giêsu để hỏi ý kiến Ngài nhưng Chúa Giêsu im lặng…Và Ngài chỉ nói: “Tôi không kết án chị, chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,3-11)

 

Lời Chúa hôm nay phác hoạ cho ta chân dung hiền lành của Đức Giêsu: Đấng chinh phục con người bằng lòng hiền hậu, điềm tĩnh chứ không bằng lời lẽ to tiếng, hơn thua; Đấng đồng cảm với những kẻ yếu đuối, nâng đỡ, khích lệ, ủi an họ. Đức Bênêđitô XVI khẳng định rằng: “Tình yêu trong sự thuần khiết và vô tư là chứng cớ tốt nhất về Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta tin và thúc đẩy chúng ta yêu thương” (Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu).

 

Tình thương Kitô giáo được xây dựng trên nền tảng của sự hiền lành, như lời Thánh Tôma Aquinô: “Kiêu ngạo là cay đắng, là tàn nhẫn, là chỉ nghĩ đến bản thân, cho nên kiêu ngạo khiến ta đố kỵ nhau. Bởi vậy, muốn yêu thương phải bắt đầu để cho tâm hồn mình thấm nhuần hiền lành.” Chỉ khi sống hiền lành, bạn mới thấy được tình yêu của Chúa Kitô là động lực thúc bách bạn yêu thương và tha thứ.

 

Lời Chúa hôm nay một lần nữa cho chúng ta thấy: đó là lời rao giảng mà bất cứ kiến thức hay ngôn ngữ nào cũng có thể hiểu được. nó diễn tả sứ mạng của Đấng Cứu Thế là giới thiệu lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa đem lại tin tưởng và hy vọng cho con người.

 

Bổn phận của mỗi người Kitô hữu là giới thiệu Chúa cho người khác. Nếu không rao giảng bằng lời nói thì vẫn còn có nhiều cách khác âm thầm nhưng không kém hữu hiệu. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết lấy chính đời sống để rao giảng lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em.

 

Lời Chúa hôm nay một lần nữa cho thấy ơn cứu rỗi ở tầm tay chúng ta: được cứu rỗi hay không là do chúng ta, vì Chúa vẫn kiên nhẫn và ban ơn đầy đủ, chỉ cần chúng ta thành tâm trở về với Ngài. Người trộm lành chỉ trong giây phút hướng tâm hồn về Chúa và tin tưởng nơi Ngài, đã được Chúa hứa cho ở trên Thiên Ðàng với Chúa ngay hôm đó. Còn Giuđa đã thất vọng đến chỗ tự vẫn, thì đó là dấu chưa hiểu lòng Chúa thương yêu bao la đến mức nào.