Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Chữa lành thầm lặng - Thả tôi nằm nghỉ

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

CHỮA LÀNH THẦM LẶNG

 

“Nhóm Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Chúa Giêsu. Biết vậy, Ngài lánh khỏi nơi đó!”.

 

“Sẽ đến một lúc, không ai biết khi nào; sẽ có một nơi, không ai biết ở đâu. Nó đánh dấu số phận vinh quang hay tuyệt vọng của mỗi người! Và sẽ có một lằn ranh ẩn khuất giữa sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và cơn thịnh nộ của Ngài. Nhưng với những ai tin vào một Đấng đời đời yêu thương, thì toàn bộ cuộc sống chỉ là một cuộc chữa lành thầm lặng!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Toàn bộ cuộc sống chỉ là một ‘cuộc chữa lành thầm lặng!’”. Ý tưởng của A. Alexander được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay qua cách ứng xử tuyệt vời của Chúa Giêsu; “Ngài lánh khỏi nơi đó!” khi biết người ta đang tìm giết Ngài.

 

“Lánh khỏi nơi đó”, không phải vì Chúa Giêsu sợ, cũng không phải vì Ngài chưa chuẩn bị đủ; nhưng vì lòng người chưa sẵn sàng để đón nhận sứ điệp cứu độ. “Lánh khỏi nơi đó” nhưng Ngài vẫn tiếp tục chữa lành họ! Vậy “lánh khỏi nơi đó”, Chúa Giêsu đi đâu? Trước ác tâm của con người, có thể Ngài ra ngồi đâu đó, đùa vui với lũ sẻ! Bởi Ngài không thích báng bổ, cũng không muốn kích động một cuộc đối đầu. Mỗi khi thách thức ai, Chúa Giêsu muốn dẫn người đó đến chỗ suy gẫm sâu sắc hơn về bản thân họ và cuối cùng, là sự hoán cải. Đây không phải là lúc để thu hút, thuyết phục, Ngài “lánh khỏi nơi đó” chỉ để chờ đợi! Đó là một giai đoạn trong tiến trình chữa lành các linh hồn, ‘chữa lành thầm lặng!’.

 

Cả chúng ta, đôi khi bạn và tôi thấy mình có những bất đồng, thậm chí với những người thân. Khi những cảm xúc này dấy lên, rõ ràng là vì một hoặc cả hai bên chưa sẵn sàng cho sự thật… thì điều cần làm là hãy “lánh khỏi nơi đó” và đợi cho đến thời điểm mà trái tim chúng ta rộng mở hơn; cũng như chờ đợi người anh em không còn đóng chặt cánh cửa trái tim họ. Và điều này thật cần thiết trong chuỗi tiến trình chữa lành!

 

Bài đọc Mikha hôm nay cũng không nằm ngoài kế hoạch Thiên Chúa chữa lành dân Ngài; đúng hơn, ‘chữa lành thầm lặng’ những người giàu. Mikha lên tiếng cảnh báo những ai trục lợi trên người nghèo. Này rồi đây, kẻ thù sẽ tàn phá tất cả và “Đó sẽ là thời tai hoạ”, thời mà “Chúa không quên những người nghèo khổ!” - Thánh Vịnh đáp ca.

 

Trở lại với Tin Mừng, một chi tiết quan trọng cần lưu ý, “Dân chúng đông đảo theo Chúa Giêsu và Ngài chữa lành hết!”. Đừng nghĩ tất cả các cuộc chữa lành đều là vật lý! Không chỉ thế, Ngài chữa trị cả trí tri và linh hồn! Đó là những ai bị cuộc sống, thử thách và tội lỗi vùi dập… và ngày nay, Ngài vẫn tiếp tục chữa lành. Chúa Giêsu là thầy thuốc vĩ đại muốn cứu tất cả, dù là chữa lành công khai hay ‘chữa lành thầm lặng’.

 

Anh Chị em,

 

“Ngài lánh khỏi nơi đó!”. Chúa Giêsu, Đấng mà gió lẫn biển phải tuân lệnh và ma quỷ cũng phải khuất phục; thế mà trước con người, đôi khi, Ngài như thể chịu thua. Ngài nhân hậu, nhẫn nhịn, hiền lành; và thậm chí, chấp nhận trả một giá đắt - thập giá - để không chỉ trở nên Đấng chữa lành những con người mà còn là Đấng Cứu Độ Thế Giới. Cũng thế, nếu có thể “lánh khỏi nơi đó” như Chúa Giêsu mỗi khi cần thiết, các cuộc ‘chữa lành thầm lặng’ của bạn và tôi vẫn mang tính cứu độ thế giới!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, Đấng kiên nhẫn với con hơn ai hết! Cho con một đôi khi, cũng biết rời đi nơi khác, chờ đợi trái tim mở cửa, không chỉ tim anh chị em con mà cả trái tim con!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*********

 

THẢ TÔI NẰM NGHỈ

 

“Trong đồng cỏ xanh tươi, Người thả tôi nằm nghỉ!”.

 

“Mọi vấn đề của nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người không biết nghỉ ngơi!” - Blaise Pascal.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta khám phá tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi. Sau khi thi hành sứ vụ, các tông đồ thấm mệt, trở về; Chúa Giêsu bảo, “Các con hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!”. Tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca thật phù hợp, “Trong đồng cỏ xanh tươi, Người thả tôi nằm nghỉ!”.

 

‘Nghỉ ngơi trong Chúa’ có nghĩa là ‘cầu nguyện!’. Một trong những cám dỗ mà bất cứ Kitô hữu nào cũng có thể không chống nổi là muốn làm quá nhiều việc; và do đó - mỗi ngày một chút - xa Chúa dần! Về việc cầu nguyện - thời khắc Chúa ‘thả tôi nằm nghỉ’ - một trong những mối nguy lớn nhất là bạn có thể dễ dàng nghĩ rằng, có những việc lớn lao hơn, quan trọng hơn và cấp bách hơn cần làm, dẫn tới chỗ thiếu quan tâm đến ‘việc ở lại với Chúa’; và cho dẫu đó là việc của Chúa thì “Chúa vẫn luôn quan trọng hơn việc của Ngài!”. Vì lý do đó, Chúa Giêsu nói với các tông đồ - dù đã kiệt sức nhưng vẫn phấn khởi vì mọi việc đã diễn ra quá tốt đẹp - rằng, họ phải nghỉ ngơi!

 

Để có thể ‘nghỉ ngơi trong Chúa’ đúng cách, bạn phải ‘ở lại với Chúa Giêsu’, người mà bạn sẽ trò chuyện. Hãy xác tín bạn đang ở với Ngài! Vì lý do này, mọi giờ cầu nguyện phải luôn luôn bắt đầu bằng việc ý thức sự hiện diện của Chúa, đây thường là phần khó khăn nhất. Thứ đến, bạn phải ‘ở một mình’ với Ngài, vì nếu thực sự muốn nói chuyện thân mật và sâu sắc với ai, chúng ta chọn ở một mình với họ.

 

Thánh Pierre Julian Eymard cảnh báo chúng ta về mối nguy ‘lấp đầy lời tạ ơn’ sau rước lễ bằng nhiều lời thuộc lòng. Ngài nói, “Sau khi rước Mình Thánh Chúa, điều tốt nhất nên làm là thinh lặng để Chúa Giêsu nói với chúng ta thay vì nói với Ngài về những kế hoạch và những dự án. Tốt hơn, hãy để Chúa Giêsu hướng dẫn và khích lệ bạn!”.

 

Ngài là hiện thân của Thiên Chúa Mục Tử - bài đọc một - Ngài rao giảng và làm các công việc Chúa Cha trao. Ngài không bỏ mặc những nhu cầu của đám đông, nhưng mỗi ngày, trước hết, Ngài rút lui để cầu nguyện trong thinh lặng, trong sự thân mật với Cha. Lời mời dịu dàng của Ngài - hãy nghỉ ngơi đôi chút - sẽ đồng hành với chúng ta mỗi ngày và mọi ngày.

 

Anh Chị em,

 

“Người thả tôi nằm nghỉ!”. Cầu nguyện, chiêm ngắm, sẽ là nơi mà lòng từ bi phát sinh. Nếu chúng ta biết cách nghỉ ngơi thực sự, chúng ta sẽ có khả năng từ bi thực sự; nếu chúng ta biết trau dồi một đời sống chiêm niệm, cầu nguyện, chúng ta sẽ thực hiện các hoạt động của mình mà không có thái độ tham lam của những kẻ muốn sở hữu và tiêu thụ mọi thứ. Nếu chúng ta giữ liên lạc với Chúa và không gây mê phần sâu thẳm nhất của mình, thì những việc phải làm sẽ không có khả năng gây kiệt sức hoặc nuốt chửng chúng ta. Hãy lắng nghe điều này, chúng ta cần một “bầu sinh thái của trái tim”, bao gồm sự nghỉ ngơi trong Chúa, chiêm ngắm Ngài, vì Chúa Giêsu đang muốn ‘thả tôi nằm nghỉ!’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, đừng để sự hấp tấp chiếm lĩnh trái tim con; nhờ đó, con mới có thể lay động được các tâm hồn, để ý đến những vết thương và cả những nhu cầu của họ!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)