Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Trở nên mục tử như Giê-su

 

 

TRỞ NÊN MỤC TỬ NHƯ GIÊ-SU

(Suy niệm Chúa nhật 16 thường niên B)

 

Câu chuyện nhân văn

 

Vận động viên chạy bộ Abel Mutai người Kenya chỉ còn cách vạch đích vài mét thôi, nhưng anh ta bị rối bởi các bảng chỉ dẫn và dừng lại vì nghĩ rằng anh ta đã hoàn thành cuộc đua. Vận động viên Ivan Fernandez người Tây Ban Nha chạy ngay phía sau anh ta, nhận thấy điều đó và đã hét lên để vận động viên Kenya chạy tiếp. Nhưng anh Mutai không biết tiếng Tây Ban Nha và đã không hiểu. Nhận ra điều đó, anh Fernandez đã đẩy Mutai về đích chiến thắng.

 

Một nhà báo đã phỏng vấn Ivan: "Tại sao anh lại làm thế?". Ivan trả lời: "Tôi luôn ao ước một ngày nào đó chúng ta sẽ có 1 cộng đồng sinh sống mà chúng ta giúp đỡ nhau chiến thắng." Nhà báo cứ tiếp tục hỏi: "Nhưng tại sao anh lại để anh ta chiến thắng?". Ivan trả lời: "Tôi không có để anh ấy thắng, thực sự anh ta sẽ chiến thắng. Cuộc đua đã là của anh ấy rồi." Người phóng viên cứ khăng khăng: "Nhưng lẽ ra anh đã có thể thắng rồi!". Ivan nhìn người phóng viên và trả lời: " Vậy chiến thắng đó có ý nghĩa gì nữa? Còn gì là danh dự của chiếc huy chương? Mẹ của tôi sẽ nghĩ sao? Những giá trị này được truyền từ đời này sang đời khác. Chúng ta dạy con mình những giá trị gì? Và bạn muốn khích lệ người khác đạt được gì? Hầu hết chúng ta thường lợi dụng điểm yếu của người khác thay vì giúp đỡ họ khắc phục các điểm yếu đó."

 

Có thể nói ngay rằng ai trong chúng ta ít nhất đã một lần lơ đãng hay vô tâm trước trách nhiệm được trao phó hoặc trước nhiều hoàn cảnh khổ đau. Nhìn lại mình, soi lại mình dựa trên phần phụng vụ Chúa của Chúa nhật 16 thường niên hôm nay, chúng ta được mời gọi nhìn vào gương yêu thương và quan tâm của Giê-su Ki-tô để phần nào chúng ta quyết tâm từ bỏ bớt phần ích kỷ, phần vô tâm, vô cảm, phần thiếu trách nhiệm nhưng biết chăm sóc, cảm thông, chạnh lòng thương, quan tâm và để ý đến tha nhân, nhất là những người bất hạnh, khó nghèo, già cả neo đơn.

 

Đó cũng là lời nhắc nhở rất nhẹ nhàng nhưng không thiếu phần trách móc đối với những người có trách nhiệm đứng đầu để lãnh đạo: có thể đó là cha mẹ đối với con cái, là anh chị đối với các em, có thể là thầy cô đối với học trò, có thể linh mục đối với giáo dân, có thể vợ chồng đối với nhau, cấp trên đối với cấp dưới,… “Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác -sấm ngôn của Đức Chúa-. Vì thế, Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en, phán như sau để lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta: chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác ; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng.” (Gr 23, 1-2).

 

Tự sức con người chúng ta không thể tự mình hoàn thiện, tự mình trở nên tốt lành thánh thiện, trở nên biết yêu thương và hy sinh phục vụ anh chị em nếu trước đó chúng ta không có một vị làm gương, làm mẫu?! Vị đó chính là Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người, Người bởi Thiên Chúa mà ra, mà Thiên Chúa là Tình yêu. Ngài thật xứng đáng là Đấng ba lần Thánh. Mà vì xuất phát từ Thiên Chúa là Tình yêu, nên Đức Giê-su không thể không yêu như Chúa Cha. Ngài ở đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó. Hôm nay đứng trước đám đông không người chăn dắt, Ngài đã chạnh lòng thương đến họ và dạy dỗ họ nhiều điều. Chúa Giê-su không chỉ dạy bằng Lời Ngài, Lời đem lại sự sống đời đời, mà Ngài còn làm phép lại hóa bánh ra nhiều để mọi người được ăn no nê. Đây cũng là dấu chỉ sau này là Ngài sẽ không chỉ ban Lời mà Ngài còn ban chính Thịt và Máu Ngài để muôn người được ơn cứu độ.

 

Khi chúng ta đón nhận từ hư không của Chúa, chúng ta cũng được mời gọi phải trao ban cho tha nhân cũng từ hư không như thế. Đúng là hòn đá ném đi thì hòn chì phải ném lại. Chúng ta nhận để chúng ta trao. Nhận mà trao thì được ví như nguồn nước trong xanh của Biển hồ Galile. Ngược lại, nếu chỉ biết nhận mà không biết cho, được yêu mà không yêu ai bao giờ, được quan tâm  mà lại vô tâm vô cảm thì không khác gì hình ảnh Biển Chết. Nó chỉ tù đọng và chất chứa ‘cái mùi hôi thối’ và chẳng có được niềm vui cũng như bình an của Chúa bao giờ.

 

Quả thật, Chúa chạnh lòng thương đối với dân người, đối với chúng ta, chúng ta cũng được mời gọi biết nhạy bén trước mọi vấn đề, mọi hoàn cảnh, nhất là những ai đang đau khổ và bệnh hoạn tật nguyền. Việc truyền giáo nằm ở chỗ là chúng ta biết sống yêu thương, sống quảng đại, sống quan tâm và hy sinh phục vụ. Là con cái của Thiên Chúa, là người em của Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta không thể ngồi yên đó mà nguyền rủa bóng đêm nhưng hãy thắp lên ngọn lửa yêu thương, dấn thân và sẵn sàng đến lên đường đến với mọi người trong mọi nơi và mọi lúc.

 

Tôi có chạnh lòng thương với người trong gia đình không? Tôi có thật sự quan tâm và săn sóc cách ân cần đối với các thành viên thuộc quyền quản lý của tôi không? Tôi có nhận ra được trách nhiệm của bản thân để quyết tâm hơn hôm nay là sống tốt với mọi người hằng ngày không? Tôi đang ở trong tình trạng nào đây: khô khan, chán chường, thất vọng và vô trách nhiệm không? Tôi có muốn nên giống Đức Giê-su, Thiên Chúa hữu hình ở với tôi mọi ngày cho đến tận thế không? Đức Giê-su có thật sự là nguồn bình an và sức mạnh của tôi hay không? Giờ tôi phải cố gắng lên thôi để niềm vui của tôi được trọn vẹn vì có Chúa ở cùng tôi.