Các nhà tổ chức Thế vận hội không biết xấu hổ
Xin lỗi, nhưng không thật xin lỗi:
Các nhà tổ chức Thế vận hội không biết xấu hổ
Lưu ý từ nhà xuất bản: Khi những người tổ chức Olympic và những người khác bên cánh tả sử dụng thuật ngữ “bao gồm”, họ có ý muốn ưu tiên những người coi thường Kitô giáo.
Các đoàn vận động viên đến Trocadero khi khán giả theo dõi ca sĩ người Pháp Philippe Katerine biểu diễn trên màn hình khổng lồ trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Paris 2024 tại Paris vào ngày 26 tháng 7 năm 2024, với Tháp Eiffel được nhìn thấy ở phía sau. (ảnh: Ludovic Marin / Getty)
Mấu chốt cho việc “xin lỗi” mà không phải thực sự xin lỗi là sử dụng từ nếu, như trong câu “Nếu tôi đã xúc phạm đến bạn, tôi thực sự xin lỗi”.
Hầu hết chúng ta đều có kinh nghiệm trực tiếp với kiểu nói này - ở cả hai phía người xin lỗi và người được xin lỗi. Việc xin lỗi như vậy có tỷ lệ thất bại là 100%. Hơn nữa, nó thường khiến bên bị xúc phạm cảm thấy bị tổn thương nhiều hơn.
Bằng chứng là tuyên bố của Anne Descamps, người phát ngôn của Thế vận hội, đưa ra vào cuối tuần rồi trước làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới về sự chế giễu trắng trợn Bữa Tiệc Ly trong lễ khai mạc Thế vận hội Paris với chủ đề nữ hoàng sắc đẹp vào ngày 26 tháng 7.
Anne Descamps nói: “Rõ ràng là chúng tôi chưa bao giờ có ý định thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với bất kỳ nhóm tôn giáo nào”, và tất nhiên là bà cũng nói thêm: “Nếu mọi người cảm thấy bị xúc phạm, chúng tôi thực sự xin lỗi”.
Diễn dịch: Chúng tôi chỉ tiếc rằng có quá nhiều Kitô hữu quá lạc hậu nên không thể hiểu được thiên tài nghệ thuật trong những gì chúng tôi đã làm.
Có nhiều chủ đề hiện diện trong các trình thuật Tin Mừng về Bữa Tiệc Ly. Một trong số các chủ đề là sự phản bội. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy chính xác sự phản bội đó khi chúng ta chứng kiến một điều thánh thiêng đối với những Kitô hữu - đặc biệt là những tín hữu Công giáo, rằng đức tin và lòng tôn kính của chúng ta đối với Bí tích Thánh Thể bị phỉ báng ở một quốc gia theo truyền thống Công giáo như Pháp, nơi từng là Trưởng nữ của Giáo hội và quê hương của Thánh Têrêsa, Thánh Jeanne d’Arc và các Nữ tu Dòng Tiểu Muội Khó Nghèo.
Có điều gì đó mang tính chất ma quỷ không thể phủ nhận trong những gì chúng ta chứng kiến. Ma quỷ, như chúng ta biết, sử dụng sự bắt chước để chế giễu Chúa. Chúng ta đã nếm trải cảm giác khó chịu đó khi Sân vận động bóng chày Dodgers ở Los Angeles vinh danh drag queen - những diễn viên, thường là nam giới, nhưng lại có phong cách ăn mặc như nữ giới, với lối trang điểm dày, đậm, là “Sisters of Perpetual Indulgence – Những Chị em Khoan dung Luôn mãi” vào năm ngoái. Lễ khai mạc Olympic 2024 đã làm cho vụ bê bối đó tăng lên gấp 50 lần.
Chúng ta phản ứng thế nào?
Trước tiên, chúng ta cần phải thức tỉnh. Khi những người tổ chức Olympic và những người khác bên cánh tả “tôn vinh sự bao hàm”, họ không có ý định dùng thuật ngữ đó theo cách mà tự điển Webster định nghĩa. Thay vào đó, mục đích của họ là thúc đẩy quan điểm và chương trình hành động của tất cả những ai không phải là Kitô giáo truyền thống. Hay nói một cách chính xác hơn là họ ưu tiên và ca ngợi những người coi thường các giá trị Kitô giáo truyền thống đó.
Thứ hai, có người nào mà bạn quen biết lại cho rằng người ấy, dù là người Công giáo, vẫn không cảm thấy bị xúc phạm bởi sự chế giễu Bữa Tiệc Ly không? Nếu vậy, bạn cần phải làm rõ chuyện đó với người ấy.
Thật đáng buồn, quá nhiều người Công giáo đã mất đi cảm giác về sự thánh thiêng, đặc biệt là về Thánh lễ và Sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô. Đó là mục đích của Phong trào Phục hưng Thánh thể Quốc gia, để kêu gọi chúng ta trở lại với tinh thần biết ơn khiêm nhường và kính sợ trước sự hy sinh bền bỉ của Chúa Giêsu. Chúng ta đã thấy thành quả của nỗ lực này được thể hiện bằng những cách tuyệt vời tại Đại hội Thánh thể Quốc gia ở Indianapolis, đặc biệt là cuộc rước kiệu kỷ lục ở trung tâm thành phố, nơi mọi người đều được tiếp đón để tôn vinh Chúa chúng ta - một sự tuôn trào lòng sùng kính mà chúng ta sẽ thấy lại vào tháng 9 tại Đại hội Thánh thể Quốc tế ở Ecuador. Bây giờ là lúc đưa lòng sùng kính được khơi dậy này vào hành động.
Thời điểm xảy ra vụ phẫn nộ ở Paris, diễn ra ngay sau Đại hội Thánh Thể ở Indianapolis, không phải là ngẫu nhiên, và việc đó xảy ra vào đúng tuần lễ khi các bài đọc Tin mừng trong Thánh lễ bắt đầu tập trung vào chủ đề Bánh Sự Sống của Chúa Giêsu.
Chúng ta nên noi theo tấm gương đáng hoan nghênh của rất nhiều nhà lãnh đạo Giáo hội của chúng ta, đang lên tiếng phản đối những gì đã xảy ra tại Thế vận hội và yêu cầu một lời xin lỗi chân thành từ những người chịu trách nhiệm. Quá đủ rồi với kiểu nói “nếu mọi người cảm thấy bị xúc phạm”. Những gì họ đã làm là xúc phạm. Một lời xin lỗi chân thành phải thừa nhận sự xúc phạm đó.
Thứ ba, chúng ta nên đền bù cho Chúa chúng ta. Tìm cách nào đó để an ủi trái tim bị tổn thương của Ngài. Một gợi ý: Hãy dành thời gian đến thăm Chúa Kitô trong nhà tạm và đọc và suy ngẫm Tin Mừng theo Thánh Gioan chương 6 khi bạn ở đó. Hãy cầu nguyện cho những người đã tham gia sự kiện Paris, cho những người đã cho phép sự kiện đó diễn ra và cho những người đã im lặng trước sự phạm thánh như vậy.
Cuối cùng, đừng nghĩ rằng chuyện này chỉ liên quan đến nước Pháp. Một thế giới quan thế tục, phản Kitô giáo cực đoan mà chúng ta thấy đã thể hiện tại lễ khai mạc cũng đang lây nhiễm cho toàn bộ châu Âu và đất nước chúng ta.
Và hãy chuẩn bị tinh thần: Thế vận hội mùa hè tiếp theo sẽ diễn ra tại Los Angeles.
Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Tác giả: Michael Warsaw, 31 tháng 7 năm 2024
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.
- Tổng Hơp: