Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Kéo xuống lòng thương xót - Quà tặng năng quyền

Tác giả: 
Lm Minh Anh

KÉO XUỐNG LÒNG THƯƠNG XÓT

“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật!”.

 

“Khiêm nhượng là tĩnh lặng hoàn hảo của con tim; là ngôi nhà phước huệ, nơi tôi có thể đi vào, đóng cửa và quỳ lạy Cha tôi. Linh hồn tôi bình an như biển sâu êm đềm khi bên trên là bão tố; ở đó, khiêm nhượng sẽ kéo xuống lòng thương xót!” - Andrew Murray.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Nơi “ngôi nhà phước huệ Giêsu”, người mẹ khốn khổ của Tin Mừng hôm nay “đã đi vào, đóng cửa và quỳ lạy”. Phép lạ đã xảy ra! Tâm hồn cô “như biển sâu êm đềm khi bên trên là bão tố”. Vì lẽ, lòng khiêm nhượng và niềm tin của cô đã ‘kéo xuống lòng thương xót!’.

 

“Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con!”. Có thực Chúa Giêsu ngụ ý việc cứu giúp người mẹ này tựa hồ việc ném thức ăn cho những con vật? Nhìn bên ngoài, có thể ‘có’; nhưng tận thâm tâm, Chúa Giêsu không nghĩ như thế. Chẳng có gì xúc phạm ở đây! Điều Ngài nói là sự thật và không thô lậu dưới bất cứ hình thức nào. Về căn bản, Ngài muốn nói, cô không xứng đáng với ân huệ này. Dẫu đây là một cách nói gây sốc, nhưng bằng cách này - lần đầu tiên - Chúa Giêsu cho biết một sự thật về tình trạng tội lỗi và bất xứng của bất cứ ai trước bất cứ ân huệ nào của Thiên Chúa. Và người phụ nữ này, đại diện cho cả nhân loại, xác nhận sự thật về sự bất xứng này!

 

Thứ hai, câu trả lời ‘muối mặt’ của Chúa Giêsu cho phép người phụ nữ này phản ứng với sự khiêm tốn và niềm tin đến mức tột đỉnh. Nó thể hiện ở chỗ, cô không phủ nhận việc mình ‘được’ sánh với một con vật dưới gầm bàn; thay vào đó, cô khiêm tốn chỉ ra rằng, cả những cún con cũng được phép nhặt những đồ thừa. Ôi khiêm nhường! Và Chúa Giêsu hẳn đã biết sự khiêm nhượng của cô lớn như thế nào, nó sẽ toả sáng làm sao cùng với niềm tin cô bày tỏ. Cô không bị xúc phạm bởi sự thật về sự bất xứng của mình nhưng cô đón nhận nó và tìm kiếm lòng thương xót Chúa bất chấp mọi sự.

 

Khiêm nhường có khả năng giải phóng đức tin, đức tin có khả năng giải phóng lòng thương xót và - hơn thế nữa - mở ra quyền năng của Thiên Chúa. Bài đọc Giêrêmia cho thấy điều tương tự. Chính đức tin và lòng khiêm nhượng của dân Chúa đã khiến họ nhìn nhận sự bất trung của mình; họ kêu cầu Ngài, và Ngài xót thương, “Ta vẫn dành cho ngươi lòng thương xót!”. Họ đã cảm nhận lòng nhân ái của Ngài, “Chúa canh giữ chúng ta như mục tử canh giữ đàn chiên!” - Thánh Vịnh đáp ca.

 

Anh Chị em,

“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật!”. Mỗi người chúng ta đều có câu chuyện của riêng mình và không phải lúc nào cũng là một câu chuyện “có thể xuất bản”, không phải lúc nào cũng là một câu chuyện trong sạch… Nhiều lần đó là một câu chuyện khó khăn với nhiều khổ đau, nhiều bất hạnh và nhiều tội lỗi. Tôi phải làm gì với câu chuyện của mình? Giấu nó? Không! Tôi phải mang nó đến trước Chúa Giêsu, “Lạy Chúa, xin dủ lòng thương con!”. Đây là điều mà người mẹ tuyệt vời này dạy chúng ta! Hãy can đảm mang câu chuyện đau thương của riêng mình đến trước Chúa Giêsu - dẫu luôn luôn có những điều xấu xí trong đó - chạm đến sự dịu dàng của Ngài. Hãy khiêm nhượng và tin tưởng, bạn và tôi cũng sẽ ‘kéo xuống lòng thương xót’ Chúa!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con can đảm đi vào ngôi nhà phước huệ Giêsu mỗi ngày, đóng cửa và quỳ lạy, để tâm hồn con rồi sẽ bình an như biển sâu êm đềm khi bên trên là bão tố!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

 

QUÀ TẶNG NĂNG QUYỀN

“Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời!”.

“Chìa khoá cuối cùng trong chùm chìa khoá thường mở được ổ khoá!” - Paul Dickson.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay không nói đến chìa khoá cuối cùng mở được ổ khoá, nhưng nói đến chìa khoá đầu tiên mở được Nước Trời, một ‘quà tặng năng quyền’ đáng kinh ngạc mà Chúa Giêsu trao cho Phêrô, “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời!”.

Chúa Giêsu nói rất rõ, “Dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng ràng buộc” và ngược lại! Đây không phải là một quà tặng bình thường, nhưng là một cam kết ‘theo nghĩa đen’ giữa Chúa Giêsu và Phêrô - Giáo Hoàng tiên khởi. Thoạt đầu, hẳn Phêrô không hiểu hết ý nghĩa của món quà vô giá này, nhưng khi Giáo Hội bắt đầu vào những năm đầu tiên, các tông đồ và Phêrô sẽ được Chúa Thánh Thần nhắc nhở rằng, Chúa Giêsu đã nói điều đó. Để rồi, với thời gian, các ngài hiểu rõ ý nghĩa của nó hơn. Thẩm quyền này được áp dụng lần đầu tiên rõ nét nhất tại Công Đồng Giêrusalem khi trong Giáo Hội có sự bất đồng về việc cắt bì. Sau nhiều cuộc tranh luận, Phêrô đứng lên, tuyên bố với thẩm quyền của mình và những người khác vâng theo. Vấn đề được giải quyết.

 

Từ đó, các tông đồ tiếp tục công việc giảng dạy, chăn dắt và thánh hoá. Phêrô, cuối cùng, đã đến Rôma để rao giảng và trở thành Giám mục đầu tiên ở đây. Tại Rôma, Phêrô đã chết và những người kế vị ngài đã thừa kế món quà đáng kinh ngạc này. Bởi lẽ, Chúa Giêsu không có ý định giới hạn ‘quà tặng năng quyền’ này chỉ khi Phêrô còn sống nhưng nó được truyền lại cho tất cả những người kế vị Phêrô là các Giám mục Rôma. Đó là lý do tại sao Giáo Hội Chúa Kitô là Giáo Hội Công Giáo Rôma. Thật thú vị, nếu Phêrô đã đến Malta, hoặc Giêrusalem, hoặc Châu Á thì ngày nay rất có thể sẽ có một tên gọi khác như Giáo Hội Malta, Giêrusalem hoặc Giáo Hội Công Giáo Châu Á. Vì thế, Giáo Hội Chúa Kitô là Giáo Hội Công Giáo Rôma, nơi Phêrô đã đến, cũng là nơi đặt ngai toà của ngài.

 

Qua nhiều thế kỷ, năng quyền tối cao của quà tặng này được định nghĩa và chúng ta hiểu được ý nghĩa của nó. Điều đó có nghĩa là Phêrô và tất cả các đấng kế vị được ‘toàn quyền và tức thì’ để giảng dạy một cách dứt khoát về đức tin và luân lý cũng như cai quản, hoặc chăn dắt, theo tâm trí và ý muốn của Chúa Kitô. Vì vậy, nếu Giáo Hoàng nói một điều gì đó là đúng về đức tin hoặc luân lý thì - khá thẳng thắn - đó là sự thật. Và nếu Giáo Hoàng đưa ra một quyết định về việc quản trị Giáo Hội thì - khá đơn giản - đó là điều Chúa Kitô muốn thực hiện. Nó đơn giản đến như vậy!

 

Anh Chị em,

“Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời!”. Lời Chúa mời gọi chúng ta sống trong tâm tình tạ ơn và yêu mến khi đón nhận những giáo huấn của Mẹ Hội Thánh; đồng thời, cầu nguyện cách riêng cho Đức Thánh Cha, người đón nhận trực tiếp ‘quà tặng năng quyền’ của Chúa Kitô. Bởi lẽ, quà tặng yêu thương này - liên quan đến việc giảng dạy về đức tin và luân lý cho dân Chúa, cho chúng ta - được gọi là “không thể sai lầm” của đấng kế vị Phêrô. Hãy yêu mến Đức Thánh Cha, cầu nguyện cho Ngài, và nhất là lắng nghe ngài!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thật dễ dàng để con tiếp cận những giáo huấn của Mẹ Hội Thánh, đừng để con sử dụng các phương tiện để đọc và nghe những gì nhảm nhí, vô bổ!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)