Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thánh Thể, sự cao cả cho một tình yêu

 

 

THÁNH THỂ - SỰ CAO CẢ CỦA MỘT TÌNH YÊU

 

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN NĂM B

 

Nói đến máu thịt là nói đến điều thâm sâu nhất, quý giá nhất, cao cả nhất nơi một con người. Chúng ta không thể tự hình thành máu thịt của mình. Chúng ta cũng không có quyền buộc ai khác cho mình chính máu thịt của họ. Ngay cả cha mẹ, dù sinh ra chúng ta, cũng không thể khiến thân thể, thịt, máu ta theo hình dạng mà họ mong muốn.

 

Chỉ có Thiên Chúa làm nên và trao ban thân xác, từng giọt máu, từng thớ thịt trên cơ thể mỗi người. Do đó máu thịt là quý giá, là chất thể cao trọng, là hồng phúc lớn lao mà Thiên Chúa tặng ban cho từng con người.

 

Người Do thái, từ ngàn xưa, đã xem máu là sự sống. Họ luôn tin, máu thuộc chủ quyền của Thiên Chúa, không ai được phép ăn máu. Ai đụng đến máu đều bị xem là lỗi pháp luật.

 

Khi Chúa Giêsu tuyên phán: "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy", trước tiên, Chúa Giêsu cho thấy, Thiên Chúa trao ban cho chúng ta điều cao quý trên mọi điều cao quý. Đó chính là thịt máu của Chúa Giêsu chứ không cái gì khác bên ngoài thân thể Chúa.

 

Máu thịt con người, tự bản chất đã là điều cao trọng. Nhưng lãnh nhận Chúa Giêsu là lãnh nhận chính thịt máu của Con Thiên Chúa, là lãnh nhận chính Đấng là Thiên Chúa làm người. Đó là thực tại cao cả trên mọi điều cao cả. Đó là danh dự vô cùng của cả loài người chúng ta. Đó là tình yêu không thể kể xiết được ban tặng cho chúng ta từ chính sự rộng lòng vô biên của Thiên Chúa. Đó là vinh quang cả thể mà loài thụ tạo như chúng ta lại có thể có được.

 

Bài đọc I, sách Châm ngôn mời gọi: "Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế". Theo lời sách Châm ngôn, bánh và rượu đây là Đức Khôn ngoan. Đức Khôn ngoan được "thiên cách hóa" như chính Thiên Chúa: "Đừng ngây thơ dại ngờ nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết".

 

Tuy nhiên, sách Châm ngôn vẫn chưa làm sáng tỏ hình tượng bánh rượu. Ta không thể hiểu "bánh của ta" hay "rượu do ta pha chế" là bánh và rượu gì? Bánh và rượu ấy ra sao?

 

Tin Mừng thánh Gioan chương 6 cho thấy Chúa Giêsu Kitô chính là Đức Khôn Ngoan Nhập Thể, là chính Bánh Hằng Sống, Bánh Ban Sự Sống: "Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời".

 

Chúa Giêsu còn khẳng định và giải thích:

 

- "Bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".

- "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết".

- "Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống".

- "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy".

 

- Chúa còn nhắc lại manna để cho thấy tầm quan trọng vô cùng của thịt và máu Chúa: "Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống muôn đời".

 

Khi ban thịt máu mình, Chúa Giêsu chấp nhận chịu đau đớn, chịu khổ hình và đi vào cõi chết để rồi phục sinh vì ta. Chúa cho thấy, Chúa yêu chúng ta hơn cả mạng sống của Chúa, như có lần chính Chúa dạy: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình".

 

Mạng sống vô giá, là điều thiêng liêng phải trân phải quý. Nhưng Chúa yêu ta hơn mạng sống của mình. Đối với Chúa Giêsu, từng người chúng ta là sự thân thiết vô cùng. Chúa hủy mình trở nên lương thực cho linh hồn ta, nghĩa là Chúa muốn ta rước lấy Chúa để mãi mãi trở nên thânh thiết với Chúa, nên một với Chúa, nên vẹn toàn và thánh thiện như Chúa.

 

Thánh Thể là sáng kiến của tình yêu lớn lao đến từ Thiên Chúa. "Thiên Chúa đã yêu thế gian nỗi ban chính Con Một" (Ga 3, 16) là chính Chúa Giêsu cho chúng ta. Người Con ấy lại cũng yêu chúng ta khôn lường, yêu đến cùng, yêu đến hy sinh thân mình. Trong tình yêu vô cùng ấy, nhờ bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu mãi mãi ở lại trong ta, kết hợp cùng ta, nên một với ta.

 

Chúng ta phải làm gì để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu? Thánh Phaolô trong bài đọc 2 khuyên các tín hữu: "Hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự, nhân danh Ðức Giêsu Kitô". Đồng thời hãy khôn ngoan "biết lợi dụng thời giờ"; "chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa"; "chớ say sưa rượu chè, vì rượu sinh ra dâm dục, nhưng hãy tiếp nhận dồi dào Chúa Thánh Thần...".

 

Vậy mỗi khi tham dự Thánh lễ hãy tham dự tích cực, trọn vẹn. Hãy chuẩn bị tâm hồn chu đáo để thoát khỏi tội lỗi mà đón Chúa Giêsu trong linh hồn. Hãy đến trước Nhà tạm khi có thể để cầu nguyện, chuyện trò với Chúa Giêsu. Chính khi thinh lặng nơi Nhà tạm, chúng ta sẽ được Chúa dẫn dắt, soi sáng và ban ơn để ta sống trọn vẹn với cả cuộc đời mình, sự sống mình cho Thiên Chúa và cho chính Chúa Giêsu.

 

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG