Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Dàn xe lăn "chính chủ"

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

DÀN XE LĂN “CHÍNH CHỦ” ...

 

           Nếu như còn trẻ, người ta muốn đi đâu người ta tự đi nhưng đến khi về già như Chúa nói với Thánh Phêrô là người ta sẽ dẫn anh đi ...

 

           Cũng thế, nhiều cha thầy khi còn trẻ thì tự tay mình lái xe để đến những nơi cần đến, đi những nơi cần đi nhưng khi về già thì dù muốn dù không cũng tự động có xe lăn “chính chủ” thuộc sở hữu của mình. Với những chiếc xe lăn này, dù “chính chủ” nhưng chủ cũng chẳng còn hơi sức để mà lái mà cần phải có “tài xế riêng”.

 

           Xem vậy chứ lái xe lăn cũng là nghệ thuật chứ không phải là chuyện đùa đâu. Nếu như xe lăn xuống dốc mà đi 2 bánh nhỏ trước thì cả xe lẫn người đều ngã đổ. Kinh nghiệm của một thời đó là phải quay xe lại và lấy sức để cho 2 bánh lớn xuống trước và 2 bánh nhỏ xuống sau. Không có kinh nghiệm lái xe lăn cũng là vấn đề lớn cho việc chăm người cao tuổi.

 

           Đàng sau cánh cổng của “nhà cao cửa rộng” thì lại có cánh cửa hẹp hơn. Cánh cửa hẹp hơn đó là nơi nương náu của những bậc cha anh một thời “phiêu bạt”.

 

           Thật thế, sau thời gian “phiêu bạt” với anh chị em nghèo khổ tất bạt với sứ mạng của Nhà Dòng thì các cha các thầy về với cõi lặng để kết hiệp mật thiết hơn với Chúa. Thời gian này là thời gian đúng nghĩa để sống hạnh phúc với Chúa của những sĩ tử đã một thời vì sứ vụ.

 

           Tối, đi một vòng ở nơi các đấng các bậc đó không khỏi chạnh lòng với dàn xe “chính chủ”.

 

           Nếu như trước đây vì sứ vụ thì các cụ có xe này xe kia để phục vụ mình trên những nẻo đường thì ngày hôm nay, ở một cõi riêng tư này các cụ dù muốn dù không đều “sở hữu” cho mình 1 xe chính chủ 4 bánh hẳn hoi. Nhìn dãy hành lang với những chiếc xe “chính chủ” thấy mà thương quá ! Phận người là như thế thôi chứ không thể nào tránh khỏi.

 

           Trong những căn phòng với những chiếc xe “chính chủ” đó là những vị mà ngày xưa có thể nói là vang bóng một thời. Có vị dường như có mặt ở nhiều nơi để loan báo Tin Mừng. Thế nhưng rồi giới hạn của con người nên dù muốn dù không cũng đành chịu thế.

 

           Dẫu đời là như thế nhưng ở nơi “một cõi riêng tư” này được Nhà Dòng chăm sóc thật chu đáo. Nói đúng ra thì có ở với gia đình khi về già đi chăng nữa thì cũng chả bao giờ được như thế này như các cụ.

 

           Một thời nhớ lại, có những gia đình ban đầu khi tiễn người thân vào “cõi riêng tư” này như tiếc nuối rằng không chăm được theo ý. Nhưng không, có thể chăm tốt ở 1 khoản thời gian nào đó vì lẽ ai ai cũng có công việc riêng của mỗi người cũng như không thể nào toàn tâm toàn ý lo cho cha cụ nhà mình được

 

           Về thăm nhà, có người hỏi sau này cha về hưu thì cha có về nhà để ở không ? Bà chị thoái thác ngay : “Ổng đi tu ổng quen ở với anh em chứ về nhà chán lắm ! Ổng có là có về thăm nhà thôi chứ bảo ở nhà thi không đâu !”

 

           Mà cũng đúng thôi ! Đã tu rồi thì gia đình cũng chỉ là nơi để về trong thoáng chốc để nhìn cha mẹ, người thân thôi. Làm sao mà gia đình có thể quản được nổi người thân của mình dù thương yêu đến mấy.

 

           Nhìn những chiếc xe lăn “chính chủ” dựng trước các cửa phòng thấy chạnh lòng cho đời của con người. Không thể nào tránh khỏi chiếc xe lăn trước khi được đưa đến nơi không còn than khóc hay nỉ non nữa.

 

           Nhà Dòng cũng hay lắm ! Chả biết có phải ý Chúa hay không nhưng hiện tại thì cái nơi tĩnh dưỡng nó nằm gần cái nơi an dưỡng để chờ ngày phục sinh với Chúa.

 

           Ngày ngày, những chiếc xe lăn “chính chủ” này được các “tài xế riêng” đẩy vòng quanh sân Nhà Dòng, ra Nhà Thờ ra với Núi Đức Mẹ, Đài Lòng Chúa Thương Xót, Thánh Giêrađô ... rồi quanh quẩn trước tượng Mẹ sầu bi để cùng tưởng nhớ những anh em đã đi trước mình và rồi mình ngày nào đó cũng về đó.

 

           Thân phận con người là như vậy đó. Ai cũng một thời trẻ trai ! Ai cũng một thời oanh nhưng rồi cũng sẽ đến thời liệt.

 

           Cha bạn chia sẻ : “Ít năm nữa là anh xin nghỉ hưu !”. Nghe nói thế và đùa lại : “Chắc gì được đến tuổi hưu không ? Cuộc đời mong manh lắm nhé ! Chả biết ngày nào tai biến đâu để đừng mong đến ngày hưu”.

 

           Thật thế, phận con người mong manh và chả biết ngày nào là ngày cuối. Được như các cha già sau thời “chinh chiến” về ở với nhau ở cái cõi riêng tư này cũng là điều hay. Tại nơi đây, các đấng các bậc nhìn lại đời mình để tạ ơn Chúa với biết bao nhiêu hồng ân và dùng thời gian này kết hiệp mật thiết với Chúa hơn.

 

           Nhìn dãy phòng với những chiếc xe lăn “chính chủ” nhắc nhớ mình rằng một ngày nào đó mình cũng vậy thôi. Hơn thua tranh giành nhau chi mệt. Cứ bình tĩnh sống vì khi còn khỏe không có xe 4 bánh nhưng về già sẽ có xe 4 bánh luôn luôn kề bên cạnh.

 

Lm. Anmai, CSsR